Con hát, đám tang & lễ cưới - Tạp chí Đẹp

Con hát, đám tang & lễ cưới

Sao

Trải qua nhiều mất mát tưởng chừng không thể chịu nổi, Hữu Châu vì gánh vác nỗi đau gia đình mà rành rẽ tang lễ, có thể hiểu được. Nhưng sống đời độc thân, chỉ thầm yêu trộm nhớ người này người kia, và từ năm 2000 đến nay thì dứt yêu, vậy mà rành cả nghi lễ cưới hỏi, đúng là nghịch lý buồn.

1. Trong giới nghệ sĩ ở Sài Gòn, nếu thân quen với Hữu Châu, khi gia đình gặp chuyện buồn mà bối rối, chỉ cần hỏi, anh đều nhiệt thành hướng dẫn làm sao cho đúng lớp lang và đúng nghi lễ. Hữu Châu kể từ trẻ anh đã để ý đến chuyện này, vì chỉ nghĩ đơn giản rằng ai rồi cũng đến lúc vĩnh biệt ông bà, người thân, nên cần biết để lo cho đúng mực, chu toàn. Bởi Hữu Châu từng cho rằng, mỗi đời người, tang lễ là điều chẳng ai muốn, nhưng chẳng thể tránh, nên nó quan trọng nhất. Lễ nghi cho đám tang cũng nhiều và phức tạp bậc nhất, mà tự mình lại không thể lo cho mình, nên phải có ai đó ngó nghĩ đến người khác – và anh nhận gánh vác chu đáo việc đó.

“Nghĩ cuộc đời của tôi cũng ngộ, tôi là con trai giữa, cách đây hai mấy năm khi anh trai chết, tôi trở thành đứa con lớn, xong cách đây ít lâu, khi thằng Trum gặp tai nạn qua đời, tôi lại trở thành đứa út. Vừa út, vừa lớn, vừa giữa – bây giờ tôi là con trai một trong nhà”, Hữu Châu cảm thán.

Rồi cũng qua năm qua tháng, vì hoàn cảnh gia đình mà người đàn ông cô độc này trở thành người vun vén chuyện cưới xin. Anh đã là chủ lễ 3 đám cưới, của 2 đứa em và 1 đứa cháu. Hữu Châu kể: “Đây là nghi lễ mà tự mình có thể can dự vào và thường cảm thấy hân hoan, hạnh phúc, nhưng từ năm 19 tuổi, vì hoàn cảnh riêng, tôi chẳng còn muốn lo nghĩ cho mình nữa. Vậy mà cứ hết đám này đến lễ kia, do tính hay để ý, tìm tòi, tự nhiên tôi rành rẽ, nghĩ cũng lạ”.

2. Sân khấu với Hữu Châu là một thánh đường, mà nghệ sĩ là tín đồ đến hầu lễ, nên hiển nhiên phải trang nghiêm, phải có đức tin vào sự mầu nhiệm. Khi lên sân khấu, với Hữu Châu, không chỉ có diễn viên diễn với nhau, mà mọi đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, thậm chí khán giả sẽ cùng diễn theo. Nhìn cách nghệ sĩ này rót ly nước trà, châm điếu thuốc, cầm cây bút… dù chỉ có tính ước lệ, nhưng luôn sinh động như thật.

“Sân khấu luôn là chuyện giả tạo, nhưng nếu mình diễn xong một lớp mà nghe khán giả buột miệng: diễn xạo xạo, diễn cứng đờ, diễn giả tạo… thì chỉ còn nước độn thổ. Khán giả bỏ tiền mua vé vào xem chúng tôi làm giả như thật, để họ có thể khóc cười theo nhân vật, để họ buông bỏ những cảm xúc bị dồn nén trong đời sống thường nhật. Người xưa gọi con hát chúng tôi là “xướng ca vô loài”, không phải chỉ có nghĩa tiêu cực, mà còn nghĩa tích cực: vì chúng tôi sống đời của vô số nhân vật, lúc là cha con, lúc là người tình, lúc là kẻ thù, lúc là thầy trò…”.

Trong một vở cổ trang, tại lớp diễn cuối đời rất buồn của vị đại thần, cảm nhận ánh sáng hơi dư, chỉ bằng ánh mắt liếc về phía bàn ánh sáng, chuyên viên lập tức hạ xuống 1-2 mức sáng, sân khấu trở nên đúng tông và đúng tâm trạng. Chuyện “cứu bồ” như thế này với Hữu Châu diễn ra như cơm bữa, nhất là với các suất đầu tiên, khi hậu đài hay các diễn viên trẻ chạy đường dây chưa nhuyễn. Bằng điệu bộ, anh dịch chuyển đạo cụ, chỉnh đốn bài trí, di chuyển đồng nghiệp… thật tài tình. Điều này lý giải vì sao vở diễn nào có Thành Lộc, Hữu Châu… thì khán giả thấy ổn hơn rất nhiều, vì họ không chỉ diễn cho riêng họ, mà còn nắm nhịp tổng thể sân khấu.

Trong vài suất diễn, đang lúc cao trào, tự nhiên có điện thoại của khán giả đổ chuông, rất dễ cụt hứng, nghệ sĩ nào cũng cảm thấy bực mình. Với Thành Lộc, Hữu Châu…, họ chỉ cần liếc mắt nhanh lẹ thì vị khán giả kia, nếu dân sành xem kịch, sẽ “rút được kinh nghiệm” về sau. Những “con hát” ở trình độ như Hữu Châu ít khi nào để cho khán giả bàng quan ngồi nhìn, họ luôn kéo khán giả nhập cuộc, để cùng sống, cùng vui buồn với nhân vật. Nghệ sĩ tâm sự: “Xong một lớp diễn mà mình cho là cao trào, liếc xuống thấy khán giả ơ hờ, mắt họ đờ đẫn thì xem như mình thất bại. Khi nào thấy mắt họ dõi theo, rưng rưng, rực lửa hoặc hân hoan theo tâm lý nhân vật, như vậy mới là thành công. Trong đời làm con hát, không ít lần ta sẽ bắt gặp ánh mắt thất vọng của khán giả, nên phải luôn cố gắng để chuộc lỗi ngay lớp diễn sau; ai không nhận ra điều này thì thật khó để đi vào trái tim người xem.” 

 

Bài: Lý Đợi

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

27/08/2013, 15:32