Chắc đã lâu rồi chị chưa biểu diễn?
Từ năm 2020, những buổi hòa nhạc của mình đã phải hoãn lại rồi.
Chị có tưởng tượng về buổi diễn đầu tiên mình trở lại sân khấu trong thời gian tới không?
Nếu được trở lại, mình rất muốn chơi nhạc Mozart. Những bản nhạc của Mozart lúc nào cũng tươi mới và nhiều niềm vui sống. À, mình cũng sẽ thêm vào chương trình những bản nhạc do mình sáng tác nữa. Thời gian qua mình đã sáng tác một vài bản nhạc, thật ra là những tiểu phẩm nho nhỏ thôi, mình viết chúng như một kiểu nhật ký vậy.
Chị kể về một sáng tác ưng ý nhất đi!
Có một bản nhạc mình viết về hoàng hôn. Nhà mình nhìn ra hướng Tây, mình và con gái hay cùng nhau ngắm mặt trời lặn. Mình thích hoàng hôn bởi nó khiến mình nghĩ rằng, dù ngày hôm ấy mình có mệt mỏi thế nào, chán chường ra sao, thì nó vẫn kết thúc rất đẹp.
Nếu phải chọn năm bản nhạc mà chị tin sẽ khiến một người chưa biết gì về nhạc cổ điển yêu nhạc cổ điển, chị sẽ chọn những bản nào?
Mình nghĩ mình có sẵn danh sách đó rồi. Đầu tiên là “Giấc mơ” của Schumann, một bản nhạc đẹp và thật trong trẻo thuộc tuyển tập “Kinderszenen” (Những phong cảnh thời thơ ấu). Thứ hai là “Ständchen” của Schubert, một bài hát cho ta đứng từ xa chiêm ngưỡng nỗi buồn. Thứ ba là “Salut d’amore” của Edward Elgar, một giai điệu ngọt ngào và tươi mới như chính cái tên của tác phẩm, nghĩa là “lời chào tình yêu”. Thứ tư là chương 3 “Bản giao hưởng số 2” của Rachmaninoff, một bản nhạc đưa ta vào dòng chảy bất tận của cảm xúc. Và cuối cùng là “Prelude, Cello suit số 1” của J.S.Bach, chỉ một giai điệu của cây đàn cello mà như kết nối với mạch đập của cả vũ trụ.
Thế còn nhà soạn nhạc chị thích nhất?
Mình rất yêu Beethoven. Cuộc đời ông nhiều bất hạnh nhưng âm nhạc của ông luôn cho mình hy vọng. Khi bị điếc, ông như bị cắt đứt khỏi cuộc sống và gần như trầm cảm đến mức viết trước cả một chúc thư. Nhưng cuối cùng ông vẫn vượt qua với người bạn đồng hành là âm nhạc. Âm nhạc, mình cho rằng nó như một liều vaccine tinh thần vậy. Nó giúp mình đứng từ xa chiêm ngưỡng những nỗi buồn và khiến mình biết mình không cô độc.
Có bao giờ chị nghe một bản nhạc và phát khóc vì nó quá đẹp không?
Nhiều lắm. Mình hay gọi những khoảnh khắc ngây ngẩn ấy là “wonder” (kỳ diệu). Trong bộ phim “Shawshank Redemption” về những người tù nhân, có một cảnh khi được cho nghe một bản opera của Mozart, nhân vật chính nói rằng thứ âm nhạc này như một con chim bay vào lồng khiến song sắt biến mất. Không chỉ âm nhạc đâu mà những điều đẹp đẽ, như tình mẫu tử chẳng hạn, đều dễ khiến ta rung động.
Mình nghĩ, có lẽ ở đâu đó trong con người, ta luôn ý thức được sự hữu hạn của bản thân. Khi ta nhìn thấy cái đẹp, mà cái đẹp gần như là sự tường minh của điều vô hạn, nó khiến ta nhói lên: giá mà tôi có thể sống mãi để thưởng thức ánh hoàng hôn này, giá mà mẹ tôi có thể mãi mãi ở bên tôi, giá mà tình yêu này tồn tại mãi mãi! Lúc đó con người ta sẽ cảm thấy mình đã chạm vào điều gì thiêng liêng lắm. Beethoven từng nói âm nhạc nâng chúng ta lên ngang tầm thánh thần, hiểu đơn giản thì kiểu như mình chạm được vào cái gì đó nằm ngoài bản thân.
Là một nghệ sĩ piano cổ điển từng tốt nghiệp tại ngôi trường âm nhạc hàng đầu ở Anh, cái nôi của văn hóa đại chúng, chị có nghe nhạc đại chúng không?
Có chứ! Không chỉ nhạc đại chúng Âu Mỹ đâu mà mình còn thích cả K-pop nữa. Ví dụ ở Anh thì mình thích Adele, thích ca khúc “When we were young” của bạn ấy. Ở K-pop thì mình lại rất thích IU! Mình nghĩ là nhạc nào cũng vậy, điều khiến mình thích ở một nghệ sĩ là khả năng kể chuyện của họ. Mình thích những nghệ sĩ sẵn sàng chia sẻ câu chuyện cá nhân, điều đó khiến mình thấy họ rất con người.
Nghe podcast chị làm và trò chuyện với chị, tôi thấy chị còn rất quan tâm đến văn chương và phim ảnh?
Ông nội mình là giáo viên dạy văn, ngày xưa ông lại dạy trong trường Sân khấu Điện ảnh, chắc vì thế mà mình tiếp xúc với văn chương và phim ảnh từ nhỏ. Ở Việt Nam mình thích tác giả Trần Dần. Còn nước ngoài, mình thích Haruki Murakami; mình thích những cuốn tiểu luận của ông, như “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, có cả một quyển rất đặc biệt tên là “Absolutely on music” mà trong đó ông trò chuyện với nhạc trưởng Seji Ozawa, một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất Nhật Bản. Tiểu thuyết của ông thì hơi nặng về cảm xúc với mình, mình thích những gì tươi sáng hơn như “Tottochan – Cô bé bên cửa sổ”, hoặc “Hoàng tử bé”.
Bộ phim gần đây nhất chị xem và thấy thích là gì?
Có lẽ là một bộ phim Nhật Bản. Mình tự nhiên quên mất tên, nó nói về một gia đình mà bố mẹ đều đi vắng, chỉ có 3 anh em ở nhà một mình vật lộn với cuộc sống.
Hình như đó là một bộ phim của Hirokazu Koreeda?
À, đúng rồi, tên phim là “Nobody knows”. Quả thực mình rất thích những bộ phim như vậy, nhưng chúng lại không nhẹ nhàng lắm, nên từ khi làm mẹ thì mình đành phải “cai” tạm thời, mong rằng sau này có dịp “cày” lại.
Tôi để ý chị rất hay nhắc về trẻ con. Nào là Tottochan, nào là “Nobody knows”. Chị thích trẻ con lắm đúng không?
Mình thích lắm. Mình ước được nhìn thế giới như các bạn ấy nhìn. Các bạn ấy ở tâm thế có thể đón nhận rất nhiều thứ. Tiếng Việt có một từ rất hay, là từ “thấy”. Mình có thể nhìn nhưng không thấy. Mình có thể nghe nhưng không thấy. Trong khi, làm sao để nhìn thấy và nghe thấy hình như là chuyên môn của trẻ con. Chúng ở một tâm thế mở, một tâm thế tĩnh để quan sát và tò mò, tìm niềm vui ở những điều rất bình thường.
Có một câu nói, đại để là, mình mà tiêm thuốc tê thì mình sẽ không cảm thấy cả sự ngọt ngào lẫn đau đớn. Khi mình trưởng thành, nhiều trải nghiệm dạy mình phải đóng lại. Nhưng đóng lại rồi mình có biết mở ra nữa không? Nhiều khi mình phải tìm đến thiền để tập mở ra. Trong khi với tụi trẻ con, thiền dường như là điều rất tự nhiên. Chúng thiền ngủ, thiền ăn. Khi ăn, chúng chỉ nghĩ đến việc ăn thôi chứ không như mình, ăn mà đầu óc cứ quanh quẩn làm thế nào để gọi thợ điện đến sửa cái máy giặt đây nhỉ.
Vậy là chị cũng thực hành thiền?
Gọi là thiền cũng không hẳn, chỉ là những bài tập quen thuộc như ghi nhật ký. Mình hay viết về 3 điều mình cảm tạ trong ngày. Mỗi ngày 3 điều thì vị chi cuối năm mình có hơn 1000 điều rồi. Vậy là mình thấy mình có rất nhiều may mắn trong cuộc sống. Nếu không viết lại, có khi mình thấy ngày qua đi mình chẳng làm được cái gì. Nhưng khi viết xuống, chẳng hạn như, hôm nay con mình đã nhìn mình với ánh mắt coi mình là một người mẹ, thì mình nhận ra mình đang sở hữu một điều quá tuyệt vời.
Hay là tập đàn. Mình có thể chơi duy nhất một nốt, chơi chỉ để cho nó vang vọng mà không có mục đích gì. Mình không biết mình đang đi đâu, đang làm gì, chỉ đơn giản là chiêm ngưỡng và tập trung chú ý để có thể thấy cái gì đấy. Thật ra cũng không biết sẽ thấy được gì, nhưng mình muốn được ở trong khoảnh khắc ấy.
Ngoài vai trò là một nghệ sĩ, chị còn là một nhà giáo dục âm nhạc. Dù dịch bệnh nhưng chị vẫn dạy học trực tuyến đúng không?
Thật ra là năm ngoái thôi. Từ ngày mang thai rồi sinh con thì mình tạm nghỉ. Dạy nhạc trực tuyến đúng là một thách thức lớn. Nghe qua loa mini nên mình có thấy được độ sâu hay độ sáng đâu. Bù lại thì mình được nói chuyện với học trò nhiều hơn, để xem các bạn ấy đang lớn lên thế nào.
Chẳng hạn như một bạn mới chuyển từ trường bình thường sang trường quốc tế, bạn ấy có nhiều nỗi lo lắng lắm, lo bố mẹ đầu tư vào mình nhiều thế liệu mình có học tốt được không, lo rằng ngoại ngữ không đủ giỏi… Những nỗi lo lắng ấy thể hiện qua âm nhạc bạn ấy chơi. Thế là mình bảo với bạn, cô thấy con có vẻ hơi bồn chồn trong cách chơi, con có gì muốn chia sẻ với cô không. Rồi mình chỉ lắng nghe thôi, mình cũng bảo bạn là cô không hiểu hết được những gì con đang trải qua, nhưng cô nghĩ Chopin cũng từng có những phút hoang mang như thế đấy, ông ấy từng rời Ba Lan đến Paris du học khi còn trẻ, và ông đã sáng tác bản nhạc này này, để cô chơi cho con nghe nhé.
Nói đến con trẻ, nhất định phải hỏi chị về niềm vui làm mẹ rồi. Điều đó thay đổi chị ra sao?
Tự nhiên mình rất nhớ một khoảnh khắc. Đó là khi mình mới sinh xong, đang định chợp mắt ngủ thì thấy mẹ mình đang ru con mình. Bà đứng sao cho ánh đèn không hắt vào mặt mình, không quấy rầy giấc ngủ của mình. Khi nhìn thấy điều đó, mình xúc động lắm, mình nghĩ, ồ, người này là người đã ru mình ngủ, và giờ lại ru con mình ngủ, tình yêu không kết thúc đâu, nó thật dài, thật dài.
Với chị, niềm vui làm mẹ khác gì với niềm vui âm nhạc?
Mình nghĩ âm nhạc chả là gì so với niềm vui mình có với con. Mình rất yêu âm nhạc. Nhưng mình nghĩ âm nhạc chỉ là sự biểu hiện trong cuộc sống thôi. Nó vẽ ra cuộc sống và mình có thể học được nhiều từ nó. Nhưng cuộc sống thật là những khoảnh khắc ngọt ngào mà không bản nhạc nào vẽ ra được.
Như là vào những buổi sáng, con mình tỉnh dậy, và cái cách mà nó nhìn mình, cách mà nó ôm mình, cách mà nhiệt độ da của một đứa bé nóng hơn người lớn chạm vào da mình, môi của nó chạm vào mình, rồi nó ọ ẹ gọi mình, tất cả những điều đó không thể diễn tả được bằng lời. Mọi người bảo là có con thì ngày dài hơn nhưng năm thì ngắn lại. Làm mẹ cũng nhiều nỗi khổ, khổ vì không được ngủ, không được làm việc mình thích, rồi đôi khi thấy đánh mất bản thân, trời ơi tôi là một pianist mà, sao tôi lại phải thay tã. Nhưng mà đổi lại, niềm vui của nó là khôn tả.
Cách chị chơi nhạc có khác đi sau khi làm mẹ?
Có một cái gì đấy diễn ra khi cuộc sống của bạn xoay quanh người khác. Những câu nhạc của mình tĩnh hơn, rộng hơn. Làm mẹ cũng là học cách đặt người khác lên trên mình. Và từ đó mình trung thành hơn với tác giả. Ví dụ có những đoạn tác giả ghi chú là chơi nhỏ, lúc trước mình kệ, cứ chơi to. Nhưng giờ thì mình muốn nghe người khác nói gì.
Về sự tĩnh tại, tôi nhớ trong một podcast, chị so sánh những dấu lặng trong cuộc sống cũng giống như những dấu lặng trong âm nhạc – thứ mà Mozart gọi là “điều làm nên một bản nhạc”. Nếu có một dấu lặng như vậy, là một ngày hoàn toàn thành thơi một mình chẳng hạn, thì chị làm gì?
Mình sinh ra ở thành phố, ngay ở phố Quán Thánh (Hà Nội) và không có nhiều trải nghiệm với thiên nhiên. Nhưng mình rất thích được ở gần thiên nhiên, có hồ, có biển hoặc có rừng, có núi, được đi bộ, chạm chân trần xuống đất, được lần theo một dòng suối xem nó dẫn đi đâu, hay là xem nắng lúc này lúc khác có khiến chiếc lá thay đổi không.
Lần cuối cùng chị được thưởng thức khoảnh khắc ấy là khi nào?
Cũng gần đây thôi. Khu nhà mình có một cái vườn, mình xuống đó. Hôm ấy tự nhiên Hà Nội chuyển trời, đẹp ơi là đẹp, và mình cứ đứng đó ngắm lá, ngắm cây, ngắm hoa.
Một hình ảnh luôn đem lại cho chị niềm vui và quên hết những điều buồn là…?
Chắc chỉ có một câu trả lời thôi, đó là khi chồng mình và mình cùng hai con được ngồi cạnh nhau, chơi với nhau. Lúc đó mình hay ngắm xem ba bố con đang làm gì và mỉm cười vì thấy mình thật hạnh phúc.
Có điều gì khiến chị ước rằng mình có nhiều thời gian hơn để làm không?
Tập thể dục. Mình hiểu rất rõ về đôi tay của mình nhưng những phần khác thì không hiểu lắm. Từ bé mình luôn phải bảo vệ tay, không được chơi bóng đá, bóng rổ, sợ hỏng tay, nên mình rất hâm mộ những ai có sở thích thể thao.
Và cuối cùng, một câu hỏi rất dễ, hoặc cũng có thể là rất khó: theo chị, hạnh phúc đến từ đâu?
Mình nghĩ hạnh phúc là khi mình thấy đủ và cảm tạ những gì mình có, vì sở hữu nhiều cũng có thể thấy thiếu, sở hữu ít vẫn có thể thấy thừa. Thừa cũng là một gánh nặng. Thiếu cũng là một nỗi đau. Mình thấy mình đang thừa quần áo. Mình không phải là người có nhiều quần áo đâu, nhưng mà cũng có những thứ mình không mặc đến. Lại có những thứ mình thiếu, như sự hài hước. Mình ước mình có thêm sự hài hước. Nhưng mà mình cũng phải chấp nhận, rằng ok, lần này mình chưa hài hước, nhưng mình sẽ cố gắng lần sau!
Cảm ơn Trang Trịnh và chúc chị luôn thấy đủ!
Bài Hiền Trang Nhiếp ảnh Lê Lai
Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP