Vào ngày Chủ nhật của lễ Phục Sinh năm 1722, nhà thám hiểm người Hà Lan, đô đốc hải quân Jacob Roggeveen đã đặt chân lên một hòn đảo lạ nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, từ đó đã khám phá ra một trong những địa danh huyền bí và biệt lập bậc nhất thế giới. Đảo Phục Sinh được ra đời sau sự kiện đó, đến nay đã trở thành điểm đến nổi tiếng của đất nước Chile.
Dù bị cách ly hàng thế kỷ khỏi thế giới bên ngoài, nhưng người dân sống trên đảo vẫn duy trì một nền văn hóa rất riêng và đặc sắc. Các nhà khảo cổ học đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy những người Đa đảo đã phát hiện ra hòn đảo này từ khoảng năm 400 sau Công Nguyên. Nhà thám hiểm Thor Heyerdahl, tác giả cuốn Kon Tiki, lại cho rằng những cư dân đầu tiên đến từ Peru. Lý do họ đưa ra là vì có những điểm tương đồng giữa các bức tượng trên đảo, gọi là Moai, với các công trình bằng đá của người Peru.
Các Moai này được dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ X – XVI sau Công Nguyên với nhiều kích cỡ khác nhau. Kích cỡ các Moai trên đảo thay đổi từ vài tấn và cao từ chưa đầy 1,2 m tới 21,6 m và nặng xấp xỉ 150-165 tấn. Đến nay, theo các nhà khoa học có khoảng 887 bức với chiều cao trung bình 3,9m và nặng trung bình 13 tấn. Chỉ có 288 trong số 887 tượng được đặt đúng vị trí, số còn lại vẫn nằm ở bãi khai thác hoặc rải rác trên đảo trong tư thế đang vận chuyển.
Mặc dù có nhiều giả thiết được đưa ra về khởi nguyên của đảo Phục Sinh, con người cũng như những bức tượng khổng lồ ở đây, nhưng các nhà khảo cổ học và lịch sử tin rằng chúng đều giúp phác thảo quá trình hình thành hòn đảo.
Hiện nay, vùng đất, con người và ngôn ngữ trên đảo Phục Sinh đều được cư dân của nó gọi là Rapa Nui. Những cư dân vùng đảo có một thứ ngôn ngữ viết gọi là Rongorongo mà thậm chí đến nay người ta vẫn không sao giải mã được. Chỉ còn lại 26 tấm thẻ gỗ có thứ ngôn ngữ này, và ý nghĩa của chúng vẫn chưa được xác định.
Thêm vào đó, đảo còn có nhiều tác phẩm đá khắc mô tả hình ảnh chim chóc và cuộc sống thường ngày của những cư dân xa xưa. Đây giống như cuốn nhật ký, được làm ra để thể hiện xem các thế hệ nối tiếp nhau. Bộ phim Rapa Nui của đạo diễn Kevin Reynols dựa trên một số tác phẩm đá khắc này.
Một trong những bí ẩn lớn của đảo Phục Sinh là tại sao người ta lại ngừng xây dựng Moai một cách rất đột ngột. Các nhà khoa học cho rằng, cư dân của đảo đông đúc nên phá vỡ hệ sinh thái đến không thể nuôi nổi toàn bộ dân cư được nữa.
Theo bằng chứng, cư dân đảo Phục Sinh sau đó bước vào thời kỳ suy thoái do cuộc nội chiến đẫm máu mà một số người tin rằng chấm dứt bằng hiện tượng ăn thịt đồng loại. Suốt thời kỳ này, tất cả các bức tượng bị cư dân trên đảo kéo đổ, chỉ mãi gần đây các nhà khảo cổ học mới cố gắng dựng lại các moai vào đúng vị trí của chúng.
Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ XIX, dân số đảo bị thu hẹp chỉ còn khoảng 4.000 người. Sau đó, chỉ trong vòng 20 năm, chế độ nô lệ và bệnh tật mà người phương Tây đem tới càng làm dân số đảo giảm không phanh, chỉ còn lại 111 người vào năm 1877. Khi đảo Phục Sinh được sáp nhập vào Chile vào năm 1888, số lượng người dân đảo Rapa Nui dần dần được khôi phục.
Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động du lịch trên đảo cùng với dòng người đổ về từ khắp nơi đang đe dọa thay đổi tính bản địa của người Polynesian. Dẫu vậy, hòn đảo với những tượng Moai khổng lồ vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn bởi những bí ẩn chưa được giải đáp đầy đủ về sức sáng tạo vô song của con người từ thủa xa xưa.
Bài: Tom (theo The Travel)