Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ bận rộn với công việc, ông ốm nặng và mất năm tôi lên 5, cả tuổi thơ tôi gắn với người bạn lớn là bà nội. Sáng sớm, hai bà cháu cùng đi bộ ra chợ Bến Thành dạo chơi ở các hàng quen. Mấy cô bác chủ hàng ở chợ thấy con bé tôi cười toe toét thường ngoắc tay bảo: “Lại đây cho tui hun miếng coi!” bằng chất giọng miền Nam hào sảng, ấm áp. Sau tiết mục dạo chơi, ăn sáng, bà dẫn tôi sang hàng rau, củ, thịt, cá, mua nguyên liệu về nấu bữa trưa và bữa tối cho cả nhà. Tôi mê mẩn những màu sắc, âm thanh, mùi hương ở ngôi chợ nhiều năm tuổi ấy biết bao!
Trong chiếc làn đi chợ của nội lúc nào cũng có một củ gừng tươi. Trong nhà, nội giống như bác sĩ tại gia, thường tự chữa các chứng bệnh õng ẹo của cô cháu gái bằng gừng. Con nhỏ rên đau bụng, khó tiêu, nội pha một tách trà gừng. Con nhỏ bị cảm gió, nội lấy củ gừng chà xát lên cổ, vai, gáy và lòng bàn chân cho ấm. Hễ đi đâu về bị mắc mưa, nội sẽ nấu một nồi canh gừng. Nồi canh đó có thể được nấu từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, nhưng dĩ nhiên, không thể thiếu mấy lát gừng thái mỏng. Trong nhà có ai lăn ra bệnh không nhấc người dậy nổi, nội ân cần nấu một nồi cháo cá nóng hổi, thơm lừng, không quên rắc lên đó một ít hành lá, tiêu xay và gừng thái sợi.
Có lẽ thời gian ở bên nội, được ảnh hưởng nếp quen từ nội, nên mùi gừng dậy lên trong cánh mũi hay trong ký ức tôi không chỉ đơn giản là một loại nguyên liệu quen thuộc trong chiếc làn đi chợ, mà là một thứ mùi ấm áp của tình thân. Trên kệ bếp trong căn nhà riêng của vợ chồng tôi luôn có một hộp trà gừng. Thi thoảng, lúc nấu canh, tôi cũng thích cho thêm gừng, đặc biệt là những hôm trái gió trở trời, cả người ê ẩm, một chút ấm nóng từ bát canh gừng, về mặt thể chất, sẽ giúp làm giảm tính hàn xâm nhập vào cơ thể, và về mặt tâm trí, sẽ xoa dịu những bất ổn trong lòng.