“Nên nếu được chọn em sẽ xung phong làm văn hóa” – Hoàng Quyên, cô ca sĩ 9x bộc bạch với Đẹp bên lề chương trình Giai điệu Tự hào về Thanh niên xung phong.
Ca sĩ Hoàng Quyên
– Em còn trẻ thế mà lại được lựa chọn là người hát ca khúc chủ đề “Đi qua vùng cỏ non” (sáng tác Tôn Thất Lập) trong Giai điệu Tự hào tháng 8. Bài hát thậm chí còn nhiều hơn tuổi đời của em nữa!
– Bài hát ra đời năm 1976, nhiều hơn em đến 16 tuổi. Khi tập bài để thu âm, em đã trải qua nhiều miền cảm xúc trong các ca từ. Bài ca giống như chuyện kể về mối tình của cô gái trẻ lãng mạn, cô yêu mảnh đất mình sinh ra, yêu những mối tình và kỷ niệm ở nơi đó, nhưng cô buồn khi chứng kiến sự chia lìa. Em biết bài ca ra đời ngay sau thống nhất đất nước, có khoảnh khắc hạnh phúc nhưng cũng có nhiều mối băn khoăn. Bởi thời điểm ấy, những thanh niên phải đứng trước nhiều lựa chọn, trong đó có lựa chọn quan trọng là ra đi hay ở lại. Vì thế, trong hạnh phúc thống nhất có cả những day dứt chia xa.
Em hát ca khúc bằng tâm thế một người trẻ đương đại trân trọng cảm xúc của người đi trước. Bài hát nhẹ nhàng nhưng cũng chứa đựng nhiều tâm tư khó diễn tả.
– Ra đi hay ở lại – điều đó đã bao giờ đặt em trước sự lựa chọn?
– Em phải đứng trước vài câu hỏi khi quyết định nam tiến. Nhưng lựa chọn của em không quá lớn, vì đi hay ở, mình ở trên một dải đất, mọi thứ vẫn rất gần gũi. Còn sự lựa chọn của những thanh niên trong bài hát “Đi qua vùng cỏ non” thì khác, nó là sự lựa chọn mang tính lịch sử, không phải của riêng cuộc đời họ, mà lịch sử ấy đồng thời là lịch sử của một đất nước. Em đã xem và nghe nhiều câu chuyện của Việt Kiều, nên khi hát bài ca này, cảm xúc dễ dàng đến với mình hơn.
Thực ra em không quá căng thẳng khi nhận bài, vì đạo diễn chương trình chỉ đề nghị em hát và đưa tâm thế của mình vào đó. Khi thu xong, tất cả mọi người đều thấy bài hát em thể hiện sao buồn vậy, nó thiếu sự tươi vui của một cô gái trẻ. Nhưng khi khớp vào chương trình, họ lại thấy hợp lý, vì có lẽ mọi người đều đồng ý đây không phải là một bài hát vui. Em nghĩ, thời khắc giao thời luôn thế, đi đến một cái mới bao giờ cũng cần sự buông bỏ, luyến tiếc. Lịch sử và bước ngoặt nào cũng vậy.
– Một cô gái trẻ như Quyên, dường như lại có quá nhiều tâm tư, lạ nhỉ?
– Em cũng thấy mình lạ, vì một cách tự nhiên em là người rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa nên những gì liên quan đến lĩnh vực này, nó thấm vào em rất dễ dàng. Vậy mà khi đứng trong hậu trường xem clip phát sóng về Sài Gòn sau giải phóng, em vẫn run lên vì xúc động. Em cứ nghĩ, những tư liệu lịch sử về cha ông cần phải xuất hiện nhiều hơn trong mắt, trong đầu người trẻ hôm nay. Và em tin, sức mạnh từ bên trong mỗi người sẽ được tìm lại khi họ biết thêm về lịch sử. Điều này lại đặc biệt cần hơn ở giai đoạn hiện tại, khi mà đất nước đứng trước nhiều mối nguy nan. Em luôn nghĩ, lý tưởng sống sinh ra từ những điều lớn hơn ngoài bản thân mình, thiếu nó, người trẻ sẽ như cái cây cằn cỗi. Sự trơ lỳ cảm xúc của nhiều tâm hồn người trẻ, trong đó có cả nghệ sĩ trẻ chúng em, có lẽ cũng vì thiếu điều này.
