“Wheel of Fortune and Fantasy”: Thế giới của những nhầm tưởng hãn hữu và những mộng mơ phi thực - Tạp chí Đẹp

Có bao nhiêu phần trăm để bạn hẹn hò trúng phải bạn trai cũ của bạn thân? Có bao nhiêu phần trăm để bạn nhận lầm một người lạ là người yêu thời trẻ và rồi người kia cũng tưởng lầm bạn là bạn thuở ấu thơ? Có bao nhiêu phần trăm để bạn gửi email nhầm địa chỉ để rồi đánh mất cả gia đình? Rất ít, nhưng trong bộ phim “Wheel of fortune and fantasy”, xúc xắc cứ rơi vào những xác suất bé tẹo ấy, khiến bề mặt tĩnh lặng của cuộc đời xao động, và ta biết sau đó sẽ có những điều không thể nào tiếp diễn như bình thường được nữa.

Thế giới của những nhầm lẫn

“Hiện tại cậu có hạnh phúc không?”, Natsuko hỏi người bạn cũ mà suốt 20 năm qua, họ đã không gặp lại và chỉ tình cờ gặp nhau ở cầu thang cuốn trên đường vào một nhà ga. Người bạn đáp: “Tớ chưa từng nghĩ tới chuyện đó. Tớ không trả lời được. Mỗi ngày tớ đều cố gắng hết mình, cũng có lúc khó khăn, nhưng tớ không ủy mị. Khách quan thì đáng lẽ ra tớ phải hạnh phúc. Nếu bảo là không thì ăn chửi mất”. Hai người phụ nữ nói với nhau những điều sâu kín nhất về sự tồn tại của mình, những điều mà người ta thậm chí không nói cả với người gần gũi nhất, để rồi hai người nhận ra… mình đã nhận nhầm nhau. Họ chẳng quen biết gì cả. Một chút cũng không. 

Tình huống thật kỳ lạ trong phần cuối của “Wheel of fortune and fantasy” dường như đã gói gọn cái thế giới của Ryusuke Hamaguchi: thế giới mà chúng ta luôn yêu nhầm người, luôn gặp nhầm người, luôn chọn sai thứ, như một chiếc sạc đi lạc tới nơi không thể tìm thấy ổ cắm thực thụ của mình.

Mơ với hai mắt mở

“Wheel of fortune and fantasy” ra đời cùng năm với “Drive my car”, tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Murakami đã giúp Hamaguchi nhận giải Oscar. Và xem “Wheel of fortune and fantasy” – một bộ phim với kịch bản gốc do Hamaguchi tự sáng tạo, ta mới hiểu vì sao Murakami lại để Hamaguchi chuyển thể “Drive my car”. Bộ phim của Hamaguchi là một anthology, kiểu phim được hợp thành từ nhiều phim nhỏ, và mỗi phim nhỏ lại ẩn chứa tất cả những phẩm chất mà ta yêu thích trong những truyện ngắn duyên dáng của Murakami: những thực tại chợt rẽ vào con hẻm của giấc mơ, nhạc cổ điển, khao khát tình dục đầy buồn bã, những gặp gỡ khác thường… 

Ở phần hai của bộ phim, Nao là một phụ nữ đã có gia đình. Nhưng cô cặp kè với một cậu sinh viên, người nhờ cô quyến rũ vị giáo sư tiếng Pháp đã đánh trượt cậu. Nao tới văn phòng của ông trong vai một độc giả hâm mộ, đọc lên đoạn văn cô thích nhất trong cuốn tiểu thuyết của ông, đoạn văn về một người phụ nữ đang cạo lông cho nhân tình. Hai người ngồi trong một văn phòng sáng sủa với cửa ra vào mở toang, vị giáo sư mặc sơ mi trắng cài khuy tới cổ, cô gái mặc váy dài kín đáo, tay cầm sách, máy quay đi chậm và giữ cự ly lạnh lùng với nhân vật – tất cả mọi hình ảnh xuất hiện trên màn hình đều đứng đắn, vậy mà cảnh phim gợi tình đến rụng rời. Cô gái cứ đọc những câu từ đầy kích thích trong khi gương mặt cả hai không biến sắc, và cảnh phim càng dài thì ta càng có cảm giác như họ đã bước vào một thế giới khác, không còn là thực tại nữa, mà chỉ là một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, không còn đúng sai, không còn phải trái, chỉ còn một cái gì đó đã vượt thoát khỏi xác thịt, quyến rũ đến tan chảy, nằm bên ngoài thế giới.

