Chuyến bay của hãng Airfrance từ Paris hạ cánh xuống sân bay Jose Marti,
Havana lúc 8h tối. Ngoài một vài gia đình ngoại kiều Cuba cuối năm về thăm quê,
phần lớn là khách du lịch Đức và Hà Lan. Chìa cái Thẻ du lịch (tourist card) mua
mất gần 50USD (mức lệ phí của ĐSQ Cuba tại Thụy Sỹ, ở Việt Nam là 15USD), anh
nhân viên cửa khẩu tươi cười bảo người Việt không cần visa, chỉ cần khai vào tờ
form nhập cảnh là đủ. Hóa ra từ ngày 1/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu
nghị Việt Nam – Cu ba, công dân Việt Nam được miễn visa vào Cuba.
Havana “thành phố nơi mọi thứ đều có thể”
Taxi từ sân bay về trung tâm Havana đồng loạt như nhau 25CUC (tương đương
khoảng 30USD)/ xe, xe to, xe bé, 5 người, 7 người gì cũng vậy. Rủ thêm được hai
bạn người Pháp về cùng đường, chúng tôi chia nhau mỗi người trả 8 CUC. Trên
đường đi, chỗ nào cũng tràn ngập chân dung các lãnh tụ và các khẩu hiệu, nhưng
nhiều nhất vẫn là ảnh người anh hùng, thần tượng của bao thế hệ Che Guevara.
Đúng như thông tin trên trang mạng, khách sạn Plaza ở trung tâm thủ đô, vị trí
đẹp như khách sạn Dân Chủ ở Hà Nội hay khách sạn Rex ở Sài Gòn. Tòa nhà khách
sạn với lối kiến trúc thuộc địa Tây Ban Nha về đêm lung linh ánh đèn trông vô
cùng rực rỡ và nổi bật. Và cũng đúng như tôi đã nghĩ, dịch vụ và trang thiết bị
bên trong cũng không khác là bao so với kiểu cách quản lý và phục vụ mà người
Việt Nam thế hệ 7x và các thế hệ về trước không quá xa lạ.
Quán ăn trên quảng trường nhà thờ Catedral, khu phố cổ Havana
Bàn ghế kiểu nhôm sắt,
điều hòa cũ kỹ, tường sơn ẩm mốc, chăn đệm cũ mòn. Cũng đủ các hạng mục để xếp
hạng khách sạn 4 sao nhưng mọi thứ đều đã nhuốm màu năm tháng, hoặc được thay
mới thì lại là đồ thô cứng mậu dịch, không mấy phù hợp với hoa văn lộng lẫy của
kiến trúc tòa nhà. Có quá nhiều lý do để người ta tìm đến Havana. Kiến trúc
thuộc địa 5-700 năm, quảng trường, nhà thờ phong cách châu Âu, những điếu xì gà
Cohiba, những ly mojito thơm mát, nhạc jazz, nhạc salsa, nhạc truyền thống. Đặc
biệt với chúng tôi, đến Cuba lần này còn vì muốn hồi tưởng lại cuộc sống tem
phiếu và những đoàn người xếp dài trước cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Nhà thơ, nhà soạn kịch người Tây Ban Nha Federico Lorca nói rằng ông đã sống
những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời ông ở Havana, nhà văn Graham Greene (tác giả
cuốn “Người Mỹ trầm lặng”) đã mô tả Havana như một thành phố nơi mọi thứ đều có
thể, và nhà văn Hemingway đã từng có một thời gian dài sinh sống ở Havana.
Khách
sạn Ambos Mundos vẫn còn giữ nguyên căn phòng nơi Hemingway ở, nhà hàng
Floridata dựng tượng ông ngay ngoài cửa. Gọi một ly mojito mang tên nhà văn, mờ
mờ trong khói thuốc xì gà, thả mình vào tiếng đàn của những nhạc công da đen, và
nghĩ không thể không yêu thích Havana. Cuộc sống tập thể chậm chạp, con người
hồn hậu, chất phác. Không trung tâm thương mại lớn, không rạp hát hiện đại, cuộc
sống chẳng mấy bon chen, niềm vui cũng là nguồn giải trí lớn nhất hàng ngày có
lẽ vẫn là âm nhạc và nhảy múa.
Công nhân làm việc trong nhà máy xì gà trung tâm Havana
Chọn một xe taxi hiệu Cadillac vừa cổ vừa cũ,
trang thiết bị bên trong hầu như không còn gì nguyên vẹn, mặc cả xong, người lái
xe chở chúng tôi đi thăm mấy pháo đài cổ. Pháo đài Castillo de Los Tres Santos
Reyes Magos del Morro và pháo đài Fortaleza de San Carlos de la Cabana ở cạnh
nhau, có thể mua vé kết hợp vào thăm cả hai pháo đài. Vẫn còn lại cả dàn các
khẩu pháo đồng chạm khắc tinh vi, đứng từ bên này chúng tôi có thể ngắm toàn
thành phố.
Rời pháo đài, chúng tôi dừng lại đi dạo khu Malecon dọc bờ biển. Mặt
trời nhuộm hồng chân trời, sóng biển đánh táp vào bờ kè, tấp cao trùm lên cả
người và xe đi trên phố. Ánh đèn nhấp nháy từ các tòa nhà chọc trời khu Vedado
(Havana mới) từ phía xa làm người ta dễ liên tưởng đến khu Mahattan New York.
Cảm giác về một cuộc sống hiện đại, sôi động, có phải vì thế mà Malecon là nơi
tụ tập yêu thích của giới trẻ Havana mỗi khi chiều xuống.
Ăn tối tại một nhà
hàng trên nóc một tòa nhà hiện đại khu Vedado ngắm biển và ngắm thành phố từ
trên cao là một lựa chọn được nhiều người yêu thích, tuy nhiên chúng tôi đã
không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những nhà hàng ngoài trời trên quảng trường
Nhà thờ với những phiến đá lát đường và những tòa nhà xây dựng từ 5-700 năm
trước.
Havana – âm nhạc ở mọi nơi, trong nhà hàng, trên quảng trường, ngoài góc
phố, ai đi qua cũng có thể dừng lại cùng hát hoặc cùng nhảy theo tiếng nhạc.
Đẹp như bất kỳ một quảng trường nào ở một thành phố cổ châu Âu, lại yên
tĩnh an nhàn vì chưa bị quá tải khách du lịch, chưa bị quấy rầy bởi những người
bán hàng rong. Thời tiết mát mẻ, không khí cực kỳ lãng mạn với những điệu nhạc
Cuba réo rắt bên tai. Âm nhạc ở khắp nơi, Besame mucho, Que sas que sas que sas,
và cả bài hát Guantanamera vô cùng quen thuộc với người Việt Nam từ những năm 80
thế kỷ trước. Dòng máu hoang dã châu Phi kết hợp với bản tính nồng nhiệt Caribe,
lại pha trộn dòng máu Tây Ban Nha, Ấn Độ…, hình như mỗi người Cuba sinh ra đều
đã là nghệ sĩ. Giọng hát trầm ấm, âm vực rộng, những cái lắc mông lắc eo chóng
mặt, những ngón tay điệu nghệ gảy đàn ghi-ta, họ đàn hát ở khắp nơi, chỗ nào có
nhạc là chỗ đó có người đi qua dừng lại nhảy vài điệu. Tôi rất thích trung tâm
phố.
Trinidad “xe ngựa, xe đạp và những căn nhà nhiều màu”
Sau 4 ngày thăm quan, chúng tôi rời Havana và có hai đêm nghỉ tại Trinidad,
thành phố với những căn nhà nhiều màu được công nhận di sản Unesco (1988). Được
xây dựng bởi nhà chinh phục người Tây Ban Nha Diego Velázquez de Cuéllar trên
đường đi tìm vàng những năm đầu thế kỷ 16, Trinidad là thủ phủ của tỉnh Sancti
Spiritus thuộc miền trung Cuba, một trong những thành phố còn giữ được nguyên
vẹn kiến trúc ban đầu kể từ thời hình thành các đồn điền trồng mía.
Những căn
nhà kiến trúc thuộc địa nhiều màu, những con đường rải sỏi nhẵn bóng, những
quảng trường xinh xắn, những nhà thờ nhỏ, đúng như ai đó đã nói, tôi nghĩ mình
có thể lang thang chụp hàng trăm bức ảnh, bởi mỗi căn nhà, mỗi cánh cửa, mỗi con
đường, mỗi góc nhỏ… đều có thể làm nên những bức tranh nhiều màu. Khu phố cổ của
Trinidad không lớn, được giữ gìn khá tốt, cấm ôtô, phương tiện giao thông chủ
yếu là ngựa và xe đạp. Không ai vội vàng, không ai hối hả.
Nhà thờ Mayor Santisima
Thực ra, đã được các
bạn tôi đi trước giới thiệu, tôi rất thích hình thức ở trọ nhà dân, tiếng Cuba
gọi là casa particular. Chính phủ Cuba cho phép mỗi gia đình, có phòng dư thừa
có thể đăng ký cho khách du lịch thuê trọ. Mỗi nhà được cho thuê tối đa 2 phòng,
4 khách. Giá cả cũng khá thống nhất, khoảng 20-25CUC/phòng đôi. Khoản thu này
phần lớn phải nộp lại cho nhà nước, nên thường các chủ nhà trọ cố gắng tăng thêm
thu nhập bằng những bữa ăn phục vụ khách du lịch.
Ở Trinidad, chúng tôi may mắn
được người lái xe giới thiệu địa chỉ của một trong những căn nhà cổ xinh xắn và
sạch sẽ nhất thành phố. Phòng nối phòng ngăn cách bởi những hàng cột tròn, những
viên gạch hoa sắc nét bóng màu thời gian, những đồ vật trang trí phong cách châu
Âu cũ nhưng sạch cực kỳ gợi nhớ không khí những biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội và Sài
Gòn những năm trước đổi mới. Ăn ở nhà hàng, hoặc ngay tại nhà trọ giá cũng bằng
nhau, món ăn cũng không khác nhau nhiều vì thực ra nguyên liệu chế biến món ăn
không quá phong phú.
Chuyện trò buổi sáng ở quảng trường Mayor
Đặc sản Cuba có lẽ là tôm hùm, tuy nhiên đây là mặt hàng xa
xỉ không bao giờ thấy ngoài chợ địa phương. Hơn nữa tàu bé đánh bắtt ngư nhân bị
cấm hoạt động, chỉ có tàu và các cơ sở nhà nước có nguồn cung cấp. Không có đồ
tươi sống, chỉ có tôm hùm đông lạnh. Ngoài ra cũng có cá, thịt lợn, hoặc thịt bò
(nhưng rất dai). Rau xanh ngoài chợ không nhiều chủng loại, nhưng thường các nhà
chủ cũng cố kiếm đủ 3-4 loại rau trộn salad khác nhau, thêm đĩa khoai chiên, bát
súp đậu đen truyền thống, bữa ăn của chúng tôi khá thịnh soạn.
Những nhạc công đường phố trong một sáng mưa.
Đến Trinidad
không thể quên thưởng thức loại rượu mía (rum mía) truyền thống địa phương. Ngòn
ngọt, êm êm, và rất thơm, nhưng cũng như rượu nếp Việt Nam, uống nhiều rất dễ
say. Và buổi tối ở Trinidad thì không thể không đến thưởng thức nhạc và hòa mình
vào điệu nhảy salsa ở sân nhà Casa de la Musica (Nhà Âm nhạc). Thành phố nhỏ,
người ta hình như chưa quá bị cuốn vào vòng quay thương mại, nên ban nhạc chơi
cũng đam mê hơn, ca sĩ hát cũng cuồng nhiệt hơn. Sau này và cả trước đó ở
Havana, chưa ở đâu tôi từng gặp những nghệ sĩ chơi nhạc say đắm và xuất thần như
tối hôm đó ở Trinidad.
Camagüey “thành phố một lối ra”
Năm 1515, những nhà chinh phục người Tây Ban Nha cho xây một ngôi làng nhỏ gần
khu cảng, nhưng rồi nhiều năm liền liên tục bị cướp biển tấn công, năm 1528
người ta quyết định di dời và xây dựng một thành phố mới ở sâu hơn trong đất
liền, với vô vàn những con hẻm quanh co, bố trí lằng nhằng nhằm gây rối rắm cho
bất kỳ tên cướp nào đến từ phương xa. Rất nhiều ngõ cụt và những con đường ở
Camagüey bất ngờ tách làm hai ngã rẽ dẫn ra vô số những quảng trường lớn nhỏ
khác nhau. Chỉ có một lối ra khỏi thành phố, nên những tên cướp biển không thạo
đường sau một hồi quanh co thường sẽ lại lạc vào một ngõ khác dẫn chúng quay
ngược vào trung tâm thành phố, để người dân dễ dàng bắt tóm và giết chúng.
Năm
2008, phố cổ Camagüey được công nhận là di sản thế giới Unesco. Biểu tượng của
thành phố là những cái chum đất (tinajón), được sử dụng để trữ nước mưa. Chum
đất có ở khắp mọi nơi, có những cái nhỏ như bàn tay sử dụng như bình nước cá
nhân, cho đến những cái chum lớn vừa hai người chui vào đặt trong sân nhà dùng
chung cho cả đại gia đình. Chum đất vừa được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày,
vừa được đặt ở nhiều nơi trong công viên, quảng trường, đường phố như vật trang
trí. Truyền thuyết địa phương kể rằng nếu bạn uống nước từ tinajón riêng của một
cô gái, bạn sẽ yêu cô gái đó và không bao giờ có thể rời bỏ cô.
Phố thấp, nhà nhỏ, người đạp xe, người hong tóc,
như thể một cảnh nào đó ở Việt Nam những năm ‘80 thế kỷ trước
Santiago de Cuba “thành phố cuối cùng của một hành trình”
Vậy là chúng tôi đã đi ngang đất nước Cuba từ đầu Havana phía tây sang thành
phố cuối cùng của hành trình Santiago de Cuba ở phía đông. Có lẽ tính tôi hay so
sánh, nên tôi thấy Havana phần nào cũng giống như Hà Nội, đóng vai trò thủ đô
văn hóa, chính trị, Trinidad hay Camagüey nhỏ bé êm đềm có nét gì đó giống với
Hội An, và Santiago de Cuba sôi động, tấp nập thật giống với trung tâm thương
mại, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
Phố to hơn, nhà cũng cao tầng nhiều hơn,
người cũng đông hơn, và xe đạp xe máy ôtô cũng hối hả. Đây từng là nơi chủ tịch
Fidel Castro tuyên bố thắng lợi của cuộc cách mạng Cuba năm 1959, nhưng có lẽ
nhắc đến Santiago de Cuba, người ta nhắc đến Casa de la Trova, Nhà nghệ sĩ, một
trong những địa điểm sinh hoạt ca nhạc của người Cuba, và những huyền thoại âm
nhạc Cuba Compay Segundo, Ibrahim Ferrer and Eliades Ochoa (nhóm Buena Vista
Social Club) và nhiều nghệ sĩ đẳng cấp khác từng thường xuyên biểu diễn ở đây.
Chiều hôm đó, trước khi rời Santiago de Cuba về Holguin để lên máy bay rời Cuba,
chúng tôi thật may mắn khi người lái xe nói có buổi biểu diễn của nghệ sĩ
Eliades Ochoa, một trong những nghệ sĩ của nhóm Buena Vista còn sống. Những buổi
biểu diễn như thế này thường không bán vé, người đến xem cũng nhiều người tầng
lớp lao động. Có thể đối với những nghệ sĩ tự do đường phố (trovador), việc được
quy tụ vào biểu diễn tại một địa điểm khép kín làm giảm phần nào tính ngẫu hứng,
niềm đam mê của họ, nhưng với chúng tôi buổi biểu diễn hôm đó vẫn là một buổi
biểu diễn tuyệt vời. Giọng ca ấm áp, ngón đàn điêu luyện, chúng tôi thật may mắn
vì đã có mặt ở đó.
Bài & ảnh: Hiền Bầu