Mắt thấy, tai nghe và những bước chân đầu tiên trên đất Thổ - Tạp chí Đẹp

Mắt thấy, tai nghe và những bước chân đầu tiên trên đất Thổ

Sống

du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-2

Giữa tiếng kinh cầu Qur’an

Tôi từng há hốc mồm khi nghe cô bạn Smirthi kể về những điều luật Hồi giáo hà khắc mà cô phải cố gắng chung sống hòa bình. Tôi gặp Smirthi vào mùa thu năm 2015 tại Sài Gòn. Cô đến từ Chennai (Ấn Độ), theo học ngành marketing ở Pháp. Bạn trai cô, anh Kannan, cũng là du học sinh Pháp. Tuy hai người họ cùng đến từ miền Nam Ấn Độ và hoàn cảnh gia đình cũng gọi là cùng đẳng cấp nhưng việc tự do yêu đương vẫn là điều cấm kỵ. Cô và anh may mắn được gia đình thông cảm, cho phép kết hôn với người mình yêu, nhưng tuyệt nhiên không được phép để người ngoài biết chuyện: “Hãy để bố mẹ thu xếp chuyện này! Và nhớ, hứa với bố mẹ, không nắm tay, không có những hành động thân mật. Ảnh hai đứa chụp chung tốt nhất nên giữ kỹ trong điện thoại.” – cô nhắc lại lời bố mẹ mình. Mỗi lần về quê, cô phải tỏ ra là một cô gái chính chuyên đang chờ đợi một bà mẹ nào đó có con trai đến tuổi lấy vợ tới hỏi cưới.

Thông qua những câu chuyện cô kể, tôi cũng biết các tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, không được uống rượu bia, không ăn thịt lợn, các loại thịt cá cần được qua quy trình giết mổ không gây đau đớn nhất cho con vật và nấu chín kỹ không còn máu tanh. Phụ nữ đạo Hồi phải ăn mặc giản dị và kín đáo nơi công cộng, trùm khăn che mặt và tóc để đàn ông không bị cám dỗ.

du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-7
Quảng trường trước Thánh đường Xanh

Mang theo sự hiếu kỳ về đạo Hồi, chúng tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Có rất nhiều thánh đường Hồi giáo ở khắp các tỉnh thành nơi đây. Đến thăm nhà thờ Sultan Ahmed hay còn gọi là Thánh đường Xanh (Blue Mosque) – một công trình kiến trúc kỳ vĩ được xây dựng dưới thời vua Amed I với mặt ngoài ốp gạch màu xanh dương nhạt ánh lên sắc huyền bí vào buổi chiều tà, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tín đồ Hồi giáo tới cầu nguyện.

Tất cả các tín đồ Hồi giáo đến đây đều mang dáng vẻ thành kính. Trước khi vào thánh đường, mọi người xếp hàng rửa tay chân. Những người đàn ông rửa tay dưới những chiếc vòi đồng xinh xắn gắn ngay trước cửa vào. Còn chỗ của phụ nữ là trong một căn phòng nằm khuất bên hông thánh đường. Thấy tôi đi nhầm, một người phụ nữ với đôi mắt được trang điểm sắc nét đã tử tế gọi tôi lại, chỉ đường cho tôi kèm theo nụ cười hiền lành, dễ mến.

Bên dưới mái vòm cao, cổ kính với nhiều họa tiết chạm trổ bắt mắt và những chùm đèn sáng rực, khu vực cầu nguyện của đàn ông và đàn bà cũng được tách biệt. Mỗi tín đồ chọn cho mình một vị trí khiêm nhường, hướng về thánh địa Mecca, quỳ lạy và cầu nguyện. Tiếng kinh Qur’an âm vang khiến khung cảnh trở nên thiêng liêng đến nỗi trong một giây phút nào đó tôi đã ước trở thành một tín đồ Hồi giáo để giữ mình luôn gắn kết với đất trời bằng một niềm tin bất biến.

du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-3
Những người phụ nữ cầu nguyện tại một gian phòng riêng phía trong thánh đường.

Đất nước Hồi Giáo mang hơi thở đương đại

Có lần, trong lúc ăn tối, tôi đã hỏi anh Yasi – hướng dẫn viên người bàn địa – về tục lệ của người Hồi giáo ở đây, xem nó có hà khắc như những gì tôi từng được nghe kể hay không. Anh lắc đầu: “Người Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi khá phóng khoáng! Ngoại trừ việc kiêng thịt lợn, mọi luật lệ khác đều được nới lỏng. Ví dụ nhé, nếu khó lòng sắp xếp thời gian cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, như tôi chả hạn (do làm công việc hướng dẫn viên), thì chỉ cần thực hiện nghi thức khi thấy sẵn sàng. Phụ nữ ở đây có thể ăn vận thoải mái và sành điệu, không cần mặc burqa, niqua, hay chador (các loại áo trùm từ đầu đến chân). Thi thoảng vẫn có vài người đội hijab (loại khăn che đầu và cổ). Họ là những người khá truyền thống.” Phải, tất cả những người Thổ Nhĩ Kỳ với dáng dấp cao dong dỏng và khỏe mạnh như dân Châu Âu cùng đường nét Á Đông mềm mại trên gương mặt mà chúng tôi gặp đều mang hơi thở thời đại.

Đi bộ dọc theo những con đường san sát các cửa hiệu kinh doanh tại thành phố Istanbul, vào thăm những ngôi chợ sầm uất hay lang thang qua những thị trấn nhỏ từ miền biển đến miền núi, bạn sẽ thấy đa số đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ làm những công việc nặng nhọc, dãi nắng dầm mưa. Còn phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ thường làm những việc nhẹ nhàng hơn. Họ được phép uống rượu bia. Họ lịch thiệp, ga lăng, hài hước, lãng mạn và thân thiện.

du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-6
Đường phố ở Thổ Nhĩ Kỳ với những dòng người tự do rảo bước

Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ có thể chọn ngành học, công việc yêu thích, hẹn hò với người mình yêu, công khai nắm tay và hôn nhau trên phố, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tung tăng dạo biển với bộ bikini khoe thân hình quyến rũ, bình thản đợi xe buýt vào giờ tan tầm, sống độc lập không cần sự bảo hộ của đàn ông. Cô nhân viên tôi gặp ở cửa hàng đồ da tại Kusadasi là một ví dụ. Cô nói tiếng Anh khá tốt với kiểu phát âm của người Bắc Âu. Miệng cười rộng, cuốn hút, tóc xoăn bồng bềnh, cô bảo: “Tôi hạnh phúc khi được sinh ra ở đây”.

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa chính là sự khoan dung của Hồi giáo dành cho tôn giáo khác. Có rất nhiều đền thờ Hồi giáo được cải tạo lại từ nhà thờ Kito giáo. Như Vương cung thánh đường Hagia Sophia tại Istanbul, vốn dĩ đó là một nhà thờ Kito giáo được xây dựng từ thời Byzantine. Khi đế chế Ottoman xâm chiếm, vua Mehmed đã chuyển hóa nơi đây thành thánh đường Hồi giáo bằng cách che đi những bức tượng, tranh vẽ hình Chúa, thêm vào những đường nét đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo, và mang về hòn đá ước nguyện từ thánh điện Mecca (nếu bạn cho ngón cái vào giữa phần lõm của hòn đá mà vẫn xoay được bàn tay 360 độ thì mọi ước nguyện đều thành hiện thực). Ngôi nhà Thánh nữ Maria tại Kusadasi – tương truyền là nơi Đức Mẹ Maria sinh sống trước khi lìa đời – cũng được bảo tồn, mở cửa cho khách du lịch đến viếng thăm. Hay như Goreme – nơi trú ẩn của các tín đồ Kito giáo xưa kia, có rất nhiều hang đá bên trong vẽ tranh Chúa – nay đã trở thành bảo tàng ngoài trời tuyệt đẹp.

Càng tìm hiểu sâu về con người, văn hóa và đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ, chạm tay vào những vết tích còn lại qua các thời kỳ phát triển, chúng tôi càng đắm chìm vào bản hòa tấu của những âm tiết vừa gần gũi vừa lạ lẫm. Còn điều gì chúng tôi chưa biết? Chắc chắn còn rất nhiều! Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục hành trình đầy mê hoặc của mình…

du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-5
Cung điện Topkapi (hay Seraglio) là một bảo tàng lớn ở Istanbul. Vào thế kỷ thứ 15, nơi đây là trụ sở hành chính của đế chế Ottoman.
du-lich-tren-dat-tho-nhi-ky-4
Bức vẽ của người Công giáo vẫn được lưu giữ trên mái vòm Vương cung thánh đường Hagia Sophia.

Tips

– Có đường bay thẳng từ Tp.HCM đến Istanbul của hãng hàng không Turkish Airlines. Thời gian bay: 11 tiếng.

– Nếu bạn có visa còn thời hạn của các nước lớn (Mỹ, Australia, New Zealand, Châu Âu, Nhật Bản), thì chỉ cần điền thông tin và thanh toán qua thẻ tín dụng (evisa.gov.tr/en). Còn không, bạn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu trước chuyến đi khoảng 1 tháng. Thông tin tham khảo tại thonhiky.org/thu-tuc-xin-visa-di-tho-nhi-ky-tu-tuc.

– Giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ chậm hơn Việt Nam 4 tiếng.

– Điện: 220V, ổ cắm 2 chấu tròn. Nên mang theo ổ chuyển.

– Giá sim điện thoại ở Thổ Nhĩ Kỳ khá đắt. Hãng Turcell bán sim 4G lần đầu sử dụng là 41USD (xấp xỉ 1.000.000VND) cho 8GB, khi hết dung lượng có thể nạp 20USD (khoảng 500.000VND) cho 8GB tiếp theo.

– Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng đồng lira. Tiền đô la hoặc euro cũng được dùng phổ biến, tuy nhiên, những cửa hàng nhỏ hoặc các sạp ngoài chợ thường chỉ nhận các tờ tiền mệnh giá dưới 50USD.

– Đồ thủ công ở Thổ Nhĩ Kỳ đẹp và đa dạng (thảm, gốm, đá quý, đồ da,…). Ngoài ra, món kẹo “Turkish delights”, dầu ô liu, nghệ tây cũng là niềm tự hào của họ.

– Thành phố Istanbul có hệ thống giao thông đa dạng và tiện lợi với tàu điện, tàu điện ngầm, xe buýt, xe lửa, tàu cao tốc, taxi,… Còn ở các thành phố nhỏ, taxi và xe buýt là hai phương tiện chính cho khách du lịch.

Thực hiện: depweb

23/04/2018, 10:00