Đẹp giá trị Vàng - Tạp chí Đẹp

Đẹp giá trị Vàng

DELETED

Giải thưởng thường niên của Tạp chí Đẹp nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như những thương hiệu, sản phẩm góp phần tôn vinh cái Đẹp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 8 phụ nữ được vinh danh trong giải thưởng Đẹp giá trị Vàng dành cho cá nhân.

Họ đã lao động, sáng tạo và cống hiến hết mình cho xã hội. Họ mang lại những giá trị đích thực cho cuộc sống, đem niềm vui và
tiếng cười cho mọi người.

Họ là niềm kiêu hãnh của phụ nữ Việt, là mơ ước của đàn ông và là niềm tự hào của đất nước.

Đằng sau sự dịu dàng, duyên dáng, sự sâu lắng của tâm hồn và trí tuệ là nguồn nội lực mạnh mẽ như những mạch ngầm bền bỉ,
không bao giờ vơi cạn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 8 phụ nữ được vinh danh trong giải thưởng Đẹp giá trị Vàng dành cho cá nhân.

Nhà văn Thuận – Tôi viết văn hoàn toàn độc lập!

“Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng.

Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích.

Chín mươi phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ…”

Một trích đoạn trong T mất tích, tiểu thuyết mới nhất của Thuận sau bộ ba Made in Vietnam, Chinatown và Paris 11 tháng 8, được đánh giá là “đẩy xa hơn, một bước rất dài, ngưỡng cửa của bất an và hoang vắng của con người hiện đại, trong các xã hội hiện đại”.

Thuận là nhà văn hải ngoại sung sức và là một trong ít cây bút đáng đọc nhất hiện nay trên văn đàn đương đại Việt Nam. Đó cũng là lý do cho sự lựa chọn Thuận vào danh sách Đẹp giá trị Vàng của Đẹp.

Nuôi mơ mộng để thành công – Nữ phó Giáo sư trẻ nhất VN: Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan
 
Không phải đợi đến lúc nhận danh hiệu Phó giáo sư chị mới là người “trẻ nhất” bởi khi nhận bằng tiến sĩ của Pháp năm 29 tuổi chị đã là tiến sĩ trẻ nhất lúc bấy giờ. Nhận bằng tại Pháp xong chị từ chối mọi cơ hội làm việc ở nước ngoài để trở về Việt Nam làm công tác giảng dạy từ năm 2000.

Với chị, môi trường giảng dạy dù sao cũng nhẹ nhàng hơn, và như thế, chị lại có cơ hội để tiếp tục… mơ ước.

Mơ mộng từ khi còn là một cô bé học phổ thông, Phong Lan mê nhân vật bác sĩ Andrew Manson trong tiểu thuyết “Thành trì” của Archibald Joseph Cronin, rồi mê cả ngành y từ lúc nào.

Ý thức về ngành y từ bé, có thể mang ít nhiều viển vông, đến giờ vẫn không thay đổi trong chị.

Mặc dù, mục đích để thực hiện ước mơ này có khi thật đơn giản, là “để chữa được bệnh cho người thân”.

Và cùng với những suy nghĩ đơn giản kế tiếp, “đã học thì phải học cho tới, đã trị bệnh cho ai thì phải trị lành hẳn”, chị tiếp tục nghiên cứu sâu vào ngành dược, một nhánh quan trọng trong Y khoa.

Ước mơ Việt Nam không phải mua lại những công thức thuốc đặc trị sau khi các công ty nước ngoài đã khai thác kinh tế vài chục năm, Tiến sĩ Phong Lan chọn hướng nghiên cứu là tìm ra hoạt chất cơ sở, cụ thể là dẫn chất cyclopenta[c]thiophen kháng ung thư, hiện đang được thử nghiệm độc tính và lâm sàng tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI – National Cancer Institute).

Nghiên cứu này được NCI ủng hộ, vì những thử nghiệm ban đầu rất tốt, nhất là trên tế bào ung thư bạch huyết.

Hiện chị đang dạy cho sinh viên đại học năm hai, năm ba, và các nghiên cứu sinh bậc sau đại học.

