Dừng bước giang hồ - Tạp chí Đẹp

Dừng bước giang hồ

Sống

Những ngày cãi lộn với chim

Vợ nói: “Tui tắm biển bằng 10 năm cộng lại luôn á”. Mình nói: “Tui rửa chén bằng nguyên cuộc đời trai trẻ tui cộng lại luôn á…”. Đó là hai trong số 1.001 chuyện mà vợ chồng mình sẽ chẳng bao giờ làm được khi ở Sài Gòn, mảnh đất màu mỡ nhiều việc mà suốt ngày hai đứa cứ bận rộn bận rộn, thỉnh thoảng lôi mớ lời hứa xa xưa khi cưới nhau ra nhìn một cái, tặc lưỡi rồi lại tiếp tục cày bừa. Cho tới một ngày, nói thôi hay là mình cứ đi đại, đừng tính toán gì hết, cũng đừng kỳ vọng gì hết, giống như xin nghỉ phép dài ngày đi.

Vậy là đi, với hành trang là 1 tháng không vướng bận công việc, phần thưởng của 6 tháng trời quần quật chuẩn bị, nhờ vả, gói ghém mọi thứ. Cũng không dám đi đâu xa, chỉ trốn về Hội An, một chốn vừa đủ quê để tha hồ chơi những trò mình mong muốn, vừa đủ phố để đừng buồn tới mức tự kỷ khi không có ai, và vừa đủ gần Sài Gòn để lỡ có việc gì thì ù té chạy chừng hai tiếng đồng hồ là đã có mặt.

Ở quê, mình thức sớm vì bị mấy bà chim nhiều chuyện kêu réo bên tai, xuống nấu nước, pha cà phê, pha trà, tranh thủ check mail, chơi Facebook rồi đọc báo; rồi ra sân ngồi đọc sách ngắm bụi tre và mớ sương còn la đà trên mặt hồ tôm sau nhà. Thiệt ra là không có đọc được mấy trang sách, vì còn bận chửi lộn với mấy bà chim, đặc biệt là bà hót được 6 nốt. Mình thường huýt sáo nhái lại, lập tức bả hót nhanh hơn, réo rắt hơn. Mình nghĩ bà này chơi nhạc jazz được, vì nhiêu đó nốt mà có quá chừng biến thể.

Xong tà tà đạp xe đi mua đồ ăn sáng, thế nào cũng có màn chào hỏi rộn ràng, từ ông trồng bắp tới bà cắt cỏ cho bò rồi tới mấy bà già ngồi ăn mì Quảng. Mình học được bao nhiêu từ hay ý đẹp tiếng Quảng trong lúc chờ gói đồ ăn… Với người Quảng Nam, gặp là phải chào, mà chào là phải trả lời. Cuộc sống có gì đâu bận rộn tới mức không có thời giờ dành để nói chuyện với nhau.

Những người quen trên phố

Rồi mình ra vườn ngồi mở máy làm chút đỉnh. Nói một tháng không vướng bận công việc là nói cho oai thôi, chứ ngày nào không mở email lên thì cũng có chút lo lo. Tuần đầu, chạy xuống tắm biển lên bờ là mở điện thoại ra coi có ai gọi nhỡ không.Nhưng sau khi phát hiện ra là có khi ba bốn ngày chẳng ai thèm kiếm mình, thì thiệt là hạnh phúc. Hạnh phúc tới nỗi mình quyết định đổi sang xài lại cái điện thoại đời xa xưa, tức là không có Internet trên máy, không Facebook, không Viber, không Skype, không có ai làm phiền mình trong lúc đi tìm màu da rám nắng và theo đuổi giấc mơ làm mất cái bụng tròn vo của mình.

Trần Bung
– Sinh năm 1981 tại Đà Lạt.
– Từng là trợ lý giỏi nhất của những nhân vật nổi bật nhất trong nhiều lĩnh vực: báo chí, hoạt động xã hội, quản trị và kinh doanh. Bung hiện là thành viên HĐQT của ba doanh nghiệp khác nhau tại Tp.HCM, Long An và Bình Dương.
–  Đã mở và đóng cửa 6 công ty khác nhau.
Ngồi trong vườn làm việc, lấy cục đá làm ghế nên rất mát, nghe kiến bò trên chân, trên tay rất nhột nhưng kệ nó đi, nghĩ người mình thơm tho hấp dẫn thì tụi nó mới mê. Sau đó, tới lúc mấy bà ve la làng la xóm thì vợ cũng tập yoga xong. Chúng mình vào phố.

Hồi mới đạp xe, đi cả nửa tiếng mới tới nơi. Tối qua coi lại đồng hồ thì chỉ còn 13 phút. Mình quen nhiều người mới trong phố. Có ông kia sở hữu cái nhà to gần nhứt phố, mỗi ngày nghĩ ra 800 ý tưởng xong đi kiếm mình để kể, để kêu phản biện, xong ổng te te đi về. Có bà kia 68 tuổi mà mặc áo đầm hồng cánh sen, miệng nói tay làm lúc nào cũng tràn trề năng lượng. Có bà kia 64 tuổi nhìn cà rù cà rù mà làm hoài không ngơi tay. Đặc biệt là bà có tới 7 ông chồng. Lại có ông kia rảnh rảnh lại xách giỏ đi tập thiền trên núi, giờ đắc đạo rồi, ngồi nói chuyện với mình mà không ăn gì hết. Còn có bà nọ bán cơm trong chợ gặp ai cũng ôm ôm ấp ấp. Vậy mà khách đi xa nhớ bà, gởi về cho 800 đô đồn ầm hết cả Hội An.

Lại quen thêm gia đình 3 thế hệ bán tàu hũ, có bà ngoại già mà lỗ mũi đẹp như diễn viên. Nói tới đây mới nhớ là mình biết bà bán hột vịt lộn 37 năm, ông mì Quảng 30 năm, ông bà bánh đậu xanh 40 năm, ông hủ tíu khô 38 năm… Những người theo đuổi nghề một cách miệt mài, không than vãn, không sân si, cứ mải miết chuyên tâm cho công việc này, mình rất mê. Mê tới mức cứ ghé ăn, ghé chơi đều đặn, ngồi cả buổi để trò chuyện, để nghe những lý do họ không bỏ việc, và để hiểu vì sao họ chọn con đường hạnh phúc.

Thỉnh thoảng, mình làm siêng ngồi hướng dẫn bà bán cơm ngay công viên một ít tiếng Anh và tiếng Hoa, đủ để bán hàng thôi.Thế nào chừng mười phút sau là đã thành một lớp học nho nhỏ với cả chục học viên, từ bà bán chuối cho tới ông bán tò he và có khi có luôn mấy cô gái bán vải rất xinh cũng nhào vô học ké. Kết quả của những lớp học ngẫu nhiên này, là bây giờ mình đi ăn hàng ngoài phố hầu như được tính với giá rẻ nhất, và họ luôn cố gắng đẩy cho mình nhiều đồ nhất…

Định nghĩa lại giá trị của tiền

Chiều sẽ đi tắm biển. Cái ghế thuê là 30 ngàn, nhưng ăn uống thì không tốn tiền ghế. Mình uống chai bia 9 ngàn, vợ ăn con chíp chíp 60 ngàn. Coi như chỉ tốn có 69 ngàn cho bữa nhậu trên biển của hai vợ chồng. Mọi thứ còn lại đều miễn phí. Đó là lúc đời còn xênh xang. Sau này dần quen, không ngồi ghế nữa, cứ đạp xe ra biển, cuộn đồ trong cái khăn để trên bờ rồi nhảy ùm xuống, bơi ầm ầm thỏa thích. Khi nghe mấy chú bảo vệ thổi còi toe toe là biết hết giờ tắm, đi lững thững lên cũng là lúc mấy người bán hàng trên biển bắt đầu trải mấy cái chiếu ra cho suất bán đêm. Cháo nghêu chỉ có 7 ngàn một tô, cá nướng cũng đâu chừng chục ngàn. Thích nhất là việc có bà nọ mỗi ngày bán một món khác nhau, tùy thuộc việc con trai bà đi bắt được con gì ngoài biển vô thì sẽ chế biến món đó…

Xuân Yến
– Sinh năm 1984 tại Sài Gòn.
– Học cử nhân văn chương Anh, nhưng công việc phần lớn là quản lý các dự án. Từng là kỷ lục gia về tổ chức 100 phiên chợ hàng Việt về nông thôn do Bộ Công thương và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện. Yến là art director của công ty mỹ thuật Trà Quế.
– Đã nuôi nhiều chó và đi du lịch bụi xuyên Châu Âu.
Cũng bởi cứ sống theo kiểu ăn sáng 5 hay 10 ngàn tùy hôm, uống bia 9 ngàn một chai, nên có lần, hai vợ chồng phải chạy về Nha Trang ăn đám cưới, ghé cái quán quen ngày xưa. Ở đó, họ bán 70 ngàn một chai bia. Đọc xong bảng giá, hai đứa lè lưỡi, te te đi về, xong đổi vé xe đi đêm về Hội An luôn. Về nghĩ lại, hóa ra không phải người ta bán đắt, vì xưa giờ mình vẫn uống bia ở quán đó, có view biển đẹp nhất Nha Trang mà. Nhưng giờ mình có nguyên cái bãi biển hoang sơ mà chẳng cần tô vẽ gì hết, sao phải trả quá nhiều tiền để mua cái thứ mà mình đang sở hữu. Vợ nói: “Thì người khác lâu lâu mới được đi du lịch, đâu có giống mình được du lịch ngay tại nhà”…

Hết một tháng, tụi mình quyết định về Sài Gòn. Và thấy đời thiệt là bi kịch: ồn quá không ngủ được, công việc nhiều quá không thở được, mở máy ra thấy một núi sóng wifi phủ quanh mình thì muốn xỉu. Vợ chồng nhìn nhau: “Thôi mình về quê luôn đi!”. Lại tung tăng hát “Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa…” trên đường về Hội An. Mở máy tính và không thấy chút tín hiệu wifi nào cả, mới thấy đây chính là nhà, không phải “nhà là nơi wifi tự động kết nối” như ngày xưa mình từng kể nữa.

Bây giờ, tụi mình đã có thêm một năm nữa ở Hội An. Bạn rảnh thì ghé cái xưởng nhỏ để cùng làm gốm, làm mộc và trồng rau với tụi mình, nhen.

 

Bài: Trần Bung
Ảnh: Cosmo Hirst-Mahal

logo

Thực hiện: depweb

08/12/2015, 18:14