Ngọc Thiện Audio Space – “Đàn ông chơi hi-end ai cũng ngoan!” - Tạp chí Đẹp

Ngọc Thiện Audio Space – “Đàn ông chơi hi-end ai cũng ngoan!”

Sống

Ấy cũng là tình yêu dành cho âm nhạc nguyên bản của ông chủ Audio Space (Công ty sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc chất lượng cao của Việt Nam) kiêm thành viên Ban quản trị – Sáng lập diễn đàn Mạng nghe nhìn Việt Nam. Và chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng anh xoay quanh hobby thú vị này.

ngoc_thien_audio-1-768x512
Ngọc Thiện Audio Space

Hi – end đắt tiền xa xỉ nhưng cũng rất nhân văn 

– Chào anh, cơ duyên nào khiến anh đam mê với thú chơi này?

– Hơn 15 năm trước, trong quá trình làm việc thì tôi được đi công tác nước ngoài khá nhiều. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thú chơi hi-end quốc tế. Những năm tiếp theo, tôi thường lang thang đến các trung tâm băng đĩa, thâu thanh, khu trưng bày đồ chơi audio, hi-end từ châu Âu đến khu vực Đông Nam Á. Lân la tìm hiểu về sau đâm ra nghiện lúc nào không hay.

– Hi-end được xem là thú vui xa xỉ, rất kén người chơi. Là người chơi lâu năm, anh nghĩ sao về điều này?

– Không hẳn là như vậy. Hi-end theo định nghĩa của dân chơi âm thanh quốc tế thì đó là phương cách gần nhất giúp ta tiệm cận với vẻ đẹp đích thực của âm nhạc. Khi nào âm nhạc thực sự chạm tới người nghe, đó chính là cảnh giới của hi-end. Hãy tưởng tượng, chúng ta là người nghe đang đứng trong căn phòng, trước mắt là cảnh vật thiên nhiên núi non hùng vĩ tượng trưng cho âm nhạc đang ở trước mắt. Ta và cảnh vật được ngăn cách bởi những tấm kính cửa sổ chính là những thiết bị audio.

Để nghe được âm nhạc nguyên bản thì thiết bị hi-end là công cụ trung gian giúp truyền tải âm thanh trung thực nhất đến với người nghe. Và để làm ra những thiết bị này tốn rất nhiều công sức lẫn tiền bạc nên hiển nhiên giá trị của chúng không hề rẻ.

Tựu trung lại, hi-end vừa đắt tiền, xa xỉ vừa mang ý nghĩa nhân văn khi nó truyền tải đến người nghe cảm xúc âm nhạc thuần túy nhất.

– Vừa rồi anh có ra mắt CD “Tiếng hát Hà Vân 2” được hòa âm theo phong cách trước 1975. Tại sao anh lại chọn kiểu hòa âm đã cũ cho sản phẩm của mình?

– Trước năm 1975, có rất ít kỹ thuật phòng thu, thiết bị điện tử tham gia vào quá trình thu âm của ca sĩ. Mọi thứ hoàn toàn là thu mộc, ca sĩ cùng ban nhạc thu trực tiếp bằng micro, ghi âm vào băng akai.

Về mặt âm thanh, nó định hình kiểu thu âm rất riêng, rất khác biệt với kỹ thuật thu âm hiện đại sau này. Thêm nữa, khi thu âm “sống” như thế, chất âm tuy suy giảm nhưng nghe mộc mạc, dễ đi vào lòng người.

Sau này, thiết bị điện tử du nhập nhiều vào Việt Nam, việc thu âm được thực hiện dễ dàng hơn, chỉ cần máy tính và phần mềm thu âm có thể mix nhạc được rồi. Nhưng trớ trêu thay, ta không thể tái hiện cái chất mộc mạc tình cảm khi xưa nữa, bản thu hiện tại nghe quá “sạch”.

ngoc_thien_audio-4-682x1024

– Theo anh dòng nhạc nào khó tái hiện lại nhất trên dàn hi-end?

