Phương Mỹ Chi: “Người thắng cuộc cô đơn lắm!” - Tạp chí Đẹp

Phương Mỹ Chi: “Người thắng cuộc cô đơn lắm!”

Sao

Đỗ Nhật Nam – Phương Mỹ Chi: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”

Hai hành trình ngược chiều, dù trong cùng một kỳ nghỉ hè: Trong khi cô bé hát dân ca Phương Mỹ Chi tranh thủ qua Mỹ bay show để có thêm cơ hội giúp gia đình, thì “thầy giáo 14 tuổi” Đỗ Nhật Nam lại từ Mỹ trở về và dành trọn cả kỳ nghỉ của mình cho lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội do em khởi xướng và đứng lớp.

Trẻ con không đơn giản như người lớn nghĩ, nhưng người lớn thì thường phức tạp và ưa “quan trọng hóa vấn đề” hơn trẻ con. Nên bên cạnh những lượt like, cả hai “tài năng nhí” của chúng ta cũng đã từng không ít lần bị “ném đá”, vì lẽ này hay lẽ khác; hoặc gây nghi ngại: Liệu các em có đánh mất tuổi thơ của mình, khi sự nổi tiếng đến quá sớm?
        
“Đẹp + …” lần này mời thêm nhà thơ Trần Đăng Khoa – “thần đồng thơ” một thuở, để nói với hai “tài năng nhí”, và cả chúng ta, câu chuyện “Ai cũng có một ‘góc sân và khoảng trời’, trong mỗi đời người…”

Đọc thêm:
Đỗ Nhật Nam: “Nổi tiếng cũng là một que kẹo ngọt!”
– Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Đọc thơ Đỗ Nhật Nam, phải nói là tôi kinh ngạc”

“Ồ mình được quá ha!”

– Xây nhà mới, mở quán chè khang trang cho mẹ…, có bao giờ Chi ngạc nhiên về những điều mình đã làm được cho gia đình?

– Cũng đôi khi em nghĩ vậy đấy! Dù lúc làm thì chẳng nghĩ gì cả, nhưng lâu lâu ngồi ngẫm thì cũng thấy: “Ồ mình được quá ha, mình cũng giỏi quá ha!” (cười). Nhưng rồi cũng ngay lập tức nghĩ lại, bên ngoài còn nhiều người giỏi lắm, đừng tự tin quá…

– Cứ tưởng, Chi giờ đỡ được mẹ rồi, thì mẹ khỏi phải đi bán chè nữa chứ?

– Lúc trước mẹ em chưa có quán, chỉ bày mấy cái bàn đầu hẻm, đặt mấy cái ghế rồi bán cho những người quen gần nhà. Sau khi em đăng quang, mẹ tạm nghỉ bán một thời gian vì thường phải đi cùng em trong mỗi chuyến biểu diễn. Đến khi em có người quản lý thì mẹ đỡ phải đi chung hơn.

Mở quán chè lần này là do em quyết định. Lúc nhận được phần thưởng từ “Bài hát yêu thích”, em có nói chuyện với cả nhà, mọi người đều đồng ý nhưng không ai cương quyết làm, mọi việc triển khai chậm chạp lắm. Em và chị Hai mới nói: Nếu muốn mở quán thì phải làm sớm và làm luôn, chứ nếu con đi Mỹ sẽ không còn có cơ hội nữa (Phương Mỹ Chi tranh thủ dịp nghỉ hè để bay show hải ngoại – PV).


– Cuộc sống của em đã thay đổi ra sao sau “Giọng hát Việt nhí”?

– Cuộc sống của em đã thay đổi rất nhiều về kinh tế cũng như thanh danh. Riêng bản thân, em thấy suy nghĩ của mình già dặn hơn, có lẽ do phải trải qua nhiều sóng gió và trở ngại trong quá trình tiến tới thành công hôm nay.

– Chị lại tưởng, thành công đến với em tương đối dễ dàng? 

– Lúc mới vô showbiz, nhận show đi hát, em còn rất non nớt, không biết gì về thế giới này, bị người ta gạt, người ta nói rất nhiều điều không đúng về mình, rồi bị ganh ghét và nói xấu. Chuyện đó em gặp rất nhiều. Nhiều nơi em đến diễn, khi em đi qua, họ cố tình chỉ trỏ nói: Cậu bé này hay này, học giỏi này, cô bé này xinh, ngoan này…, rồi quay ra nói bâng quơ: Con bé này có bộ này mặc hoài, thấy ghê, có bài hát hát hoài… Em buồn và khóc, khóc nhiều lắm chị! Rồi em tự hỏi, sao làm người nổi tiếng mệt mỏi quá vậy! Dần dần thì em biết để những lời không hay đó không lọt vô tai nữa. Không ai có đủ khả năng để làm vừa lòng tất cả mọi người, nhưng điều đơn giản này mãi sau này em mới hiểu, chứ lúc đầu em cũng cố gắng làm mọi thứ với suy nghĩ sẽ được mọi người yêu quý. Nhưng càng làm, em càng thấy mỏi. Mệt lắm luôn chị ạ! Giờ thì em nghĩ, thôi mình cứ là mình đi và rồi tự nhiên, mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Showbiz kỳ lắm!

