"Black Panther thắng Oscar"? Nghe cũng có cơ sở đấy! - Tạp chí Đẹp

“Black Panther thắng Oscar”? Nghe cũng có cơ sở đấy!

Giải Trí

Đạo diễn của “Black Panther” – Ryan Coogler không phải tuýp người thích được nghe những lời ca tụng. Ngay cả khi tác phẩm siêu anh hùng do anh thực hiện sắp có cơ hội làm nên chuyện tại Oscar 2019 và bản thân Coogler cũng đứng trước vinh dự lớn lao nhận được đề cử đạo diễn xuất sắc, nhà làm phim này vẫn luôn có chút rụt rè mỗi khi được ngợi ca trên sân khấu.

dwfvxp2u8ain4u
Từ trái sang: nhà quay phim Rachel Morrison, đạo diễn Ryan Coogler, thiết kế trang phục Ruth E. Carter và thiết kế sản xuất Hannah Beachler.

Coogler – một cựu ngôi sao bóng bầu dục tại trường trung học đã bỏ tương lai thể thao để theo đuổi giấc mơ điện ảnh. “Những lời ngợi khen từ huấn luyện viên là rất hiếm”, anh chia sẻ: “Bạn được tập để không lắng nghe điều đó, và ngay cả khi xuống tinh thần bạn vẫn muốn nghe huấn luyện viên của mình la rầy”. Dù Ryan Coogler không muốn làm ngôi sao trong khán phòng để nghe người ta khen “Black Panther” tuyệt vời như thế nào, anh vẫn ý thức được rằng nếu bộ phim có được những đề cử quan trọng tại Oscar thì cơ hội trở thành Đạo diễn xuất sắc nhất tiếp theo là không hề nhỏ.

picture1
Coogler và nam chính Chadwick Boseman trong vai T’Challa.

Số lượng các đạo diễn da màu được đề cử Oscar đã ít, số lượng chiến thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần Coogler bị đánh giá thấp năm nay là bởi một đạo diễn da màu khác đang là ứng cử viên số một cho giải thưởng này: Spike Lee với “Blackkklansman“. Việc có tới hai đạo diễn da màu được đề cử Oscar sẽ là một dấu mốc quan trọng tại lễ trao giải năm nay.

Vài năm trước, chính Coogler và nam diễn viên Michal B. Jordan cũng từng gây được tiếng vang tại Hollywood với phim tiểu sử “Creed“. Ấy thế nhưng đề cử Oscar duy nhất mà phim có được lại thuộc về ngôi sao da trắng gạo cội Sylvester Stallone – một trong số 20 đề cử “quá trắng” của năm 2016 mà sau đó khiến Viện Hàn Lâm bị chỉ trích dữ dội. Oscar đã bớt trắng, thế nhưng có vì thế mà Coogler sẽ được cân nhắc?

Cho tới nay vị đạo diễn này đã không có tên trong danh sách đề cử của hai giải thưởng tiền Oscar quan trọng là Quả Cầu Vàng và Giải thưởng của Hiệp hội đạo diễn Hoa Kỳ (Directors Guild of America). Tuy nhiên, trước khi đề cử và giải thưởng được công bố, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Sự tôn trọng dành cho phái nữ

Marvel Studios' BLACK PANTHER Cinematographer Rachel Morrison on set. Ph: Matt Kennedy ©Marvel Studios 2018
Tay máy Rachel Morrison trên phim trường phim “Black Panther”

Nhắc đến chuyện làm phim, mỗi đạo diễn sẽ có cho mình một phong cách khác nhau. Có người thì quát tháo om sòm cả trường quay, trong khi ngay cả một số đạo diễn được kính trọng nhất tại Hollywood cũng chỉ đạo phim một cách bảo thủ vì lo rằng những người khác sẽ thu hẹp tầm nhìn sáng tạo của họ. Ryan Coogler khi nói về làm phim lại có một quan điểm khác. Nữ quay phim Rachel Morrison làm việc với Coogler trong “Black Panther” đã chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là những đạo diễn có cái tôi quá cao thường là những kẻ huênh hoang hoặc không có chính kiến. Ryan rất tự tin về khả năng của mình, điều đó cho phép anh ấy quay sang đạo diễn hình ảnh và hỏi xem cô ấy nghĩ gì về kịch bản, hoặc tham khảo lời khuyên của biên kịch về vấn đề hình ảnh.”

Ryan Coogler không ngần ngại dừng cả cảnh quay để trao đổi với thiết kế sản xuất Hannah Beachler. Cùng với Morrison, Beachler, thiết kế phục trang Ruth E. Carter và dàn diễn viên nữ đông đảo của “Black Panther” đã khiến bộ phim không những tôn vinh người da màu mà còn là nơi phụ nữ được lên tiếng. Cuối cùng thì nhà làm phim này cũng đã hoàn thành trọn vẹn được chân lý mà anh luôn tâm niệm: Phim ảnh là trải nghiệm của tập thể.

black-panther-review-14
“Black Panther” là nơi người phụ nữ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, cả trong phim lẫn trên trường quay.

Người mẹ Joselyn của Coogler đã cho con trai mình tiếp xúc với điện ảnh chất lượng từ rất nhỏ. Bà am hiểu về điện ảnh tới mức được các con và cháu trong nhà gọi là “IMDB” bởi có thể đọc vanh vách cô diễn viên này đóng phim nào. Khi Coogler nhắc tới những người có ảnh hưởng và giúp đỡ mình trở thành nhà làm phim, rất nhiều trong số đó là phụ nữ, từ người vợ Zinzi cho tới cô giáo Rosemary Graham – người khuyên anh theo đuổi ước mơ và vẫn chăm chỉ đọc các bản thảo của anh gửi tới.

Lớn lên trong một gia đình đầy yêu thương, nhà làm phim này không muốn sống một cuộc đời dễ dàng. Ngay từ năm 2007 khi bắt đầu theo học tại đại học Nam California, Ryan Coogler đã xác định rất rõ cho kế hoạch tương lai của mình. Bỏ qua cuộc sống hứa hẹn tại Los Angeles, Coogler lại muốn đem ngành công nghiệp phim tới với quê nhà ở Richmond và Oakland nơi anh lớn lên. Chàng trai trẻ lúc đó từng nói rằng “Đó sẽ là thứ mà lũ trẻ nhìn vào và nói ‘Tớ cũng có thể làm được!’ ”.

Chỉ cần nhận được sự hậu thuẫn của những giải thưởng danh giá, "Black Panther" sẽ trở thành 1 cột mốc ấn tượng của lịch sử điện ảnh.
Chỉ cần nhận được sự hậu thuẫn của những giải thưởng danh giá, “Black Panther” sẽ trở thành 1 cột mốc ấn tượng của lịch sử điện ảnh.

Đó cũng là điều cuối cùng mà T’Challa đã làm trong “Black Panther“. Sau cuộc chiến đầy dữ dội với người em họ Killmonger (cũng lớn lên từ Oakland), vị vua Wakanda đã bay tới đây sử dụng công nghệ của mình để giúp đỡ cộng đồng nơi này. Có thể nói T’Challa đã nhận ra mục tiêu dài hạn của mình và thấu hiểu những bất công và éo le mà Killmonger phải trải qua, dẫu một người được sống trong đủ đầy và yêu thương, kẻ kia thì lại lớn lên trong môi trường ngược lại.

Liệu Oscar năm nay sẽ gọi tên “Black Panther” và Ryan Coogler hay không? Hãy cùng chờ xem danh sách đề cử chính thức sẽ được thông báo vào ngày 22/1 năm nay.

Thực hiện: depweb

11/01/2019, 07:00