Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, hiện toàn TP đã cấp được 1.043.848 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 94,6% đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tính đến tháng 5-2012, các quận, huyện, thị xã chỉ mới cấp được 29.000 giấy, hơn 15% kế hoạch TP giao cho cả năm 2012.
Hiện các địa phương vẫn còn khoảng 112.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận các loại. Trước đó, kết quả kiểm tra về việc cấp giấy chứng nhận cho các dự án phát triển nhà trong năm 2011 tại TPHCM và Hà Nội còn cho thấy kết quả “bi đát” hơn khi mới chỉ có 9,3% số căn hộ của các dự án phát triển nhà tại Hà Nội được cấp giấy chứng nhận.
Thực tế cho thấy, tình trạng nhà không sổ đỏ đã trở nên phổ biến tại các khu đô thị mới ở Hà Nội. Không chỉ những dự án chung cư mini mới bị “treo” sổ đỏ vì vướng mắc nhiều vấn đề, ngay cả những dự án cao cấp của các chủ đầu tư lớn cũng khiến cư dân khổ sở đi đòi sổ đỏ nhiều năm trời.
Tại chung cư cao cấp Golden Westlake, người dân vào ở đã 3 năm nhưng vẫn chưa có sổ đỏ và cư dân đã phải khiếu nại lên Sở Xây dựng Hà Nội. Dự án The Manor, Ciputra… cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều dự án tại khu vực Hà Đông cũng bị khách hàng phàn nàn vì đã chậm sổ đỏ quá lâu.
Theo TP Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu khiến việc cấp giấy chứng nhận bị chậm là vấn đề xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình và các cơ chế chính sách liên quan. Bên cạnh đó, đối với một số khu đô thị, do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (như nộp tiền sử dụng đất…), khiến việc cấp sổ đỏ cho người dân ở các căn hộ tại đây bị đình trệ…
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, TP đã ban hành văn bản đề ra hướng tháo gỡ đối với tình trạng chậm cấp sổ đỏ tại hàng trăm dự án nhà ở theo nguyên tắc xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người dân như hướng dẫn của Bộ TN-MT. Theo đó, nếu nhà đã bàn giao cho người mua theo đúng thiết kế nhưng dự án vẫn bị khiếu nại về giải phóng mặt bằng chưa giải quyết xong thì vẫn cấp sổ đỏ cho dân.
Trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và xây dựng, bàn giao nhà ở cho người mua nhưng dự án có vi phạm như xây vượt số tầng quy định hoặc thay đổi thiết kế, công năng sử dụng ở một số tầng hoặc một số lô đất của dự án nhà liên kế có diện tích không đúng quy hoạch thì được xem xét cấp sổ đỏ trước cho những người mua nhà tại các căn hộ ở các tầng, lô đất ở đã xây dựng đúng thiết kế, quy hoạch.
Trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế, công năng một số tầng (trừ tầng hầm để xe 2 bánh hoặc tầng dành cho sinh hoạt cộng đồng) mà qua kiểm tra vẫn đảm bảo an toàn công trình, quá thời hiệu xử lý thì quyết định cho tồn tại và phê duyệt điều chỉnh thiết kế phần sai phép để cấp sổ đỏ cho người mua nhà…
Hướng tháo gỡ của TP Hà Nội gần như đã gỡ gần hết những “nút thắt” trong việc cấp sổ đỏ tại các khu đô thị. Bởi lẽ, nguyên nhân chính của việc người dân không được cấp sổ đỏ đa phần đều xuất phát từ bản thân dự án. Từ xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo thiết kế được duyệt; phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch cho đến chưa làm xong thủ thục pháp lý về đất đai, nhà ở.
Theo các chuyên gia, chỉ cần làm đúng những gì TP đề ra, số lượng sổ đỏ được cấp cho người dân sẽ tăng lên nhanh chóng. Vấn đề còn lại là yếu tố con người khi việc nhũng nhiễu người dân vẫn còn xảy ra. Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc cấp sổ đỏ, sổ hồng, chứng nhận tài sản cho người dân phải là việc đơn giản nhưng biến thành khó, thậm chí rất khó, đó là nguyên nhân để cho “cò” hay tệ tham nhũng hoành hành.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thừa nhận, chậm cấp sổ đỏ cho dân, “om” hồ sơ xin cấp sổ cho dân là thực tế được phát hiện, thậm chí có trường hợp đã chậm đến hàng chục năm trời.
Theo Sài Gòn ĐTTC