Chị luôn mong muốn sinh viên dược tại Việt Nam được học theo từng phân ngành cụ thể, không còn kiểu “Dược sĩ đa khoa thực hành”, được học một giáo trình hợp lý hơn.

Dù chưa tiện đề nghị bỏ một số môn cũ, nhưng chị luôn là người kiến nghị một số môn mới, phù hợp hơn.

Những môn mới này chị tin tưởng giới thiệu các tiến sĩ trẻ giảng dạy, vì chị nghĩ: “Muốn có cái mới bao giờ cũng cần sự thay đổi, mà thay đổi trên những người trẻ thì bao giờ cũng dễ hơn, vì họ năng động”.

Thích thay đổi để có những cái mới phù hợp, nhưng trong sở thích riêng của chị, mọi thứ dường như rất chậm đổi thay.

Đến giờ, chị vẫn chỉ thích nghe nhạc cổ điển và những bài hát từ thuở nào. Riêng trong sở thích đọc sách, chị cũng chỉ thích những câu chuyện kết thúc có hậu, vì “Đọc xong những câu chuyện có hậu bao giờ mình cũng thấy nhẹ nhàng.

Ý nghĩ sau những khó khăn chúng ta sẽ được đền đáp làm người ta thêm tin vào cuộc sống”.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vị nữ Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam vẫn nuôi dưỡng niềm tin cuộc sống từ những trang tiểu thuyết, phải chăng đây cũng là điều giúp cho chị thành công? Thành công từ những ước mơ được gìn giữ.

Mỹ Linh: Tôi và khán giả – giống như tình yêu không thể đơn phương

Luôn làm mới cảm xúc, làm mới hình ảnh, luôn vượt qua chính mình, chinh phục bằng được những mục tiêu khó và không chịu nghỉ chân ở bất cứ cột mốc nào. Cô là cái tên đầu tiên được gõ trong danh sách Đẹp giá trị Vàng của chúng tôi.

 
Sau 6 năm chờ đợi và nhiều lần trì hoãn, cuối cùng “Mỹ Linh tour `06” đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

Và, diva hàng đầu Việt Nam đã không do dự khẳng định: “Đó là show diễn tốt nhất từ trước đến nay của tôi”.
“Mỹ Linh tour `06” – đầu tiên, phải nói đến sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, và sự thống nhất về giọng hát đăíng cấp xuyên suốt cả chương trình.

Hiện nay ở Việt Nam, xu hướng chung của ca sĩ là chiều lòng số đông, mà số đông đương nhiên mỗi người một ý, nên sự chiều lòng chính là cách tự làm nghiệp dư mình.
Có rất ít ca sĩ đủ dũng cảm, bản lĩnh và có một ê kíp tốt để thống nhất được một giọng trong một chương trình, và Mỹ Linh là một trong rất ít ca sĩ như vậy.

“Mỹ Linh tour `06” được Samsung LCD tài trợ, nhưng không tài trợ vé bán, thậm chí vé được bán với mức giá cao nhất của ca sĩ Việt Nam từ trước đến nay, nhưng gần 99% lượng vé (hơn 4000 vé) đã bán hết.

Với Mỹ Linh, khán giả chính là yếu tố làm nên sự thăng hoa cho show diễn.

Mỹ Linh tâm sự: “Khán giả và tôi là sự cộng hưởng, giống như tình yêu không thể đơn phương.

Tôi rất biết ơn khán giả, những người đã mang lại cảm xúc cho tôi, và truyền cảm xúc đó từ Tp.HCM ra Hà Nội”.

Đó cũng chính là lý do Mỹ Linh bị rơi vào cảm giác hụt hẫng trong những đêm diễn sau live show, và phải mất 2 tháng sau cô mới lấy lại… thăng bằng.

Nhưng “Mỹ Linh tour `06” chưa phải là yếu tố khép lại năm 2006 của Mỹ Linh.

Năm qua, Mỹ Linh còn thực hiện được ước mơ đến đất nước Nhật Bản khi tham gia chương trình “Asian Divas”.

Ở đây, Mỹ Linh đã thu âm 3 ca khúc là “Color of the moon” và 2 ca khúc trong album “Chai classic” (tương tự album “Chat với Mozart” – Hát nhạc cổ điển lời Trung Quốc).