Những căn phòng riêng

Có nhiều trường phái để tạo nên bầu không khí như mơ trong điện ảnh. Các đạo diễn trường phái điện ảnh chậm như Andrei Tarkovsky hay Theo Angelopoulos sẽ dùng những ẩn dụ, dùng hình ảnh mờ hơi sương siêu thực. Những đạo diễn trường phái bom tấn như Christopher Nolan thì dùng các trò chơi hình học, dùng những con quay không bao giờ dừng lại, những cấu trúc lộn tùng phèo. Hamaguchi nằm ngoài cả hai trường phái ấy. Giấc mơ của ông nằm ngay trong hiện thực, chỉ cần bạn rẽ vào đúng lối.

Mỗi phần phim của “Wheel of fortune and fantasy” đều có trường đoạn trung tâm diễn ra trong một không gian kín: ở phần thứ nhất, một cô người mẫu nhận ra bạn thân của mình lại tình cờ hò hẹn với người bạn trai cũ từ xa xưa, và cô tìm đến văn phòng của anh; ở phần thứ hai, như đã nói, là văn phòng của vị giáo sư; và phần thứ ba, ngôi nhà bề thế của người phụ nữ mà Natsuko nhận nhầm là bạn. Một là văn phòng kinh doanh, một là văn phòng trường đại học, một là nơi ở của một gia đình kiểu mẫu, đó đều là những không gian nơi đời sống hàng ngày vẫn diễn ra, để rồi cũng chính tại đó, các nhân vật bước vào huyễn tưởng của họ. Huyễn tưởng về tình bạn, tình yêu. Và phải chăng vì huyễn tưởng ấy quá giống thật mà sự mắc kẹt càng sâu hơn?

Những phong cảnh ấu thơ

Sợi dây kết nối ba phần phim của “Wheel of fortune and fantasy” là bản “Về những vùng đất và con người xa lạ” thuộc tuyển tập “Kinderszenen (Những phong cảnh ấu thơ)” viết cho đàn piano của nhà soạn nhạc cổ điển Robert Schumann. “Kinderszenen” là món quà cưới của Schumann dành tặng vợ mình, Clara, một nghệ sĩ piano tài danh. Ông bảo với bà rằng: “Những bài hát này sẽ làm em vui, nhưng em phải quên đi em là một nghệ sĩ thượng thừa”, vì những bản nhạc thoạt nhìn khá đơn giản và dễ đánh.

Đâu đó, những bản nhạc ấy khiến ta nghĩ về các nhân vật của Hamaguchi, những người trung lưu trong xã hội, những người mà tưởng như cuộc sống khá dễ dàng, chẳng cần điêu luyện lắm để có thể xử lý cuộc sống ấy. Thế mà họ vẫn vấp phải những nỗi niềm nho nhỏ, những cuộc khủng hoảng nho nhỏ, những khó xử đạo đức nho nhỏ, và chẳng thể để mọi thứ qua đi êm thấm.

WheelofF&F_G9
Previous
Tiếp theo

Nozomi

Phần phim hay nhất trong “Wheel of fortune and fantasy”, không nghi ngờ gì, chính là phần cuối về hai người phụ nữ nhận nhầm nhau. Natsuko nhận nhầm Aya là Mika, tình đầu của mình. Còn Aya nhận nhầm Natsuko là một người bạn tomboy cùng lớp dương cầm mà cô ngưỡng mộ nhưng không còn nhớ tên. 

Khi nhận ra đã lầm, họ không chia tay ngay. Aya đề nghị để cô thử đóng vai Mika cho Natsuko trút hết những điều cô đã không thể nói vào 20 năm trước. Đến lượt mình, Natsuko lại đề nghị được vào vai người bạn chơi dương cầm vô danh của Aya. Trong giây phút ấy, họ được sống một cuộc đời khác – một cuộc đời tưởng như không còn xác suất nào có thể xảy ra, vậy mà nó vẫn xảy ra, dù chỉ là một sự giả vờ. Và rồi khi Natsuko chuẩn bị lên tàu điện về Tokyo, Aya đã chạy tới ôm chầm lấy Natsuko như một người bạn lâu ngày và thốt lên rằng cô đã nhớ ra tên người bạn ấy. “Nozomi”. Cô reo lên như Archimede thốt lên “Eureka!” khi tìm ra một định luật vật lý, như thể cô đã phát kiến ra một điều gì vĩ đại. Dù cho nó chẳng phải điều gì đó có thể vén màn vũ trụ, dù cho nó chỉ vén màn một ký ức đã mất, của một con người bé tí, trong một góc bé tí của Nhật Bản, trên một hành tinh bé tí mà vốn dĩ sự ra đời của nó cũng chỉ nhờ vận may của xác suất.

Previous
Tiếp theo

Bài Hiền Trang Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP