Đỉnh cao của phong trào phản kháng…
Có thể nói, đó là quãng thời gian bùng nổ của thời trang và nghệ thuật, nhiều kiệt tác bất hủ dòng classic rock ra đời, cùng với trào lưu âm nhạc mới psychedelic music.
“Summer of Love” trở thành một thuật ngữ đặc biệt, chỉ dành riêng cho mùa hè năm 1967, khi những cuộc cách mạng trong lối sống, tư tưởng làm thay đổi cả hình thái xã hội Mỹ và Tây Âu trước làn sóng tự vấn “Tôi là ai?”, “Tôi sống để làm gì?”, “Điều gì đang chờ đợi tôi ở tương lai?”…
Những giá trị cũ bị xé rách, các bức tường đạo đức bị xô đổ, những anh hùng chiến tranh phải nhường chỗ cho các ngôi sao ca nhạc, tình yêu được tôn vinh, tự do được ca tụng. Nổi bật nhất là hai đại nhạc hội “Fantasy Fair & Magic Moutain” và “Monterey Pop”, đều diễn ra ở bang California vào tháng 6/1967, với sự tham gia của hàng chục nhóm nhạc và các nghệ sĩ nổi tiếng của dòng classic rock như The Who, The Jimi Hendrix Experience, Janis Joplin, Jefferson Airplane, The Mamas & the Papas, Ravi Shankhar, The Grateful Dead, Steve Miller, Blues Band, Tim Burkley…
Trên thực tế, “Summer of Love” chính là đỉnh cao của phong trào phản chiến trong giới thanh niên Mỹ từ đầu thập niên 1960. Dùng các thể loại nghệ thuật đương đại, kịch đường phố, nhạc folk, psychedelic rock để lên tiếng chống vũ khí hạt nhân, chống chiến tranh Việt Nam, tỏ thái độ bất tuân phục các quy ước xã hội, quan điểm sống coi trọng cá nhân. Từ đó hình thành nên cộng động hippie đông đảo trên khắp thế giới.
John Phillips, người cầm trịch ban nhạc The Mamas & the Papas chỉ mất có 20 phút để viết xong phần lời ca khúc bất hủ “San Francisco” – với mục đích ban đầu để cổ động cho đại nhạc hội Monterey Pop. Sau khi đĩa đơn ra mắt ngày 13/5/1967, rất nhanh sau đó, “San Francisco” đã trở thành bài hát ăn khách nhất ở cả Anh và Mỹ. Ca khúc như lời hiệu triệu kéo giới trẻ đến San Francisco với “hoa cài trên mái tóc” (be sure to wear some flowers in your hair), để thấy “ở đó, mùa hè sẽ là tình yêu” (summer time will be a love-in there).
“San Fracisco” cùng “Let’s Live For Today” của The Grass Roots và “All You Need Is Love” của The Beatles, ra đời trong năm 1967, được coi là 3 bản thánh ca của dân hippie kể từ đó, và chúng vẫn giữ nguyên sức quyến rũ đến tận ngày nay.
Theo thống kê chính thức của cảnh sát, hơn 100.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về quận Haight-Ashbury (Berkeley) và khu vịnh San Francisco để tận hưởng đại tiệc miễn phí, từ thức ăn, âm nhạc, thuốc (các loại thuốc gây ảo giác) và thậm chí cả… tình yêu.
Khi những thanh niên này hồi hương, họ đã mang về Anh, Tây Âu, Australia, New Zealand, Nhật Bản những ý tưởng, quan điểm, lối hành xử và cả một làn sóng thời trang mới, khiến hippie trở thành cơn bão lan rộng toàn cầu. Và dĩ nhiên, họ không quên phổ biến thứ âm nhạc đỉnh cao đã được nghe, được cảm nhận trong suốt mùa hè tuyệt vời đó.
… Và cũng là đỉnh cao của sự thăng hoa
Không thể phủ nhận, 1967 chính là năm bản lề của âm nhạc đương đại, bởi chưa bao giờ các tác phẩm bất hủ lại ra đời nhanh, nhiều và liên tục đến vậy.
Đầu tiên là album “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band” của The Beatles, một trong những đĩa nhạc có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thế hệ nghệ sĩ sau này. Album là biểu tượng hoàn hảo của trào lưu psechedelic rock với tiếng sitar huyền bí, tiếng ghi ta điện chát chúa, ca từ siêu thực, trừu tượng và lối hòa âm sử dụng nhiều kĩ xảo âm thanh – tất cả mang lại ảo giác cho người nghe.
Trước đó, Grateful Dead cũng tung ra album đầu tay của mình, được coi là “một sự kiện lớn của San Francisco”. Grateful Dead và Jefferson Airplane là hai nhóm nhạc biểu tượng của San Francisco với phong cách hoang dại, phóng túng, nhưng vẫn nồng ấm.
Hai bản “Somebody To Love” và “White Rabbit” của Jefferson Airplane với chất giọng tràn đầy xúc cảm của Gary Slick được phát đi phát lại trên khắp các nẻo đường nước Mỹ và được xem là “thánh ca” của dòng nhạc psychedelic music.
Không dừng lại ở đó, năm 1967 còn chứng kiến sự ra đời của ban nhạc The Doors với kiệt tác “Light My Fire”; linh hồn của nhóm, Jim Morrison, đã thể hiện được đến tận cùng tinh thần của giới hippie – “Hãy đến đây, thắp lên ngọn lửa của anh”… “Mùa hè tình yêu” cũng là nguồn cảm hứng lớn để ba anh em nhà Gibbs phát hành album “Beegees’1st” với các ca khúc đi vào lòng người như “Holiday”, “I Can’t See Nobody”, “New York Mining Disaster 1941”… Mặc dù tên tuổi của Bee Gees gắn liền với pop và disco, nhưng album “Beegees’ 1st” vẫn được xếp vào dòng psychedelic rock, bởi sức quyến rũ kỳ lạ và tầm ảnh hưởng của nó với dân hippie.
Năm 1967 cũng là thời điểm ra mắt album nhạc đồng quê nổi tiếng “Joan” của ngôi sao Joan Baez và bản “Respect” kinh điển của bà hoàng nhạc soul Aretha Franklin.
Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, Procol Harum hát lên ca khúc xuất sắc nhất trong sự nghiệp của họ: “A Whiter Shade Of Pale”. Phần ca từ siêu thực kết hợp với tiếng organ nhà thờ đầy ma mị đã chinh phục không biết bao trái tim người nghe, và sau này có rất nhiều nghệ sĩ đã thể hiện lại. Quan trọng hơn, ca khúc này được coi như cột mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của thể loại progressive rock/art rock trong thập niên 1970 mà các đại diện tiêu biểu nhất phải kể đến như Pink Floyd, Supertramp, ELO, Genesis, Styx…
Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử âm nhạc lại có nhiều kiệt tác đến vậy. “Summer of Love” 1967 là đỉnh cao của sự thăng hoa trong âm nhạc, là nền móng cho sự phát triển đa dạng của rock ‘n’ roll sau này.