Theo kế hoạch, tháng 4/2007 Mỹ Linh sẽ biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và một số solist giỏi của các nước châu Á trong chương trình “Các ngôi sao châu Aæ” tại nhà hát lớn Hà Nội.

Chương trình sẽ được ghi băng và phát hành tại Nhật Bản. Năm qua, Mỹ Linh và Jonny Trí Nguyễn còn được nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Leskielee chụp trong bộ ảnh 300 ngôi sao châu Á (trong đó có rất nhiều ngôi sao chụp ảnh khỏa thân). Tất cả đã được in sách và bán với giá khá cao để làm từ thiện.

Anh Thư: Muốn thay đổi cái nhìn của ông đạo diễn Hàn Quốc

Người mẫu giúp Anh Thư trở thành diễn viên nổi tiếng. Diễn viên nổi tiếng giúp cô trở thành điểm sáng của sàn catwalk.

Và năm nay, Anh Thư tiếp tục là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong điện ảnh.

Nhưng chứng kiến mỗi bước đi của “chân dài đóng phim” này sẽ thấy đó không phải là con đường nhung lụa.

 Giám đốc điều hành Công ty Trí Việt – Lê Thị Phương Thủy: Giấc mơ mở cánh cửa ra thế giới

 Phim trường “Cánh đồng mơ ước” có 8 studio trên diện tích 20 hécta, vốn đầu tư lên tới 20 triệu USD.

Ngày khởi công phim trường không ít người giật mình khi biết bà chủ tập đoàn sản xuất kinh doanh đồ gia dụng Toàn Mỹ đang làm ăn phát đạt lại dấn thân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và đầy mạo hiểm: truyền thông, bắt đầu từ các sản phẩm truyền hình.

Không chỉ người quen giật mình, mà thậm chí một vài người thân, từng gắn bó với dự án này từ khi còn nằm trên ý tưởng, cũng đã xin rút lui vào giờ chót vì e ngại rủi ro.

Nhưng Lê Thị Phương Thủy, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp và việc “quen” với mạo hiểm trên thương trường (từng làm phiên dịch cho Văn phòng đại diện một hãng phim Hongkong tại Việt Nam trước khi tự gây dựng thương hiệu Toàn Mỹ và phát triển Toàn Mỹ thành một tập đoàn như hiện nay) tin vào quyết định của mình.

Thay vì nhảy vào sản xuất những gameshow hoặc vài bộ phim truyền hình phát sóng ngay, Công ty truyền thông Trí Việt do Lê Thị Phương Thủy làm Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, lại đầu tư vào “hạ tầng cơ sở” để có thể bắt kịp công nghệ sản xuất truyền hình tiên tiến của khu vực và thế giới.

Cuối năm 2006 vừa qua, 3 studio lồng tiếng theo tiêu chuẩn quốc tế và phòng thu sử dụng công nghệ cách âm hiện đại với kinh phí đầu tư hơn 2 triệu đôla cùng đội ngũ diễn viên lồng tiếng do chính công ty đào tạo đã chính thức hoạt động.

Trí Việt trở thành nhà sản xuất tư nhân đầu tiên nội địa hóa các chương trình ngoại nhập bằng kỹ thuật lồng tiếng hiện đại. Các đối tác “đầu vào” hiện nay đang là SBS (một trong hai hãng truyền hình lớn nhất Hàn Quốc), Tokyo TV và một hãng phim truyền hình Nhật Bản với gần 1.000 giờ phim.

Hệ thống phim trường “Cánh đồng mơ ước” lùi thời hạn khởi công xây dựng một năm để mở rộng đầu tư và cập nhật công nghệ mới (vừa khởi công cuối năm 2006, dự kiến 2 studio đầu tiên được đưa vào sử dụng trong quý 2 năm 2008 và 6 studio còn lại sẽ hoàn tất trong 2 năm kế tiếp).

