Từ thương xá Tax tới KaDeWe – Những tòa nhà khiến ta ngã lòng
Tòa nhà bách hóa tổng hợp Kaufhaus des Westens (KaDeWe) rộng lớn nhất Châu Âu được thiết kế vào năm 1905 bởi kiến trúc sư nổi tiếng thời bấy giờ là Emil Schaudt và khánh thành vào năm 1907. KaDeWe từ sau thế chiến thứ hai được xem là biểu tượng của Phía Tây đối với Phía Đông – một ốc đảo vật chất xa hoa trong lòng thủ đô Berlin của một nước Đức bị chia cắt, với diện tích hiện nay lên đến 60.000m2.
Tòa bách hóa cổ KaDeWe nắm giữ tinh thần người dân Berlin như thương xá Tax là một phần không thể thiếu với kí ức người Sài Gòn.
Viết đến đây tôi lại chạnh lòng buồn khi lan man nghĩ đến thương xá Tax bị đập bỏ. Tòa nhà kiến trúc Pháp thuộc đã có trên 130 năm tuổi đời là niềm hãnh diện của Sài Gòn, cùng thời với những thương xá danh tiếng khác trên thế giới. Kỷ niệm của bao nhiêu người Sài Gòn sắp sửa bị xóa sổ vào ngày 1/10 tới đây. Với tôi, đó là hồi ức về khoảng thời gian đầu thập niên 80, những ngày thứ Năm nghỉ học lang thang bát phố (vì cơ quan mẹ tôi làm ngay trung tâm). Nào cửa hàng sách ngoại văn thơm nức mùi đặc trưng của giấy và mực in; phảng phất chút vàng son xưa cũ của nhà sách Xuân Thu ở thương xá Eden nằm tại mặt tiền đường Đồng Khởi (tên ngày xưa là đường Tự Do – Catina). Nào là đường Lê Lợi, những ki-ốt trên đường Nguyễn Huệ chuyên bán các món hàng souvenir, đồ sơn mài mỹ nghệ. Trục đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi bày bán sách cũ và cả những bản in roneo bài vọng cổ, tuồng cải lương “Bên cầu dệt lụa”, “Tiếng trống Mê Linh”… trên vỉa hè. Thương xá Tax của tuổi thơ tôi mang tên Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố, hàng hóa lèo tèo, mua bán đìu hiu… là ký ức mậu dịch tiêu biểu cho một thời hậu chiến khó khăn. Ấy thế nhưng hình ảnh về những đường nét cổ kính chạm trổ bên trong tòa nhà, cầu thang xoắn ốc với tay vịn sang trọng, lát gạch mosaic thật đẹp đã in sâu vào trí nhớ cảm thụ của tôi. Sau này khi có dịp sang Paris, cảm giác gặp lại cái gì đó thân quen ngay lập tức xâm chiếm lấy tôi. Như một người bạn hiện sống ở Pháp bảo, đó là vì Sài Gòn rất giống Pháp. Nay thì những tòa nhà mang dấu ấn kiến trúc Pháp đó đã lần lượt “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Một nỗi tiếc nuối sao không thể giữ lại cho Sài Gòn những di sản văn hóa kiến trúc chứa đầy kỷ niệm về lịch sử hình thành và phát triển của một thành phố…
Lại nói về bách hóa tổng hợp KaDeWe, lần nào bước chân vào đó, tôi cũng “lost in perfums”, đi tới đi lui trong khu tầng trệt chuyên về mỹ phẩm nước hoa, không biết chọn chai nào thêm vào bộ sưu tập “chút sở thích xa xỉ” của mình. Muốn có một chai nước hoa không chỉ vì mùi hương, mà còn phải có chút gì đó đặc biệt khơi gợi nên một câu chuyện…
Thế rồi trong lần thăm lại Berlin vừa rồi, tôi tình cờ dừng chân tại quầy hàng khiêm tốn nhưng bài trí vô cùng trang nhã của J.F.Schwarzlose Berlin, chỉ vì Berlin có trong tên của hãng. Ấn tượng bởi hình ảnh biểu trưng cho hãng không phải là một người mẫu trẻ trung quyến rũ hay nữ minh tinh nổi tiếng nào đó như ta thường thấy ở quảng cáo nước hoa, mà là một áp phích vẽ hình một vẻ đẹp của “Thời đại Jazz” (Jazz Age- từ của F. Scott Fitzgerald tác giả cuốn tiểu thuyết “The Great Gatsby”). Nó khiến ta liên tưởng đến Marlene Dietrich… Và tôi “ngã lòng” ngay lập tức bởi hương thơm của 1A-33.
1A-33 – mùi hương Berlin
Thế giới nước hoa ngày nay được ngự trị bởi các hãng danh tiếng. Trong một rừng các tên tuổi “kinh điển” và những chai nước hoa thời thượng được tung hô nhờ quảng cáo, vẫn có những hãng “niche” khá kén người dùng. Dòng nước hoa niche thường do các nhà pha chế nước hoa độc lập chế tạo, đề cao hai yếu tố: nghệ thuật và sáng tạo.
J.F. Schwarzlose Berlin là một hãng như vậy. Đây là thương hiệu nước hoa được sáng lập năm 1820, được công nhận là nhà cung cấp cho hoàng gia Phổ năm 1870. Hương thơm của Schwarzlose Berlin thời ấy đã bay xa đến tận Á Đông, với khách hàng nổi tiếng là vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc – vua Phổ Nghi.
BST Schwarzlose Berlin có 5 mùi nước hoa: 1A-33, Treffpunkt 8 Uhr, Zeitgeist, Trance và Rausch. Trong đó, Rausch là chế tác hoàn toàn mới như một Berlin năng động trẻ trung. Còn lại 4 dòng nước hoa kia đều được làm mới, thổi cảm hứng hiện đại vào cốt hương ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20.
Ngoài cái tên rất Đức, chai nước hoa cũng được thiết kế thống nhất theo phong cách Bauhaus: hiện đại và tối giản, từ logo đến thân chai là một khối vuông vức đáy nặng. Đặc biệt, nắp chai được làm thủ công bằng đồng thau kiểu vặn xoắn thể hiện phương châm nghệ thuật song hành cùng xa xỉ. Duy trì truyền thống dòng nước hoa cao cấp, sự khác biệt của Schwarzlose Berlin còn ở nồng độ tinh dầu thơm lên đến 20%, cao hơn định lượng phổ thông của Eau de Parfum. Và ngay tại Metropolitan Berlin cũng chỉ có thể tìm mua Schwarlose ở 4 cửa hàng “Chúa biết mặt, vua biết tên”.
Theo giới sành điệu nước hoa thì 1A-33 được mệnh danh là “hơi thở của Berlin” với note chính là Lindenblüten (hoa cây đoan). 1A-33 ra mắt lần đầu tiên vào năm 1920. Cái tên 1A-33 chính là ký hiệu biển số xe ô tô của Berlin thời ấy. Ngoài Linden, những mùi hương góp phần làm nên hương hoa ngọt ngào đặc trưng Berlin của 1A-33 là diên vĩ và mộc lan. Điểm xuyết hương hoa cam, thêm chút mùi tiêu đỏ và gỗ đàn hương làm nên note hậu nồng nàn mùi phấn vấn hương đến tận hôm sau. 1A-33 như một Berlin nối kết hiện tại với quá khứ, chín muồi hơn với thời gian, nhưng vẫn chưa bao giờ quên những ngày tháng hoa lệ xa xưa.
Khi đặt tên một địa danh cho nước hoa, bản thân cái tên của thành phố ấy, miền đất ấy phải gợi lên tầng tầng lớp lớp xúc cảm in dấu trong ký ức mùi hương về nơi chốn đã qua. Nhà phù thủy mùi hương thời hiện đại Serge Lutens đã chế tác ra những mùi nước hoa lưu dấu vùng đất Morocco như Féminité du Bois, Ambre Sultan – mà chỉ cần cái tên đã đánh thức giác quan về mùi hương huyền bí xa xôi nơi giao thoa giữa Phi Châu và Trung Á. Năm 2013, mùi nước hoa mới nhất của Serge Lutens là La Fille de Berlin. Thời tôi còn là sinh viên, nhà thiết kế Wolfgang Joop người Đức cũng có mùi hương “Joop! Berlin” với hình dáng chai nước hoa mô phỏng cổng thành Brandenburger Tor, nhân kỷ niệm thống nhất nước Đức vào năm 1990. Vậy có gì chung giữa những mùi hương gắn liền với địa danh Berlin? Các mùi nước hoa trên đều thuộc dòng Floral với các tầng note hương hoa đan xen, kết hợp với nhau một cách tài tình và đặc sắc như cá tính và cảm nhận của mỗi nhà thiết kế. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng hương hoa hồng khi kết hợp với một tỷ lệ gia vị đậm đà của tiêu đã khiến La Fille de Berlin ngả sang dòng Oriental (Phương Đông) ấm nóng chứ không ngọt hương hoa thanh nhã, thoảng hương phấn quý phái của Châu Âu. Ngoài ra, tôi cũng sở hữu chai nước French Lime Blossom Cologne của Jo Malone với hương thơm rất đặc trưng của cây đoan, nhưng như bản thân tên gọi, đó là hương hoa đoan Pháp.
Yêu một mùi hương thường gắn với kỷ niệm là vậy. Không có gì chủ quan như cảm nhận một mùi hương, mà càng khó có gì khách quan như phân tích một mùi hương nước hoa.
Đại lộ Unter den Linden với hai hàng cây đoan lá xanh thẫm trong ánh nắng rực rỡ (Ảnh: rosefrederiksen)
Mỗi khi nỗi nhớ Berlin trở nên da diết, tôi mở nắp chai 1A-33. Ùa về cảm giác như lại đang lâng lâng đi trên những con phố Berlin. Đại lộ Unter den Linden với hai hàng cây đoan lá xanh thẫm trong ánh nắng rực rỡ mà không chói chang của mùa hạ. Và những chùm hoa phớt vàng rung rinh trong gió. Tháng 6 ướp hương Linden dịu ngọt mà tinh tế, bay bổng trong gió thoắt ẩn thoắt hiện như chơi trò trốn tìm với khứu giác của khách bộ hành…
Bài: Minh Thu