On hay Off trong thế giới phẳng (P.1) - Tạp chí Đẹp

On hay Off trong thế giới phẳng (P.1)

Review

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Thôi chào nhé!

Trong bài hát lừng danh một thưở “Goodbye Yellow Brick Road” (1973), Elton John hát lời ca của Bernie Taupin như sau:

Thôi chào nhé, con đường lát gạch vàng

Nơi những con chó của xã hội tru tréo


Bài hát không nói về mạng xã hội, tất nhiên. Nhưng sao không thể nghĩ rằng đấy là lời tiên tri cho ngày hôm nay, cho tâm trạng hôm nay của những người tham gia mạng cộng đồng nền Web 2.0?

Tôi còn nhớ như in thời sơ khai của giao tiếp mạng. Trước hết là các trang web cá nhân viết bằng html đơn giản, trên đó chủ nhân chỉ đưa một số thông tin cơ bản về mình, nghề nghiệp, sở thích, một ít hình ảnh, vài bài thơ bài văn. Ai đọc được, quan tâm, muốn liên lạc thì gửi email. Rồi phát triển hơn một chút, có các diễn đàn vBulletin: Bạn mở diễn đàn, các thành viên đăng ký thảo luận, trình bày ý kiến. Đó là thời kỳ trước năm 2004. Tôi thời ấy phụ trách một diễn đàn âm nhạc thuộc Vietnamnet, mở chủ đề, tiếp nhận các câu hỏi và trả lời trực tiếp trên đó hoặc qua thư điện tử riêng. Cũng đã chớm nhìn thấy các phiền toái của việc giao tiếp mạng (thì giờ, sự riêng tư, các ý kiến trái chiều cố tình). Rồi thì blog – hình thức pha trộn tài tình giữa trang web cá nhân và bàn tròn thảo luận – dần trở nên phổ biến. Giới trẻ chơi blog say mê nhưng không duy trì mà bỏ hoang cái cũ, lập cái mới liên tục. Về mặt xã hội, trào lưu blogging cho thấy thanh thiếu niên thực sự có nhu cầu tâm sự, giãy bày, trò chuyện với cả những người lạ; bạn biết đấy, “bạn” trên mạng dù biết nhau lâu đến mấy vẫn chỉ là người lạ, một nhân vật ảo.

Từ khi có forum, rồi blog, không gian mạng chính thức trở thành một thế giới ảo song song đối với thế giới thực tế, mỗi người chơi mạng được nhân thành hai, hai nhân cách, hai cái tôi, đúng như Haruki Murakami xây dựng trong cuốn “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”. Chuyện vui và bi kịch cũng đồng thời xảy ra. Chuyện vui và bi kịch gia tăng các tình huống hài/bi của nó khi thế giới tương tác được trên nền Web 2.0 với các hỗ trợ tối đa cho thiết bị cầm tay (máy tính bảng, điện thoại di động). Cụ thể, là Facebook.

Ta hãy nói đến chuyện vui trước. Thực tế đã cho thấy người ta có được thêm bạn tốt, bạn quý, người yêu là nhờ môi trường mạng. Thử tưởng tượng thời trước, làm thế nào để gửi một lời mời kết bạn? Đăng báo mục tìm bạn bốn phương rồi nhận thư bưu điện? Chụp một cái ảnh, rửa ra, gửi kèm thư? Các công đoạn rắc rối phiền hà ấy ngăn trở ta, làm ta mất hết hứng tìm bạn, ta thu gọn nhu cầu của mình lại cho tối thiểu. Cuộc cách mạng về giao lưu trực tuyến đã lật đời ta sang một trang mới – các mối quan hệ xa lạ bỗng thân tình nhanh chóng chỉ qua vài tin nhắn, vài dòng bình luận, ảnh số được đưa lên mạng, chia sẻ tức thời, một mối quan hệ sẽ được theo dõi, khuyến khích bởi các bạn chung của hai cá nhân. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ cả. Thế là ta có thêm bạn, có thể có cả tình yêu nảy nở.

Ta lại nói tiếp chuyện vui. Nhờ có mạng cộng đồng, người ta bán được hàng trực tuyến hiệu quả hơn nhiều so với việc lập một trang web tĩnh. Nhiều người làm giàu nhờ chào hàng qua Facebook. Nhiều người tạo được tên tuổi qua Facebook. Các nhãn hàng thấy ngay cái lợi lớn từ một hành động nhỏ: Chỉ cần một status viết cho khéo trên trang profile của một ai đó, sức lan truyền đã khủng khiếp. Vậy là người ta có thể vừa yêu nhau, tán tỉnh nhau, vừa buôn bán, vừa xây dựng hình ảnh cá nhân trên một nền, một giao diện duy nhất. Điều mà năm bảy năm trước, chưa ai tưởng tượng nổi …

Nhưng Facebook không chỉ có điều vui, tất nhiên. Khi bạn tồn tại như một người có nhân cách phân lập, bạn sẽ cư xử như hai người khác nhau. Nhân cách ảo dùng cho thế giới Facebook có lẽ rất khác con người thật của bạn. Cái khác thứ nhất, vì là ảo, không lo bị đánh giá tư cách, bạn cư xử cẩu thả vội vã hơn. Ý nghĩ chạy xuống đầu ngón tay bấm màn hình cảm ứng không cùng một cách thức khi nó chạy xuống ngọn bút, hay đầu lưỡi (các cụ dạy rằng phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói). Nơi đây, các ý nghĩ vụt hiện, các tình cảm bột phát đều được phép. Không ai hơi đâu mà bắt lỗi chính tả, đánh giá tư cách, khinh thường bạn khi bạn chửi bậy. Các nhân vật ảo giao tiếp với nhau, nói chuyện đời thực mà như đang bàn về một game. Đơn giản vì họ không phải chịu trách nhiệm, họ tha hồ nói bừa làm phứa. Rồi cũng tan biến cả thôi mà, sau năm phút thì status của ta đã bị hàng tá người nhấn chìm xuống tận đẩu tận đâu trên News Feed.

Một thời gian ngắn nữa thôi, tôi đóng cửa Facebook

Khi cuộc sống tôi đã thu gọn lại thành một thế giới nhỏ gọn, đầy, kín, các chia sẻ tức thời và giao lưu thường trực không còn cần thiết nữa.

Khi ấy, các bạn vẫn có thể liên lạc với tôi qua website riêng, email, điện thoại di động và ngoài đời mặt-đối-mặt, nếu bạn thực sự muốn liên lạc và tôi thực sự muốn gặp.

 

Giao tiếp mạng thì được hay là mất? Được, mất gì thì cũng phù phiếm như nhau. Bạn có ý lành muốn chia sẻ chuyện ích nước lợi nhà, chuyện chính trị sang cả, chuyện nghệ thuật tươi tốt, thế rồi quay đi quay lại bạn phát hiện tất cả những hoa thơm cỏ lạ ấy đã được dồn vào cùng ngăn với hoa hậu nói dối, hoa khôi sửa ngực, người tình bí mật, người yêu tuổi teen, não phẳng với lại bại não, thì cảm giác cũng giống như về nhà phát hiện ra con bé giúp việc đang rửa rau thơm trong bồn cầu. Thất vọng đã đành. Còn một cảm giác khác, là tự mình thấy mình phù phiếm vì lâu nay đã đặt lòng tin vào chỗ phù phiếm. Nơi đầy những “con chó của xã hội tru tréo”. Không gian điều khiển học version 2.0, cái mạng xã hội, nó nhộm nhoạm hơn nhiều so với tiền thân của nó: Nó xóa nhòa các trật tự chuẩn tắc, các cách phân định giá trị và chọn lọc giá trị, nhà ai cũng thành nhà của mình, nhà mình buộc phải tiếp nhận bất kỳ ai, chẳng có cửa nẻo hàng rào, nó luôn tạo cơ hội cho các cảm xúc tức thời khi lý trí chưa kịp can thiệp – Share và share và share luôn và ngay! Cảm xúc bột phát mà không có lý trí kiểm soát thì sến, ủy mị, cải lương.

Nếu con cái chúng ta sau này lật giở “cảo thơm” của cha mẹ, đọc hết những dòng status, những ghi chép, những lời bình vô tội vạ của một thời cha mẹ chúng chìm đắm trong Facebook, thì tôi e rằng chúng phải xấu hổ.

Phải đập vài cái smartphone, phải hỏng internet một tuần, phải ốm liệt giường không nhấc nổi ngón tay, cách ly hẳn môi trường mạng xã hội thì họa may mới rùng mình thấy mình đã sến, đã cẩu thả, đã phân lập nhân cách mình đến mức nào. 

Theo F

Thực hiện: depweb

11/10/2012, 11:26