Thi đấu xong xuôi tất cả lại về…
– Chào ông, chiếc huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh có khiến ông mất ăn mất ngủ không?
– Đến giờ tôi vẫn xúc động lắm, Vinh đã làm rạng rỡ cho Tổ quốc. Tấm huy chương đó đã giúp lá quốc kỳ của Việt Nam được giương cao trên đấu trường Olympic. Dù không trực tiếp có mặt, nhưng niềm kiêu hãnh đó cũng khiến tôi rưng rưng nước mắt. Tôi đã dành cả đời mình cho thể thao Việt Nam, sau 40 năm, huy chương vàng Olympic là điều duy nhất còn thiếu trong ước mơ của tôi, giờ có được rồi, tôi cảm ơn Vinh lắm.
– Nhiều người nói Hoàng Xuân Vinh bắn súng không đạn mà vẫn giành huy chương vàng, điều này có đúng không?
– Khó khăn của thể thao Việt Nam từ trước đến nay vẫn là thiếu trang thiết bị, cả số lượng lẫn chất lượng. Nỗi khổ của các vận động viên bắn súng là có ngày chẳng có viên đạn nào mà bắn. Trong khi đó, các vận động viên cùng bộ môn ở nước ngoài được bắn 300-400 viên/ngày; như Vinh nhiều lắm được phân nửa thôi, nhiều khi giơ lên giơ xuống “bòm” cái là hết, nhưng như thế là mãn nguyện rồi. Tôi nghĩ thắng lợi của Vinh có phần đóng góp lớn của lãnh đạo ngành thể thao, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đầu tư để Vinh được tập luyện trong điều kiện tốt nhất ở nước ngoài, đặc biệt là hàng tháng trời tập huấn tại Hàn Quốc, 2 tuần tại Mỹ và 1 tuần tại Rio De Janeiro.
– Có câu nói vui “Thi đấu xong xuôi tất cả lại về”, dường như cho thấy lòng tin vào thể thao nước nhà đang bị lung lay?
– Nghe vui vậy mà xót xa lắm, vì đằng sau tấm huy chương đó là sự phấn đấu rất mệt mỏi không chỉ của vận động viên mà của cả huấn luyện viên, gia đình vận động viên. Tôi chẳng trách gì nghệ sĩ hay người viết ra câu đó trong “Gặp nhau cuối năm”, nhưng nếu họ biết, dù chỉ chút ít những gì các vận động viên đã phải đánh đổi để có được một cơ hội nào đó cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đấu trường quốc tế thì tôi tin họ sẽ không nỡ viết như vậy. Chúng tôi buồn lắm…
– Dễ hình dung nhất có lẽ là những chấn thương?
– Chấn thương là chuyện bình thường, tập thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao, khó tránh khỏi những rủi ro như vậy, đôi khi còn bị tàn phế hoặc… mất mạng. Nhưng sự mất mát lớn hơn cả của đa số đó là những năm tháng trẻ thơ, mà đáng nhẽ ra những đứa trẻ ấy phải được hưởng thụ, được sống trong vòng tay bố mẹ.
Trong những năm 1995-96, khi Hà Nội chuẩn bị đăng cai SEA Games 22 (năm 2003), chúng tôi đã lựa chọn một số “hạt giống” để gửi sang huấn luyện tại Nam Ninh, Trung Quốc. Những cái tên như Ngân Thương, Phước Hưng, Hà Thanh, Hải Yến, Thanh Trà đã lên đường khi mới có 6, 7 tuổi. Những đứa bé vẫn còn dính mẹ như thế phải chịu chế độ tập luyện hà khắc như quân đội. Ngày nào cũng dậy từ 5-6 giờ sáng, tập nhẹ rồi ăn sáng, sau đó tập liền 2-3 tiếng. Tranh thủ nghỉ trưa, rồi chiều lại tập tiếp cường độ như vậy. Tối đến các con có được nghỉ đâu vì phải học văn hóa. Chúng tôi gửi sang đó cả một phân hiệu của trường Văn hóa Thể thao để lo cho tương lai vận động viên, đảm bảo các cháu không mất kiến thức cơ bản.
Thử tưởng tượng xem, trong một căn phòng nhỏ khoảng 15m2, góc này thì lớp 3, góc kia lớp 5, một giáo viên phải giảng dạy cả mấy trình độ. Cứ thế hàng năm trời, có được vui chơi như những đứa trẻ khác đâu.
Hay có những bộ môn vì đòi hỏi đặc biệt về vóc dáng, như thể dục nghệ thuật chẳng hạn, các cháu phải ăn theo một chế độ rất khắc nghiệt, nhiều cháu do tập mệt nên lả người đi, thậm chí có cháu còn phải lén lấy các thức ăn bỏ đi để ăn giấu. Thương lắm!
– Nếu các em mất đi tuổi thơ, thì bố mẹ các em cũng mất đi những năm tháng vàng của con mình?
– Đúng vậy. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng họ rất nhớ con, xin cho các cháu về dịp Tết, trong khi quy trình huấn luyện hệ thống chỉ cho phép nghỉ có 3 ngày, về thì sẽ phá vỡ hệ thống nghiêm ngặt này. Chúng tôi buộc phải bố trí cho gia đình sang thăm con bằng đường biên mậu. Gặp mẹ, có đứa nhớ quá còn bú tí mẹ. Bố mẹ ở với con vài ngày, đi chơi rồi mua đồ cho con, khi về còn dặn: “Con hãy cố gắng luyện tập để phục vụ và thi đấu cho Tổ quốc”. Thế đấy, tôi nghĩ họ là một thế hệ vàng, từ vận động viên, gia đình vận động viên, cho đến huấn luyện viên. Không có họ, Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có được những tấm huy chương vàng trên đấu trường SEA Games, Asiad và nay là Olympic.
15 cây vàng và 2 container đồ thể thao
– Người ta biết nhiều đến một Hoàng Vĩnh Giang – Tư lệnh của Đoàn Thể thao Việt Nam hơn là một võ sư truyền bá võ Việt Nam ra thế giới?
– Tôi đến với võ thuật sau một trận thua. Vừa bực vừa xấu hổ, tôi quyết định học võ. Tôi có duyên gặp được những võ sư có tiếng, từ chỗ học vì tức, tôi bỗng ngấm cái đạo, cái uyển chuyển của Vịnh Xuân quyền, và quyết theo học từ đó. Năm 1978, tôi sang Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ, lúc đầu tôi nhận dạy võ Vịnh Xuân cho học sinh không phải để kiếm tiền mà chỉ muốn tìm người tập cùng. Nhưng “tiếng lành đồn xa”, nhiều người từ các nước xa xôi như Kazakhstan, Armenia và những nước Cộng hòa khác cũng tìm đến bái sư. Mặc dù tài còn kém nhưng tôi vẫn phải dùng thân mình cho học trò đấm, đá nên đã bị “tẩu hỏa nhập ma”, phải nằm viện tới nửa năm liền và ốm đau hàng chục năm sau này.
– Không ít người khi sang Liên Xô học tập đã ở lại để có điều kiện sống tốt hơn. Sao khi đó ông lại quyết định về?
– Đương nhiên là ở nhà còn có bố mẹ, gia đình, vợ con mà gia đình tôi lại là một gia đình trí thức cách mạng, ở cơ quan cũng còn nhiều việc phải làm, ở lại sao được. Sau 3 năm vừa dạy vừa làm luận án, tôi được nhà trường và bạn bè tặng cho không biết cơ man nào là trang thiết bị của các môn đấu kiếm, boxing, judo, karate, võ cổ truyền, đóng đầy 2 container, tính theo giá bàn là may-so lúc đó là khoảng 15 cây vàng (tương đương 5 ngôi nhà mặt đường Hà Nội).
– Là cả một gia tài cơ đấy?
– Nào đã trở thành một gia tài, những thứ đó bán ai mua?
Và ngày đó, những người tập võ thường bị gắn cho nhiều tiếng xấu. Biết võ để làm gì? Để tụ tập/đánh nhau/trộm cắp ư?… Bản thân tôi, để chứng minh điều đó không đúng, đã suýt mất mạng khi đích thân phát triển môn kiếm ở Việt Nam. Thật may, sau đó, những bộ môn như karate, võ cổ truyền, quyền anh dần được khôi phục, phát triển, cùng các môn võ judo, pencak silat, taekwondo và wushu – đây chính là những “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam.
– Sau 40 năm với nhiều thăng trầm, thể thao Việt Nam đã có đủ màu huy chương của các giải đấu lớn ở khu vực và thế giới, ước mơ của ông bây giờ là gì?
– Tôi mong muốn thể thao Việt Nam luôn nằm ở tốp đầu của Đông Nam Á. Với 45 “đối thủ” là các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục, chặng đường sắp tới của thể thao Việt Nam sẽ là Asiad 18 tại Jakarta (2018) và xa hơn chút là Olympic Tokyo (2020). Và khi SEA Games quay trở lại Việt Nam vào năm 2021, hy vọng một lần nữa chúng ta sẽ cho bạn bè Đông Nam Á biết thể thao Việt Nam mạnh tới cỡ nào.
Tôi tin ước mơ của ông sẽ thành hiện thực. Xin cảm ơn ông!
MÀU CỦA MỒ HÔI
Mồ hôi không có màu, chỉ huy chương mới có màu. Olympic không chỉ có Hoàng Xuân Vinh. Olympic còn có những câu chuyện khác. Như thể thao, nghệ thuật cũng ẩn chứa trong đó nhiều vinh quang pha lẫn mồ hôi và nước mắt. Màu của mồ hôi? Chỉ có những người trong cuộc mới trả lời được…
Thực hiện chuyên đề: Thùy Anh – Hellos
Nhiếp ảnh: Lê Lai (Lieta Studio) – Kỳ Anh
Trang điểm: An Nguyễn