– Ai chỉ cho em điều ấy, hay do em tự nhận ra?

“Em không nghĩ mình là kẻ thắng cuộc. Mà em cũng không muốn là người thắng cuộc, vì cảm giác cô đơn của ngườt thắng cuộc, sau phút đăng quang, chắc sẽ không vui vẻ gì…”
– Lúc đó em chưa có người quản lý, chỉ có mẹ, mà mẹ phải lo nhiều chuyện lắm rồi, nên mọi thứ đều do tự em thấy và nhận ra thôi. Em đọc trên mạng, thấy những tấm ảnh, trên đó ghi những châm ngôn sống rất hay, em hay lưu lại trong điện thoại để thỉnh thoảng đọc và suy nghĩ.

– Khi chưa có “bố” Quang Lê đỡ đầu, chưa có công ty quản lý như bây giờ, ai ở bên chỉ dạy em những bài học đầu tiên về showbiz?

– Ngoài mẹ, gia đình, cô Út và các anh chị fan luôn ở bên động viên, thì trong showbiz có chú Trấn Thành. Chú Thành rất tốt với em. Từ trong cuộc thi, lúc cô Hiền Thục bận đi Hà Nội, em ở Sài Gòn một mình chuẩn bị cho vòng thi mới, em vẫn nhớ, lần đó chuẩn bị hát “Áo mới Cà Mau”, chú Trấn Thành đã lo hết tất cả cho em. Dù là diễn viên sân khấu, nhưng lần đó, chú chính là người dạy cho em từ cách hát thế nào đến việc chỉ huy đội múa biểu diễn ra sao. Hôm ấy em tập cuối, lúc đó mọi người mệt quá về hết rồi, nhưng chú Thành kêu họ lại để ghép bài cho em. Thấy mọi người không ai nhiệt tình cả, chú Trấn Thành buồn xo. Chú tập xong cho em rồi rủ em đi ăn, nói chuyện cho em vui. Những việc chú Thành làm khiến em rất cảm động và ghi ơn chú. Bây giờ lần nào gặp chú, em cũng thấy vui lắm. Lúc nào em cần giúp đỡ là chú có mặt liền. Chứ showbiz kỳ lắm, có nhiều người gặp đi diễn chung rất vui vẻ, nhưng lần sau gặp thấy lạnh lùng như người xa lạ vậy!

– Còn huấn luyện viên Hiền Thục thì sao? Hình như hai cô trò sau đó không được gắn kết cho lắm?

– Em và cô vẫn giữ liên lạc bình thường. Còn lúc ở cuộc thi, cô Hiền Thục rất bận rộn nên không có nhiều thời gian với học trò lắm. Nhưng em rất thương cô, bởi cô cũng đã cố gắng hết sức rồi. Bây giờ em ít liên lạc với cô nhưng ngày Tết, 20/11 hay Noel em đều nhắn tin cho cô, song có thể vì cô rất bận nên cô không nhắn lại.

– Bây giờ có ba Quang Lê rồi, em có được chỉ dạy tốt hơn?

– Ba Quang Lê dạy cho em cách giao lưu với khán giả để khán giả yêu thương mình hơn. Ba cũng chỉ cho em cách làm cho khán giả cười. Rồi ba chỉ em gặp các cô chú nghệ sĩ phải chào hỏi vui vẻ, những chuyện đó trước đây em cũng đã biết nhưng ba chỉ lại (cười). Trên con đường này, mỗi người có một cách thức tiếp cận với khán giả riêng, và có thể coi đó như bí quyết của họ, nên chắc để chỉ cho nhau là hơi khó. Và nếu là người lịch sự, mình sẽ không hỏi.

Cũng có lần ước có cỗ máy quay ngược  thời gian

– Chẳng biết Chi còn thời gian để quan tâm tới những bạn bè đồng trang lứa khác không nhỉ? Chẳng hạn, bạn Đỗ Nhật Nam?

– Em biết bạn Nam chứ! Em thấy bây giờ có nhiều bạn trẻ giỏi quá, đúng là “tài không đợi tuổi”. Đỗ Nhật Nam là một tài năng về lĩnh vực khác, bạn rất giỏi và còn có tấm lòng thảo hiệp nữa. Em biết hè này bạn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở Hà Nội. Làm được một việc như Nam thực sự rất cao cả. Em rất phục bạn ấy.

– Nhiều người lo lắng, những cô bé, cậu bé như Phương Mỹ Chi hay Đỗ Nhật Nam sẽ không có những ngày tháng tuổi thơ đúng nghĩa, thực tế thì em thấy thế nào?

– Mọi người nói đúng chị à, đôi khi em cũng cảm thấy như vậy! Nhưng con người có cái này sẽ phải mất cái kia. Mình đâu thể mong cùng lúc có tất cả mọi thứ, vì nếu muốn có hết là quá tham lam. Người ta nói “tham thì thâm” đó chị!

– Có bao giờ em thấy mẹ xót em không, mỗi lúc em mệt nhoài chạy sô, hay bị “ném đá”?

– Mẹ không quan tâm đến những điều người khác nói trên mạng xã hội, chỉ miễn sao em vui là được. Nhưng có lần hai mẹ con đi diễn ở nước ngoài, tự nhiên mẹ nhìn em rồi khóc, mẹ nói: “Mẹ để con đi làm nhiều quá, cực quá!”. Rồi em phải động viên lại mẹ: “Con đâu có thấy sao, con đâu thấy mệt thấy cực gì đâu, vậy là được rồi!”. Hầu hết các show diễn của em đều cố gắng tránh giờ lên lớp. Nếu cần thiết phải nghỉ thì em chỉ xin không lên lớp vào những giờ học mà em có thể học lại từ bạn hoặc nhờ thầy cô giảng lại. Ngoài gia đình, chú Long (quản lý của Phương Mỹ Chi – PV), em còn có mấy người bạn cùng lớp. Tụi em mới quen từ đầu năm học nhưng rất hợp và thân nhau. Có gì vui buồn chi chi em cũng nói. Có nhiều người em cũng từng nói nhưng họ ừ ừ cho qua, các bạn của em bây giờ em nói gì cũng được chia sẻ.

– Showbiz, như em cũng đã thấy, không chỉ có ánh đèn. Vì thế, có lúc nào Chi mong những điều đang có biến mất?

Có lần đang đi diễn, em bỗng ước giá có cỗ máy quay ngược thời gian, để khi mệt quá, bước vào đó nghỉ ngơi, rồi sau đó lại trở lại…
– Dạ có đấy, thường là khi em mệt mỏi! Em cũng thấy mình bị già trước tuổi, nên mong được vô tư như trước đây. Có lần đang đi diễn, em bỗng ước giá có cỗ máy quay ngược thời gian, để khi mệt quá, bước vào đó nghỉ ngơi, rồi sau đó lại trở lại. Bên cạnh niềm vui có được, em thấy mình phải khóc, phải buồn cũng rất nhiều. Rồi em nhận ra những thứ đó sẽ luôn đi chung với nhau, niềm vui càng lớn thì nỗi buồn cũng sẽ càng lớn thôi. Chẳng hạn như khi đi thi, chỉ có một mình hát dân ca, nên lúc nào em cũng tập một mình, đứng một mình, còn các bạn ở ngoài kia thì nhảy nhót, vui đùa bên nhau rất sôi động. Lúc đó em thấy buồn. Nhưng có một chị fan của em nói: “Kẻ thắng cuộc luôn ở một mình trên đỉnh cao”. Lúc đó em không hiểu lắm, dần dần mới hiểu. Tuy vậy, em không nghĩ mình là kẻ thắng cuộc. Mà em cũng không muốn là người thắng cuộc, vì cảm giác cô đơn của người thắng cuộc, sau phút đăng quang, chắc sẽ không vui vẻ gì.

– Bài hát nào thường khiến em muốn khóc nhất?

– Chú Trấn Thành của em thì rất hay khóc, rất mít ướt. Em thì ít khóc hơn. Tại khi khóc, cổ nghẹn lại, không hát hay được nên em cố gắng kìm lại khi hát. Vậy mà, lúc đi thi, ở vòng đối đầu, khi hát bài “Bà Năm” thì tự nhiên em nhớ mẹ và khóc. “Bà Năm” viết về sự xa mẹ, nên thỉnh thoảng hát tới bài đó, em vẫn khóc…

 

 
Thực hiện: Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Phan Võ
Stylist: Uyên Bùi 
Trang điểm: Andy Phan 
Trang phục: Magonn

logo 

Thực hiện: depweb

03/08/2015, 11:04