Ảnh minh họa. (Nguồn: sites.psu.edu)
Viện Francis Crick (mang tên nhà khoa học đạt giải Nobel vì phát hiện ra cấu trúc ADN năm 1953) ở thủ đô London đã được phép thử nghiệm công trình này và Anh trở thành quốc gia đầu tiên thông qua quy chế sửa lại gen di truyền trong bào thai người – một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi và đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức.
Các nhà khoa học Anh cho biết dự án nghiên cứu này sẽ giúp con người có hiểu biết sâu hơn về quá trình hình thành sự sống ở người.
Tuy nhiên, dự án mới vẫn phải tuân thủ quy định cấm đưa phôi thai đã biến đổi gen vào cơ thể phụ nữ để sinh con, quá trình được cho là tạo ra những đứa trẻ biến đổi gen – vốn là chủ đề bị phê phán gay gắt lâu nay.
Liên quan tới phương pháp khoa học này, Trung Quốc năm ngoái cũng đã công bố tiến hành “sửa chữa lại gen” trong phôi thai người nhằm sửa lại hoặc loại bỏ những gen gây ra bệnh rối loạn máu.
Song Giáo sư Robin Lovell-Badge, cố vấn cao cấp của Cơ quan quản lý sinh sản của Anh, cho biết mặc dù Trung Quốc đã có các bản hướng dẫn tiến hành phương pháp này nhưng thực tế là chưa ai có thể khẳng định liệu Trung Quốc “có tuân thủ nghiêm ngặt bản hướng dẫn và có làm gì vượt quá giới hạn cho phép không.”
Theo đó, Giáo sư Lovell-Badge nhấn mạnh Anh là nước đầu tiên “có cơ chế quản lý đúng đắn và thông qua phương pháp quan trọng về gen này.”
Từ lâu nay, các công trình nghiên cứu về gen trên thế giới đã thiết lập được bản đồ gen của người và nhiều loài động thực vật khác nhau.
Tuy nhiên, công nghệ giải mã và can thiệp vào bộ gen di truyền của con người đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức, nhất là khi kỹ thuật nhân bản được phổ biến nhờ các nhà khoa học đã giải mã xong hệ gen người và sự ra đời của các tế bào gốc.
Vấn đề đáng lo ngại ở đây chính là nguy cơ công nghệ gen sẽ bị lợi dụng trong tương lai, theo đó việc làm thay đổi các vật liệu di truyền hay ADN trong cơ thể người sẽ tạo ra những sản phẩm sinh học không đúng quy luật tự nhiên.
Người ta lo sợ rằng ngoài việc ứng dụng phương pháp sữa chữa gen khuyết tật để chữa bệnh hoặc diệt trừ trước các bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh, con người có thể lợi dụng điều này để “thiết kế trước” con cái với các đặc tính di truyền do cha mẹ lựa chọn.
Đặc biệt, ngoài các hệ quả y học như sự biến dạng ở người, nếu phương pháp sửa chữa gen bị lợi dụng, loài người sẽ phải gánh chịu những hậu quả xã hội nhất định khi mà hiển nhiên người giàu sẽ thỏa sức lựa chọn sửa chữa gen cho con của mình từ phương pháp này nhiều hơn so với những người nghèo không đủ tiền để trang trải chi phí đắt đỏ nói trên.
Theo VietnamPlus