Dream High: Tiến sĩ giáo dục Chi Nguyễn động lực đến từ những lời từ chối - Tạp chí Đẹp

Nhiều người biết đến Chi Nguyễn thông qua hệ sinh thái nội dung gồm YouTube, Podcast và Blog The Present Writer - nơi cô chia sẻ những kiến thức, kỹ năng học tập và làm việc hiệu quả. Cũng có người biết đến cô với vai trò là tác giả của “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”. Lần này, hãy cùng Đẹp trò chuyện với Chi về công việc chính của cô - một giảng viên đại học.

Nhiều người biết đến Chi Nguyễn thông qua hệ sinh thái nội dung gồm YouTube, Podcast và Blog The Present Writer - nơi cô chia sẻ những kiến thức, kỹ năng học tập và làm việc hiệu quả. Cũng có người biết đến cô với vai trò là tác giả của “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”. Lần này, hãy cùng Đẹp trò chuyện với Chi về công việc chính của cô - một giảng viên đại học.

Khoảng 16 năm trước, khi tôi đi dạy học tình nguyện tại Ba Vì, tôi nhận ra có những kiến thức đối với mình rất đơn giản nhưng với các em học sinh lại quý giá, vì đôi khi các em băn khoăn cả năm trời mà không có lời giải đáp. Gần đây, có bạn nhắn tin cảm ơn vì nhận ra tôi từng đến làng của bạn làm tình nguyện, ngày ấy bạn còn là một em bé. Khi đọc tin nhắn của bạn, tôi có cảm giác rằng những việc mình làm tuy nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng dài hơi, từ đó tôi đã quyết tâm theo đuổi công việc giáo dục.

Có lẽ là từ chuyến đi Peru dự Hội nghị APEC vào năm 2 đại học. Với một cô bé 19 tuổi, đó là một trải nghiệm rất choáng ngợp. Buổi sáng, tôi được đến những những văn phòng hoành tráng, ngắm những lâu đài tráng lệ với kiến trúc lung linh. Buổi chiều, khi đi quanh Lima (thủ đô Peru), tôi lại thấy nhiều ngôi nhà nhỏ xíu, xập xệ dựng trên vách núi cao. Hóa ra ở Lima, khoảng cách giàu nghèo rất lớn. 

Ngày trước tôi từng có ý định trở thành nhà ngoại giao khi học khoa Quốc tế học (Đại học Hà Nội), nhưng sau chuyến đi này, tôi đã thay đổi hoàn toàn định hướng học và chuyển sang nghiên cứu về bất bình đẳng, cụ thể là bất bình đẳng giáo dục.

Những đề tài sau này như sinh viên quốc tế hay người nhập cư thể hiện hành trình cá nhân của tôi ở Mỹ. Xuất phát điểm là sinh viên quốc tế rồi trở thành một người nhập cư, tôi phải trải qua nhiều khó khăn, đã từng bị kỳ thị rồi bị đối xử bất công. Có những áp lực sẽ không bao giờ xảy đến với người bản địa nhưng tôi lại phải đối diện với chúng hàng ngày. Tôi muốn biết liệu mình có thể làm gì để thay đổi cục diện ấy không.

Tôi học thạc sĩ ở trường Ivy League. Buổi đầu tiên đến trường, tôi nói chuyện với giáo sư hướng dẫn, bày tỏ mong muốn học lớp của ông và ý định học tiếp lên tiến sĩ, nhưng thầy đã tỏ ý từ chối, nói rằng học lớp của ông phải đọc nhiều, biết nhiều kiến thức về giáo dục và lịch sử nước Mỹ. Thầy còn nói thêm là kể cả tôi có được nhận vào chương trình tiến sĩ, chưa chắc người ta đã cho tôi học bổng. Lúc đó, thầy còn chưa nhìn thấy tài liệu nghiên cứu của tôi.

Nhưng sự từ chối của thầy càng khiến tôi có thêm động lực. Tôi đăng ký luôn lớp của thầy và đúng là nó cực kỳ khó. Nhưng tôi đã nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác và hầu như ngày nào cũng ở thư viện học đến 2 giờ sáng. Bài kiểm tra đầu tiên, tôi được điểm tuyệt đối, thầy đã viết nhận xét là “Tôi rất vui khi có em trong lớp!”. Thầy vẫn nhớ cuộc nói chuyện đầu khóa học, nhưng lúc này thầy đã công nhận tôi.

Đó cũng không phải lần duy nhất tôi bị phân biệt đối xử. Có rất nhiều giáo sư chỉ cần thấy tôi là sinh viên quốc tế là đã từ chối cơ hội cho tôi làm việc ở phòng lab của họ. Hoặc các bạn sinh viên Mỹ có thể chỉ cần chuẩn bị 1-2 xuất bản khoa học thì tôi phải chuẩn bị đến 10 xuất bản khoa học mới yên tâm ra trường.

Cực kỳ khó. Có được công việc ở Mỹ đã là khó rồi, có công việc về học thuật lại càng khó hơn. Một vị trí thường có tới hai trăm đơn ứng tuyển, ai cũng có bằng tiến sĩ và đa phần là người bản ngữ.

Không may mắn lắm, lúc tôi tốt nghiệp tiến sĩ cũng là lúc dịch Covid bùng lên, tất cả những vị trí học thuật không tuyển nữa vì nguồn thu của trường giảm xuống. Giai đoạn đó rất khó khăn vì tôi mới sinh con nhỏ, và vì Covid nên cũng không đi tới nơi khác để kiếm cơ hội được.

Giải pháp của tôi là ứng tuyển vào vị trí data analyst (chuyên viên phân tích tư liệu) ở ngay trường đại học mà tôi học tiến sĩ. Tôi được nhận và làm ở vị trí này trong vòng 2 năm. Mặc dù không phải là công việc trong mơ, trải nghiệm đó khiến tôi học được nhiều điều và trở nên tự tin hơn. Tới năm 2021, tôi trúng tuyển công việc mơ ước của mình –  phó giáo sư bậc một (assistant professor) tại trường Đại học Arizona. 

Nhà giáo dục người Brazil tên là Paulo Freire, ông phản đối mô hình banking education, tức là cứ nhét kiến thức vào đầu sinh viên mà không có sự tương tác, phản biện… hai chiều. Hình thức này hạn chế tư duy và kiến thức của sinh viên, thậm chí đè nén, kìm kẹp sự sáng tạo, tự do trong mỗi người.

Y hệt như cách tôi làm YouTube, là tiếp cận gần gũi, lồng ghép những câu chuyện cá nhân thay vì dạy lý thuyết suông, sử dụng graphic, visual, video để sinh viên không cảm thấy nhàm chán. Tôi nghĩ phương pháp dạy của tôi giống coaching (huấn luyện) hơn, trong đó tôi đóng vai trò như người đồng hành với sinh viên.

Có thể nhiều bạn không tin, nhưng những thứ tôi dạy trên YouTube cùng trình độ với những lớp học tiến sĩ tôi đang dạy bên Mỹ. Tôi không phân biệt dạy miễn phí cho cộng đồng phải khác với dạy những khóa học trị giá hàng chục ngàn đô.

Đối với tôi, một nền giáo dục lý tưởng giúp tối ưu hóa sự bình đẳng. Tức là tôi không quan tâm trước khi vào lớp, học viên là người như thế nào, xuất phát điểm hay vị trí xã hội ra sao, nhưng tôi vẫn cố gắng thấu hiểu trải nghiệm của học viên vì đó chính là điều hình thành nên tư duy và góc nhìn của họ về cuộc sống. Tôi muốn giúp họ hiểu rằng: “Dù mỗi sinh viên có những trải nghiệm khác nhau, đó không phải là rào cản ngăn bạn thành công”.

Đó gọi là “social justice based education” (tạm dịch: giáo dục dựa trên công bằng xã hội), mô hình giáo dục mà tôi hướng tới.

Trong lớp học kỳ trước, một bạn sinh viên hỏi tôi rằng: “Khi ra trường, cần bao nhiêu xuất bản khoa học để có cơ hội trở thành giáo sư đại học?”.

Tôi suy nghĩ và quyết định trả lời thành thật với bạn. Một giáo sư bậc cao nhất có thể nói là không cần gì vì họ đã không phải tìm việc trong 10-15 năm gần đây, khi độ cạnh tranh trong ngành lớn hơn trước rất nhiều. Một giáo sư có kinh nghiệm cập nhật hơn sẽ nói cần có ít nhất là một xuất bản khoa học để chứng minh bạn có khả năng viết lách và nghiên cứu.

Nhưng vì sao tôi quyết định chuẩn bị đến 10 xuất bản khoa học? Vì tôi là sinh viên quốc tế, tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Khi tôi còn là nghiên cứu sinh, tôi gặp phải rất nhiều sự coi thường và đối xử bất công. Người ta nhìn thấy tên của tôi, thấy mặt tôi, là người ta đã kịp hình thành những nhận định cụ thể về tôi rồi – thì làm sao tôi chứng minh được điều ngược lại? Tôi không áp đặt lựa chọn của mình lên các bạn, bởi các bạn là người bản ngữ. Tôi chỉ đang giải thích con số phù hợp với mỗi người là khác nhau.

Sau đó các bạn đều im lặng, có một bạn trong lớp đã nói rằng rất xúc động và biết ơn vì tôi đã nói ra điều mà chưa chắc những giáo sư khác dám nói. Bạn cũng cảm ơn tôi vì sẵn sàng thể hiện sự tổn thương, vụn vỡ của mình một cách trần trụi nhất. Đấy là một kỷ niệm mà tôi nhớ, bởi vì nó chứng minh sự chân thật của mình đã chạm được đến trái tim của sinh viên. 

Một chuyện khác là khi tôi dạy bậc tiến sĩ chuyên ngành lãnh đạo giáo dục, những người theo học lớp của tôi đều đã lớn tuổi, là giáo viên lâu năm hoặc hiệu trưởng, hiệu phó các trường, họ học tiến sĩ để phát triển sự nghiệp. Trong lớp có một học viên khoảng 60 tuổi, cô tâm sự rằng cô sống cả đời vì người khác. Khi còn nhỏ cô sống vì bố mẹ, khi trưởng thành thì sống vì chồng con, khi đi làm giáo viên thì sống vì học sinh, việc học chương trình tiến sĩ này là lần đầu tiên trong cuộc đời cô sống vì mình. Xuyên suốt khóa học, buổi nào cô cũng hỏi rất nhiều và kỹ. Một người đi học cho mình khác với đi học vì người khác nhiều lắm. Điều này khiến tôi rất xúc động vì cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa.

Bài Hoàng Bảo Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP