Nỗi lòng nàng geisha dưới ngòi bút của Nagai Kafu - Tạp chí Đẹp

Tiếng shamisen từ giậu tử đinh hương

Giống như rất nhiều những nhà văn Nhật Bản lớn của buổi giao thời sau cuộc Duy Tân Minh Trị như Natsume Soseki hay Mori Ogai, văn chương của Nagai Kafu là niềm hoài cảm về những điều đẹp đẽ mang dự cảm buồn.

Những câu chuyện mang dáng dấp ký sự của Kafu lúc nào cũng vang đầy âm xưa: đó là tiếng đàn shamisen trầm mặc vọng từ bên kia giậu tử đinh hương, hay có lúc là tiếng đàn shamisen hòa lẫn với tiếng ai giặt quần áo, là tiếng những chiếc guốc gỗ đều đặn nhịp bước trong cơn mưa chiều hôm, là tiếng hát về vầng trăng tàn dính trên cái cần buộc dây gầu, là tiếng muỗi vo ve bên bờ kênh hay tiếng sáo Triều Tiên réo rắt, văng vẳng của người bán kẹo mạch nha trên phố xa. Những thanh âm ấy như âm thầm lấn vào hồn người, đưa thẳng ta về một cõi êm vui không còn nữa. 

Nửa ngày nhàn tản giữa đời phù du

Những người đàn ông trong truyện của Nagai Kafu, dù là doanh nhân hay là văn nhân, dù là thanh niên hay lão niên, tất thảy đều phong lưu huê tình. Trong nhà họ chỉ có khóm lan, con chim oanh, đống sách vở. Họ hiểu được vì sao có người trút cả một gia sản lớn vào một chén trà hay một bức hoành phi, câu đối. Người ta có thể cho rằng họ bê tha. Nhưng họ chỉ đơn thuần là chán ghét đời sống buồn tẻ của công chức mà muốn buông trôi mình trong những niềm khoái lạc vô hướng, vùi mình trong chốn ca hát đàn địch thuở xưa.

Họ thích gì? Họ thích ngồi trên con đò xuôi dòng nước, vừa thưởng trăng vừa thưởng một chén sake lạnh. Họ làm gì? Họ làm thơ haikai, viết tiểu thuyết diễm tình, có khi bỏ học để đi làm kép hát. Với họ, đám nhân viên các hãng buôn chỉ là bầy kiến theo đàn, chẳng biết gì về lạc thú đời người. Còn họ, dù có phải sống trong những gian gác cũ kỹ nhưng nồng nàn hương thơm một nàng geisha thì cũng không còn gì nuối tiếc. 

Nỗi lòng geisha

Những nàng geisha trong các tác phẩm của Nagai Kafu khác rất nhiều so với những nàng geisha trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Arthur Golden, “Hồi ức của một geisha”. Những cô geisha của Kafu bình thường hơn, họ thiếu đi cái hào quang trác tuyệt, không có vẻ hoàn mỹ của Sayuri, càng không có cái ưu nhã của Mameha hay cái ngạo mạn của Hatsumono. 

Trong một truyện vừa của Kafu, khi ông kể về cô geisha sau khi hục hặc với nhân tình, với cả gia đình và với một bà hầu già, còn lại một mình trong phòng, nàng đánh rơi mất hai chiếc răng giả xuống cái khe rãnh giữa nhà mình và nhà hàng xóm. Bất giác, nàng soi mình trong gương, nàng bỗng không còn nhận ra bản thân nữa. Hình ảnh nàng geisha mất hai chiếc răng có gì đó vừa tội nghiệp, vừa buồn cười, chẳng còn đâu cái kỳ công geisha mà những người ngoài như Arthur Golden trầm trồ ngưỡng vọng. Thậm chí có khi, Kafu nhắc tới một vị phu nhân lớn tuổi xưa kia từng là geisha, và vì xưa kia thường hay bới tóc kiểu Shimada nên giờ đây đầu bà… hói sọi. 

Dẫu vậy, những nàng geisha đôi khi chẳng cần kỹ nghệ xảo diệu gì, chỉ cần họ xuất hiện với mái tóc củ hành kiểu Marumage và chiếc lược lớn đằng sau gáy, đứng bên cái rãnh nước tù đọng thôi cũng đủ để làm “sống lại huyễn ảnh của một quá khứ tan biến từ ba, bốn mươi năm về trước”.

Trăm cảnh sắc Nhật 

Đôi khi đọc truyện của Nagai Kafu, ta quên mất là mình đang đọc truyện, vì ta đã bị lạc bước trong những cảnh sắc mê hoặc của nước Nhật mà ông mô tả, khi thì siêu trần thoát tục, khi thì lem luốc bình phàm. Chẳng hạn, để kể một chuyến đi tìm nhà cô geisha thì Kafu sẽ phải kể tận tường con đường ấy đi qua những chốn nào, là ngôi đền Fushimi Inari ngàn cột đỏ, là một rạp diễn hài kịch rakugo hay một quán chả cá kamaboko.

Trong bốn mùa nước Nhật, Kafu dường như rất thích mùa thu. Ông tả những cơn mưa mùa thu hiu hắt mới đẹp làm sao, ông dùng từ “nuka-ame”, nghĩa là mưa nhỏ như bột cám, tĩnh lặng bên ngoài song thưa. Và trong tiết trời nhẹ bẫng ấy, đến một chiếc ống tay áo dệt bằng tơ cũng đã là quá nặng. Thiên nhiên, trong văn chương của Kafu, là cái sân khấu vĩnh cửu; còn diễn viên, những người bước lên rồi lại bước xuống, mọi buồn vui vắn vỏi trong khi thiên nhiên không ngừng quay vòng miên viễn.

Bù nhìn bằng tuyết

Có một khoảnh khắc trong truyện ngắn “Mấy hôm cảm lạnh” kể về một người đàn ông đang chung sống cùng một nàng geisha, nàng bị ốm mà vẫn phải sang quán chơi nhạc cho khách nghe. Còn lại một mình, chàng trai nằm trên gác hai một căn nhà thuê cũ kĩ, chàng bất giác cảm thấy mình như một yukidaruma (bù nhìn bằng tuyết) bắt buộc có ngày phải tan chảy.

Cảm thức tan băng ấy hiển hiện trong từng thớ văn của Nagai Kafu. Mọi thứ dường như đều trong buổi hoàng hôn của chúng: những geisha hết thời không còn giữ được danh giá geisha, những người đàn ông xế bóng, những cách dùng cổ mỹ từ mà nay người ta úi xùi không còn dùng nữa, truyền thống chơi shamisen chỉ còn lại vỏ chứ đã mất hồn, những kiến trúc cổ xưa sụp đổ theo trận động đất…

Nhưng dẫu hư phù, cõi văn chương của Nagai Kafu vẫn thật trác tuyệt, hay nói đúng hơn, vì hư phù mà trở nên trác tuyệt. Phải chăng vì như ông viết: “Cái mình thấy đẹp là cái đã mất đi vĩnh viễn”.

Bài Hiền Trang Thiết kế Minh Thông

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP