Công khai điểm thi của học sinh có xâm phạm quyền riêng tư? - Tạp chí Đẹp

Công khai điểm thi của học sinh có xâm phạm quyền riêng tư?

Sống

Năm nay để biết điểm thi vào 10 cũng như điểm PTTH của học sinh, chỉ cần vào một số trang web, gõ họ tên đầy đủ hoặc nhập số báo danh của thí sinh là sẽ biết kết quả ngay lập tức. Cách làm tưởng như nhanh gọn này lại kèm theo một hệ lụy khác. Đó là, khi điểm thi được công khai, với những em đậu thì không sao, nhưng với những em có điểm số thấp, không đạt dễ dẫn đến việc các em có tâm lý tiêu cực.

thi-trung-hoc
Ảnh minh họa

Bức xúc trước cách công bố điểm thi công khai tên của học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, giảng viên tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan – đã viết trên FB cá nhân của mình:

Tôi chết đứng người khi biết điểm thi vào trung học của học sinh hoàn toàn công khai thông qua các trang tra cứu. Ai cũng có thể lên mạng gõ tên sẽ ra vùng thi, số báo danh và ̣điểm từng môn của thí sinh. Bạn bè, người quen, con cái đồng nghiệp và hàng xóm, người nổi tiếng hot teen, con người nổi tiếng… gõ phát ra hết. Tên trẻ con giờ bố mẹ đặt cho rõ là kêu, ít có chuyện cả trăm đứa y chang nhau như ngày xưa. Gõ thử tên con gái của bạn tôi trên phạm vi cả nước mà cũng ra. 

Trước hết về mặt luật pháp, ai cho phép được xâm phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư của công dân như vậy? Luật trẻ em thậm chí còn nghiêm cấm chia sẻ thông tin mà không có sự đồng ý của trẻ nhỏ trên 7 tuổi, huống chi đây là những bạn trẻ đang ở độ tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm nhất với danh tính cá nhân và giá trị bản thân?

38448_1542259518748_400314_n
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai

Việt Nam là một trong những nước trẻ em chiụ áp lực khủng khiếp nhất về học hành và thi cử. Điểm số hồi chưa công bố đã có học sinh tự tử. Giờ công bố kiểu này thì cả nhà phải tự hành xác vì xấu hổ chắc? ̉̀́́̉̉̀́́̉

Thưc̣ ra giải pháp tạm thời rất đơn giản, hãy tra bằng số báo danh và không hiện tên. Sau này nên có một hệ thống chỉ có thí sinh mới được tiếp cận điểm của mình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà áp lực và sự cay độc của miệng lưỡi thiên hạ đã quá chật đầy, sao lại còn tự biến trẻ con thành nạn nhân tiềm năng của một thế giới mạng nơi mỗi bàn tay gõ phím là một quan toà sẵn sàng giết người không dao?”.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, Á hậu Vũ Hoàng My, MC Nguyên Khang, nhà báo Trương Anh Ngọc, diễn viên Midu cũng bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.

12670151_10153441870952104_5924641081497203443_n
MC Nguyên Khang

MC Nguyên Khang chia sẻ với Đẹp: “Tôi rất ủng hộ cách ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tra điểm số của các em học sinh, sinh viên, cách này tiết kiệm thời gian, không mất công đi lại. Nhưng tôi lại không đồng ý cách công khai điểm cùng họ tên của các em.

Với các em học sinh, điểm số là điều duy nhất để đánh giá năng lực của từng em, cũng như nhân viên đi làm mỗi người đều có mức lương riêng mà người khác không được quyền biết ngoài kế toán. Tâm lý tò mò ai cũng có, em này muốn biết điểm của em khác ra sao, chúng ta không thể ngăn cản sự tò mò của người khác nhưng chúng ta có nhiều cách làm để bảo toàn thông tin riêng tư.

Hãy tôn trọng quyền cá nhân của các em bằng cách gửi email thông báo, hoặc tạo password cho từng học sinh để điểm không bị lộ ra ngoài. Tôi đã trải qua tuổi học trò, đã từng đến trường tra điểm trên bảng tin, chứng kiến bạn điểm số cao thì nhảy lên reo hò vui mừng, bạn điểm thấp lủi thủi đi về… Chắc chắn khi bị điểm thấp chẳng ai muốn người khác biết được điểm số của mình.Vì thế hãy thấu hiểu cảm xúc và tâm lý của các em để có cách làm văn minh nhất.”

18698043_10210420455841848_8700679709879935811_n
Á hậu Vũ Hoàng My

Đã từng theo học Đại học RMIT và trường New York Film Academy ở Los Angeles – Mỹ, Á hậu Vũ Hoàng My cho biết: “Tư duy của học sinh Việt Nam vẫn còn mang nặng tư tưởng điểm số. Từ đó hay có sự phân biệt, tệ nhất là so sánh mình với bạn. Nên theo tôi, điểm số hãy để các em giữ cho riêng mình và tự suy ngẫm. Ngày còn theo học Đại học RMIT và học điện ảnh ở Mỹ, tôi thấy điểm số ở mấy trường này cực kỳ kín đáo. Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng nên có một phương pháp bảo mật, ví dụ như gửi mã số OTP vào số điện thoại/email chẳng hạn để tôn trọng quyền riêng tư của các em”.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng chia sẻ: “Thời của chúng tôi, muốn biết điểm thi, phải đến trường mà xem. Người ta dán danh sách và điểm vào những tấm bảng. Bây giờ, việc công bố điểm một cách công khai trên mạng được cho là tiết kiệm, tiện lợi, ai ở bất cứ đâu cũng có thể tra cứu được.

Nhưng trên thực tế, cách làm này có một bất cập lớn: không bảo vệ được danh tính và kèm theo đó là thông tin cá nhân của các thí sinh, một vấn đề không hề đơn giản như những người làm điểm thi hình dung, nhất là trong thời đại xã hội mạng mà thông tin cá nhân có ý nghĩa lớn như thế nào. Nó có thể bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội, nó cũng có thể được dùng để tạo ra sự cạnh tranh giữa các thí sinh, thúc đẩy một cuộc chạy đua về điểm số, tóm lại là thành tích, giữa người này và người kia.

anh-ngoc
Nhà báo Trương Anh Ngọc

Bạn có thể cho là tôi quan trọng hoá vấn đề. Nhưng bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi về việc nhiều nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới vẫn dùng phương pháp thủ công, là gửi thư cho từng thí sinh để báo điểm, báo cho họ biết là trúng hoặc trượt? Việc gửi thư như thế vừa đảm bảo được bí mật cá nhân, vừa cho thấy sự trân trọng đối với họ.

Ngay cả việc họp phụ huynh cũng thế. Người ta chỉ họp chung với tất cả các phụ huynh khi có vấn đề chung. Còn đối với từng học sinh, nhà trường bố trí cho cha mẹ gặp riêng các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để họ nói chuyện với nhau. Con cái họ có vấn đề gì chỉ có bố mẹ đứa trẻ biết mà thôi. Bạn sẽ đặt câu hỏi vì sao họ làm thế? Xin thưa, họ làm thế là vì bạn”.

Diễn viên Midu hiện là giảng viên Đại học Hutech, cô bày tỏ quan điểm: “Tra điểm thi của thí sinh có thể bằng nhiều cách như chỉ cần nhập số báo danh, hoặc tạo tài khoản mật khẩu riêng để phụ huynh, học sinh theo dõi điểm số của con em mình là được rồi. Điểm số học tập cũng thuộc quyền riêng tư của các em, nếu các em không đồng ý, ngoài thầy cô không ai có quyền được biết. Công khai điểm thi cùng họ tên rõ ràng như cách làm hiện tại có thể khiến các em phản ứng tiêu cực nếu điểm thi không tốt vì ngượng ngùng, xấu hổ với bạn bè.”

midu-day-truong-hutech-lo-bang-diem-be-bet-9
Midu tại giảng đường ĐH Hutech

Ông Ngô Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông (đơn vị phụ trách Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 19001567 của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng vừa chia sẻ với báo VietnamPlus, điểm thi là thông tin riêng tư của trẻ, nhưng việc công bố hay không còn tùy thuộc vào nhiều quy định, trong đó có quy định của Luật Giáo dục để đảm bảo minh bạch trong thi cử.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hiệu cũng đưa ra một thực trạng tồn tại lâu nay là năm nào việc công khai điểm thi đều xảy ra những hậu quả đau lòng. Có trường hợp nặng nhất là trẻ tự tử hoặc trẻ có thể chán bỏ nhà, bị tổn thương về tâm lý liên quan đến việc xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp.

Thực hiện: depweb

07/07/2017, 15:59