Dream High: NTK Tú Phan dấn thân vào thế giới thời trang Nhật Bản - Tạp chí Đẹp

Khi đang là giảng viên chuyên ngành thời trang tại trường Đại học Công nghệ HUTECH TP.HCM, một cơ duyên bất ngờ đến với Phan Thị Cẩm Tú đúng vào thời điểm cô muốn được nhìn ngắm thế giới thời trang ở quy mô rộng lớn hơn. Cô theo chồng sang Nhật khi anh nhận được một học bổng du học tại Nhật Bản. Từ đây, cuộc sống và sự nghiệp thời trang của Tú đã mở ra nhiều điều bất ngờ.

Khi đang là giảng viên chuyên ngành thời trang tại trường Đại học Công nghệ HUTECH TP.HCM, một cơ duyên bất ngờ đến với Phan Thị Cẩm Tú đúng vào thời điểm cô muốn được nhìn ngắm thế giới thời trang ở quy mô rộng lớn hơn. Cô theo chồng sang Nhật khi anh nhận được một học bổng du học tại Nhật Bản. Từ đây, cuộc sống và sự nghiệp thời trang của Tú đã mở ra nhiều điều bất ngờ.

Ở Nhật, người ta rất kỵ những người nhảy việc nhiều nên từ lúc ra trường tới giờ, tôi mới chỉ làm việc cho hai công ty thôi. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2017, tôi làm thiết kế cho thương hiệu Tamaki Niime tầm ba năm rưỡi (từ 2018 đến 2022). Khoảng 1 năm trở lại đây, tôi đã chuyển từ Osaka lên Tokyo sống và làm việc cho nhà mốt beautiful people.

Những năm học ở trường Ueda College of Fashion, tôi hay nhận được lời khuyên của các thầy cô về việc nên tham gia nhiều cuộc thi thời trang để làm dày hồ sơ, dễ dàng xin việc sau này. Tôi đã tham dự đâu đó khoảng 3-4 cuộc thi, trong đó Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016 là cuộc thi lớn nhất mà tôi từng tham gia và đạt giải. Vì đây là một sự kiện lớn và nổi tiếng bậc nhất ngành thời trang tại Nhật nên thí sinh tiến đến vòng chung kết hoặc đạt giải sẽ có rất nhiều thuận lợi. Năm đó, tôi may mắn nhận được giải thưởng Grand Prix với tác phẩm lấy cảm hứng từ Kintsugi – nghệ thuật hàn gắn đồ gốm vỡ của Nhật Bản.

Thực tế là các công ty Nhật rất cân nhắc việc nhận người nước ngoài làm việc vì những vấn đề liên quan đến giấy tờ, phúc lợi, ngôn ngữ, và quan trọng nhất là niềm tin của họ… Nhưng giải thưởng Grand Prix của tôi có lẽ đã cho họ thấy sự tôn trọng đặc biệt mà tôi dành cho di sản truyền thống Nhật Bản. Nhờ vậy mà tôi được tin tưởng trao cho cơ hội làm việc ở các công ty Nhật.

Cơ hội này đến với tôi khi tôi vừa mới gia nhập beautiful people. Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ suốt cả năm 2022 để chuẩn bị cho BST Xuân Hè 2023. Khi thực hiện bộ sưu tập này, tôi được nhà sáng lập Hidenori Kumakiri tạo cơ hội làm việc với đội thiết kế gồm 4 người. Ông Kumakiri là người trực tiếp đưa ra concept, định hướng và duyệt mẫu, còn nhóm thiết kế chúng tôi tiến hành nghiên cứu, lên moodboard và vẽ mẫu. Với Tuần lễ Thời trang Paris đó, Hidenori Kumakiri không muốn tổ chức một buổi trình diễn quen thuộc với những người mẫu sải bước trên sàn runway. Thay vì thế, ông biến không gian trình diễn thành một buổi triển lãm nghệ thuật sắp đặt thu nhỏ. Lần đó, thương hiệu của chúng tôi đem đến Paris chỉ vỏn vẹn 7 bộ trang phục, bao gồm 14 món đồ phối lớp chỉn chu để ra mắt công chúng.

Nói là vedette thì hơi quá, tôi muốn ví chiếc dù đó giống như “món ngon ăn sau cùng” hơn. Tôi làm nó dựa trên chiếc dù của lính phi công, nhưng khác ở chỗ nó không to và một màu đơn điệu như thế. Chiếc dù này được thu nhỏ và nhấn nhá hoa văn đối xứng để khi bung ra nó giống như một đóa hoa nở rộ. Cuối buổi diễn, người mẫu mặc nó như một chiếc đầm phồng bồng bềnh, mang đến sự bất ngờ cho khán giả. 

Đây là thiết kế mà tôi đề xuất với ông Hidenori Kumakiri. Nhưng nó quá phức tạp và cầu kỳ nên không nhà may nào ở Nhật chịu làm cả. Thời điểm đó cũng là cao điểm của mùa thời trang nữa. Các thương hiệu đua nhau đặt hàng để kịp ra mắt bộ sưu tập mới. Không ai chịu may thì mình tự làm thôi! Thế là tôi tự lên rập, cắt may trong vòng một tuần thì hoàn tất. Cũng may chiếc dù đó là mẫu để trình diễn nên tôi chỉ cần làm một cái thôi. 

Lúc đầu, tôi thích sang Nhật vì quá yêu văn hóa truyền thống của họ. Ở lâu, tôi bắt đầu thấy thích khí hậu ở đây. Bên này có đủ 4 mùa. Nhiều lúc thời tiết thay đổi đến chóng mặt, sáng nắng, chiều mưa, tối lạnh là chuyện bình thường. Thời trang cũng vì thế mà liên tục thay đổi để đáp ứng điều kiện khí hậu. Chúng tôi phải làm việc hết công suất để thay đổi mẫu mã liên tục cho phù hợp với thời tiết, bận nhưng rất vui.

Ngoài ra, ở Nhật cũng có rất nhiều hội chợ thời trang chuyên về vải vóc, chỉ, kỹ thuật nhuộm, máy may… Đó được xem là nơi gặp gỡ giữa các nhà xưởng với các thương hiệu nội địa để tạo ra cơ hội hợp tác. Người Nhật tự sản xuất tất cả các chất liệu, nguồn cung trong nước vô cùng phong phú, muốn có cái gì mình chỉ việc đặt hàng nhà xưởng là có. Một người tò mò mọi thứ về thời trang như tôi làm sao có thể bỏ qua chốn thiên đường này (cười).

Văn hóa Nhật Bản thì có nhiều điều đặc biệt lắm, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là văn hóa… làm việc quá nhiều. Ở các nước khác, người ta làm việc trung bình 8 tiếng/ngày. Còn ở Nhật, mọi người làm việc vô cùng siêng năng, trung bình 12 tiếng/ngày là chuyện bình thường. Những ngày bận rộn, có khi họ đi làm từ sáng tới nửa đêm mới về nhà. 

Với tôi, trở ngại lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Dù tôi thành thạo tiếng Nhật bao nhiêu đi chăng nữa cũng vẫn không thể nào hiểu hết ngôn ngữ của họ, bởi có những thứ mình phải là người bản địa, được sinh ra và lớn lên ở đây thì mới có thể hiểu được. 

Ở đây cũng hơi khó để có thể kết thân với đồng nghiệp. Người Nhật hơi quy củ, để có thể tạo được lòng tin với họ thường mất một khoảng thời gian khá lâu. Tuy nhiên, một khi họ đã tin tưởng mình thì họ sẽ đặt trọn niềm tin, có khi họ xem mình như gia đình vậy.

Người Nhật giờ đây đã dùng mạng xã hội nhiều rồi nên họ cũng hòa nhập với những xu hướng thời trang nước ngoài hơn trước kia. Tuy nhiên, chỉ có giới trẻ mới ăn mặc táo bạo và thể hiện dấu ấn cá nhân thôi, còn những người trung niên vẫn duy trì thói quen ăn mặc có phần đơn giản, theo cùng một công thức. 

Ví dụ, đồ đi đám cưới của người Nhật giống như được đúc ra từ một khuôn vậy. Nam giới thường mặc một bộ suit chỉnh tề, phối bên ngoài áo sơ mi, đeo cà vạt. Còn nữ giới, họ chọn đầm dài, làm tóc và mang giày giống y chang nhau. Thêm nữa là phụ nữ 30 tuổi trở lên thường phải ăn mặc đứng đắn, trang nhã, họ không được mặc những chiếc váy ngắn trên gối hoặc mang màu sắc quá nổi bật. 

Điều lạ là người Nhật tự giác đặt ra quy chuẩn về thời trang cho bản thân. Bất kỳ ai khi bước qua ngưỡng 30 đều bật chế độ tự động ăn mặc theo quy củ. Họ ít có khái niệm mặc sao cho mình thấy thích, thấy vui là được.

Không chỉ kỷ luật, người Nhật còn rất kiên trì. Họ luôn theo đuổi tới cùng mục tiêu mà họ đặt ra. Cuộc sống của họ dường như chỉ có công việc nên khi tiếp xúc với họ, tôi có thể cảm nhận được một nguồn năng lượng dồi dào: sự siêng năng, tinh thần cầu tiến và hết mình với công việc. Đó là điều tôi vô cùng thích khi làm việc tại Nhật.

Bài Hoàng Bảo Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP