Sau giấc mơ em còn nguyên - Tạp chí Đẹp

Sau giấc mơ em còn nguyên

Review

Ở Sài Gòn, tôi có gặp NSƯT Thành Lộc đúng những ngày sân khấu phía Bắc đang trong cơn hưng phấn do Liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ mang lại. Tôi có nói với anh về cảm giác xúc động khi đứng trong một sàn diễn đầy chật khán giả (mà lâu lắm chúng tôi không được gặp), Thành Lộc chỉ hỏi đúng hai câu: “Có khán giả trẻ không? Diễn có bán vé không?”. Tôi lặng đi, bởi đó là hai câu hỏi quan trọng nhất, đơn giản nhưng bản chất nhất về lẽ tồn tại trong thị trường nghệ thuật. Thành Lộc tỉnh táo như vậy, bởi anh là người đầu tiên thực hiện xã hội hóa sân khấu, con đường 15 năm của Idecaf có lẽ đi theo sợi chỉ đỏ đơn giản duy nhất: phải có khán giả mua vé, nếu không sẽ là cái chết! 

Vở “Lời thề thứ 9” 

Hồi sinh bằng phương thuốc nào?

Vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ (Nhà hát Tuổi Trẻ dựng) ở Cung Hữu nghị Hà Nội diễn một đêm duy nhất (25/8). Khán phòng hơn 1.000 ghế gần như không còn chỗ trống, khán giả phân loại khá rành mạch: giới văn nghệ sĩ và cánh báo chí (phải đến nửa rạp), bạn bè và thân quyến của gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, số còn lại là những người lớn tuổi muốn sống lại ký ức những ngày tháng cũ của mình. Đêm diễn rất thành công, cảm xúc của nghệ sĩ và khán giả đều đầy tràn, sự xúc động còn lan tỏa trong chất vấn tự thân mơ hồ của nhiều người: “Sao lâu nay mình có thể bỏ quên thói quen đến sân khấu?”.

Đứng ngoài không gian lung linh của hồi tưởng ấy, có thể sòng phẳng đặt câu hỏi: nếu nhà tổ chức của đêm diễn không phải là Đông Đô Show của Oanh “Xiếc” – người đàn bà bán vé giỏi nhất Hà Nội; nếu buổi diễn không phải đêm duy nhất để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của hai nhà thơ, để bạn bè, người thân và công chúng hâm mộ đến cùng thắp nén tâm nhang cho anh chị – thì liệu có một rạp hát kín ghế như thế không? Câu trả lời là Không! Vở “Lời thề thứ 9” được Nhà hát Tuổi Trẻ dựng từ 2012, diễn ở rạp chính Ngô Thì Nhậm, NSƯT Chí Trung, ông bầu của vở diễn đã làm mọi cách để bán vé: đi chào hàng diễn hợp đồng với các cơ quan đơn vị, bán trên facebook và giảm giá 50% cho thành viên CLB Khán giả Sân khấu, mua vé xem hài kịch được tặng kèm vé xem chính kịch Lưu Quang Vũ… Đoàn cũng nỗ lực đi tour các rạp nhỏ quanh Hà Nội, vào tận Đà Nẵng – nhưng vở diễn danh tiếng vẫn đành đoạn trong tình thế im ắng, hầu như không ai để ý.

luu quang vu

Vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” 

Trở lại một tuần trong mơ khi sân khấu phía Bắc diễn ra Liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, hàng trăm nghệ sĩ và hàng ngàn khán giả đã được sống trọn vẹn trong không khí cảm động và náo nức như những năm 1980-1990, buổi hoàng kim của kịch Bắc. Phải đến hơn 20 năm rồi, rạp Đại Nam, Công Nhân, Tuổi Trẻ mới lại kín chật người xem, khán giả ngồi tràn xuống cả lối đi, cười khóc theo từng câu thoại của diễn viên trên sân khấu. Giấc mơ rồi cũng kết thúc, nhưng trở lại thực tại người ta vẫn lâng lâng với dư âm đẹp. Không ai cấm một hy vọng thơ ngây được nhen nhóm: biết đâu, cơ hội để hồi sinh sân khấu đã đến?!

Nhưng hồi sinh bằng điều gì, bằng phương thuốc nào – nếu sòng phẳng nhìn vào tài sản đang có của sân khấu phía Bắc ngày hôm nay? Nhớ lần phỏng vấn NSND Doãn Hoàng Giang, tôi có “chất vấn” về chuyện sân khấu chẳng nhìn thấy ai ngoài Doãn Hoàng Giang – Xuân Huyền – Lê Hùng, các ông ngoài 70 mà vẫn ham “ôm” nhiều quá, ai lại kỳ hội diễn nào cũng chỉ quanh quẩn vở và giải thưởng của các ông, thì vị đạo diễn kỳ cựu ấy thở dài mà rằng: “Chúng tôi qua đỉnh dốc rồi, chúng tôi muốn nghỉ, nhưng không có ai để trao cờ. Nếu coi sân khấu như một đường chạy tiếp sức, khi quay lại tôi không thấy ai, không thấy hơi thở nóng nào sau gáy mình! Thử kể tên đạo diễn trẻ để ngấp nghé đứng cạnh mấy ông Giang, Hùng, Huyền đi? Không có ai! Không có đối thủ!”. Đó là khoảng trống có thật về đạo diễn, còn diễn viên thì sao? Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Thế Anh, Hoàng Cúc, Lê Khanh… những tượng đài và chuẩn mực của sân khấu cũng đến lúc hết thời (có người đã khuất bóng).

Tài năng khác biệt như Lê Khanh hay Lan Hương, Thu Hà cũng không thể cố “cưa sừng làm nghé” diễn những vai thanh xuân khi tuổi tác thật ngoài đời không cho phép. Lứa trẻ bây giờ, ai có tí sắc vóc và tài năng đều chọn nghề khác, sân khấu không trả đủ giá cho họ. Mỗi mùa hội diễn (cứ phải kể hội diễn với liên hoan, vì ở đó mới thấy được toàn diện lực lượng sân khấu phía Bắc), chỉ thấy một bi kịch: Không có diễn viên nữ xinh đẹp, không có diễn viên nam cao to. Nhìn lên sân khấu, mỹ nhân với tráng sĩ đều cùn quằn, nhếch nhác – khán giả liệu có muốn đến xem một nàng Kiều xộc xệch hay một Từ Hải dúm dó???

Nhưng thiếu thanh sắc chưa nguy bằng không có tài và không đủ tình yêu, diễn viên đến nhà hát chỉ lớt chớt trà thuốc như một kiểu công chức hành chính, vào vai nhạt nhòa và nông cạn, không có gì thúc bách ở trong tâm cảm nên diễn dễ dàng và trơn tuột. Có vài người nổi lên thì lại là nhờ phim truyền hình, game show, dăm vở hài kiểu “thọc léc”… Chưa kể kịch trường đứt đoạn từ lâu, vở mới thi thoảng lắm mới có, vở cũ thì đã cất kho – diễn viên trẻ đâu có cơ hội để mà tinh thông nghề nghiệp?

mua ha cuoi cung

Vở “Mùa hạ cuối cùng” 

Lưu Quang Vũ có cứu được sân khấu phía Bắc?

Cả thập kỷ nay, rất nhiều dự án lớn nhằm thay máu nền sân khấu phía Bắc đã được đưa ra. Toàn những kế hoạch vĩ mô: sáp nhập và giải thể các nhà hát, xây mới rạp, thành lập Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia… Triển khai kế hoạch nào cũng thấy bung bét trên mặt báo những đấu đá quyền chức và eo sèo tài chính, những chuyện khó tin là có thể xảy ra trong giới nghệ sĩ thuần khiết. Tại Hà Nội có tới 20 đơn vị nghệ thuật cấp Nhà nước (có biên chế đoàn, có nhà hát riêng), nhưng chỉ có Nhà hát Tuổi Trẻ còn đỏ đèn và Nhà hát Múa rối Thăng Long bán được vé cho khách Tây.

Với kinh phí bao cấp mỗi năm từ 5-7 tỷ, hàng năm mỗi nhà hát đủng đỉnh dựng 2-3 vở diễn. Dựng vở chỉ với mục đích để mang đi dự liên hoan – hội diễn, nhằm kiếm huy chương làm “đẹp hồ sơ” cho những dịp nâng hạng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Nên các vở diễn ra đời để ngay sau đó “đắp chiếu” vĩnh viễn cũng không ai xót ruột, nhà hát và nghệ sĩ vẫn được nuôi bằng “tiền chùa”, dù là lay lắt. Những ngôi sao của thời hoàng kim sân khấu bao năm nay đã tắt ánh sáng. Nỗi đau không được khóc cười cùng các nhân vật trên sân khấu, diễn trước những hàng ghế trống khán giả lâu dần cũng thành chai lì, và quen với nó. Nghệ sĩ hài lòng với việc sống bằng những nghề khác ngoài nghề diễn, hàng tháng đến nhà hát lĩnh lương, ngồi uống trà, và chờ đến ngày nhận cuốn sổ hưu. Không có cơn nóng sốt tự day dứt tìm con đường để nuôi được nghề và kéo lại khán giả.

Ngay cả Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị năng động nhất của sân khấu phía Bắc cũng bị trở lực là dư ra khoảng 1/3 quân số không làm được việc gì (là những người đã vào biên chế), nên đành cắn răng “nuôi” họ tiếp cho đến đủ tuổi nghỉ hưu. Những nghệ sĩ “tồn kho” ấy, không phải vì họ thiếu tài năng, mà vì họ ở trong một cơ chế có sức ì quá lớn, thành ra họ bị trì kéo để vuột qua mất thời gian rực rỡ với sân khấu.

hon truong ba da hang thit

Vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Dù sao, trong một tuần diễn ra liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, giới sân khấu và những người quan tâm cũng được tạm quên đi thực tế cay đắng, để bay bổng trong giấc mơ trở lại thời vàng son của chính kịch. Nhưng bây giờ, nếu diễn tiếp 12 vở kịch của Lưu Quang Vũ, có bán vé hẳn hoi – thì giấc mơ đẹp ấy có tiếp tục nữa hay không? Hay nói cách khác, dựng dậy một “huyền thoại” như Lưu Quang Vũ, liệu có cứu được sân khấu phía Bắc? Để các vở diễn thực sống, chỉ có cách duy nhất là bán được vé. Những người đến sân khấu vì kỷ niệm, thì họ chỉ lên tàu một lần – hành trình trở về ký ức nếu trở đi trở lại sẽ mất thiêng liêng. Những người già chờ con cháu đưa đi xem không phải là khách hàng tiềm năng.

Ngày hôm nay, khán giả thành thị tầm trung có thể đặt vé  đi xem show trực tiếp ở Mỹ, ở Singapore, công nghệ biểu diễn mới luôn được các ông bầu không ngại nhập khẩu mang về; cứ cho là loại đi cái bất tận của truyền hình giải trí, thì tháng nào cũng có đủ show từ tối giản đến lộng lẫy hoành tráng… Trên bàn tiệc giải trí quá đỗi sinh động và ê hề ấy, món ăn đơn điệu và úa rũ của sân khấu đương nhiên lạc ra trong bơ vơ tội nghiệp. Lứa công chúng trẻ liệu có muốn vào những rạp hát nhếch nhác, nhìn phục trang diễn viên và bối cảnh sân khấu cũ kỹ, nghe những câu thoại và cách diễn khiên cưỡng như cách đây hơn 20 năm?

Bún riêu pha Beefsteak

Trở lại cuộc nói chuyện với NSƯT Thành Lộc, chúng tôi có dông dài về bí quyết giữ khách của sân khấu. Thành Lộc ví von những vở diễn nhẹ nhàng, dễ cười là bún riêu; những vở kịch chính thống và sâu sắc là món beefsteak trong “nhà hàng” Idecaf của anh: “Một điều mà tôi có thể chia sẻ là tô bún riêu nó nuôi miếng beefsteak. Nhưng bỏ bán steak thì sẽ mất thương hiệu nhà hàng của mình. Nếu món ăn mang ra mời khán giả có một chút mùi bún riêu được hòa trộn khéo léo với vị steak, thì đó là những vở diễn có tuổi thọ lâu dài nhất”.

Sân khấu Sài Gòn có những vở diễn vẫn đỏ đèn suốt hơn 10 năm nay, cho tới giờ các suất diễn vẫn kín chỗ. Không chỉ các câu thoại được sửa cho “đúng điệu” với khung cảnh xã hội đương thời, mà thái độ nói lên câu thoại ấy cũng được người diễn viên cập nhật từng đêm diễn. Thành Lộc, người được gọi là “phù thủy của sân khấu” đã đành, còn vô số diễn viên khác như Hữu Châu, Kim Xuân, Ngọc Trinh, Đại Nghĩa, Thái Hòa, Trấn Thành… xem họ hóa thân trong một vở diễn, nhưng hôm sau đến đã thấy họ khác và mới. Đo nhiệt độ khán giả để điều chỉnh mình hàng đêm, biết được lý do tiếng cười rần rần hay sự im lặng của khán giả là một cảm giác mà người nghệ sĩ chỉ có được qua trải nghiệm nghề nghiệp và “giác quan” bản năng.

Thành Lộc nói, anh quan niệm sân khấu như một sàn diễn thời trang, mà người diễn viên chỉ cần xa nó nửa năm là đã bị lạc hậu và mất kết nối với khán giả. Sân khấu là cuộc đời thu nhỏ, vậy nó phải trung thực với cuộc đời, cần chiêm nghiệm nỗi buồn và trải nghiệm cả niềm vui. Nhưng nghệ sĩ phía Bắc thì bao nhiêu năm nay vẫn trầm trọng chuyện “giữ lề”, như thể họ làm cái gì vui vẻ chút thôi thì ngại mình bị rẻ tiền hay kém sang đi.

Cái quan điểm pha chế “bún riêu pha beefsteak” để vẫn giữ được là-chính-mình-nhưng-chạm-đến-nhiều-người không nằm trong những bàn thảo nghiêm túc khi người ta tìm đường chấn hưng sân khấu phía Bắc.

* “Sau giấc mơ, em còn nguyên” – Lời trong bài hát “Nuối tiếc” (nhạc Ngọc Đại, thơ Vi Thùy Linh).

 

Bài: Quỳnh Tun

Ảnh: Nguyễn Thế Toàn

Mười hai bà mụ– một vở diễn của NS Thành Lộc rất được yêu mến tại sân khấu kịch miền Nam: 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

01/10/2013, 17:41