– Quyên thấy gì khi sống giữa “thành phố cỏ non” ngày hôm nay – nơi người ta mặc định rằng – đó là vùng đất thánh của người làm nghệ thuật Việt Nam?
– Em thấy sự nhiễu loạn.
Âm nhạc cũng giống như thời trang, nó cần xu hướng, nhưng nó cũng cần giá trị bền vững. Những sự nổi tiếng phập phồng khiến cho nhiều người hôm nay ngỡ mình đang ở đỉnh thì rất nhanh, ngày mai có thể đã đang ở đáy. Nhưng em vẫn vững tin rằng, khi vòng xoáy của trận bão cát qua đi, mọi thứ sẽ đi vào đúng quỹ đạo của nó, sẽ quay lại những khởi điểm tốt đẹp hơn.
Em có đọc được một câu rằng: “Nếu có 6 tiếng để chặt cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài chiếc rìu”, nên em nghĩ mình đang mài chiếc rìu của mình thôi, và em bình tĩnh sống. Bởi thế, dù tĩnh lặng hơn những người đang tham gia vào vòng quay của bão cát, em vẫn đang đi với niềm tin riêng mạnh mẽ của mình.
– Không quăng mình vào bão cát, nhưng Quyên có nghe những âm thanh từ đó – thứ gọi là âm nhạc của những người trẻ – như mình – đặc biệt những người trẻ được gọi là hiện tượng?
– Em không nghe họ, không phải vì em chê họ, chỉ là gu âm nhạc của em định hình rất rõ. Em chỉ nghe thứ âm nhạc làm thỏa cơn khát của bản thân, hoặc cần cho sự sáng tạo của mình. Chị biết đấy, nếu một người đang muốn nghe giao hưởng thì không thể bật nhạc dance, dù nhạc dance cũng rất tuyệt vời. Cách nghe đó nó giúp em vững ở cái tôi và không bị hòa tan.
Cũng có nhiều bạn bè làm nhạc quan tâm xung quanh mình đang làm gì, và họ nghe tất cả, đó là một cách. Em thì không ủng hộ việc người làm sáng tạo cứ rối rít vì những thứ xung quanh như thế, bởi lắng nghe trái tim và trí óc của mình quan trọng hơn. Có lẽ vì sự khác nhau giữa em với mọi người, nên các bạn trẻ đa số đi theo con đường khác, cũng là điều bình thường.
– Như chủ đề mà Quyên đang tham gia lần này trong Giai điệu Tự hào – hát về những thanh niên xung phong, thì em nghĩ, thanh niên bây giờ đang xung phong làm điều gì nhiều hơn?
– Chắc họ xung phong kiếm tiền. Điều này tốt, nhưng chỉ không tốt với người làm nghệ thuật, nếu họ đặt mục tiêu kiếm tiền lớn hơn mục đích sáng tạo. Vì mải quan tâm đến việc kiếm tiền, nên họ cố nhặt thật nhanh trên thị trường những thứ bán được và mix vội với nhau để chào hàng. Thành ra họ là người buôn bán, không phải là nghệ sĩ. Bởi người làm âm nhạc thì sẽ tư duy khác, họ luôn đặt câu hỏi: Mình sẽ làm được gì cho âm nhạc. Em đi tìm những người như thế và muốn trở thành những người như họ.
– Cứ đi tìm như thế, nên có vẻ Quyên hơi chậm nhỉ?
– Em chấp nhận sự chậm đó. Nhưng em cũng sắp có sản phẩm mới rồi. Sẽ vẫn là một cái Tôi chứ không phải cái chúng ta. May là, cái Tôi đang thiếu trên thị trường của chúng ta.
