“Tình gần” kể rằng ở một xóm nhỏ dưới quê, có gia đình ông Tư và ông Năm sát vách, chung sân. Hai ông già về hưu, có con cái làm ăn xa nên ngày ngày ngồi đánh cờ cùng nhau giải khuây. Ngày nọ hai ông chơi cờ rồi cãi vả rồi từ đó đâm giận hờn, người này không thèm nhìn mặt người kia. Vợ hai ông khuyên nhủ thế nào cũng không nghe, cứ ngày đêm kiếm chuyện tị nạnh nhau, gây ra bao cảnh dở khóc dở cười.
Điểm đầu tiên phải nói ở vở kịch này, đó chính là phần sân khấu được đơn giản đến mức tối đa. Bối cảnh của vở kịch cũng không nhiều, chỉ quay quanh hai căn nhà của ông Tư và ông Năm hay mảng sân chung nên các phân đoạn chuyển cảnh diễn ra rất nhanh gọn. Sâu khấu thiết kế đơn giản với nền là bàn cờ tướng bẻ đôi, trên đó có các quân cờ. Nếu chú ý, khán giả sẽ nhận ra cứ hết một lớp diễn, lại có thêm một con số mới được gắn lên bàn cờ, đánh dấu cho những ngày cận Tết.
Âm nhạc trong vở kịch không nhiều, ngoài vài bài hát được bật lên để hai gia đình khẩu chiến bằng karaoke thì chỉ có một đoạn nhạc đáng chú ý của Hữu Châu khi anh hát vọng cổ “Lan và Điệp” quá ngọt ngào, mùi mẫn. Nhưng việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của vở kịch vì diễn xuất hòa quyện của các diễn viên.
Khó có thể nói ai là “đinh” của vở diễn này, vì các nhân vật luôn xuất hiện ở mức độ vừa phải, hỗ trợ tốt nhất cho nhau để lấy tiếng cười và nước mắt khán giả. Trong vai diễn hai cặp vợ chồng già, Đại Nghĩa – Lê Khánh cùng Hữu Châu – Hoàng Trinh, lần lượt thay phiên nhau khiến khán giả phải cười thích thú vì sự duyên dáng, nhẹ nhàng ở tình cảm hai người già dành cho nhau. Ai coi kịch xong, ra về cũng ngẩn ngơ: phải chi đến lúc về già, cũng có một người yêu thương mình đến như vậy.
Cái duyên trong diễn xuất của Lê Khánh và Đại Nghĩa được thể hiện trong những đoạn tung hứng cùng nhau. Bạn sẽ thấy đôi vợ chồng già trước mặt con cái ngại ngùng không dám gọi nhau tiếng anh – em, vậy mà lúc chẳng còn ai, thì cứ nâng niu nhau, khen ngợi nhau từng chút một: “Trời ơi, sao cái áo lúc mua em thấy nó xấu, mà anh mặc lên người nó đẹp dữ vậy ta.” Chỉ cần một câu thoại như vậy đã đủ để khán giả vỗ tay tán thưởng.
Cặp đôi còn lại, Hữu Châu và Hoàng Trinh vẫn hòa hợp nhau dù bà vợ phải chịu đựng sự khó tính của một người đàn ông tính trưởng giả, muốn mọi thứ phải đúng như ý mình thì mới chịu để yên. May mắn cho ông, vợ ông là một người phụ nữ đúng chuẩn Á Đông, hết lòng yêu thương, chiều chuộng chồng.
Tường Vy và Hồ Giang Bảo Sơn trong “Tình gần” cũng là một đôi tình nhân dễ thương, nhưng đất diễn của hai người không nhiều, chỉ đơn giản là đóng vai trò làm nền. Phương Dung và Đức Tuấn thể hiện vai cặp vợ chồng nhiều chuyện làm nghề cho thuê đầu karaoke. Hai người có nhiều đất diễn hơn, có điểm nhấn về ngoại hình như ăn mặc màu mè, cùng một số câu thoại khiến khán giả ghi nhớ.
Mặc dù được giới thiệu là một vở hài kịch, nhưng “Tình gần” vẫn khiến khán giả chảy nước mắt cảm thông khi nhận ra tình hàng xóm láng giềng thấm đượm trong nội dung kịch. Người xem cũng như hiểu được rằng món quà lớn nhất đối với bậc làm cha mẹ là được nhìn thấy con cái mình khỏe mạnh, thành công trên đường đời, cũng như món quà ý nghĩa nhất là gia đình được đoàn viên, sum họp.
Trong những vở diễn mới đầu năm nay, “Tình gần” là kịch bản đơn giản nhất, nhưng là vở kịch xứng đáng để đi coi nhất, vì đem lại cho khán giả rất nhiều cảm xúc yêu thương.
Bài: Chú Hề
Ảnh: Idecaf FC
>>> Có thể bạn quan tâm: Mượn yếu tố trào phúng, tác giả Quang Thảo gởi gắm vào vở kịch này ý nghĩa đả kích thói cường hào ác bá áp bức dân nghèo ngày xưa. Dù cái kết để lại nhiều tiếc nuối cho người xem, “Chiếc vòng gia bảo” vẫn là một vở hài kịch đáng coi giải trí của sân khấu Idecaf