Tôi có một cô con gái 6 tuổi, điệu đà và xí xọn vô cùng. Và nó còn có một tật nữa là hễ không thích điều gì hay bị mẹ la vì tội này tội kia, con bé liền vùng vằng giận dỗi hét lên: “Con không thèm ở đây nữa đâu. Con đi luôn, con đi chỗ khác ở. Ai biểu mẹ đánh con”. “Vì con hư nên mới bị đánh chớ”. “Con không biết, con đi luôn, cho mẹ ở một mình đi”. “Thôi, mẹ xin mà. Ở nhà với mẹ đi, mẹ ở một mình buồn lắm!”. “Ừ, tha cho mẹ đó”. Rồi mẹ con tôi lại vui vẻ nhưng sao tôi thấy lo quá, cứ đà này chắc là con tôi muốn gì được nấy thôi.
Tôi hỏi cô bạn thân, cô ấy cũng than đang nhức cả đầu với cậu quý tử vì hễ không hài lòng điều gì, cậu bé lại: “Con đi đây, con qua ở với ba, không thèm mẹ nữa đâu!”. “Tính ra thì làm mẹ đơn thân cũng khổ ha!”, bạn tôi thở dài kết luận sau khi đã “kể tội” con trai cưng.
Con hư tại mẹ
Tôi và cô bạn cùng cười ngất và rút ra kết luận này sau một ngày cùng đem con đi chơi. Thì ra, cả tôi và cô ấy đều là kẻ “dẫn đường cho hươu chạy”. Cứ mỗi khi hai mẹ con giận nhau hay nói gì đó mà con không nghe là mẹ lại dọa: “Để mẹ đem con về ngoại nhé, khỏi có mẹ luôn, cho mẹ biết” hoặc “Mẹ kêu ông kẹ bắt con đi, mẹ ở một mình cho sướng” và tệ hơn nữa là: “Thôi, mẹ đi nhé, con cứ ở nhà một mình nhé”, cho đến khi con khóc toáng lên mới… thôi dọa. Vậy cho nên, “Tại mình mà con mới như vậy”, cả hai bà mẹ cùng nhận ra hai đứa bé chẳng bắt chước ai ngoài… mẹ chúng.
Con cứ đi đi
Trước tiên, để thay đổi con, hai chúng tôi đã thay đổi mình. Không còn những lần hù dọa để con một mình hay đem về bà ngoại nữa. Phải cố gắng lắm cả hai chúng tôi mới làm được. Ngoài ra, mỗi lần con “đòi bỏ nhà đi”, mẹ không còn cuống cuồng xin lỗi hay kêu con ở lại mà lấy giỏ đồ giúp con và tươi cười “Con đi đi nhé!”. Con tôi và cả con cô bạn đều tròn xoe mắt ngạc nhiên khi lần đầu được mẹ “ủng hộ” chuyện bỏ nhà đi. Con bé đứng chần chừ một lúc rồi nói: “Nhưng mà con đâu biết đi đâu, sao mẹ không năn nỉ con ở lại?”. “Tại mẹ muốn con làm theo ý con thôi”. Còn thằng bé thì can đảm xách giỏ đi nhưng đi được một đoạn thì đứng khóc. Cô bạn tôi phát hiện và dắt về nhà. Từ đó, cả hai bé không còn đem chuyện “bỏ nhà đi” để gây áp lực với mẹ nữa.
Làm gì khi con thích “đòi bỏ nhà đi”? – Hãy xem lại lý do vì sao bé đòi làm như vậy, vì có thể vô tình bạn đã làm con cảm thấy việc ở một mình là khủng khiếp, nên bé đem chuyện đó ra để dọa mẹ. – Đừng xuống nước khi bé đòi bỏ đi, hãy cương quyết. – Hãy để bé làm theo ý mình, để bé đi nhưng âm thầm đi theo bảo vệ bé. – Sau khi bé nhận ra mình sai, hãy quên luôn câu chuyện của bé. Bé đã lớn và tự mình ý thức rồi, bé không muốn nghe mẹ nhắc lại đâu. |
Theo Mẹ yêu bé