NSND Thanh Hoa: "Đừng biến danh hiệu trở thành món đồ trang sức!" - Tạp chí Đẹp

NSND Thanh Hoa: “Đừng biến danh hiệu trở thành món đồ trang sức!”

Sao
– Thưa NSND Thanh Hoa, theo chị, vì sao chuyện xét phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ những năm gần đây luôn gây ồn ào?

– Tôi không ngạc nhiên vì lần nào phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ cũng gây ồn ào dư luận. Nhưng điều đó chứng tỏ, ở thời nào, văn nghệ sĩ cũng đều được nhân dân yêu quý.

Còn chuyện phong tặng, một khi làm chưa đúng, chưa phong tặng xứng đáng thì sẽ gây ồn ào thôi. Nếu tất cả mọi thứ đều chuẩn mực, đúng mức, thì dư luận chắc chắn sẽ ủng hộ.

NSND Thanh Hoa
– Vậy theo chị, chuyện phong tặng chưa đúng là do đâu?

– Tôi nghĩ rằng, những thủ tục phong tặng nhiêu khê cần phải xem lại, làm lại. Sự phong tặng danh hiệu NSƯT hay NSND cho các nghệ sĩ là sự động viên, khích lệ tinh thần, vì thế, đừng biến danh hiệu trở thành món đồ trang sức để ai cũng có thể đeo vào được. Danh hiệu ghi dấu sự cống hiến, đồng thời người được phong phải xứng đáng.

Tôi thấy có ba vấn đề bất cập trong chuyện phong tặng: Thứ nhất, ta phải xem lại hội đồng xét duyệt đã chuẩn mực chưa. Những người cầm cân nảy mực đã có đủ chuyên môn, thẩm quyền và đủ tỉnh táo đánh giá đúng các thành tích nghệ sĩ đạt được hay không. Tôi thấy ngay từ khâu trao huy chương đã chưa chuẩn, vậy tại sao phải lấy điều đó làm cơ sở xét tặng danh hiệu. Chuyện huy chương đổ đều cho các đơn vị đã là chuyện phổ biến trong nhiều kỳ liên hoan sân khấu.

“Việc yêu cầu nghệ sĩ phải viết đơn kê khai thành tích của mình, khiến họ có cảm giác là đang đi xin danh hiệu, nó hoàn toàn khác với ý nghĩa phong tặng”.
Tôi nhớ, khoảng 30 năm trước, rất ít người đạt danh hiệu NSND. Trong 30 năm có khoảng hơn 200 NSND là cùng. Nhưng mấy năm gần đây, dư luận cảm thấy việc xét tặng danh hiệu này như một sự tháo khoán, quá ồ ạt. Đáng nói hơn, có người xứng đáng chưa được xét duyệt, nhưng có người chưa xứng đáng lại có tên. Đó là lý do việc xét tặng danh hiệu ngày càng gây sự ngờ vực, bức xúc của người trong giới lẫn bên ngoài.

Thứ hai, cách xét tặng danh hiệu hiện đang áp dụng mang nặng tính bao cấp, lấy cơ chế xét tặng là số lượng huy chương. Quy định đó cần thay đổi. Thực tiễn cho thấy, có những nhạc sĩ chỉ có một tác phẩm để đời mà được nhân dân mãi mãi tôn vinh. Có những ca sĩ chỉ hát một, hai bài, nhưng khán giả không bao giờ quên giọng hát đó. Bên cạnh đó, có những người làm nghề 20-30 năm nhưng chỉ đứng trong dàn đồng ca. Hay cũng cần phân biệt, nghệ sĩ chơi đàn, đi thi quốc tế mang thành tích lớn về cho đất nước, khác với người chỉ ngồi trong dàn nhạc. Tôi đưa ra từng đó ví dụ, để mọi người thấy sự khập khiễng trong quy chuẩn đánh giá, xét tặng.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu nghệ sĩ phải viết đơn kê khai thành tích của mình, khiến họ có cảm giác là đang đi xin danh hiệu, nó hoàn toàn khác với ý nghĩa phong tặng. Điều đó cũng cho thấy, hội đồng xét tặng không nắm bắt rõ thành tích của mỗi một cá nhân, từ đó không đánh giá được ai nổi trội hơn, ai nhận được tình cảm mến yêu của công chúng hơn. Hội đồng xét tặng làm việc dựa theo các con số mà cá nhân người nộp hồ sơ khai lên một cách thụ động. 

Có rất nhiều nghệ sĩ đã thắng thắn chia sẻ, họ muốn, nếu họ xứng đáng thì nhà nước hãy phong tặng, còn bắt họ làm đơn kê khai, họ không làm. Như anh Thành Lộc, anh ấy thừa tài năng và thành tích, nhưng bảo anh ấy làm đơn, tôi nghĩ anh ấy sẽ không làm.

Thứ ba: Hiện nay còn rất nhiều hiện tượng chạy chọt, có cả những hiện tượng đi mượn thành tích để khai hồ sơ, và hội đồng xét cũng “thể tất” ký nhận cho nhau, để đơn vị mình có cá nhân được danh hiệu. Thế nhưng lại có chuyện, nhiều người bị bỏ sót.

Tôi xin nói thời của tôi, tôi được phong tặng NSND là lượt cuối (lúc đó Thu Hiền, Lê Dung đã được phong tặng) nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều bậc đàn anh, đàn chị đi trước như anh Trần Khánh, anh Trần Thụ, chị Tuyết Thanh, chị Thu Phương, chị Vũ Dậu – họ đã cống hiến rất nhiều, nhưng bây giờ vẫn chưa được xét tặng. Tôi tự hỏi, với tiêu chuẩn xét tặng hiện nay sẽ có bao nhiêu người được nhận danh hiệu “oan”, bao nhiêu người bị bỏ sót?

Phải chăng, chúng ta nên xem lại tiêu chuẩn xét tặng như thế nào để không bỏ sót người xứng đáng? Quan niệm của cá nhân, tôi nghĩ rằng, nếu là NSND, tức là được nhân dân yêu quý, vậy tại sao không trưng cầu dân ý, để chính công chúng không cảm thấy áp đặt. Như trường hợp nghệ sĩ Chí Trung, về tài năng tôi nghĩ anh ấy đã đủ tiêu chuẩn, nhưng vì thiếu huy chương trong bản khai mà bị trượt. Đó cũng là sự thiệt thòi cho nghệ sĩ.

– Vậy nên mới có những câu chuyện cười ra nước mắt, là nhiều nghệ sĩ khi ốm thập tử nhất sinh mới được nhận danh hiệu trên giường bệnh. Thành thực, chị nghĩ thế nào về chuyện đó?

– Tôi nghĩ đó là những muộn màng đáng tiếc. Tôi chỉ xin nói thế này, cách xét duyệt ta đang làm sẽ dẫn đến nhiều cái sai sau này nữa, sẽ có nhiều người tài bị bỏ quên.

Tôi thấy buồn lắm khi càng ngày uy tín của nghệ sĩ càng bị mất đi. Ví dụ, ngày xưa, nghệ sĩ lúc được phong tặng danh hiệu sẽ nhận được những lời thế này: “Anh ấy/chị ấy xứng đáng quá”. Còn bây giờ, họ sẽ thốt lên: “Ối giời ơi, thế này mà cũng được là nghệ sĩ nhân dân rồi á?!”. Hai cảm giác ấy rất khác nhau. Giá trị của danh hiệu, sự yêu quý, sự tôn trọng đối với danh hiệu ngày càng mai một.

Tôi chỉ mong, chuyện phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ nên là một sự tôn vinh, mọi cách làm đừng để cho những người đã cống hiến cho nghệ thuật chạnh lòng. Mỗi lần lùm xùm thế này, tôi thấy uy tín người nghệ sĩ ngày càng mỏng đi trong lòng công chúng.

– Mới đây, đạo diễn Phan Huyền Thư – con gái chị có chia sẻ rằng, chị đang băn khoăn xem có nên trả lại danh hiệu NSND, thực hư chuyện này thế nào?
– Thật ra cách xét danh hiệu của Liên Xô trước đây mà ta học, thì họ bỏ lâu rồi. Mới đây, trong một bài phỏng vấn, NSND Trung Kiên cũng chia sẻ đã đến lúc nước ta nên bỏ chuyện phong tặng danh hiệu, cá nhân tôi cũng nghĩ vậy.

Xung quanh những chuyện ồn ào về việc phong tặng, tôi cũng có những lúc chạnh lòng và hai mẹ con tôi có nói chuyện như vậy. Lý do là, tôi thấy danh hiệu được phong như thế này không còn thiêng liêng, không còn là điều làm cho mình tự hào nữa.

– Cảm ơn những chia sẻ của NSND Thanh Hoa!

Chuyên đề: BAO NHIÊU NƯỚC MẮT – BAO NHIÊU NỤ CƯỜI

Cứ 5 năm một lần, đến dịp xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là giới văn nghệ lại thêm nhiều nước mắt mà hiếm khi có tiếng cười. Tại sao một sự kiện tôn vinh, đáng lẽ phải vui lại nhiều nước mắt?

Thỉnh thoảng làng văn nghệ nho nhỏ lại ồn ào vì sự kiện một nghệ sĩ nào đó không may qua đời. Những danh hiệu lại được trao dưới áp lực của dư luận và cảnh người ốm được dựng dậy nhận danh hiệu bên giường bệnh, người không may qua đời thì danh hiệu được mang tới… đặt trên bàn thờ – một lần nữa, danh hiệu lại thấm đầy nước mắt.

Nhưng đâu vậy, cứ sau mỗi 5 năm, các nghệ sĩ vẫn háo hức trước mỗi lần xét tặng. Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng, đã đến lúc bỏ việc xét tặng danh hiệu, vì các tiêu chuẩn đã bị lỗi thời, có nghệ sĩ lại nhất quyết, cống hiến một đời, lẽ nào không một sự ghi danh?

Đẹp Online tổ chức chuyên đề này, nhằm ghi nhận ý kiến từ nhiều phía, nhằm góp thêm tiếng nói cho một chủ đề không còn mới, nhưng vẫn luôn nhức nhối.”

Đọc và đón đọc các bài trong chuyên đề:
 Đạo diễn Phan Huyền Thư: Phong tặng danh hiệu – Kẻ ngoài cười nụ người trong khóc thầm!
– NSND Thanh Hoa: “Đừng biến danh hiệu trở thành món đồ trang sức!”
– Nghệ sĩ Tự Lẫm: “Con hơn cha thì nhà có phúc chứ sao lại buồn”
– Nghệ sĩ Hoài Linh: ” Tôi cũng không hiểu sao mình được xét tặng danh hiệu”
Phong tặng danh hiệu: “Tại hội đồng xét duyệt… lười!”
– Chỉ mong không còn nước mắt

Tổ chức và thực hiện: Hải Khôi – Lê Hạnh

Bài: Lê Hạnh
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
logo

Thực hiện: depweb

26/07/2015, 15:26