Đây sẽ là hệ thống phim trường khép kín đảm bảo cho truyền hình độ phân giải cao (HD-high definition) không chỉ đầu tiên ở Việt Nam mà có thể còn là đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bắt đầu từ năm 2008, tại đây sẽ sản xuất các chương trình phim truyền hình, TV show, chương trình giải trí… sử dụng cho thị trường nội địa; thực hiện dự án sản xuất phim tài liệu hợp tác với BBC (Anh), NHK (Nhật), và TV5 (Pháp).

Và “Cánh đồng mơ ước” cũng sẽ là một trong những trung tâm làm dịch vụ, gia công cho các hãng truyền hình nước ngoài, trước mắt là với đối tác phía Hàn Quốc – hãng SBS.

 Một viễn cảnh quá lớn chăng? Có thể là quá lớn đối với một số người, nhưng nếu không suy nghĩ lớn, không ước mơ lớn thì không thể bơi được ra biển lớn. Và Lê Thị Phương Thủy cùng những cộng sự của chị ở Trí Việt đã giong buồm

Người mẫu Bảo Hòa – Chinh phục nước Mỹ

Người ta vẫn hay dùng những mỹ từ để nói về sự chuyên nghiệp.

Còn quan niệm về một người mẫu chuyên nghiệp của Bảo Hòa khá đơn giản: “Thứ nhất, phải đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Thứ hai, phải có kiến thức để hiểu được công việc của mình”.

Nhưng chính quan niệm đơn giản, cộng với thái độ làm việc nghiêm túc và cầu tiến mà Bảo Hòa đã trở thành người mẫu đầu tiên của Việt Nam bước vào làng thời trang Mỹ.

Còn nhớ trước đây, khi mới gia nhập sàn diễn thời trang, Bảo Hòa – không những là một gương mặt mới, mà còn là một gương mặt không có ấn tượng, chiều cao cũng không nổi bật, nhưng cô lại không giấu giếm ước mơ “hội nhập thời trang thế giới”.

Lẽ dĩ nhiên nhiều người đã “bĩu môi” vào ước mơ rất-không-thực-tế của Bảo Hòa. Nhưng khi chẳng còn ai bàn luận đến “cô người mẫu chảnh” đó nữa thì cũng là lúc cô gái 21 tuổi này làm được điều bất ngờ.

Công ty LA Model (Los Angeles Model) “chấm” Bảo Hòa qua hình ảnh của cô. Lời mời và sự đồng ý diễn ra khá nhanh chóng, gọn nhẹ, và thế là Bảo Hòa chính thức đặt chân đến Mỹ.

Bảo Hòa ký hợp đồng độc quyền với LA Model trong 5 năm, và NY Model (New York Model) trong 3 năm. Cô không ngại thừa nhận dù là người mẫu độc quyền của hai công ty thời trang lớn, nhưng đến nay cô vẫn chưa có cơ hội bước lên sàn catwalk.

Bởi là một gương mặt mới, lại không có chiều cao lý tưởng, nên Bảo Hòa cần phải có thời gian và sự nỗ lực để xây dựng hình ảnh và tên tuổi.

Tuy nhiên, Bảo Hòa lại có bước tiến vượt bậc trong vai trò người mẫu hình ảnh, đặc biệt là chụp quảng cáo cho rất nhiều nhãn hiệu và tạp chí như tạp chí Vogue, Elle, In Style, Trace, Teen Vogue, Maire Claire, Tokion NY, Cosmo Girl, Cargo, Mass Appleal, Self, GQ, Men’s Health, Details, Thirteen Minutes, Viet Beauty… và quảng cáo, chụp catalogue cho American Eagle, Old Navy, Nordstrom, NYNE, Marshall Field, Tracy Reese, Macy…

Thời gian quá ngắn mà ghi tên được trên những tạp chí và hình ảnh quảng cáo như vậy là điều không hề đơn giản, càng không đơn giản hơn đối với một cô gái Việt 21 tuổi sống tại Mỹ.

Tuy nhiên, Bảo Hòa vẫn chưa khép lại tham vọng của mình. Bởi mục tiêu của cô vẫn là bước lên sàn catwalk, trong các show diễn thời trang của những nhãn hiệu danh tiếng.

Ở đây, thách thức đặt ra cho Bảo Hòa là cô phải xây dựng được cái tên của mình.

