Hoàng Bách: "Tê Giác hiếu thắng giống bố lắm" - Tạp chí Đẹp

Hoàng Bách: “Tê Giác hiếu thắng giống bố lắm”

Sao

Nghiêm túc, luôn phát ngôn một cách chừng mực, vừa phải, cũng đúng thôi, Hoàng Bách đã là bố của hai đứa trẻ Tê Giác và Mèo mà con trai Tê Giác năm nay sắp học lớp 3 rồi. Nhìn hiện đại thế mà cả Hoàng Bách lẫn vợ đều chú trọng dạy con theo kiểu truyền thống, dạy từng quy tắc chào hỏi cho đến việc làm sai vẫn bị ăn đòn, hệt như cách ông bà ta dạy con cháu ngày xưa. Trong nhà anh có một cây roi to – rất dễ bị diễn đàn mạng dạy con kiểu hiện đại lên án!

Thành viên của ban nhạc đình đám với con đường nghệ thuật rộng mở, nhưng 26 tuổi, Hoàng Bách đã cưới vợ cùng dư luận lấy vợ sớm vì vợ con nhà quan chức, đại gia. 9 năm sau, Hoàng Bách đã chứng minh được anh là nam ca sĩ hiếm hoi trong làng giải trí có đời sống gia đình vẹn toàn, không scandal mà vẫn theo đuổi con đường âm nhạc. Hiện nay, anh sống cùng gia đình ở quận 7, sinh hoạt gia đình xoay quanh không gian này vì vợ đang điều hành một trường nhạc tư ở quận 7, con trai Tê Giác 8 tuổi, bé gái Mèo 3 tuổi đều học ở khu vực này.

– Tê Giác có tính cách nào giống bố không?

– Nhìn Tê Giác bây giờ thấy giống hệt tôi ngày trước. Muốn gì thì phải làm cho bằng được. Hiếu thắng giống bố lắm, mà con thì có phần hơn. Tôi thích điều đó vì thấy như vậy tốt cho bản thân, có thể cống hiến cho xã hội.

– Tại sao lại thích con mình có tính hiếu thắng nhỉ? Nhiều người đang học cách thay đổi tính cách của con nếu con có những dấu hiệu hơi cực đoan; quá hiếu thắng cũng là một dạng cực đoan?

– Tôi không thay đổi cháu vì đó là bản tính rồi, không thay đổi được, cứ phải để cháu phát triển tự nhiên. Tôi luôn tìm điều cách dạy con sao cho phù hợp với tố chất của nó. Tôi không bao giờ có ý định bẻ cong tính cách, vì như vậy sẽ gây nên ức chế, bức xúc tâm lý cho con. Nó sống cuộc đời của nó chứ không phải cuộc đời của bố mẹ đâu, sống bằng ước mơ, đam mê của nó, chứ không sống thay cho ước mơ của ba mẹ. Nhưng, cái mà người bố có thể giúp con là hướng con cái cái gì nên, không nên, hướng con nhìn thấy cái hay, dở trong một tính cách.

– Hay – dở, nên – không nên dựa trên tiêu chuẩn nào vì mỗi người một quan niệm?

– Mỗi người một quan niệm nhưng những tiêu chí cơ bản, nguyên tắc về đạo đức, cư xử thì không thể thay đổi. Với tính hiếu thắng, tôi phân tích cho con thấy 2 hướng. Nếu trong một tập thể, quá hiếu thắng mà không khéo léo thì sẽ khó làm việc chung với mọi người, dễ trở thành một thằng xấu tính. Nếu hiếu thắng mà sai hướng thì dễ trở thành một con người thủ đoạn, bất chấp đạo lý chỉ cố được việc của mình, không quan tâm đến cảm xúc người khác. Nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, một dạng hiếu thắng tích cực, con sẽ làm được nhiều việc tốt, đạt được những mục đích đặt ra. Nhưng Tê Giác có cái hay là muốn chiến thắng nhưng không phải để làm vừa lòng mọi người, không dành cho mọi người mà cho chính mình, cho thế giới riêng của mình. Nó không muốn chứng tỏ gì với ai. Điều này rất rõ ràng vì nó không thích là người của đám đông, không thích xuất hiện trước ống kính, chỉ mình thắng mình biết mình sướng mà thôi.

– Tê Giác có mê âm nhạc như bố?

Tôi không dùng đòn roi làm cách thức dạy con như kiểu ngày xưa thương cho roi cho vọt. Roi trong nhà có tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng dù gì thì cả hai đứa đều đã bị đòn rồi.

– Tê Giác học nhạc giỏi, mới học 3 năm piano mà đã lên lớp 6; học toán, khoa học cũng rất tốt. Não trái, não phải khá cân bằng. Nhưng con lại đam mê đọc nhất. Chỉ cần ngồi một góc với cuốn sách trên tay là quên hết xung quanh. 5 tuổi đã bắt đầu đọc. Đến nay đọc mấy trăm đầu sách, đi đâu chơi cũng mang theo sách. Có thể đó là từ gen thích đọc từ bố, ông ngoại, và từ nhỏ, hình ảnh mỗi ngày cháu thấy từ lúc mới ra đời là bố đọc sách báo vào buổi sáng. Con đọc “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tầm một ngày rưỡi là hết, đến nay đã đọc 3, 4 lần. Con cũng thích đọc sách nghiên cứu về vũ trụ, khoa học. Tôi mừng lắm, vì đọc rất tốt cho sự phát triển của trẻ, chứ văn hóa đọc trên các trang mạng bây giờ quá tệ, dân trí vốn đã không cao, nay các trang mạng còn làm cho dân trí thấp xuống nữa.

– Có vẻ như là con trai nhưng Tê Giác lại hay khóc nhè, anh có sợ con hơi yếu đuối không?

– Nó rất mạnh mẽ về thể xác, rất lì, đòn roi không khóc, bị chảy máu, đứt tay thì tỉnh bơ, chích ngừa không khóc, chơi với con Phạm Anh Khoa bị đập đầu vào bàn, toét cả đầu, bố lo lắm, đưa vào bệnh viện khâu mấy mũi mà cũng không khóc nhưng cái gì thuộc về cảm xúc hay cảm thấy có chút bất công nhỏ là khóc rồi. Tâm hồn nó nhạy cảm. Gần đây về nhà bà nội ở Củ Chi chơi, bà nội vớt con cóc định làm thịt cho bé Mèo thì Tê Giác òa khóc xin bà thả con cóc về với gia đình nó. Thì ra, trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng có nhân vật cóc và bị bắt làm thịt, nên Tê Giác nhớ đến tình huống đó và xúc động. Tôi thấy con mình có một tâm hồn rất đẹp, biết khóc vì cảm xúc thật của mình.

– Tức là rất tôn trọng thế giới riêng của con?

– Đúng. Tôi thích con học thể thao lắm nhưng nó không thích. Tôi cho con ra sân đá banh một mùa hè nhưng nhìn banh thì con đứng yên, không phản ứng, hoàn toàn không thích nên thôi, không ép được. Nhưng bơi thì khác, phải học, vì đó là kỹ năng sống. Từ nhỏ, Tê Giác đã ước mơ làm công nhân vệ sinh, đơn giản vì thích màu cam của bộ trang phục. Tôi nói ok, được, cái đó tốt. Sau này khi bắt đầu nghiên cứu khủng long hóa thạch, mê phim công viên kỷ Jura thì muốn làm nhà khảo cổ học.

– Một người bố tôn trọng con nhưng cũng rất nghiêm khắc, có cả cây roi to trong nhà. Anh có nghe đến xu hướng dạy con kỷ luật không nước mắt, tức là không được dùng đòn roi với con chưa?

– 90% trường hợp là tôi vẫn dùng phương pháp nói chuyện, tâm sự với con. Nhưng mọi phương pháp đều có cái hay và lý lẽ riêng. Mình nghiên cứu các phương pháp Tây, Tàu, Mỹ, Nhật rồi tìm ra cách thức phù hợp nhất chứ không nhất nhất sách nói vậy, mạng nói vậy rồi phải làm y hệt vì còn tùy thuộc vào từng tố chất của đứa trẻ, truyền thống gia đình và hoàn cảnh xung quanh. Tôi không dùng đòn roi làm cách thức dạy con như kiểu ngày xưa thương cho roi cho vọt. Roi trong nhà có tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng dù gì thì cả hai đứa đều đã bị đòn rồi. Tê Giác rất cứng đầu, lỳ, cá tính, phải như thế mới được. Nó nóng nảy từ nhỏ nên đã bị đòn từ nhỏ. Mèo thì ít lắm vì nó khôn, biết lấy lòng người khác. Nhiều người còn nói về cách dạy con theo kiểu tự nhiên, con muốn gì thì cha mẹ chiều theo nhưng thả con quá là không được, phải dạy con kỹ về cung cách ứng xử với mọi người xung quanh. Trẻ con bây giờ rất nhiều đứa không biết nói cảm ơn, xin lỗi, không biết chào hỏi. Nhiều người nói dạy con theo cách Tây, thả ra, kệ, cho thoải mái, phát triển tự nhiên, làm gì thì làm. Họ đang ở Việt Nam mà, có phải ở bên Tây đâu. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn bè mình, ngay từ thời xưa bố mẹ đã dạy con theo kiểu để cho thoải mái, mặc kệ rồi, và giờ thì nhìn cuộc đời không đâu vào đâu, không chỉ không thành công về cuộc sống, công việc mà cứ loay hoay, mất định hướng.

– Có vẻ anh rất truyền thống trong quan niệm gia đình?

– Đúng. Nền tảng gia đình tôi hay gia đình vợ tôi, tuy người miền Tây mà cũng rất nền nếp. Khi chơi với con thì thoải mái, đạp vào mặt bố, trèo lên đầu lên cổ, gọi bố là con quỷ, là kẻ thù, hai anh em lao vào đánh bố – đánh con quỷ hay kẻ thù thì không sao. Nhưng Tê Giác chưa chào thì bố chưa đi. Ăn cơm thì con phải đợi cả nhà cùng ngồi, mời bố mẹ ăn. Mình dạy con bằng cách làm mẫu cho con, chào con trước, dần cháu sẽ nhớ, sẽ quen. Tây, Tàu, ta thì cũng phải có chuẩn mực cư xử chung mà thôi cho dù mọi sự có đảo lộn đến đâu. Tê Giác giờ 8 tuổi đã rất lịch sự rồi, vào thang máy là tuân thủ đúng quy tắc, đi xe là mở cửa cho mẹ, không bao giờ xả rác không đúng nơi quy định, đi vào toilet phải dựng bàn ngồi. Người Việt Nam mình hay học cái bề mặt của người ta mà không học cái chiều sâu. Phương Tây có rất nhiều trường học hiện đại nhưng cũng nghiêm khắc vô cùng. Pháp tới giờ này nhiều trường vẫn còn dạy con bằng đòn roi. Tôi rất thích cách người Nhật dạy con, khi gặp nhau có thể lạnh lùng nhưng những gì thuộc về cộng đồng thì phải rất văn minh, đóng góp, không qua loa, xuề xòa.

– Thế còn trường hợp tè vào túi nôn gần đây thì sao?

– Trường hợp cụ thể, thiếu thông tin thì không thể phán xét được. Trên xe tôi, thỉnh thoảng có vài chai nước màu khác lạ vì trẻ con mà, không làm chủ được mọi tình huống, nhất là bức bách quá, trên các đoạn đường xa thì phải hiểu cho nhau. Nhiều lúc nó nói bố ơi cho con tè thì đúng 2 giây sau đã tè. Hồi Tê Giác gần hai tuổi, khi máy bay đang đáp, không vào toilet được, cháu ị, gây mùi với người khác nhưng cũng đành chịu vì không có cách nào khác. Từng trường hợp cụ thể không nói được nhưng tôi là kiểu người luôn tôn trọng những nguyên tắc ứng xử chung với cộng đồng.

– Tê Giác có quen với việc mình là con người nổi tiếng, bản thân lại tham gia show truyền hình thực tế cùng bố nên nhiều người biết mặt không?

– Con thắc mắc sao nhiều người thích chụp hình con, có phải người ta hâm mộ con không. Nhưng con không thích đám đông, không thích chụp hình, nên khi nào tôi cần con hợp tác thì phải đưa ra điều kiện trao đổi. Ví như nói con nhận được nhiều quà mọi người hâm mộ của các cô chú, các anh chị, các bạn gửi về tặng đâu phải tự nhiên mà có được, vậy nên khi người ta muốn chụp hình chung, con phải vui vẻ, con phải có hành động đáp lại tình cảm đó. Hay nếu đi chụp hình lên báo cùng bố thì phải đem chuyện đi du lịch ra trao đổi. Tất nhiên nó không thích nhưng nó cũng hợp tác trong những tình huống thế này. Đôi khi có những việc mình không thích nhưng mình vẫn phải làm, nhất là nó không gây hại cho ai, lại tốt cho người khác.

– Anh có tốn nhiều tiền trong việc đầu tư việc học hành cho hai con không?

– Hai đứa học trường công ở quận 7. Học phí ở trường quốc tế quá cao, phải 30 – 40 ngàn đô cho hai đứa một năm mà tôi không dám chắc có lo đầy đủ như vậy trong 12 năm cho 2 đứa, nhất là với nghề ca hát của tôi. Thà học trường thường rồi có điều kiện vào trường quốc tế thì tốt, chứ ngược lại thì sợ con không thích nghi được, dễ bị hẫng. Với các trường thấp hơn thì hơi nửa này nửa kia, tôi sợ con bị lạc lõng, phân vân. Vả lại nuôi dạy con thì trách nhiệm chính là phải của cha mẹ chứ không đổ hết cho nhà trường được. Chúng tôi đã suy nghĩ về vấn đề tìm trường cho con rất nhiều nhưng tạm thời cháu học trường công, thầy cô cũng rất văn minh, không đặt thêm sức ép cho con, rồi học thêm tiếng Anh, học nghệ thuật nữa là ok. Học trường công thì con cũng tiếp thu đầy đủ một nền văn hóa mà.

– Có vẻ như Hoàng Bách đã là một người đàn ông trưởng thành với trách nhiệm của một người bố?

– Cả gia đình lớn lên cùng nhau vì để dạy con thì mình phải học thêm mỗi ngày. Chứ tôi không rõ khi nào người ta mới trưởng thành. Có người đến chết vẫn chưa trưởng thành mà.

Thực hiện: depweb

03/08/2015, 15:38