– Nhạc cổ điển. Bởi vì, thể loại này được chơi bởi nhiều loại cụ khác nhau, âm thanh chia thành nhiều tầng nhiều lớp và không gian chơi thường ở một khán phòng lớn hoành tráng. Nhiều dải âm đan xen với nhau nên nếu chỉ đánh bằng bộ dàn lằng nhằng thì tất cả dải âm đó tạo thành một mớ lộn xộn. Để nghe đầy đủ, trọn vẹn nhất có thể người chơi phải đầu tư một khoản rất lớn mới thưởng thức được tác phẩm cổ điển đúng nghĩa.

Đã dính vào hi-end thì không thiết tha gì nhậu nhẹt!

– Dân chơi hi-end họ là những ai?

– Đó là những người đàn ông nhiều trải nghiệm cuộc sống, có địa vị xã hội và đặc biệt… kiếm tiền rất giỏi. Phải nhấn mạnh là rất chịu khó kiếm tiền, đồng thời rất chịu chơi. Nếu không thì sẽ không kham nổi thú chơi tốn kém này đâu.

– Đàn ông thường có ham muốn sở hữu một vật gì đó hiếm hoi, độc đáo để thể hiện bản lĩnh, vị thế của mình. Anh nghĩ sao về điều này trong giới chơi hi-end?

– Ai cũng có nhu cầu tự khẳng định mình, nhất là cánh đàn ông, họ luôn khao khát sở hữu món đồ mà không ai có thể mua được. Khẳng định bằng trí tuệ, lao động, hoặc bằng sở hữu vật chất. Như dân chơi hi-end thì nỗi khao khát sở hữu được dàn âm thanh khủng ai nhìn cũng thèm, set-up được dàn âm thanh ai nghe cũng phải trầm trồ giống như khoái cảm ta kìm được con ngựa bất kham. Điều đó chứng tỏ khả năng chinh phục và bản lĩnh của một người đàn ông.

ngoc_thien_audio-2-683x1024

– Tôi có thể mường tượng, thú chơi âm thanh này hại túi tiền khủng khiếp và đàn ông hi-end chắc cũng “ghê gớm” không kém?

– Chơi hi-end là thú chơi kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật rất hợp với phái mạnh. Không phải là người trong giới nên biện minh nhưng tôi khẳng định đàn ông chơi hi-end đều là đàn ông ngoan (cười). Một khi đã dính cái nghiệp chơi này vào rồi thì không thiết tha nhậu nhẹt gì nữa. Đi làm về là chỉ muốn lao ngay vào phòng thu lọ mọ, chỉnh sửa âm thanh, rồi nghe nhạc xem mình sắp xếp dàn ổn chưa. Những công việc này đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ mà bia rượu vào rồi thì chẳng làm được gì. Nên anh em đã chơi hi-end thì sẽ bớt nhậu hơn, có gặp nhau thì cũng chỉ ở quán cà phê trao đổi chứ hiếm khi giao lưu trên bàn nhậu lắm.

– Chắc cũng có lúc anh yêu loa hơn yêu vợ chứ nhỉ?

– Ôi, tôi bị bà xã càm ràm hoài ấy chứ! (cười) Thật ra nhiều anh chơi âm thanh cũng muốn vợ con hiểu được đam mê của mình nên hay rủ rê cả nhà thưởng thức nhạc từ dàn phát do chính tay mình set-up. Một khi gia đình hiểu được đam mê ấy thì đó không còn là hobby riêng mà trở thành niềm vui chung của cả nhà khi rảnh rỗi. Đó mới là thành tựu lớn nhất.

– Câu chuyện của các hội nhóm hi-end chắc cũng chỉ xoay quanh dàn loa người này thế nào, bộ âm thanh người kia ra sao hay ai đó mới tậu “đồ chơi” mới?

– Không hẳn như vậy. Mỗi cuối tuần chúng tôi thường hay gặp nhau ở cà phê Hi-end để trao đổi về thú chơi, chia sẻ kinh nghiệm hay đơn giản chỉ là “chém gió” với nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thành lập quỹ từ thiện quyên góp áo ấm, xây trường nội trú giúp đỡ các em nhỏ và người dân ở vùng sâu vùng xa. Đấy, như tôi đã nói, đàn ông hi-end chơi thì chơi nhưng làm ra làm và luôn có tinh thần trách nhiệm với xã hội.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

ngoc_thien_audio-3-682x1024

Thực hiện: depweb

28/08/2017, 11:55