“Star Trek” – Hay “bá chấy con bọ chét” - Tạp chí Đẹp

“Star Trek” – Hay “bá chấy con bọ chét”

Review

Khi “Star Trek” thấy cả “Star Wars” pha mùi“Fast & Furious

Với một người nghiền phim là mình, thì “Star Trek” thật sự là hay “bá chấy con bọ chét”. Xem mà thấy phê “đứ đừ” từ đầu đến cuối, cảm giác thân thuộc chẳng khác gì xem “Star Wars”. Chỉ cần nghe đoạn nhạc chủ đề, toàn thân đã nổi da gà. Cảm giác thực sự mãn nguyện và muốn ra rạp xem lại lần nữa.

“Star Trek” xoay quanh những chuyến phiêu lưu của con tàu U.S.S Enterprise trực thuộc Starfleet, lực lượng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ hoà bình cho liên đoàn các hành tinh trong vũ trụ. Mang sứ mệnh khám phá những nền văn minh, những miền đất mà loài người chưa từng đặt chân tới, U.S.S Enterprise từng trải qua nhiều lần đụng độ với các thế lực bí ẩn đe doạ đến sự an nguy của toàn ngân hà.

Trailer chính thức của bộ phim

Trong phần tiếp theo mới nhất của “Star Trek: Beyond” (tên phát hành tại Việt Nam: “Star Trek: Không giới hạn”)  được dàn dựng dưới bàn tay của Nhà sản xuất J. J. Abrams (từng đóng vai trò Đạo diễn/ Nhà sản xuất của nhiều tựa phim đình đám như “Mission: Impossible”, “Star Wars”, “The Force Awakens”, “Star Trek”, “Star Trek Into Darkness”..), cùng đạo diễn Justin Lin (đạo diễn loạt bom tấn Fast & Furious”), khán giả được chứng kiến cảnh con tàu nổi tiếng này bị triệt hạ trước các cuộc tấn công không rõ nguồn gốc, khiến tất cả thành viên buộc phải thoát hiểm trên một hành tinh xa lạ.

Ban đầu, khi thấy anh Justin Lin thay thế bác J.J Abrams mình khá lo lắng. Thật may mắn làm sao, anh ấy không chỉ giữ được trọn vẹn tinh thần của bộ phim mà còn đưa nó lên một giới hạn xa hơn. Ba tập “Star Trek” mỗi tập hấp dẫn theo một kiểu khác nhau nhưng đều rất trọn vẹn.

Mặc dù anh Justin Lin đã hoàn toàn hòa nhập được vào thế giới Star Trek nhưng cái chất “Fast & Furious” thi thoảng vẫn lộ ra, tối thiểu trong hai phân cảnh ai xem cũng phải nhận ra ngay lập tức. Chưa kể, sự gắn bó và tin tưởng lẫn nhau đến tuyệt đối giữa các thành viên trong phi hành đoàn thậm chí còn được thể hiện tốt hơn hai tập trước, cũng ít nhiều mang màu sắc của “Fast & Furious”. Nhưng không hề gì, vì đó là những trường đoạn lấy được cảm xúc của khán giả.

Hành động xuất sắc

Các màn hành động trong phim đặc biệt xuất sắc, có những trường đoạn kéo dài đến khoảng 20 – 25 phút nhưng vẫn có lớp lang đầy đủ, từ đại cảnh hoành tráng đến từng chi tiết nhỏ, không lẫn lộn, không chồng chéo, rành mạch đâu ra đấy. Nhóm nhân vật chính ai cũng có đủ đất diễn. So với phong cách dàn dựng có phần cổ điển trong “Star Wars: The Force Awakens” thì “Star Trek – Beyond” hiện đại hơn nhiều. Tốc độ cũng khá điên cuồng, khán giả cứ yên tâm dán chặt lưng vào ghế mà thưởng thức.

Phim có hai bối cảnh chính, thì phần ở trên cái hành tinh xa xôi nào đó hơi đơn điệu và nhàm chán, mình vẫn mong nó phải bắt mắt và sáng tạo hơn nhiều.

Kịch bản phim do anh Simon Pegg cùng một người nữa chấp bút, nói chung đơn giản nhưng chỉn chu, rõ ràng, triển khai theo kiểu “ba mũi giáp công” ở phần xâu chuỗi câu chuyện nên luôn giữ được sự tập trung của khán giả, cũng không bị lẫn vào các tình huống thừa. Mức độ u ám có lẽ cũng ngang hai tập trước, nhưng yếu tố hài hước chắn chắn nhiều hơn. Phim còn cực vui vì có nhiều câu thoại khá dí dỏm.

Dàn diễn viên thì không có gì phải bàn, quá ăn ý với nhau. Càng xem càng nhớ anh Anton Yelchin, từ tập sau đã không còn được thấy lại Mr. Pavel Chekov nữa rồi. Đội ngũ sản xuất đã quyết định sẽ không tìm người diễn tiếp vai này mà thay bằng một nhân vật khác. Hơi tiếc là villain của anh Idrid Elba hơi đuối dù luôn cố tỏ ra nguy hiểm. Giá được như anh Cumberbatch ở tập Into Darkness thì là hoàn hảo.

Nhưng túm lại, “Star Trek – Beyond” vẫn là một bộ phim giải trí tuyệt vời. Cá nhân mình cũng thích cả cái thông điệp chống phân biệt chủng tộc được gửi gắm suốt từ thập niên 1960 của thế kỷ trước, khi mà trên phòng chỉ huy của con tàu USS Enterprise có một người Mỹ, một người Nga, một phụ nữ da màu làm sĩ quan, một người châu Á đồng tính, một người có lẽ là tượng trưng cho dân tộc thiểu số.

Thông điệp riêng của bộ phim này thì có mấy cái, mình có thể kể ra như:

1. Không được bay trong tiếng nhạc xập xình đời còn gì vui thú

2. Khi thật lòng yêu ai hãy tặng người đó một món trang sức bị nhiễm phóng xạ.

Khởi đầu là loạt phim truyền hình ăn khách tại Mỹ, thương hiệu “Star Trek” được cả người hâm mộ lẫn giới phê bình và làm phim vô cùng yêu mến. Trải qua 34 năm, có đến 12 lần Star Trek được đưa lên màn ảnh rộng, chinh phục hàng triệu khán giả toàn thế giới và giúp nhà sản xuất gặt hái xấp xỉ 2 tỷ USD doanh thu, cao gấp gần 3 lần so với tổng kinh phí thực hiện. Nhắc đến “Star Trek”, nhiều người còn ví sức sống lâu bền, dấu ấn đậm nét mà thương hiệu này ghi lại trong lịch sử điện ảnh thế giới và lòng người hâm mộ hệt như “một thứ tôn giáo”.

Bài: Hoàng Cương – Hải Khôi

Ảnh: CGV cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

22/07/2016, 15:31