“Cánh cung 3” - bay đi rồi cũng trở về - Tạp chí Đẹp

“Cánh cung 3” – bay đi rồi cũng trở về

Review

Trở lại lần này không kèn không trống, không một buổi họp báo giới thiệu nhưng “Cánh cung 3 – Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” vẫn tạo nên một cơn sốt nho nhỏ đối với khán giả yêu nhạc, đặc biệt là cộng đồng mạng. Đủ thấy cái tên Đỗ Bảo sau mười năm không hề giảm nhiệt mà ngày càng có sức ảnh hưởng sâu rộng.


 

Song, điều đó cũng đồng nghĩa với sức ép dành cho Đỗ Bảo cũng ngày một tăng cao, đòi hỏi phải có một sản phẩm đủ hay để ít nhất không làm những người chờ đợi anh phải thất vọng. Đặc biệt là khi “Cánh cung 2 – Thời gian để yêu” đã quá thành công trước đó, từng đem lại cho anh cú đúp tại giải Cống hiến 2008 và tạo ra không ít bài hit.

Về cơ bản, “Cánh cung 3” là một món ăn vừa mới vừa cũ. Trước hết, ta không còn thấy hàng loạt những cái tên ca sĩ hàng đầu Việt Nam xuất hiện trong danh sách bài hát như trong hai đĩa “Cánh cung” trước. Thay vào đó, chỉ độc một cái tên vốn đã rất quen thuộc đối với âm nhạc Đỗ Bảo là Trần Thu Hà. Cũng đã rất lâu rồi nữ “diva” chưa có một sản phẩm âm nhạc nào của riêng mình sau khi lập gia đình và định cư bên Mỹ. Vì thế, “Cánh cung” lần này không chỉ đánh dấu sự kết hợp mà còn là sự trở lại cùng lúc của hai cá tính âm nhạc vốn đã có những chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả.

Trần Thu Hà là một trong những người đầu tiên hát nhạc Đỗ Bảo rất thành công và ghi dấu với những ca khúc như: “Điều ngọt ngào nhất”, “Bài ca tháng Sáu”, “Câu trả lời”,… Hai người nghệ sĩ vốn là những người bạn thân lâu năm nên dễ tìm được sự đồng cảm trong công việc lẫn cuộc sống. Rắc rối duy nhất là một người ở Việt Nam, một người ở Mỹ nên việc cộng tác khó có thể suôn sẻ. Do đó, kế hoạch của dự án ban đầu chỉ bốn năm nhưng phải kéo dài thêm một năm để đảm bảo chất lượng.  

Ngoài ra, Đỗ Bảo cũng không gói ghém những bức thư tình, vốn là thương hiệu riêng của anh, vào đĩa nhạc. Nhưng anh vẫn chứng tỏ rằng mình là một người kể chuyện tình bằng âm nhạc. Mười hai ca khúc trong “Cánh cung 3” như một cuốn nhật ký mới của người đàn ông từng trải viết về mối tình đầu đã qua, về những tâm sự khi trong trẻo, dễ thương, khi lại sâu lắng đượm buồn.

So với hai đĩa trước, âm nhạc trong “Cánh cung 3” lại trẻ trung đến lạ. Không thiếu những ca khúc rộn ràng, vui tươi khiến người nghe phải lắc lư, nhún nhảy theo từng nốt nhạc. “Bài ca cây đàn” là một ví dụ. Đỗ Bảo như một người quay ngược quá khứ, trở về cái thời ngày xưa, khi vẫn còn là anh sinh viên lặng lẽ cầm đàn đi tán tỉnh người yêu. Ca từ của Đỗ Bảo thì vẫn gần gũi, đơn giản như vậy: “Đàn vang lời tự do, một thế giới tươi đẹp. Đàn reo lời tình yêu, lời năm tháng tình cờ”. Hòa mình theo các ca khúc của Đỗ Bảo, người bạn Trần Thu Hà cũng như trẻ lại. Ta thấy thấp thoáng đâu đó cô nàng “chuyện tình thảo nguyên” ngày xưa vẫn tung tăng hát những lời vu vơ, khi thì “đòng đính đòng”, khi lại “ná na nà nà”.

Bên cạnh giai điệu vui tươi thì “Cánh cung 3” vẫn còn đó những ca khúc đậm chất tự sự và trải đời. “Người buông neo” và “Người câu bông” là một cặp sáng tác mới, nhắc ta nhớ về “Điều hoang đường nhất”, “Điều ngọt ngào nhất” trước đây như những ca khúc đóng đinh của Đỗ Bảo. Lời bài hát nặng trĩu nỗi buồn khi viết về những tâm hồn cô đơn không tìm được lối thoát: “Sống đành ta kẹt giữa muôn khắc thời gian xếp nên đời ta”. Để tô đậm cái sự cô đơn ấy, nhạc sĩ đặt bài hát vào một không gian tĩnh lặng của acoustic với bản phối đơn giản chỉ dùng piano, violin.

Vốn được xem là một ca sĩ “tắc kè hoa”, nên nữ ca sĩ luôn biết cách biến hóa mình để làm chủ bài hát, dẫu vui hay buồn. Chị đã chứng tỏ rằng mình là một sự lựa chọn phù hợp cho “Cánh cung 3”, đặc biệt với những bản ballad sở trường như “Biết mãi là bao lâu”; “Chuyện của chúng ta, chuyện của mặt trời”. Giọng hát của Trần Thu Hà được thu âm trực tiếp cùng ban nhạc nên nghe trầm ấm, mộc mạc và chân thật hơn hẳn. 

Nhưng điểm đặc biệt mới lạ trong “Cánh cung 3” là những âm thanh điện tử của tiếng guitar được sử dụng một cách tinh tế. Không phải là hình ảnh ồn ào, náo nhiệt trong những bản rock, guitar điện xuất hiện trong âm nhạc của Đỗ Bảo rất tiết chế, nhẹ nhàng vừa đủ để tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn. Cả Đỗ Bảo lẫn Trần Thu Hà đều là những người tiên phong sử dụng nhạc điện tử và đã rất thành công nên dễ thấy một sự dày dặn và chỉn chu trong sản phẩm lần này. Những thanh âm điện tử chầm chậm len lỏi vào trái tim người nghe, giống như nhạc Đỗ Bảo, khi nghe không thể vội vã được.

 

Khi nhắc đến cánh cung cuối cùng, nhiều người sẽ tưởng Đỗ Bảo phải rất dụng công trong sản phẩm lần này. Thực ra không phải, âm nhạc của anh vẫn cứ giản đơn, gần gũi như vậy. Có lẽ “Cánh cung 3” là một đĩa nhạc dành để kỉ niệm chặng đường âm nhạc mười năm đã qua hơn là khám phá điều gì đó mới mẻ. Đó cũng là lý do anh dành trọn niềm tin vào Trần Thu Hà, người bạn đã cùng anh đi những bước đầu tiên. Dẫu sao, khi kết thúc chặng đường này, chúng ta vẫn có lý do để chờ đợi những chặng đường mới của Đỗ Bảo. Bởi như lời anh viết: “Con tim không tuổi. Tình yêu không tuổi. Thời gian không tuổi”.

Bài: Sơn Phước


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

18/08/2013, 21:33