Cuộc sống “bình thường mới” kéo theo điều gì mới trong công việc sáng tạo của anh?
Vì công việc của tôi liên quan nhiều đến thực hành chất liệu nên có những thứ nếu trực tiếp quan sát bằng mắt hay chạm vào bằng tay thì hình dung và cảm nhận sẽ tốt hơn so với nhìn qua màn hình máy tính. Tiếp cận chất liệu theo cách mới này là một trở ngại mà tôi cần phải học làm quen. Ngoài ra, cách vận hành công việc cũng phải thay đổi sao cho gọn gàng hơn.
Trước đây, khi còn có thể làm việc nhóm, chúng tôi phân chia mỗi người làm một công đoạn. Ví dụ, để tạo ra một chiếc ghế, mỗi người trong team sẽ làm một bộ phận khác nhau, rồi lắp ráp, đóng gói, vận chuyển chiếc ghế đến tay khách hàng. Bây giờ, quá trình làm ra chiếc ghế ấy phải tinh giản hơn, như đưa ra một bản thiết kế để khách hàng có thể tự lắp ráp tại nhà chẳng hạn.
Nghe như một cuộc cải cách trong tư duy nhỉ?
Có thể nói là thế. Đại dịch này biến mất, nhưng sau đó sẽ có biến cố hay thiên tai nào xảy ra, không ai đoán biết được. Vậy nên ta không thể quá phụ thuộc vào điều gì mà cần có sự chủ động, trong công việc hay cuộc sống cũng thế.
Anh có nghĩ thời kỳ này dạy cho ta một bài học, rằng nên tối giản tất cả mọi thứ?
Tối giản trong cả suy nghĩ, việc làm và nhu cầu. Trong tư duy, tối giản để tránh lãng phí thời gian và chất xám. Trong công việc, tối giản để hạn chế những vật liệu bị bỏ lại phía sau quá trình sản xuất tác phẩm. Trong cuộc sống, giảm bớt nhu cầu, hạn chế sử dụng tất cả những thứ quá nhanh. Nhu cầu tiêu dùng nhanh để lại một bãi rác quá lớn. Đến khi môi trường không thể dung chứa nổi, sẽ có những phản ứng ngược lên chính con người.
Quá trình tinh gọn tư duy sáng tạo ở anh diễn ra như thế nào?
Tôi dành thời gian để suy nghĩ về hiệu suất sử dụng lâu dài của một sản phẩm, xem sản phẩm này có bao nhiêu khả năng ứng dụng, những thứ còn lại sau quá trình sản xuất liệu có tái sử dụng được hay không… Công cuộc cải cách tư duy sáng tạo của tôi vẫn chưa kết thúc, nhưng tạm thời, tôi thấy cách làm việc của mình đã gọn gàng hơn nhiều rồi.