Lê Ngọc (Nhà Có Hai Người): Người ta mơ nhà mơ cửa còn mình mơ núi mơ sông - Tạp chí Đẹp

Lê Ngọc trong sự hình dung của tôi là một người phụ nữ với tính cách mềm mại như dòng suối và tràn đầy tình cảm. Và mãi cho đến khi gặp chị, tôi mới có dịp tô đậm những nét phác thảo vẫn còn mơ hồ về người phụ nữ này. Đó là một Lê Ngọc liên tục thử thách bản thân trong các lĩnh vực khác nhau, làm người hay làm việc điều tuân theo hệ thống giá trị niềm tin của riêng mình, mà theo lời đúc kết sau gần 10 năm kinh doanh cửa hàng kitchen decor của chị thì: “Người ta mơ nhà mơ cửa còn mình mơ núi mơ sông. Điều tôi luôn khao khát đó là tạo ra giá trị, hơn là tạo ra của cải, vật chất.”

Tên đầy đủ
Lê Yến Thủy Ngọc

Công việc hiện tại
Founder cửa hàng “Nhà Có Hai Người”, Lifestyle Coach, Blogger và tác giả sách

Blog
halfawriter.com
nhacohainguoi.com

Chị phát hiện đam mê nấu nướng của mình từ lúc nào?
Chắc là sau khi kết hôn, tôi muốn tự tay nấu những món ngon để cả hai cùng thưởng thức. Chính trong lúc lọ mọ nấu ăn, tôi nhớ lại thuở nhỏ sống cùng bà nội. Đám con cháu vô cùng ngưỡng mộ tài năng nấu nướng của bà. Bà thường dắt tôi đi chợ, cho tôi phụ bếp núc. Tình yêu căn bếp của bà đã truyền cảm hứng cho tình yêu bếp của tôi.

Cửa hàng kinh doanh dụng cụ bếp “Nhà Có Hai Người” cũng được hình thành từ sở thích nấu ăn của chị?
Đó là một cơ duyên thì đúng hơn. Hồi đầu, khi thành lập trang blog “Nhà Có Hai Người”, tôi chỉ nghĩ đó là một nơi để hai vợ chồng cùng nhau ghi lại những kỷ niệm đẹp. Tôi viết, anh chụp ảnh, rồi cùng đăng lên để “khoe” với bạn bè về những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống của hai đứa. Nhưng duyên đến, tôi có dịp cộng tác với các trang báo điện tử để quay video hướng dẫn nấu ăn.

Từ việc nấu nướng quay video trong bếp, chúng tôi bắt đầu sưu tập những đồ dùng làm bếp đẹp để phục vụ cho việc quay video. Nhưng về lâu dài để có thêm kinh phí cũng như là không gian trống để tiếp tục sưu tầm những món đồ mới, tôi bắt đầu thanh lý bớt cho bạn bè. Công việc kinh doanh của chúng tôi bắt đầu hồn nhiên như vậy đó (cười).

Kể ra thì chị đã thành công với công việc kinh doanh đầu tiên của mình?
Thật ra, tôi tập tành kinh doanh từ năm 20 tuổi rồi. Hồi ấy, hễ bước chân ra đường hỏi 10 người ước mơ của họ là gì thì hết 9 người trả lời rằng mở quán café, và tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng những điều đẹp đẽ cũng dần… sụp đổ khi tôi chợt hiểu ra trong cuộc sống chúng ta cần cả cơm, thịt, cá, sầu riêng, cam, chanh, khổ qua, cải thìa… chứ không thể mãi ăn “mơ” mà sống được. Thế là tôi quyết định trao lại quán để sống một cuộc sống bình thường như bao người.

Có điều… thật khó để sống bình thường khi luôn bị những ước mơ thôi thúc (cười)! Thế là tiệm đồ bếp nhỏ xinh được dựng nên bằng tình yêu, sự trưởng thành và bài học cân bằng từ lần kinh doanh thử nghiệm đầu tiên.

 

Triết lý kinh doanh của chị là gì?
Nghe có vẻ lạ nhưng tôi không thích gọi những người làm cùng mảng kinh doanh là đối thủ cạnh tranh. Ngoài những vấn đề liên quan đến công việc chung cần sự hợp tác, tôi chỉ là tôi, vươn lên với hệ thống niềm tin riêng của mình, nằm bên lề tất cả mọi cuộc xung đột vì lợi ích. Thật lòng, tôi không quan tâm lắm việc đạt được cái này cái kia. Điều tôi cảm thấy có ý nghĩa chính là được cống hiến và được lăn xả hết mình trong lĩnh vực yêu thích. Người ta mơ nhà mơ cửa còn mình mơ núi mơ sông. Điều tôi luôn khao khát đó là tạo ra giá trị, hơn là tạo ra của cải, vật chất.

Nhưng để giữ cho căn tiệm luôn được nhiều người yêu thích hẳn là chị cũng có chiến lược riêng?
Sau 3 năm kinh doanh ổn định, chúng tôi quyết định cải tổ toàn bộ về thiết kế, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với nhân viên, thay vì trước đây các bạn có thể thoải mái làm những gì các bạn thích, thì nay sẽ chăm chút hơn về cách trò chuyện với khách hàng, nâng cao các kỹ năng cần thiết như chụp ảnh, cắm hoa, trang trí nhà cửa… để liên tục tạo ra diện mạo mới cho cửa tiệm. Các chương trình quà tặng, tích điểm, các cổng thanh toán tiện lợi, hoạt động bên lề như workshop hướng dẫn làm đồ handmade trang trí nhà cửa… cũng được xây dựng để tăng trải nghiệm cho mọi người.

Bài học kinh doanh khó nhất với chị trong suốt 10 năm qua là gì?
Phải thú nhận tôi dở nhất là kỹ năng quản trị. Tôi không đề ra các nguyên tắc làm việc hay nội quy chung, không tạo ra môi trường cạnh tranh, cũng không áp dụng chế độ thưởng – phạt. Thưởng – phạt không khiến người ta làm việc tốt để trở nên tốt hơn, mà chỉ khiến người ta làm việc tốt để được khen thưởng và không dám làm việc xấu vì sẽ bị phạt.

Cách quản trị này làm người khác lúng túng cũng làm chính người quản lý hoang mang. Cái hệ thống không có nguyên tắc rõ ràng lại chứa đựng trong đó rất nhiều nguyên tắc mà bản thân mỗi người phải tự tìm thấy trong chính họ. Không ít lần, vì quá tin tưởng người khác nhưng họ không đủ chính trực, nên gây ra tổn thất mà tôi phải thu dọn tàn cuộc. Nhiều lần, tôi tự hỏi rằng liệu có nên thay đổi không? 

Nhưng tôi lại càng tin vào cách quản trị bằng… niềm tin. Nó mang lại một môi trường làm việc lành mạnh nơi mà từng người đều hết lòng hết dạ nhưng không phải với chúng tôi, mà với sự tử tế bên trong họ.

10 năm kinh doanh đã tôi luyện nên một Lê Ngọc thế nào?
Sử dụng trực giác tốt hơn (cười). Nghe thì có vẻ “trực giác” nghiêng về phía con tim nhiều hơn, nhưng vì đã rút được một rổ kinh nghiệm từ thế giới xung quanh và cả chính bản thân, nên “trực giác” mới “mách bảo” bạn “làm thế này nha!”.

Là một người phụ nữ bắt kịp xu hướng của thời đại, quan điểm của chị về một người phụ nữ chọn trở thành “nội trợ toàn thời gian” như thế nào?
Mọi người sẽ bảo nội trợ là thất nghiệp nhưng tôi không nghĩ vậy. Nội trợ rất vất vả, bản thân tôi cũng không thể làm một người nội trợ chu toàn. Người làm nội trợ là một người rất can đảm. Phần đông người vẫn còn nhìn nội trợ là một việc thấp kém, dành cho những chị em không có tri thức cao. Thế hệ trước của chúng ta không phải không có khả năng đi ra ngoài làm việc, nói đúng hơn vì họ muốn hy sinh để cho gia đình hạnh phúc tốt đẹp hơn. Thời đại này thì khác, người trẻ vẫn có người muốn ở nhà làm nội trợ vì sở thích, chứ không phải vì áp đặt của gia đình như xưa.

Theo chị chia sẻ thì mỗi người đều bình đẳng trong sự chọn lựa của mình, vậy góc nhìn của chị về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng trong mối quan hệ vợ chồng nói riêng ra sao?
Hiện xã hội đang thay đổi theo một chiều – phụ nữ cố vươn ra làm việc như đàn ông để được bình đẳng, nghĩa là ngoài trách nhiệm “giỏi việc nhà”, họ còn phải “đảm việc nước”, nhưng không mấy người đàn ông có nhu cầu vươn vào bếp để được bình đẳng với phụ nữ. Và thực tế cho thấy, có những người phụ nữ thích chăm sóc gia đình, những người đàn ông hăng hái làm việc xã hội; và ngược lại, vẫn có những người phụ nữ yêu việc xã hội và những người đàn ông yêu căn bếp của mình.

Vậy thì, bình đẳng chính là sự tự do trong cách nghĩ, cách sống. Bình đẳng trong mối quan hệ vợ chồng nói riêng không có nghĩa gia đình đó có hai người vợ hoặc hai người chồng, mà ai có thể làm tốt việc gì thì cứ làm, san sẻ cùng nhau. Bình đẳng là khi người ta không đóng khung một người hay một mối quan hệ, và mỗi người được hành động theo nguyên vọng cá nhân, tuỳ trường hợp mà tiến hay lùi, cứng rắn hay mềm mỏng.

Khi xã hội chỉ đích danh căn bếp là của phụ nữ, cá nhân chị thấy thế nào?
Có thể nhiều người xem là đặc quyền nhưng riêng tôi thì thấy rất áp lực. Tôi không phải là người lúc nào cũng muốn vào bếp, tôi hy vọng mọi người cũng đừng quá áp lực với chuyện bếp núc. Tôi cảm thấy giữa nữ quyền với nhân quyền thì chúng ta nên hướng tới nhân quyền. Mỗi người đều có thể sống theo những gì mình muốn, không áp đặt những điều luật lên người này người kia.

Hẳn là mối quan hệ của vợ chồng chị cũng bình đẳng như điều chị vừa đề cập?
Đúng là như vậy nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Giữa chúng tôi tồn tại niềm hạnh phúc tự thân với sự tin tưởng, tự do, tôn trọng, không phụ thuộc lẫn nhau, không phải ép bản thân làm điều này vì người kia thích thế rồi đâm ra có nhiều điều đè nén trong lòng. Enrich Fromm – nhà phân tâm học người Đức từng nói: “Tình yêu chín muồi là sự hợp nhất trong điều kiện bảo tồn toàn vẹn tính cá biệt của mỗi bên. Tình yêu giúp con người vượt qua cảm giác cô lập và chia cắt, nhưng vẫn cho phép ta là chính mình, để giữ được sự toàn vẹn. Nghịch lý trong tình yêu là hai con người tuy một mà vẫn là hai”. Tình yêu không phải là rào cản mà là động lực để mỗi người có thể tiếp tục phát triển, theo đuổi những ước vọng riêng.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Bài Huyền My Sản xuất Duyên Trần Nhiếp ảnh Minh Tuấn (Icon-T)
Địa điểm Cửa hàng Nhà Có Hai Người
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP