#FashionStories: Khi savoir-faire Pháp hoà cùng những nền văn hóa khác - Tạp chí Đẹp

Kể từ khi được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo Dior vào tháng 7/2016, Maria Grazia Chiuri không ngừng giong buồm ra khơi tìm kiếm cảm hứng sáng tạo từ những vùng đất mới.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo Dior vào tháng 7/2016, Maria Grazia Chiuri không ngừng giong buồm ra khơi tìm kiếm cảm hứng sáng tạo từ những vùng đất mới.

Năm 2021, lấy bối cảnh ở Lecce, một thành phố tuyệt đẹp ở Puglia, miền Nam nước Ý, Maria Grazia Chiuri đã đưa giới mộ điệu đến vũ hội ánh sáng địa phương, nơi trưng dụng hơn 30.000 bóng đèn màu, để chiêm ngưỡng 90 thiết kế trang phục tinh xảo từ BST Dior Cruise. Văn hóa Puglia – vùng đất nổi tiếng với những công trình Baroque tráng lệ, nền nông nghiệp, nghệ thuật và nghề thủ công phong phú, đồng thời cũng là quê nội của Maria Grazia Chiuri – được cài cắm khéo léo trên vạt áo, chân váy và các lớp lụa chiffon nhẹ tênh. Họa tiết lúa mì xuất hiện dày đặc trên những thiết kế đầm dạ hội. Chiếc khăn trùm đầu mộc mạc của các cô gái nông thôn trở nên duyên dáng, kiêu sa trên nền chất liệu ren.

Với bộ sưu tập này, Maria Grazia Chiuri đã hồi sinh kỹ thuật dệt ren Tombolo truyền thống của Ý. Ra đời từ thế kỷ 15 và được phổ biến rộng rãi khắp châu Âu vào thế kỷ 16, hiện tại Tombolo đang đứng trước nguy cơ thất truyền do quá trình thực hiện quá đỗi công phu và phức tạp. Trong BST Dior Cruise 2021, Maria Grazia Chiuri đã cộng tác cùng bậc thầy dệt ren Marilena Sparasci, một trong những nghệ nhân cuối cùng còn làm và dạy kỹ thuật này, để giới thiệu mẫu đầm ren Tombolo thêu mô-típ hoa và bướm vô cùng tinh xảo. 

“Khi tôi còn nhỏ, bà và chú tôi làm nhiều nghề thủ công, chẳng hạn như dệt vải và dệt ren Tombolo. Những nghề này không mấy tiếng tăm bởi chúng được xem là công việc thường ngày của phụ nữ. Nhưng thực tế, đó là một loại hình nghệ thuật. Với bộ sưu tập này, tôi muốn tôn vinh nó như một kiệt tác haute couture”, Maria Grazia Chiuri chia sẻ.

Cũng trong BST Dior Cruise 2021, những chiếc đầm cổ vuông giống như trang phục Dirndl truyền thống của phụ nữ xứ Alps được tạo điểm nhấn với các đường xếp nếp và viền macramé thắt nút bằng tay. Các thiết kế này được làm bằng vải cotton mặt nhám do xưởng thủ công Fondazione Le Costantine thực hiện. Maria Grazia Chiuri cho rằng việc kết nối các nhà xưởng để thực hiện bộ sưu tập tôn vinh nghề thủ công Ý sẽ mang đến cơ hội việc làm cho những người phụ nữ địa phương cùng các bậc thầy dệt thoi và macramé hiếm hoi còn sót lại. 

Maria Grazia Chiuri hồi sinh kỹ thuật dệt ren Tombolo truyền thống của Ý

Tình yêu dành cho đất nước Ấn Độ của Maria Grazia Chiuri đã chớm nở từ những năm 1990 khi cô đến đây tìm hiểu về nghệ thuật thủ công. Nhà thiết kế chia sẻ: “Tôi cảm thấy choáng ngợp trước sự phong phú của các loại hình nghề thủ công cũng như nguồn chất liệu truyền thống được người Ấn Độ lưu giữ”. Cô cũng vô cùng ngạc nhiên khi biết nghề thủ công ở đây thường do nam giới đảm nhận. Những khám phá thú vị đó đã truyền cảm hứng cho vị giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Dior thực hiện những màn kết hợp giữa nghệ thuật thủ công Ấn Độ với savoir-faire Pháp. 

BST Haute Couture Xuân Hè 2020 đánh dấu cho cú bắt tay giữa Maria Grazia Chiuri và trường Chanakya School of Craft – nơi lưu giữ hơn 300 kỹ thuật thủ công Ấn Độ. 21 tấm panel bài trí trong không gian trình diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “The Dinner Party” (của nghệ sĩ Judy Chicago) được thực hiện bởi 150 người thợ của trường. Mỗi tấm mất khoảng 500 đến 2.800 giờ để hoàn thiện. 

Tiếp đó là show diễn Dior Haute Couture Thu Đông 2021 tổ chức tại Bảo tàng Rodin (Pháp). Căn phòng nơi diễn ra sự kiện được bao bọc bởi tấm lụa dài 40m do các nghệ nhân và học viên Chanakya School of Craft thêu hoàn toàn bằng tay nhằm gợi nhớ về Embroidery Room tại điện Palazzo Colonna (Ý) và tác phẩm “A Room of One’s Own” nổi tiếng của nhà văn Virginia Woolf. 

Tháng 1/2022, Dior tiếp tục tôn vinh giá trị thủ công Ấn Độ qua những tấm thảm thêu tay trong show diễn Haute Couture Xuân Hè 2022. Trong vòng hơn 3 tháng, 320 người thợ của Chanakya School of Craft đã hoàn thiện 22 tấm thảm, mỗi tấm có chiều cao hơn 3,5m và rộng hơn 7m, bằng kỹ thuật thêu truyền thống Ấn Độ (đường kim nhỏ) kết hợp với kỹ thuật thêu châu Âu (nút thắt kiểu Pháp). Đặc biệt, loại chỉ được sử dụng trong suốt quá trình chế tác là chỉ được sản xuất từ thực vật hữu cơ.

Ngày 30/3/2023, thương hiệu Dior một lần nữa khiến cả thế giới hướng về Ấn Độ để chiêm ngưỡng những tạo tác thời trang thủ công thượng thừa từ BST Thu 2023. Sàn runway được trang trí với hoa vạn thọ và những ngọn đèn dầu (diya). Đây là những nét đặc trưng trong lễ hội ánh sáng Diwali của người Ấn Độ. Dàn người mẫu diện những thiết kế tinh xảo lấy cảm hứng từ sari, áo kurta, áo khoác nehru và chân váy lungi truyền thống. 99 bộ trang phục trong BST Thu 2023 của Dior được ứng dụng nhiều kỹ thuật thêu truyền thống của Ấn Độ như aari (sử dụng kim móc tạo ra hoa văn phức tạp), zari zardozi (thêu sợi bạc hoặc vàng tạo độ lấp lánh), patchwork (chắp vá các mảnh vải nhỏ thành tấm vải lớn), tráng gương… Trong đó, chaand jaal (bện lưới sợi bạc tạo thành ren) là kỹ thuật có từ thời Mughal đã được phục sinh trên các mẫu đầm và chân váy mô-típ hoa.

Trong khi thế giới đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế thì Ấn Độ lại ghi nhận sự khởi sắc. Công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ đô la vào năm 2047, với mức thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần. Từ vị trí nhà cung cấp, Ấn Độ giờ đây đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thời trang xa xỉ quan trọng. Show diễn mùa thu 2023 và mối quan hệ hợp tác lâu dài với Chanakya School of Craft đã giúp Dior từng bước chinh phục thị trường tiềm năng này của châu Á.

BST Dior Thu 2023 tôn vinh nghệ thuật thủ công Ấn Độ

Nhà sáng lập Christian Dior từng lấy nền văn hóa Mexico làm cảm hứng cho một số sáng tạo nổi tiếng nhất của ông như chiếc đầm Mexico (1947) và Mexique (1951). Những thiết kế này đã đánh dấu sự khởi đầu cho mối quan hệ thân thiết giữa nhà mốt Pháp với đất nước Mỹ Latinh. 

Năm 2018, Maria Grazia Chiuri vinh danh các escaramuza của xứ Mễ Tây Cơ trong BST Cruise 2019. Hình ảnh những nữ cao bồi escaramuza ngồi trên yên ngựa, mặc bộ trang phục truyền thống gồm đầm và mũ sombrero qua lăng kính của nữ giám đốc sáng tạo không chỉ mạnh mẽ, hoang dã mà còn rất mực nữ tính. Đường thêu kỳ công và đăng ten dệt tinh tế góp phần tô điểm vẻ quý phái cho những bộ trang phục của các escaramuza.

4 năm trôi qua, tình yêu dành cho Mexico của Maria Grazia Chiuri một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ sau khi cô xem những bức tranh của họa sĩ Frida Kahlo. Đó là động lực thôi thúc cô tôn vinh Mexico và nghề thủ công đặc sắc của đất nước này thông qua BST Dior Cruise 2024, ra mắt vào tháng 5/2023. Với bộ sưu tập này, nhà thiết kế người Ý tập hợp các xưởng thủ công ở các bang của Mexico lại với nhau để hoàn thiện tất cả 111 bộ trang phục cùng phụ kiện.

Hợp tác với các làng nghề ở Mexico, Dior đưa kỹ nghệ thủ công nơi đây đến gần hơn với giới mộ điệu.

Xưởng Yoltcentle sản xuất những chiếc áo sơ mi và đầm thêu mô-típ hệ động thực vật. Xưởng Sna Jolobil thiết kế áo gaban (áo chẽn dài hình vuông) và khăn thắt lưng bằng sợi bông. Bốn chiếc áo huipil truyền thống được xử lý bằng kỹ thuật dệt, nhuộm và thêu thủ công là sản phẩm của xưởng Remigio Mestas. Kỹ thuật Pepenado Fruncido có tuổi đời hàng thế kỷ của Mexico được xưởng Rocinante ứng dụng để làm hoa văn thêu nổi trên áo khoác bar, chân váy và áo sơ mi. Về phụ kiện, những món nữ trang đính hình bướm đêm được xưởng kim hoàn Plata Villa phụ trách. Còn những chiếc mũ jarocho được đan từ lá cọ theo nhiều hình dạng khác nhau đều do xưởng Alema Atelier thực hiện.

Tính đến thời điểm này, Dior Cruise 2024 là một trong những bộ sưu tập ghi dấu ấn sâu đậm nhất về sự “vượt biên” của nghề thủ công trong năm nay.

Bài Hoàng Bảo Thiết kế Uyn Nai

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP