Chính là “Intouchables” của Olivier Nakache và Éric Toledano!
Câu hỏi tất yếu: “Intouchables” có gì đặc biệt mà đánh bại cả chủ nhân giải Oscar lẫn bom tấn đình đám nhất năm? Nếu nhìn vào bối cảnh xã hội nước Pháp thời gian qua, ta sẽ thấy không có gì khó hiểu khi câu chuyện giữa Philippe, một nhà quý tộc liệt toàn thân và Driss, anh hộ lý bất đắc dĩ gốc Senegal, lại giành được nhiều cảm tình của khán giả Pháp đến thế.
“Intouchables” nằm trong loạt phim nghệ thuật Megastar Picks do hệ thống Megastar lựa chọn và phân phối
Thành thật mà nói, “Intouchables” hơi quá đẹp, quá cổ tích. Nhưng giữa thời khủng hoảng và với những chấn thương tâm lý như thảm sát Toulouse và Montauban, nước Pháp có lẽ rất cần một chuyện cổ tích như vậy để có thể tiếp tục tin vào câu tiêu ngữ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của mình.
Nửa thế kỷ sau ngày thuộc địa cuối cùng của Pháp được trả độc lập, tự do có lẽ không còn là điều làm người Pháp suy nghĩ quá nhiều. Nhưng bình đẳng và bác ái thì vẫn canh cánh trong lòng họ. Đặt Philippe và Driss bên nhau dưới vòm trời Paris, Éric và Olivier muốn chứng minh: Bình đẳng hoàn toàn là khả thi và bác ái chẳng có gì là không thể, dù giữa hai con người trái ngược về mọi mặt. Và họ đã chứng minh điều đó một cách ngọt ngào nhưng không phô phang, hài hước mà vẫn đầy duyên dáng.
Sở dĩ một Philippe quý tộc, da trắng, giàu có, liệt tứ chi với một Driss có tiền án, da đen, thất nghiệp, cao lớn và đầy sức sống có thể trở thành bạn bè, thậm chí là tri kỷ, bởi vì họ tôn trọng nhau và đối xử với nhau một cách bình đẳng. Philippe biết rõ Driss từng bị tù, nhưng không vì thế mà coi rẻ anh, một thái độ gần như bản năng của tầng lớp élite trong hoàn cảnh ấy. Ngược lại, Driss luôn coi ông là người bình thường, điềm nhiên giễu cợt tình trạng bại liệt của ông – không phải vì ác ý, mà đơn giản là với anh, chứng liệt tứ chi cũng không khác gì cái mũi to hay hàm răng vẩu. Philippe cần sự bình đẳng chứ không phải lòng thương hại, và chỉ Driss, bằng sự thẳng thắn tàn nhẫn của mình, đã đem lại cho ông điều đó.
Và chính bình đẳng đã là mảnh đất để tình bằng hữu giữa họ đâm chồi nảy lộc. Sẽ không hề quá nếu nói trong thời gian Driss ở cùng Philippe, họ đã “giáo dục” lẫn nhau. Philippe dạy Driss về nhạc cổ điển, hội họa và những kỹ năng giao tế xã hội. Ngược lại, Driss đóng vai trò như một Zorba, mang đến hơi thở tươi mới cho cuộc sống nhàm chán tới vô vị của Philippe – từ không khí tĩnh lặng của đêm đến cơn hưng phấn của tốc độ và marijuana. Từ chỗ tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của nhau, Philippe và Driss bắt đầu mở rộng lòng và cho phép người kia tiếp cận những góc khuất sâu kín trong trái tim mình. Mặc dù là một người đầy nghị lực, cái chết của người vợ và cú tai nạn dù lượn đã đóng một lớp hóa thạch quanh Philippe. Ông cần đến một ngọn lửa cuồng nhiệt và bộc trực như Driss để giúp ông nung chảy nó và quay lại với cuộc sống, với tình yêu. Nhưng ngược lại, Driss, như một viên ngọc thô, cần một đôi mắt xanh lịch duyệt để giúp anh sống tốt hơn và mài giũa thêm những phẩm chất tốt đẹp hơn ở mình.
Khi “Intouchables” đi đến những phút cuối, có cảm giác sự bình đẳng của bộ phim đã được đẩy đến mức tuyệt đối. Từ đầu đến cuối, Philippe và Driss không ai “nợ” ai một chút gì. Hai người đều chung một nỗi sợ – hãi – về – phụ – nữ: Philippe sợ đối diện với Eleonore, còn Driss sợ gặp lại dì mình. Driss là người đầu tiên vượt qua, khi trở về bắt đầu cuộc sống mới, nhờ Philippe hy sinh bản thân để “trả” anh lại với gia đình. Còn Driss đã đáp lại nghĩa cử này khi tìm cho Philippe người chăm sóc mới, bằng cách lợi dụng đặc tính “đặt đâu ngồi đấy” của bạn mình.
Bài: Nham Hoa