“Mơ ước của con thật bất bình thường”
Hồi bé, tôi luôn nghe thấy cô giáo, bố mẹ, những người lớn xung quanh nói rằng mỗi một chúng ta cần biết ước mơ. Nhưng khi tôi nói rằng tôi muốn làm một người đi gom rác cho các gia đình trong khu tập thể thì mọi người cười rúc rích. Trong một buổi học, cô giáo hỏi cả lớp tôi xem ước mơ của chúng tôi là gì. Rất nhiều bạn đã giơ tay và nói về ước mơ làm bác sĩ, làm cô giáo, làm chú bộ đội, đi thăm chú bộ đội ngoài đảo xa. Tôi lại hồn nhiên nói rằng mình muốn làm một người trồng những củ gừng, bởi vì hôm bà tôi ốm, tôi thấy mẹ tôi lấy gừng đánh cảm cho bà và nói là cây gừng rất quý. Thế là mọi người lại được phen cười vỡ bụng, cô giáo cũng nhận xét là tôi ngô nghê quá, cần phải được học hỏi thêm.
Đừng ép con có những giấc mơ to tát
“Con làm sao được như con người ta”
– Mẹ mua cho con đi, rồi con tập vẽ thêm cho đẹp! Thôi, năm sau con lên lớp lớn, hết tuổi đi thi vẽ rồi con ạ!
Tôi tình cờ nghe được cuộc đối thoại này, rồi tôi nhìn khuôn mặt của đứa bé 4 tuổi trong siêu thị mà thương cháu quá! Tôi muốn trách người mẹ vô tâm, không biết nuôi dưỡng ước mơ cho con mình. Tôi nhớ đến chính bản thân mình, ngày nhỏ, đã hơn một lần phải nghe câu nói của cha mẹ mình, rằng “con nhà mình, có cố gắng cũng chẳng bằng con người ta đâu mà”.
Chúng ta đã làm gì với ước mơ của trẻ?
Về sau, lớn dần lên, thoát khỏi cảm giác mình chỉ là một đứa trẻ phải nhất nhất nghe theo lời người lớn, tôi mới hiểu rằng việc mơ ước được làm người thu gom rác thải, hay một người làm vườn với một khu vườn toàn gừng, thật ra chẳng có gì đáng trách. Nó chỉ buồn cười trong con mắt những người xung quanh tôi thời ấy, vì nó có vẻ chẳng liên quan gì đến tiền bạc, chẳng liên quan gì đến sự nổi bật và không có vẻ gì sẽ đem lại quyền lực. Mọi người, ai cũng nghĩ rằng, bọn trẻ có trách nhiệm phải lớn lên để làm giàu cho gia đình, cho dòng họ, xa hơn là cho đất nước. Ít nhất cũng là để cho bố mẹ chúng có thể “lên mặt” với đời, chứ không thể để bố mẹ mình “muối mặt” về đứa con làm vườn hay thu gom rác được.
Ước mơ là những nấc thang
Tôi hoàn toàn đồng ý với con gái 3 tuổi của tôi rằng, lớn lên cháu có thể làm một người thu gom rác thải. Nghe thật buồn cười, nhưng cháu “ngố” y như tôi hồi bé. Tôi gặp lại mình trong tiếng chuyện trò lanh lảnh của con, và hoàn toàn đồng ý với con, cũng như với chính bản thân mình rằng làm một người thu gom rác thải là rất tốt, những người biết yêu và xử lý rác thải, thật ra là những cô tiên tốt bụng đến với thế giới này để làm cho thế giới đẹp hơn. Cháu vô cùng phấn khởi với điều này.
Nuôi dưỡng những ước mơ giản dị và đôi khi có phần buồn cười của bé là cách để mẹ chia sẻ với con
Tôi bắt đầu nói với con mình về các loại rác thải trong cuộc sống. Làm sao mà chúng ta có thể nói với con những điều khô khan đến thế nếu không phải là vì đứa trẻ đang quan niệm là nó cần phải biết điều này? Tôi tận dụng ngay cơ hội ấy! Rác thải có rất nhiều loại, từ cách phân loại rác thải rắn, lỏng… đến cách phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp… Mỗi một loại rác thải đều cần các cô chú công nhân phải có kiến thức để có những cách xử lý khác nhau.
Rồi tôi mua cho cháu những cuốn sách có nhiều hình ảnh, ở đó người ta chỉ ra những cách xử lý rác thải khác nhau, từ truyền thống như đốt, chôn xuống đất đến những cách xử lý hiện đại như cấy men vào rác, hoặc mô hình chế tạp phân hữu cơ từ mỗi một gia đình… Ngoài rác ra, con gái tôi muốn “lấn sân” sang hỏi về xử lý nước! Tốt quá rồi, tôi lại tìm hiểu thông tin và nói với con mình!
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con bé sẽ giữ nguyên quyết định làm một người đi thu gom và xử lý rác thải cho đến tận ngày mà nó lớn lên. Nhưng mỗi một ước mơ, rõ ràng là một nấc thang để đứa trẻ khám phá về thế giới, là cơ hội để cha mẹ giúp con đến gần hơn với những tri thức tự mình khám phá. Ước mơ còn có thể kích thích trí tưởng tượng và mỗi một đứa trẻ thậm chí có thể dạy lại cho ngươi lớn về muôn vàn ý tưởng trong đầu mình.
Tôi không nghĩ rằng một đứa trẻ cần phải vẽ để đi thi, cần phải học một điều gì đó để lập nên thành tích. Dù con tôi vẽ xấu đến mức nào chăng nữa, việc con muốn có một hộp màu để thỏa sức tưởng tượng và chơi đùa cùng những hình khối và màu sắc đã là điều đáng yêu vô cùng!
Xem thêm:
– Ai chở mùa hè của con đi đâu?
– Con thèm nói chuyện!
– Hãy để các con làm việc nhà từ bé
– Nuôi con mệt lắm chẳng đùa!
Bài: Nguyên Ân