– Nhưng âm nhạc thì không thể thiếu cái gọi là xu hướng, vì mặt nào đó, nó là thời trang mà. Quyên sợ gì cái gọi là xu hướng đó?
– Em không sợ và em vẫn cập nhật điều đó trong các sản phẩm mình làm. Nhưng nếu phải “xu hướng” đến mức nhặt vội những thứ đang đắt hàng rồi mix lại với nhau thì em rất sợ. Cái em sợ nhất là, đưa ra một sản phẩm nào đó nước bạn lại nói sản phẩm của mình giống họ. Trong em cứ hiển hiện một nỗi lo lắng thường trực là, nếu mà bị kiện thì lấy tiền đâu mà đền. Nghệ sĩ nước ngoài họ giàu chứ nước mình người làm nhạc nước mình làm gì có nhiều tiền. Chẳng may bị kiện, thì tiền đền vì sự “đi mượn” đó có thể mất bay một căn nhà đấy. Lúc đó, có khi phải bán cả nhà của bố mẹ đi đền. Vậy sự “đi mượn” đó còn kinh khủng hơn là bạn mắc phải một tệ nạn xã hội nào đó. Không được. Nên em phải thật cẩn trọng trong các sản phẩm mình làm và bắt buộc phải chọn người để tin.
– Nhưng cái sự na ná nhau đến mức người nghe phát hiện ra rằng sản phẩm A, sản phẩm B giống đoạn này của sản phẩm C, thì theo Quyên có gọi là “học hỏi”?
– Ồ không, gọi là không có nghề chị ạ! Thực ra sao chép để người khác phát hiện ra đã là không tinh vi rồi. Nếu bạn không có nghề bạn sẽ không biết từ A đến B phải đi thế nào nên bạn cắt ghép. Còn nếu có nghề, mọi thứ khi mix lại với nhau tự nhiên sẽ rất ăn khớp. Nếu thực sự là sự học hỏi thì luôn có cái riêng trong đó. Bởi thế em nghĩ ngay cả khi muốn kiếm tiền, muốn kinh doanh âm nhạc một cách tinh ranh bạn cũng phải đổ mồ hôi để học.
– Quyên nghĩ, những trường hợp “đi mượn” như thế ở nền âm nhạc này có nhiều không?
– Nhiều lắm, đến mức phổ biến đó chị.
– Vậy tại sao chỉ có một số trường hợp bị “khui” ra nhỉ?
– Em nghĩ ai rủi ro sẽ bị nêu tên.
– Đơn giản thì, nếu được xung phong, Quyên sẽ làm gì?
– Em sẽ làm văn hóa. Vì khi tham gia nhiều tuần lễ văn hóa khác nhau trên thế giới, em thực sự đã bị run rẩy ở những giây phút chứng kiến sự va chạm nhau giữa các nền văn hóa. Em thực sự thấy những thứ không có tiếng nói lại chạm đến mình rất nhanh, rất mạnh. Và giữa mênh mông đời sống, thì văn hóa vô ngôn lại là tiếng nói mạnh nhất, từ bên trong, kết nối con người lại với nhau. Nó rất tuyệt vời.
Nhưng nhìn ra xung quanh, bạn nghề của em đang lao đi kiếm tiền nhiều quá. Đó là những điều lệch nhau giữa em và họ. Nhiều lúc em thấy cô đơn kinh khủng. Nhưng em cứ đi con đường của mình. Em chuẩn bị có band nhạc riêng, toàn những 9x đấy. Bọn em sẽ chơi thứ âm nhạc bọn em thích. Em tin sẽ vẫn có con đường cho mình. Và dù thế nào, thì chúng ta vẫn cứ phải làm một điều gì đó bằng trái tim và khối óc của mình.
Cảm ơn Quyên và chúc em luôn vững tin với những mách bảo từ trái tim!
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Nhân vật cung cấp