Và sau đó, đã gần như trở thành một phản xạ kiểu Tùng Dương: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, mỗi cộng sự chỉ làm cùng lắm 1-2 dự án là “say goodbye”? Nhất thiết phải “bạc” với nhau thế không, khi đâu dễ tìm kiếm một mối duyên thực sự trong nghệ thuật?
Với nghệ thuật, tôi nghĩ đừng bao giờ đòi hỏi sự chung thủy. Chính xác là thế đấy, tôi luôn “tàn nhẫn” và “không chung thủy”, hoặc với cộng sự, hoặc với bản thân, một khi tự thấy điều đó là cần thiết. Bởi nếu tôi chung thủy chỉ vì cả nể, vì lười động não, thì có nghĩa sẽ lặp lại chính mình và tự giết mình. Nghệ thuật vốn dĩ rất khốc liệt và không có chỗ cho sự ba phải, tặc lưỡi, dùng dằng…
Dù để rời đi, trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, chưa bao giờ là dễ dàng cả, với những mối duyên mình biết rõ là khó tìm, khó gặp, thậm chí không bao giờ có lại. Khi tôi quyết định dừng lại với Lê Minh Sơn, ấy là lúc sức sáng tạo của Sơn đang rất dồi dào, sung mãn; Sơn thực sự đang bùng nổ và hoàn toàn có thể truyền năng lượng đó sang cho cộng sự. Có chăng là nguồn năng lượng đó không còn hướng về tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố giữ cho mình một tâm thế chủ động, cả khi tưởng chừng như bị động. Một tâm thế dường như đã được lập trình sẵn trong tôi trên những bước đường nghề: có thể nhạt đi, có thể cạn duyên, vì nhẽ này hay nhẽ khác, nhưng nhất thiết không để mình bị động. Dừng lại không phải do bị động. Thay đổi không có nghĩa là dao động. Mà chính xác là sự kiên định. Kiên định kiểu Tùng Dương, nghĩa là không chung thủy với ai quá lâu (cười).
Là không phải “anh ơi anh ở lại”, mà là “ai chung tình được mãi”?
Là “dan dan díu díu mập mờ” (cười), hay nói như Lưu Quang Vũ: “Có sao đâu, áo đẹp đã xong rồi!”. Vậy đi tìm một tấm áo mới thì sao? Sao đâu! Miễn sao vừa vặn hơn với cơ thể của mình lúc đó. Cũng như sẽ vẫn có những cơ thể khác phù hợp hơn với chiếc áo mình vừa mang.
Với tôi, kiên định không phải là đi theo ai mãi, mà là lắng nghe chính mình, luôn dõi theo tiếng nói của mình, để biết mình thực sự muốn gì, cần gì, có thể làm gì, với ai là tốt nhất.