Miu Lê - Cớ gì phải sâu sắc - Tạp chí Đẹp

Miu Lê – Cớ gì phải sâu sắc

Sao

Chị có biết trước khi đến gặp chị người ta “đồn” với tôi là chị “điên” lắm?

– Điên hay không phải tùy người nói chuyện với mình là ai. Tôi nghĩ ý người ta nói tôi hơi khác người. Mà cái đó thì đúng, và tôi cũng chẳng có vấn đề gì với chuyện đó hết. Nhiều khi vậy mới vui đó anh. Kiểu điềm đạm kỹ lưỡng ăn nói đầu đuôi trước sau thì chắc chắn là không phải tôi rồi đó. Nên anh cũng đừng hỏi gì khó quá. (cười)
– Thế chúng ta thẳng thắn với nhau nhé. Tôi chưa có dịp xem phim chị đóng, lại nghe đâu có một hai cái nào đó thảm họa nữa. Nhưng việc chị sắp trở lại với “Em là bà nội của anh” – phiên bản Việt của siêu phẩm điện ảnh làm mưa làm gió ở nhiều nước châu Á thì đúng là không thể “xem nhẹ” chị được?

– Nói thật với anh nhé, chính tôi còn không bao giờ tưởng tượng ra mình sẽ có ngày làm nghệ sĩ và “ăn cơm nghệ thuật” như thế này nữa kìa. Gia đình tôi vốn cũng có một số người làm nghệ thuật, nhưng họ hàng gần gũi thì không, thậm chí họ vẫn còn nặng quan niệm “xướng ca vô loài”. Tôi từ bé cũng không liên quan gì đến ca hát, phim ảnh, vậy mà giờ tôi đi làm kiếm sống từ cả hai công việc đó thì đúng là số trời rồi. Tôi cũng không quá “nặng nhẹ” chuyện phim thảm họa hay không, bởi nói thật tình là tôi đâu lường trước được khi nhận lời tham gia. Khi ở cùng đoàn phim tôi vui và làm hết sức mình, vậy là đủ rồi. Tính ra tôi cũng thuộc dạng kén phim đó chứ, nên thành hay bại tôi để người khác lo, chẳng nghĩ nhiều cho mau già.

– Nói chị đừng giận, nhiều khi tại tính chị tiểu thư quen rồi nên thành ra không cứ gì phải “nặng nhẹ” hay “tranh giành” với ai?

– Vừa đúng vừa sai. Nhìn tôi nhiều người nghĩ ngay là kiểu “tiểu thư, hot girl”, nói chung là “con nhà có điều kiện”, làm gì cũng thuận lợi hơn người khác. Nhưng đâu nhiều người biết gia đình tôi có thời khá thật, nhưng sau giải phóng cũng có nhiều biến động, con cái trong nhà được dạy dỗ cực kỳ đàng hoàng, ba mẹ tôi lại là người miền Trung nữa nên chuyện lớn bé gì cũng phải “đâu ra đó”. Nhưng tôi cũng mâu thuẫn lắm, nhìn thì bánh bèo, điệu chảy nước vậy đó, nhưng tính tình thì y như một thằng con trai, quậy tưng bừng mà tuyệt đối không chơi thân với đứa con gái nào, thế mới lạ! Tôi học hành vẫn đàng hoàng, quậy vẫn quậy nhưng biết đâu là giới hạn, về nhà thì đàng hoàng ngoan ngoãn, nên gia đình chẳng có ý kiến gì. Sau này lớn lên đi làm tôi cũng cứ kiểu vậy mà sống, nên người quý người thương cũng có, mà người ghét đầy ra cũng chẳng phải chuyện to tát gì. 

Tôi cũng chẳng trách người ta hiểu sai về mình vì chính tôi cũng có một tính cực xấu, đó là hay đánh giá người lạ qua vẻ bề ngoài. Có người tôi trông thấy từ xa đã thấy “lạ kì”, từ từ chuyển dần sang không ưa rồi “nổi hứng” ghét người ta đến mức “muốn bóp cổ cho chết luôn”! Vậy đó, nhưng khi tôi hiểu ra người ta không như mình nghĩ, chơi chung với nhau rồi tôi lại quý cực kỳ, quý đến mức như để bù lại lúc mình lỡ hiểu lầm họ vậy đó. Nên trong giới tôi không có bạn thân thực sự, chỉ là “bè” hoặc dừng lại ở mức quan hệ công việc đồng nghiệp mà thôi. 

– Chắc cũng có không ít người nhìn chị là muốn “bóp cổ cho chết luôn” ấy chứ?

– Nhiều chứ anh, kiểu gì mà không có! Tôi đã nói tính tình mình như đàn ông mà, thẳng tưng có sao nói vậy, chẳng sợ mất lòng ai. Trong nhà chị tôi lại khác, điềm đạm đằm thắm hơn, biết điều gì nên nói điều gì không, thành ra có chuyện “lời qua tiếng lại” trong nhà phần lớn là dính tới tôi. Mẹ tôi từng tuyên bố “mẹ biết mẹ sẽ khổ cả đời vì con”. Chẳng hạn như có chuyện bất đồng ý kiến với ba mẹ, tôi biết cãi lại sẽ bị mắng mà vẫn ráng nói cho bằng được, nói xong thì tự giác nằm sẵn xuống giường chờ ăn đòn. Người ta gọi thẳng thắn vậy là ngu đó anh!

– Chỗ này tôi xin chỉnh lại chút: Ở trong nhà, biết bị đòn mà vẫn nói là thẳng thắn. Khi ra đời, biết chuyện thiệt thân mà vẫn làm mới là ngu. Chị nghĩ sao?

– Đó, chính vì hiểu chuyện nên ra đường tôi khác hẳn. Xã hội rộng lớn lắm, có đủ chuyện trên trời dưới đất mình không lường hết, nên tuyệt đối không được “manh động”. Sau này bắt đầu đi làm, tự lập, gặp gỡ nhiều người, tôi biết cân nhắc điều chỉnh lời nói thái độ hành vi hơn. Nói cho chính xác thì tính tôi cũng chẳng đổi đâu, nhưng mình biết cách linh động hơn, gặp người trạc tuổi hay cùng gout thì mình thoải mái thẳng thắn, thậm chí nhí nhố nghịch ngợm cà rỡn. Nhưng gặp người lớn hơn hay tính tình quan điểm khác biệt thì tôi tiết chế và giữ khoảng cách hơn.

– Là tự dưng chị tập thói quen thận trọng hơn hay từng trót gặp “kinh nghiệm thương đau” nên đành tự rút ra “bài học xương máu”?

– Tự tôi rút ra bài học từ chuyện của người xung quanh rồi cẩn thận hơn. Anh cũng thấy đó, giờ mỗi ngày mở báo ra đọc biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp, mình mà không biết đường rút kinh nghiệm thì hóa ra mình ngu thật! Từ hồi vào nghệ thuật đến nay tôi chưa gặp chuyện gì quá kinh khủng. Có chăng cũng do cái tính cả nể mà như anh nói khi nãy, đôi khi sự thể hiện của tôi không thuyết phục hoặc không như mọi người mong muốn. Nhưng mà tôi tin mình cứ làm nghề đàng hoàng rồi Tổ thương, Tổ đãi!

– Hồi đó chị đã biết Lê Hoàng là ai đâu mà dám “cả nể” theo anh ấy “chạm ngõ” điện ảnh với phim “Thủ tướng”, vốn cũng không được công chiếu?

– “Thủ tướng” lại là chuyện khác. Thứ nhất, thời đó điện ảnh lớn lao và thiêng liêng lắm, ít ra là với một đứa học cấp ba như tôi. Quay phim nhựa đâu có như quay phim bây giờ anh. Diễn viên phải nghiêm túc, thuộc thoại, nhập vai, diễn đi diễn lại nhiều là bị cả đoàn quở, nên mình coi đó là công việc nhiều gian nan nhưng cũng đầy tâm huyết và cảm xúc. Rồi cái ngày đi casting phim được gặp nhiều anh chị nổi tiếng, tự nhiên mình cũng bị cuốn theo rồi mê mẩn cái thế giới hào nhoáng đó từ khi nào không biết. Rồi cả chuyện cát sê nữa, số tiền nhận được cho khoảng 5,6 ngày đóng phim là “kinh khủng khiếp” với thời đó, lại không ảnh hưởng gì đến chuyện học hành. Với chừng đó lý do thì, tại sao lại không chứ? Dù sao trải nghiệm đầu tiên cũng chẳng bao giờ quay lại. Sau này làm việc với các đoàn phim khác, không khí cũng khác đi, buồn vui nghề diễn cũng chẳng giống khi xưa nữa. Sau này nhận vai tôi cũng chẳng có lại cái trong trẻo ngày trước. Ai cũng buộc phải thực tế hơn để đeo đuổi giấc mơ nghệ thuật.

– Có khi nào vì chị cứ trẻ hoài nên đạo diễn cũng khó giao phim cho chị không? 

– Có luôn! Anh không phải người đầu tiên nói ra điều này. Mới gần đây tôi có đi casting phim của anh Dustin Nguyễn. Ảnh khen mọi thứ đều tốt, mỗi tội “em vẫn vậy, cứ xinh cứ trẻ hoài”. Nhiều người nói cái sự trẻ lâu của tôi mà phụ nữ nào cũng mơ ước giờ lại hóa thành bất lợi lớn cho công việc của tôi. Nhưng vấn đề là tôi không hề thấy như vậy anh! Tôi còn thích thú khi được người ta khen mình trẻ trung xinh đẹp, và tôi biết mình sẽ còn như thế này hoài, đó là tạng người tạng mặt của tôi rồi. Nhiều phụ nữ ngộ lắm, hay “ước ngược”, lúc trẻ trung thì mong đằm thắm chín muồi, đến khi có tuổi lại mong trở lại thời xuân sắc rạng rỡ mộng mơ. Chi mà phải khổ vậy?

Tôi biết sẽ đến ngày mình làm vợ, làm mẹ, sinh con, thân hình sồ sề, chảy sệ, nói chung là ghê lắm, nhưng đến đó hẵng hay. Bây giờ tôi đang rất hạnh phúc và thoải mái. Việc gì cứ phải sâu sắc, đàn bà hay gợi cảm kia chứ? Tôi không phán xét những ai đang cố gắng theo đuổi hình tượng đó nhưng riêng tôi không có nhu cầu, và tôi có muốn vậy cũng chẳng được. Chẳng hạn như chị tôi, chỉ ăn uống đi lại thôi cũng đã thấy toát ra vẻ đoan trang, nền nã, đằm thắm rồi, bởi nó có sẵn từ trong cốt cách. Còn tôi, có cố tình trang điểm già dặn, mặc những bộ cánh xa hoa lộng lẫy rồi làm bộ mặt thơ thẩn, u sầu, suy tư thì chỉ càng giống con điên thôi chứ không hề đẹp! Tôi chỉ thích sống đúng với con người mình trong thực tại mà thôi. Vô tư vô lo, tung tăng yêu đời thì đã làm sao? Vậy vui mà!
– Không gì bằng được trò chuyện với người phụ nữ biết cách sống vui. Cảm ơn chị rất nhiều về những chia sẻ vô cùng thú vị!

Bài: Quốc Dũng
Ý tưởng: Hiệp Lê Đức
Ảnh: Sang Lê
Sản xuất: Đinh Nguyên
Stylist: Trần Thu Thảo
Trang điểm: Đinh Trần

Thực hiện: depweb

06/11/2015, 11:44