Và con đường ngắn nhất đối với Bảo Hòa vẫn là những nguyên tắc của sự chuyên nghiệp mà cô đã thiết lập.

Song song với công việc ở Mỹ, Bảo Hòa vẫn thường xuyên trở về Việt Nam. Bởi ở đây cô có gia đình, bạn bè, người yêu. Công ty thời trang BH Studio vẫn cần “chữ ký” của cô. Và trên hết, Bảo Hòa vẫn muốn tham gia hoạt động thời trang ở Việt Nam, nếu có cơ hội!

Nghệ sỹ Xuân Hương: Bước ra và đi tiếp vững vàng hơn

Xuân Hương – nghệ danh trước đây luôn gắn liền với cái tên Thanh Bạch, và vì lựa chọn “là cái bóng sau lưng” người ta, nên những đóng góp của chị cứ lẩn khuất mãi.

Đến mức chính khán giả cũng khó phân định trong cái thành công chung ấy, đâu là của Xuân Hương – cô sinh viên Việt Nam duy nhất trong một lớp toàn người Nga, và cũng là người duy nhất trong lớp tốt nghiệp với tấm bằng đỏ.

Người ta tưởng sau những biến cố trong cuộc sống vợ chồng trong năm qua, nghệ sĩ Xuân Hương sẽ khó sớm trở lại sân khấu.

Nhưng không, chị vừa khép lại một năm của mình bằng chương trình “Những người thích đùa 4”, đúng theo tinh thần những gì chị đã từng làm.

Khi chị bắt tay thực hiện chương trình, rất nhiều người đặt ra những hồ nghi: “Để xem lần này làm một mình có được không?”, có người còn khẳng định: “Xuân Hương sẽ thất bại”.

Nhưng rồi chương trình thành công, đó là câu trả lời. Và chị tin, “mình còn có thể làm nhiều hơn những gì người khác nghi vấn”.

Làm chương trình “Những người thích đùa 4”, một mình chị phải lo tất cả các công việc, vừa là tác giả, đạo diễn, vừa là diễn viên, và còn là người trực tiếp đi lo hết các thủ tục biểu diễn.

Thông thường, để thực hiện chừng đó công việc cần cả một êkíp, nhưng chị vẫn làm một mình như cách chị vẫn tự lo mọi thứ trong cuộc sống. Kể cả chuyện gia đình.

“Những người thích đùa 4” mang đậm dấu ấn Xuân Hương, với những vấn đề xã hội được thể hiện qua cái cười sắc sảo và chua cay, ít nhiều đụng chạm.

Qua thái độ thể hiện trong kịch bản, nhiều khán giả hình dung tác giả tiểu phẩm là người ương ngạnh, dư thừa mạnh mẽ, nhiều nam tính.

Nhưng với Xuân Hương: “Đứng trước những vấn đề xã hội, có phải bạn là người công dân biết quan tâm hay không chứ không phân biệt giới tính.

Và kịch châm biếm cũng là một ngôn ngữ để bày tỏ quan điểm; bản thân nó càng không có giới tính.

Nói mạnh mẽ hay nhẹ nhàng đấy là do mức độ bức xúc trong mỗi người. Bản thân tôi đã rất nữ tính khi là người biết quan sát và biết cảm những điều đang diễn ra”.

Và vì thế, để tìm ý tưởng cho các tiểu phẩm, chị chẳng những thường xuyên quan tâm đến những vấn đề xã hội, mà còn để mắt quan sát những chuyện diễn ra xung quanh.

Chị có tham vọng, tiểu phẩm phải đề cập được những vấn đề thời sự nhất, nên khi chương trình đã diễn ra rồi, chị vẫn bổ sung sau mỗi suất diễn.

Ngay cả khi có khán giả đi xem những suất diễn đầu và đồng cảm, họ kể thêm cho chị những câu chuyện cá nhân, chị sẵn sàng lắng nghe và bổ sung ngay trong suất diễn kế tiếp.

Có một khán giả nữ gọi điện cho chị suốt 5 tiếng đồng hồ trong đêm, chỉ để kể chuyện cô thường xuyên bị chồng đánh vô cớ. Với chị, đó là những tư liệu sống.

Nghệ sĩ Xuân Hương đang ấp ủ một chương trình về đề tài phụ nữ và gia đình, vì với chị: “Tôi có một cuộc đời không bằng phẳng, một cuộc sống thiếu thốn tình cảm, thì ý thức về hạnh phúc gia đình hẳn nhiên lại càng cao hơn.

Tất cả những điều này rồi sẽ được sân khấu hóa trong một chương trình gần đây, với cảm hứng từ một câu hát ru đã vận vào mình: “Một mình phải chịu một mình. Nửa đôi chiếu lạnh, nửa giường quạnh hiu”…

Nữ tính & hồn nhiên – Vận động viên Karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh

Chiến thắng trong trận chung kết karatedo đối kháng, hạng 48kg của Asiad 15, Vũ Thị Nguyệt Ánh nhảy cẫng lên sung sướng, rồi òa khóc hồn nhiên như cô gái mười lăm tuổi ngày đầu đến với võ thuật.

Đó có thể là nét nữ tính của cô gái học võ bảy năm vẫn không mất được, mà cũng có thể là nét trẻ con đúng như cách những người từng tiếp xúc vẫn biết về Nguyệt Ánh.

Học karatedo từ năm 1999, khi ước mơ làm cầu thủ không được bố mẹ ưng thuận, Nguyệt Ánh sớm được các huấn luyện viên chú ý nhờ chiều cao 1m65.

Nhưng những tấm huy chương tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, mà gần nhất là 2 huy chương vàng tại SEA Games 22 và 23, không đủ giúp Nguyệt Ánh trở thành niềm tin số 1 của karatedo Việt Nam trước khi bước vào Asiad.

Và kết quả đã trả lời, giành huy chương vàng duy nhất của bộ môn karatedo – một trong 3 huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 15 – Nguyệt Ánh giờ đây đã là cô gái vàng của cả nước.

Ngoài ra, trong năm qua cô gái vàng này còn đoạt thêm 4 huy chương vàng và 1 huy chương bạc khác.

Trong năm 2007, Nguyệt Ánh nhắm đến giải vô địch trong nước, SEA Games 24 và giải châu Á. Để thực hiện mục tiêu đó, mỗi ngày Ánh vẫn tập chuyên môn từ 8-10 tiếng, chưa kể thời gian tập thể dục, thể lực.

Tập luyện, với những vận động viên võ thuật, bao giờ cũng đi kèm với “cơn ác mộng chấn thương”.

Chưa kể Nguyệt Ánh bị gai đôi cột sống bẩm sinh, thời gian tập luyện đã làm Ánh mang thêm chứng đau gối sụn trên. “Cứ trở trời là em biết ngay. Nó dự báo thời tiết chính xác lắm!” – Ánh vẫn tếu táo khi nói về vết chấn thương trên gối mình.

Nguyệt Ánh vui vẻ và trẻ con, sau thời gian tập luyện và thi đấu thì mê đi câu cá và chơi điện tử. Giận lắm thì cũng chỉ lầm lì, chẳng nói gì với ai, tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện “động thủ”.

Ánh kể: “Em càng học võ ra đường càng bị ăn hiếp, vì cứ thấy mình nhát tay thế nào. Thi đấu thì khác, vì mình biết là người ta có chuẩn bị, chứ ngoài đường sợ mình đánh lỡ tay mà người ta không đỡ kịp thì… ở tù làm sao?!!”.

Huấn luyện viên Lê Công nói về cô học trò của mình:

“Ánh cầu tiến, có tinh thần thi đấu tốt. Nhưng cũng vì thế mà Ánh hay lo lắng, nhất là vì Ánh vốn không khỏe, hay có bệnh vặt. Cứ mỗi lần bệnh là Ánh lại mất tập trung, chứ với chiều cao ưu thế như vậy, Ánh có thể ra đòn mạnh hơn nhiều”.

Ánh tâm sự: “Có nhiều lúc đau quá em cũng nản, nhưng lại nghĩ đến niềm tin của Ban huấn luyện, và bây giờ là của rất nhiều khán giả ủng hộ mình. Mình muốn buông cũng chẳng thể nào buông”.

Thực hiện: depweb

20/04/2007, 16:29