Đối với phụ nữ Sài Gòn giai đoạn năm 1945-1975, áo dài dường như là trang phục không thể thiếu trong tủ quần áo. Phụ nữ diện áo dài mọi lúc, mọi nơi, và điều đặc biệt là mọi người vẫn thể hiện được những nét cá tính, phong cách riêng một cách tinh tế khéo léo qua những tà áo dài. Mặc áo dài dần trở thành một nét văn hóa đẹp và để lại những cảm nhận, những ấn tượng khó phai về hình ảnh người dân thành thị trước những năm 70.
Tà áo dài tha thướt, giản đơn đã làm nên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Trải qua nhiều thời kì, đỉnh cao của áo dài là giai đoạn những năm 1960-1970 khi những đường chiết eo “thống trị” đường phố Sài Gòn.
Áo dài là trang phục đậm nét truyền thống nhưng vẫn mang một nét gợi cảm khó cưỡng. Nó kín đáo, trang nhã nhưng cũng tôn lên những đường cong cơ thể một cách hoàn hảo nhất.
Sau 1975, đất nước giải phóng kéo theo đời sống đổi mới khiến cho tà áo dài vắng bóng trên đường phố. Không còn chiếm vị trí độc tôn, nhưng áo dài vẫn có một chỗ đứng nhất định đặc biệt là những dịp quan trọng như cưới hỏi, lễ lộc.
Chiếc áo dài trở lại nhẹ nhàng trong đời sống của người phụ nữ với nhiều kiểu dáng và họa tiết hơn xưa. Phần cổ áo cao dần được thay thế bằng cổ thuyền, cổ thấp hoặc cổ tròn đơn giản. Ngay cả chiếc áo dài trơn màu hay nhàn nhạt ngày xưa cũng được điểm trang bằng họa tiết thêu tay rồng phượng, hoa lá hay các chi tiết vải hình học tân thời. Hay cả lối thiết kế áo dài cũng có thay đổi như tay áo ngắn hơn, tà áo dài cũng được xén cao tạo nét trẻ trung cho người mặc.
Trong những năm gần đây việc mặc áo dài cách tân đã không còn xa lạ đối với phụ nữ Sài Gòn. Xu hướng áo dài cách tân nghiêng về sự cổ điển, tinh tế đi cùng chất liệu nhẹ nhàng nhiều hơn là mặc những chiếc áo dài bó sát chất liệu mỏng.