Có một ngôi làng trong mây ở Hà Giang - Tạp chí Đẹp

“Này cậu, hay mình tới bản Phùng chơi đi. Hơi xa một tí nhưng nghe nói đẹp và rất ‘authentic’ (từ mà dân quảng cáo hay dùng để chỉ sự độc đáo, không đụng hàng, nói chung là chất)”. Thế là chúng tôi rẽ hướng vượt cầu qua sông Lô đang chảy cuồn cuộn để tới bản. Hai người, một “ngựa sắt”, cứ thế mà túc tắc.

Đường vào bản rất cheo leo, người ta xẻ núi làm đường, xa trông như một dải ruy băng vắt ngang sườn núi. Có khúc quanh co như cùi chỏ, bên này đường rất gần bên kia đường, chỉ cách nhau một… vực thẳm đen ngòm.

Dấu hiệu để nhận biết mình đang tiến gần tới nơi có sự sống là lâu lâu trên đường, bạn sẽ bắt gặp một vài thiếu nữ mặc đồ đen, bước chầm chậm, gùi túi vải sau lưng. Thay vì buộc túi lên vai, họ sẽ thắt dây túi qua trán, dùng lực của đầu và cổ để khiêng. Những cô gái có nét mặt tĩnh lặng như đại ngàn, lầm lũi bước đi làm tôi cảm thấy có gì đó bí ẩn. Những cô gái dân tộc La Chí ở Bản Phùng (Hà Giang).

Càng vào sâu trong bản, cảnh vật càng đẹp như tranh vẽ. Nhà cửa, cây cối, ruộng vườn nương vào nhau mà sinh trưởng. Chúng tôi ngủ lại nhà anh La Chí Phong, một nhân viên ngành điện lực. Nhà rộng nên anh ngăn ra làm homestay. Chú cún nhỏ thấy người lạ cũng chạy ra vẫy đuôi mừng như đã quen nhau lắm. Trong lúc chúng tôi tắm rửa, vợ anh Phong đã nấu xong mâm cơm nóng chờ cả nhà. Canh su su, đọt su luộc, gà luộc chấm nước mắm ớt xanh. Su su hái trong vườn, gà cũng nuôi trong sân. Gà núi ăn thóc và chăm vận động nên thịt săn chắc, không “bủng beo” như gà công nghiệp ở thành phố. Đang đói và lạnh mà được ăn bữa cơm ngon nóng hổi như vậy, thật chẳng gì bằng.

Trường học cấp một ở bản Phùng chìm trong mây

“Cậu ăn xong, sáng mai anh kêu dậy sớm đi ngắm mây nhé!”.
Anh Phong cười khà khà rồi nhấp một ly rượu trắng cho ấm bụng.

5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lọ mọ dậy, ăn vội chút khoai lang lót dạ rồi mặc quần áo ấm vào. Anh Phong dẫn chúng tôi leo lên ngọn đồi phía sau bản, ở đây đủ cao để nhìn xuống toàn cảnh nhà cửa, ruộng vườn. Còn tối mịt nhưng tới nơi đã có sẵn một nhóm hơn hai mươi người vác theo máy ảnh ngồi chờ trời sáng. Vậy là chúng tôi cùng nhập hội đón bình minh và gọi nơi mình đứng là “đồi vọng cảnh”.

Gần 6 giờ, mặt trời ló dạng, ánh nắng chiếu xuyên qua bụi tre, qua mái lá. Gà, chó, vịt, trâu… thức dậy và bắt đầu kêu inh ỏi. Từ dưới vực sâu ngàn trượng, một đụn mây khổng lồ trườn lên, vươn ra che phủ cả bản làng. Chúng sà thật sát xuống ruộng rồi tan ra như sương khói. Mây cứ đến từng đợt như thế, không đợt nào giống đợt nào, tạo nên một khung cảnh tưởng như chỉ có ở chốn thần tiên.

“Hôm nay chúng ta may mắn đấy, vì không phải ngày nào cũng có mây đẹp mà trời trong như thế này đâu!”, anh Phong bảo.

Sau khi ngắm mây đã đời, chúng tôi xuống đồi, về lại bản ăn sáng. Hôm nay bản có chợ phiên, chợ chỉ họp một lần mỗi tuần thôi. Dân từ nhiều nơi khác đổ về mang theo bất cứ thứ gì mình có để trao đổi. Người bán vài quả bí, mấy con gà, người thì bán rễ cây thuốc quý đào tận sâu trong rừng, hay mật ong rừng nguyên chất. Có một nhóm các cô gái thu mua bông vải và ngồi sơ chế ngay trong chòi giữa chợ.

Các cụ già La Chí ngồi bán nông sản tại chợ phiên

Ở đó tôi gặp Việt Anh, một cô bé nhỏ thó có ánh mắt sáng quắc, đôi môi hơi nhợt nhạt nhưng cương nghị. Cô bảo rằng biết hai đứa tôi mới lên bản chơi nên vội chạy xe từ Hà Giang tới đây. “Em xung phong làm tour guide cho các anh mấy hôm nhé, em thích đi chơi, đã follow các anh lâu lắm rồi, hôm nay mới có dịp các anh lên trên này!”.

Việt Anh có dáng đi nhẹ tênh, tâm hồn trong sáng như một bé gái vùng cao. Nhưng ánh mắt cô có cái gì đó khắc khổ và day dứt lắm. Đôi khi người ta cứ phải chọn một cuộc sống nhọc nhằn dù mình có thừa điều kiện để an nhàn. Tốt nghiệp đại học xong, cô chưa muốn đi làm ngay mà dành thời gian để lang thang khắp vùng núi Tây Bắc này. Cô xung phong làm giáo viên cấp một dạy học cho mấy đứa nhỏ vùng cao, đi hết trường này đến trường khác. Ở đâu người ta sợ, không dám tới thì cô sẽ đi.

“Khi nào trả xong nợ cho miền núi này, em sẽ về một hòn đảo nho nhỏ nào đó và bắt đầu một cuộc sống mới!”, Việt Anh nói.

Cô gái đó rất lạ, lạ nhất mà tôi từng gặp cho tới giờ. Cô không sống theo cái logic mà thế hệ chúng tôi đa phần cho là kim chỉ nam: thanh niên rời làng quê lên thành phố lớn để học hành, lao động, kiếm sống. Mục đích của hầu hết mọi người là làm sao kiếm cho được một mái nhà ở Sài Gòn để che nắng che mưa, một công việc với đồng lương kha khá, dễ thở một chút. Nhưng rồi sau cái nhà, sau cái xe, sau những đứa con sẽ là gì thì chưa ai kịp có thời gian nghĩ đến. Mà nhiều khi, lúc bắt đầu nghĩ đến thì thời gian dự trữ cũng sắp hết. Thế là cứ miệt mài lăn trôi theo cỗ máy kiếm tiền đang rầm rập chạy không ngừng nghỉ.

Việt Anh “giàu có”. Cô có thời gian, tuổi trẻ và sự tự do. Cô ăn thức ăn hoàn toàn organic mà dân Sài Gòn chúng tôi phải bấm bụng mua với giá gấp ba, gấp bốn; cô hít thở bầu không khí trong lành với chỉ số Air Visual lúc nào cũng dưới 20; cô không biết tới khái niệm kẹt xe vì đường núi cheo leo ít khi nào có hơn 2 phương tiện lưu thông đồng thời để mà kẹt; nhà cô ở có view “triệu đô” nhìn ra ruộng bậc thang xanh mướt, mà hay nhất là cô bỏ chúng đi lúc nào cũng được.

Bếp của một gia đình người dân tộc La Chí

Việt Anh, những đám mây buổi sáng, cuộc sống đơn giản tự cung tự cấp ở bản Phùng làm tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống này nằm ở cách mà chúng ta nhìn nhận thực tại. Những kẻ lữ hành ghé thăm miền núi một vài ngày rồi lại vội vã rời đi, cho rằng đó là chốn để chơi, không phải để ở, nhưng bằng một con mắt khác, nơi “khỉ ho cò gáy” ấy lại chính là thiên đường để sống. Tôi từng giống nhiều người, thấy Việt Anh đáng thương, nhưng giờ đây, tôi cảm phục và ganh tị vì sự “giàu có” của cô. Cuộc sống thành phố chật vật và bức bối, nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh thì ta hãy thay đổi con người mình. Thay vì đứng im cho cái guồng quay điên cuồng ấy thoải mái xô đẩy và chèn ép, ta dũng cảm đứng dậy, dịch chuyển tới một nơi khác ngược với đám đông, sửa đổi góc nhìn, chắc chắn sẽ thấy lối ra cho những bế tắc hàng ngày.

Bài Tâm Bùi Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP