Người dân Hà Nội xem pháo hoa dịp năm mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khoảng 9.000 người thuộc 33 thành phố tại 17 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát trong nghiên cứu này, với việc đánh giá mức độ hài lòng cuộc sống thông qua bốn hạng mục: Công việc và tài chính, sự an toàn từ những đe dọa, sự thỏa mãn cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Chỉ số này được tính với điểm 0 cho thấy sự tiêu cực nhất, 100 là tích cực nhất và 50 là quan điểm trung lập.
Hà Nội đạt điểm số “Sự thỏa mãn cuộc sống” cao thứ nhì khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 73.3 điểm, chỉ đứng sau thành phố Mandalay của Myanmar với 84,9 điểm. Trong các hạng mục “Sự an toàn từ những đe dọa”, “Công việc và Tài chính”, Hà Nội đứng thứ 5 và thứ 6 trong khu vực với 64,3 và 75,7 điểm tương ứng.
Riêng về hạng mục “Công việc và tài chính” thì Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 trong khu vực với 77.2 điểm. Đối với hạng mục cuối cùng “Hạnh phúc cá nhân”, Hà Nội đạt 70,9 điểm, đứng thứ 5 trong toàn khu vực.
“Hạnh phúc cá nhân” là hạng mục cho thấy sự tương phản cao nhất giữa các thành phố đang phát triển (65,4 điểm) và các thành phố phát triển (51,6 điểm), yếu tố này được đánh giá dựa trên các câu hỏi xoay quanh gia đình, công việc, áp lực tài chính và sức khỏe. Nhìn chung, người dân tại những thành phố phát triển cảm thấy áp lực hơn nhiều, và kém lạc quan hơn khi nói đến vấn đề sức khỏe.
Chợ hoa dịp Tết Nguyên Đán tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Người dân tại những thành phố phát triển (59,4 điểm ) cũng cảm thấy áp lực về “Công việc và tài chính” hơn người dân tại những thành phố đang phát triển (71 điểm). Ngoài ra, những thành phố phát triển cũng kém lạc quan hơn về triển vọng thu nhập thường xuyên (chỉ đạt 59,1 điểm so với 88 điểm của những thành phố đang phát triển) và việc làm (chỉ đạt 40,7 điểm so với 84,6 điểm của những thành phố đang phát triển).
Vấn đề mà người dân tại các thành phố phát triển và đang phát triển lo ngại ngang nhau là “Sự an toàn từ những đe dọa” (những thành phố đang phát triển đạt 57,7 điểm và những thành phố phát triển đạt 56,5 điểm).
Trưởng bộ phận truyền thông, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của MasterCard Georgette Tan nhận định: “Nhiều người thường cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ giúp giảm bớt áp lực công việc, gia đình và tài chính. Tuy nhiên, chỉ số Thành phố hạnh phúc khu vực châu Á- Thái Bình Dương đầu tiên của MasterCard cho thấy người dân tại những quốc gia phát triển đang cảm thấy áp lực lớn cả ở nơi làm việc và tại nhà. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng nhìn chung, người dân tại cả những quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn hài lòng về cuộc sống của họ. Các cơ hội và chất lượng cuộc sống phải tiếp tục cải thiện trên toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương song song với sự tăng trưởng.”
Theo VietnamPlus