Giấy Dó Ngô Đức: Đời người trên vuông giấy dó - Tạp chí Đẹp

Ngô Thu Huyền sinh năm 1991, từng theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Phương Đông, Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Huyền cũng như nhiều bạn trẻ “thoát ly” khác, ở lại thành phố và bắt đầu cuộc sống công sở. Nhưng rồi công việc 8 tiếng quay vòng không cho cô niềm vui. Huyền nhớ quay quắt xưởng giấy nhà họ Ngô trong làng, nhớ sân phơi ngày nắng thoang thoảng hương thơm. Khi cả làng Đống Cao chuyển sang sản xuất giấy công nghiệp theo xu thế thị trường, Huyền quyết định bỏ thành phố trở về quê học làm giấy dó vì không muốn nhìn thấy sự biến mất của cái nghề mà ông bà cô đã dành tâm huyết suốt cả cuộc đời.

Với chuyên ngành của mình, đáng lý bạn có rất nhiều lựa chọn ngoài đi làm công sở. Việc quay về làm nghề thủ công có khiến bạn phải băn khoăn quá nhiều?
Tôi lớn lên với nghề làm giấy. Ông bà nội tôi đều là những người làm giấy dó và đã cho tôi tiếp xúc rất sớm với công việc này. Mỗi buổi trưa đi học về, tôi thường ngồi ở góc sân, nghịch ngợm mấy thứ đồ làm giấy mà ông chuẩn bị riêng cho tôi: một cái khuôn con con vừa bàn tay nhỏ, một chậu nước, ít bột giấy, chỉ thế thôi mà tôi ngồi chơi được hết cả buổi chiều. Sau này lớn hơn chút thì tôi phụ giúp ông bà phơi, tước, xếp giấy… Từ những việc như thế mà tôi dần có tình cảm và sự kết nối với giấy dó một cách tự nhiên.

Năm 2015, trong một lần dọn lại tủ cho ông, thấy rất nhiều mẫu giấy cổ được lưu lại, tôi bỗng lo lắng, bố mẹ mình đã không làm giấy dó, làng cũng không còn mấy nhà làm nữa, vậy ông tôi có thể sẽ là người cuối cùng làm những mẫu giấy này. Tôi muốn về làng để tiếp tục công việc ấy. Ban đầu, ông bà, bố mẹ đều phản đối vì họ hiểu rất rõ sự vất vả của nghề này, giấy dó giờ đây không được sử dụng rộng rãi nên còn khó mang lại thu nhập ổn định. Tôi cũng băn khoăn nhiều, nhưng nỗi lo giấy dó biến mất cứ trở đi trở lại khiến tôi kiên quyết trở về vào năm 2017.

Cái tên Ngô Đức có ý nghĩa như thế nào?
Ngô là tên dòng họ, còn Đức là tên đệm trong chi nhỏ nhà tôi. Ông bà đi trước đã tạo dựng nên nền tảng về nghề thủ công, gồm kiến thức và kinh nghiệm từ quá trình làm việc. Thế hệ trẻ như tôi may mắn được kế thừa nền tảng ấy và có cơ hội tiếp giữ, phát triển nó. Vậy nên tôi chọn cái tên Ngô Đức, có thế hệ đi trước, có bản thân mình và mong đợi sự tiếp nối lâu dài về sau.

Ông bà bạn, những nghệ nhân làm giấy dó lâu năm của làng Đống Cao, cũng trợ giúp cô cháu gái trên hành trình này chứ?
Ông nội dạy tôi những kiến thức và thực hành quy trình làm giấy, từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Người xưa làm giấy để vẽ tranh, viết thư pháp, còn tôi lần đầu làm giấy Dó để viết Calligraphy và vẽ màu nước. Nếu ngày nhỏ tôi đứng nhìn ông làm, chạy loanh quanh giúp việc vặt thì giờ tôi tự làm, ông sẽ ở bên cạnh góp ý, trợ giúp. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ đã trải qua bên cạnh ông bà.

Tờ giấy đầu tiên ra đời, tôi cầm nó trên tay, ngửi mùi hương, nhìn kỹ những vân giấy và nhận ra: Tờ giấy mỏng manh thành hình sau bao ngày tháng nhờ bàn tay khéo khéo của người thợ vừa dai, bền, mỏng nhưng không nhòe mực khi viết, vẽ. Nếu được lưu giữ đúng cách, giấy sau hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên như mới.

Bạn đã nhìn thấy những tờ giấy dó thủ công do ông nội làm và giấy công nghiệp do bố mẹ làm. Điểm khác biệt giữa hai loại giấy đó là gì?
Khác biệt nằm ở quá trình sản xuất và nhu cầu sử dụng. Giấy công nghiệp làm theo dây chuyền, phục vụ việc viết, vẽ, in ấn cơ bản. Nó được sản xuất với số lượng lớn, giá thành thấp, dễ tiếp cận. Giấy dó thì được làm hoàn toàn thủ công, không dùng hóa chất, đáp ứng một số nhu cầu đặc biệt như sáng tác nghệ thuật, lưu trữ, phục chế tài liệu cổ…

Người thợ làm giấy dó phải thật sự khéo tay, kiên trì bền bỉ, tỉ mỉ trong từng khâu, từng bước. Vỏ cây dó bánh tẻ khi lấy về phải được ngâm, đun trong nước vôi 10 tiếng, ủ một ngày rồi nhặt qua hai lần. Phần lõi đẹp nhất được nhặt riêng làm giấy cao cấp, phần vỏ “lòng lươn” để làm giấy thấp cấp hơn. Sau đó lại ngâm và nhặt lần hai. Sau lần nhặt thứ hai, vỏ dó được ngâm trong nước khoảng 7 đến 10 ngày, tùy theo thời tiết để thải hết nhựa cây và chất vôi, giúp tờ giấy mềm mịn và bóng đẹp óng ả. Khi đã mềm, vỏ dó được cho vào bể nghiền, rồi hòa kĩ cùng nước và nước gỗ mò trong bể tráng. Công đoạn tráng sẽ quyết định độ mỏng, mịn của tờ giấy. Cuối cùng, giấy được ép kiệt nước để có thể bóc từng lớp và phơi ở nơi thoáng gió.

Việc làm giấy thủ công kéo dài hàng tháng tùy điều kiện nắng, mưa. Quá trình này bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên tôi phải chú ý điều chỉnh trong từng công đoạn. Mùa hè và thu là thời gian thích hợp nhất để làm giấy vì nhiệt độ cao, độ ẩm thấp. Thời tiết mùa đông gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người thợ khi họ phải ngâm tay trong nước buốt giá. Mùa xuân trời nồm, độ ẩm cao, giấy lâu khô, nhiều khi làm bị hỏng cả mẻ.

Khó khăn là thế mới có được tờ giấy dó xốp nhẹ, bền dai và lưu trữ được tới vài thế kỷ nên những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay thư pháp bao năm vẫn vẹn nguyên màu sắc, đường nét chính là những báu vật vô giá.

Suốt những ngày tháng vất vả đó, đâu là niềm vui lớn nhất của bạn?
Khi tờ giấy ra khỏi xưởng là nó đã bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi không biết trước được khách hàng sẽ dùng nó ra sao. Giấy sẽ được vẽ, viết, in ấn, làm sổ, trang trí, làm phông nền chụp ảnh… tùy thuộc vào sáng tạo của mỗi người, tôi rất mong chờ được ngắm nhìn những tác phẩm ấy.

Giấy dó có vẻ ngoài bình dị, nó không hề bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên nhưng nếu chú tâm ngắm nghía và tìm hiểu, ta sẽ nhận ra những điều đáng quý ở nó: sắc nâu vàng lấp lánh dưới ánh sáng, sợi tơ mỏng mảnh mà trường tồn với thời gian… Ngắm nhìn giấy dó, tôi còn thấy được cả cuộc đời những người dân quê mình. Khi còn nhỏ, họ tập viết, tập vẽ trên những tờ giấy dó. Lớn lên, họ dùng giấy dó để viết thư, ghi chép gia phả. Cuối đời, họ mang giấy dó theo cùng mình trên hành trình mới. Các cụ già trong làng thỉnh thoảng gặp vẫn hỏi xin tôi mấy tờ giấy dó để dành đưa vào áo quan khi họ rời xa cõi tạm.

Kĩ năng nào theo bạn là cần thiết nhất của người thợ làm giấy dó?
Đó là kĩ năng quan sát. Quan sát không chỉ đơn giản là nhìn đối tượng, sự vật, sự việc diễn ra trước mắt, mà còn phải thực sự chú tâm, cảm nhận và suy nghĩ để có thể trả lời những câu hỏi: “Làm gì?”, “Như thế nào?”, “Tại sao?”…

Tư thế, động tác tráng giấy của người thợ như thế nào? Tơ sợi dó biến đổi qua từng giai đoạn ra sao? Độ dày của tờ giấy đã phù hợp chưa? Tại sao nó lại rách hỏng? Phải làm gì để cải thiện tình hình? Khi đã tìm được đáp án cho những câu hỏi đó, ta sẽ biết nên làm gì để đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Trước thực tế rằng ở làng Đống Cao không còn mấy người gắn bó với nghề làm giấy dó, bạn có thật sự tin rằng nghề này có cơ hội được bảo tồn?
Khi nghề làm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, pháo Bình Đà dần mai một, giấy dó cũng không còn được sử dụng nhiều như trước, nhưng nhờ những đặc tính khó có thể thay thế mà nó vẫn giữ được cho mình một chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật ngày nay. Để hòa hợp với thời đại, giấy dó cần được ứng dụng nhiều hơn nữa trong đời sống, chẳng hạn như làm thiệp, làm lịch, làm sổ, giấy viết thư…

Thế hệ ông bà tôi không có mạng xã hội và các trang thương mại điện tử để quảng bá, đến đời tôi thì đã có thể giới thiệu sản phẩm trên Facebook và tham gia các hội chợ hàng thủ công…, tôi nghĩ đó chính là cơ hội mà cuộc sống hiện đại mang lại cho sản phẩm truyền thống.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

Thực hiện Đinh Nha Trang Ảnh NVCC
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP