Kiều Trinh - Thanh Tú: Mẹ và con và… những vết bầm - Tạp chí Đẹp

Kiều Trinh – Thanh Tú: Mẹ và con và… những vết bầm

Giải Trí

“Mẹ và con và…” cũng chính là câu chuyện họ kể với Đẹp.

“Tôi từng đánh con nát một cây chổi”

– Không chỉ số phận mà ngay cả nghiệp diễn cũng từng làm khó cả hai mẹ con: Bộ phim đầu tay đều yêu cầu nữ diễn viên chính phải hóa thân vào cảnh nóng. Tới lượt Tú, khi con còn chưa đủ trải nghiệm, chị có thấy khó nghĩ hơn không?

– Kiều Trinh: Tôi vẫn nhớ, thời điểm phim “Bi, đừng sợ” ra rạp, cô giáo có phê trong sổ liên lạc những nhận xét không được tốt lắm về việc học của con. Gặng hỏi lý do, con bảo: “Vì bạn nói xấu mẹ, trong phim mẹ như làm gái, ăn mặc hở hang”. Tôi khá bàng hoàng nhưng đã giải thích cho con hiểu đó là công việc. Con bé đã nhanh chóng hiểu chuyện và đồng tình với mẹ. Sau này tôi không bao giờ phải giải thích thêm với con về những vai diễn của mình nữa.

– 26 tuổi, Kiều Trinh có vai diễn đầu tiên chạm ngõ điện ảnh trong bộ phim đình đám “Mùa len trâu”.
– 16 tuổi, Thanh Tú – con gái Kiều Trinh có vai diễn đầu tay giành giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Mỹ ở California (gồm 30 nước tham gia).
– Khi Kiều Trinh giành giải thưởng điện ảnh đầu tiên, Thanh Tú 5 tuổi. Khi Thanh Tú giành giải thưởng đầu tiên, Kiều Trinh 38 tuổi.
– 14 năm làm nghề, Kiều Trinh 3 lần được tham dự LHP quốc tế (Băng Cốc, Campuchia, Hồng Kông). 17 tuổi với hai năm làm nghề, Thanh Tú đã đến được LHP Quốc tế Busan.
– Ước mơ của hai mẹ con là cùng đứng chung trên thảm đỏ của một LHP quốc tế nào đó. Tuy vậy, lúc cân nhắc cho con đóng “Dịu dàng” – bộ phim có rất nhiều cảnh quay nhạy cảm thì tôi đắn đo lắm. Làm nghề này, tôi đã không còn sợ gì nữa, nhưng tôi thấy con mình còn quá nhỏ, còn bạn bè, thầy cô… Nên khi nhà sản xuất đặt vấn đề, tôi đã mất nhiều thời gian ngồi với đạo diễn để thảo luận về các góc máy quay. Tôi cũng phải bắt họ cam kết khi quay những cảnh đó, tôi đều phải có mặt thì mới đặt bút ký hợp đồng. Đạo diễn sau này đa số làm đúng theo cam kết, nhưng có một cảnh khi lên phim tôi bất ngờ, là do có thời gian tôi bị bệnh và có lịch quay trùng với phim truyền hình ở Sài Gòn phải về nên đã không kiểm soát được hết. Tôi có hơi giận nhưng vì không quá độ, nên cho qua.

– Thanh Tú: Lúc đầu, thực sự tôi cũng ngại lắm, vì mình còn nhỏ quá, đâu biết làm mấy chuyện đó. Nhưng may có mẹ ở bên nên cũng yên tâm. Tới lúc mẹ không ở cạnh được, thì tôi chỉ biết nghe lời mẹ dặn: Khi đã nhận việc thì phải hoàn thành và hãy hoàn thành tốt nhất, nên tôi đã ngoan ngoãn làm theo lời chỉ dẫn của đạo diễn.

Tôi nhớ bộ phim đầu tiên của mẹ – “Mùa len trâu” – cũng có nhiều cảnh quay nhạy cảm. Tôi đã xem nhiều lần cùng các bộ phim khác mẹ đóng. Tới lúc đứng trước máy quay, tự nhiên tôi cũng làm được thế. Có lẽ diễn xuất của mẹ đã ngấm vào tôi một cách tự nhiên.

– Linh – vai diễn của Tú trong “Dịu dàng” được cho là tái hiện lại một phần đời của mẹ?

Kiều Trinh: Quả thực tôi cũng có cảm giác đó khi xem “Dịu dàng”, bộ phim mà trong đó tôi cũng góp một vai diễn nhỏ (dì của Linh). Tôi cũng từng đánh Tú như dì của Linh đánh Linh trong phim, thậm chí tàn nhẫn hơn. Đặc biệt khi xem cảnh Linh đối diện với chồng trên phim, trước mắt tôi hiện lên mồn một quá khứ của mình, lúc tôi phải đối diện với bố Tú. Tim tôi bị bóp nghẹt, vì không hiểu sao lại thấy chính mình trong vai diễn của con.

– Vì sao chị đánh con?

– Kiều Trinh: Đó là khoảng thời gian Tú học lớp 9. Khi đó tôi phải chịu quá nhiều áp lực: bị lừa mất sạch tiền, sinh em bé, và mất mẹ. Tôi mất cả năm trời không ngủ được, đi làm quần quật từ 5 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau để cố quên đi những chuyện buồn của cuộc đời mình.

Lần đó cô giáo Tú gọi điện về báo hai tuần con bé không đến trường. Lúc con về, tôi chỉ kịp hỏi con một câu và cầm chổi lao vào con, đánh nát một cây chổi. Lạ lùng là, đánh con xong tôi không hối hận gì hết. Tôi thấy mình như một con thú. Tôi cũng từng bị ba thằng bé đánh như thế, anh ta đá tôi vào tường như một trái banh.

Trong một thời gian dài, Tú phải sống trong tâm lý khó khăn vì tôi luôn cáu gắt và nói với con bằng những lời lẽ rất khó nghe. Nhưng con bé luôn im lặng.

– Thanh Tú: Trong “Dịu dàng”, mẹ đóng vai một bà dì đanh đá nhưng lạ là tôi lại thấy thương dì kinh khủng. Lúc đấy, tôi chỉ thấy dì là mẹ và tôi gạt nước mắt để lên phim.

Tôi luôn ước mẹ có một người đàn ông thật tốt bên cạnh. Có thể mẹ đã sai với tôi, nhưng tôi luôn hiểu mẹ có lý do của mình. Tôi thích những cái hôn chóp chóp vào má, vào mũi của mẹ. Lúc ấy, tôi thấy mẹ đúng là bạn của mình!

– Tới lúc nào thì những trận đòn chấm dứt?

Kiều Trinh: Gần một tuần sau trận đánh kinh khủng đó, một lần Tú cởi đồ đi tắm, tôi nhìn thấy trên người con vẫn lằn lên những vết bầm tím. Lúc đó phần người mẹ trong tôi sực tỉnh. Từ đó tôi hứa với lòng mình không bao giờ đánh con nữa.

Đến bây giờ tôi thực sự mang ơn trên. Chính Tú đã giúp tôi trở lại, giúp tôi tìm lại chính mình. Nếu con tôi như những đứa trẻ khác, có thể bây giờ nó đã hận mẹ, bỏ đi và hư hỏng mất rồi. Tôi thường xuyên chửi mắng con bằng những từ ngữ rất khó nghe, nhưng Tú chưa bao giờ trách giận hay cãi mẹ…

“Con giúp tôi tìm lại con đường sáng”

– Hẳn đó là vết thương của hai lần đổ vỡ?

Kiều Trinh: Tôi chia tay bố Tú thì vào nghề diễn. Anh ấy cũng đã mất vì ung thư cách đây vài năm. Còn bố của Kỳ Phong (con trai thứ hai của Kiều Trinh, năm nay 6 tuổi – PV) thì chúng tôi chính thức chia tay hơn 2 năm nay. Người đàn ông đó từng yêu thương Tú như con, nhưng rồi cũng chính anh ấy đã bắt tôi ruồng bỏ Tú và tạo cho tôi những nỗi đau lớn. Sau khi chia tay, nhiều lần anh ấy bắt cóc con trai của chúng tôi cho người khác. Tôi từng bỏ Sài Gòn về quê với ý nghĩ sẽ yên ổn hơn cũng vì anh ấy. Thấy Tú phải chứng kiến những trận đòn của người đàn ông đó với mẹ mình, tôi rất thương con vì sợ cháu bị tổn thương sâu sắc. Nhưng chẳng hiểu sao con bé vẫn bao dung như vậy.

– Điều “dịu dàng” nhất con gái dành cho mẹ là gì?

– Kiều Trinh: Khi thấy mẹ có chuyện buồn, con bé lại ngồi khóc. Khi lớn hơn, con bảo tôi: “Mẹ để con gánh cho. Con thấy mẹ vậy, con hận người kia lắm. Mẹ đừng vậy nữa”. Chính những lời đó giúp tôi dần dần tìm thấy con đường sáng của mình. Thực sự tâm hồn Tú lớn lắm. Tú từng ít bạn, từng cô đơn vì lúc nào, đi đâu cũng lo về nhanh sợ mẹ buồn.

Mỗi lần tôi nổi điên, Tú lại quỳ xuống xin: “Mẹ ơi, mẹ bình tĩnh lại đi, nếu bình tĩnh không nổi thì mẹ cứ đánh con đi, con chịu được”. Những lời ấy của con giúp tôi bình tâm lại. Con bé từ từ xoa dịu mẹ giống như một bác sĩ.

Sau này quyết định bỏ được bố của con trai, cuộc sống của tôi dần bình ổn. Nhưng tôi vẫn còn di chứng của rất nhiều nỗi đau, vẫn có thể nổi điên bất cứ lúc nào. Nên hai con tôi biết rõ, chúng thường không bao giờ làm điều gì khiến tôi giật mình, không tạo ra tiếng ồn quá lớn. Giờ tôi sợ nói chuyện lớn, sợ chửi thề.

– Chị từng gặp hai người đàn ông không tốt, nhưng chị đã được mẹ yêu thương. Chị có nghĩ mình bất công với con gái khi bắt con phải trưởng thành quá sớm?

– Kiều Trinh: Tôi bỏ học từ khi lên lớp 8, nhưng may mắn là ba mẹ vẫn ở chung với nhau. Tôi ra thành phố làm, lúc buồn khổ vẫn có nơi chạy về và có ba mẹ bên cạnh. Còn Tú, ngay từ nhỏ đã chứng kiến bố đánh mẹ và cãi nhau với bên nội, Tú thương tôi lắm. Tôi không quên có những ngày 3 mẹ con chỉ ăn một gói mì mà sống qua ngày. Đó là giai đoạn quan trọng nhất tôi cần tiền lo cho con việc học, nhưng tôi rơi vào khánh kiệt vì cả tin và sai lầm. Vì thế, Tú đã phải học trung cấp thay vì có thể học đại học. Người ta bảo đời tôi tệ như phim, nhưng lúc ấy tôi còn thấy đời mình tệ hơn cả trên phim. Không lo được cho con như chúng bạn là điều tôi mãi dằn vặt mình.

– Sau khi chia tay bố của con trai, chị đã có những ngày tháng bình yên hơn chưa?

– Kiều Trinh: Từ khi chia tay đến nay được hai năm rồi, cuộc sống của tôi dần ổn lại. Hồi xưa ra đường tôi không biết che đậy là gì, vậy mà phải tới cả năm trời sau khi chia tay chồng, tôi luôn bịt kín mặt, mặc áo dài trùm kín, hay đang đi mà có ai chạy bên cạnh cũng giật mình. Tôi từng nghĩ mình sẽ không dám thử thêm lần nữa. Nhưng bây giờ tôi lại có bạn, tôi mong mình hạnh phúc trong mối quan hệ này. Được vậy, Tú và em trai cũng sẽ an tâm về mẹ.

– Có lời khuyên nào cho con gái từ những vấp váp của mẹ?

– Thanh Tú: Mẹ luôn dạy tôi cách né tránh những cạm bẫy và biết chọn lấy những điều tốt đẹp làm động lực sống cho mình. Mẹ nhắc tôi đừng để như mẹ, đừng lặp lại những sai lầm của mẹ. Chính vậy mà mỗi ngày, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng mạnh mẽ để có thể thay đổi cuộc sống như mình muốn.

– Kiều Trinh: Tôi dạy Tú nhiều lắm. Từ việc mình suy nghĩ nông cạn, thiếu học, tôi dạy con phải tỉnh hơn, cẩn thận hơn nhưng vẫn nên sống tốt. Tôi cũng giúp con hiểu xã hội bây giờ, những người trẻ như các con đều cần phải có một công việc để chủ động về tài chính trước khi có gia đình, đừng để như tôi hồi trước…

Trang điểm: Vin Nguyễn
Trang phục: Mollynista
Địa điểm: padmadefleur.vn

Thực hiện: depweb

31/10/2018, 21:00