NTK Chương Đặng: Tìm hiểu con bằng tất cả giác quan - Tạp chí Đẹp

NTK Chương Đặng: Tìm hiểu con bằng tất cả giác quan

Sống

Từ sự kiện nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng mà cả tháng sau, ba mẹ mới biết nhờ xem clip được tung lên mạng, đến hàng loạt tai nạn xảy ra cho trẻ nhỏ gần đây, CLB PN&XH đã quyết định tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Phương pháp giao tiếp với con để nhận biết và ngăn chặn, xử lý các nguy cơ bạo lực trong môi trường học đường” trong khuôn khổ chương trình “Tháng 3 yêu thương” nhằm giúp các chị em trong CLB tăng cường khả năng thấu hiểu con cái và hoàn thành tốt hơn vai trò người mẹ, người bạn của con.

Khách mời của buổi trò chuyện là nhà thiết kế Chương Đặng, sáng lập viên thương hiệu thời trang Kujean, chuỗi nhà hàng Ru, phở Bar, cà phê Kujuz. Ngoài công việc kinh doanh và thiết kế, anh Chương Đặng còn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Anh đã chia sẻ những nguyên tắc cơ bản để giao tiếp với con, nói sao để con nghe – và cách để lắng nghe con nói. 

NTK Chương Đặng

Nguyên tắc đầu tiên: Nhận biết con bằng tất cả giác quan

Các bậc phụ huynh muốn hiểu về con mình, hãy vận dụng tất cả các giác quan. 

Khi con đi học về, hãy dùng mắt để quan sát xem con có khỏe mạnh an toàn không, quần áo con có vết bẩn, nhàu nhĩ không, nếu có thì đó là vết đùa giỡn hay do xô xát. Trên cơ thể con có vết trầy xước nào không, vì sao mà có. Thái độ con có vui vẻ bình thường không, hay sợ hãi, căng thẳng, ức chế. Vì sao con lại có các trạng thái cảm xúc đó? 

Hãy dùng mũi để ngửi con: Trên người con có mùi lạ nào không, nếu có thì vì sao? Đặc biệt là khi con vào độ tuổi vị thành niên nổi loạn, chỉ cần chịu khó “ngửi con” là bạn sẽ phát hiện ra các “tín hiệu lạ” như mùi nước hoa của người khác giới, mùi thuốc lá, mùi rượu bia. Lắng nghe con, không chỉ là nghe những gì con nói – mà còn nghe âm điệu trong giọng nói của con, nghe những âm thanh nơi con đang ở, loại âm nhạc con đang nghe. Và dừng quên giác quan thứ 6, bởi với sợi dây liên kết chặt chẽ của tình mẫu tử với con, nếu bạn cảm thấy con đang gặp phải vấn đề gì đó – phần lớn trường hợp bạn đúng.

NTK Chương Đặng cũng lưu ý rằng với tình thương dành cho con, người mẹ thường dùng “đôi mắt âu yếm” để nhìn con và từ đó bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm, bất ổn. Đồng thời, hãy giữ cho mình sự quan sát tỉnh táo và cả một sự cân bằng trong tâm lý để không vội “báo động giả”, quan tâm quá mức gây tác dụng ngược.

Nguyên tắc thứ 2: Không gian riêng của mẹ và con gái, bố và con trai

Trẻ em học hỏi nhanh nhất bằng cách quan sát người lớn, bé gái bắt chước mẹ và bé trai học theo ba. Đó là lý do NTK Chương Đặng gợi ý trong gia đình nên có những khoảng thời gian dành riêng cho mẹ và con gái, bố và con trai. Trong khoảng thời gian đó, mẹ và con gái có những “tiết mục” đặc biệt dành cho phái nữ, như làm tóc, chăm sóc da, mua sắm, xem phim, tâm sự với nhau. Bố và các anh em trai phải biết tôn trọng không gian riêng này và ngược lại, tự xây dựng cho mình một “câu lạc bộ” tương tự. 

Sự gần gũi này sẽ là cách để mẹ – con gái, bố – con trai xây dựng sự thân thiết, chia sẻ, học hỏi. Một chút bí mật với “phe con trai” sẽ làm con gái và mẹ thêm gần gũi, những đặc quyền mà “hội con gái” không có được sẽ khiến bố – con trai tin tưởng nhau hơn. Từ đó, các em sẽ giao tiếp với phụ huynh dễ dàng hơn.

Phụ huynh và các em nhỏ tham gia buổi chia sẻ

Nguyên tắc thứ 3: Chính bố mẹ phải có lòng can đảm

Can đảm để con tự nới rộng vòng tròn an toàn và tự chăm sóc bản thân. Vòng tay bố mẹ sẽ chẳng thể nào đủ rộng cho con, trừ phi muốn con mình mãi không khôn lớn. Vì vậy, hãy biết vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua ham muốn bảo bọc con. Thay vì vậy, giúp con trang bị những kỹ năng để “tự bơi”, cho con những “vũ khí” thích hợp với từng “chiến trường”. 

Trong tình huống con bị bắt nạt, cha mẹ lại càng cần… can đảm. Bất kỳ môi trường nào dù là học đường hay công sở, sẽ luôn có một nhóm bị bắt nạt và một nhóm thích bắt nạt. Nhóm thích bắt nạt sẽ tìm kiếm con mồi là những người yếu đuối, không có khả năng tự vệ, tự giải quyết vấn đề. Khi con bị bắt nạt, phụ huynh thường ngay lập tức dắt con vào trường để “mét” thầy cô. Vô hình chung, bạn sẽ biến con thành “món ăn” yêu thích cho kẻ bắt nạt, bởi rõ ràng là con luôn cần sự can thiệp che chở của người lớn. 

Nói như vậy không có nghĩa là bỏ mặt con. Bạn sẽ cần kiên nhẫn cùng con lên kế hoạch thoát ra khỏi vai trò nạn nhân. Bắt đầu bằng việc tìm hiểu thật kỹ tình huống con bị bắt nạt, sau đó hướng dẫn con cách phản ứng khác đi nếu lặp lại tình huống đó. Ví dụ, dạy con cách né tránh “khu vực” của nhóm bắt nạt, biết khi nào thì mình sắp bị đánh, đi đến khu vực nào thì an toàn, nói với bạn những gì, tìm sự giúp đỡ hỗ trợ ở đâu…

Nguyên tắc 4: Nói với con bằng nhiều giọng

Sẽ có rất nhiều chuyện con cái không muốn chia sẻ với bố mẹ vì nhiều lý do, chẳng hạn như không biết bố mẹ sẽ phản ứng ra sao với những gì mình kể. Và cũng không phải lúc nào bạn cũng có thể nói để con nghe, bởi những gì phụ huynh cho là đúng thì con trẻ lại không thấy như vậy. Trẻ không biết tại sao mình phải làm điều này, không được làm điều kia, và càng gò ép con lại càng phá vỡ sự giao tiếp.

Hãy tập nói với con bằng nhiều giọng. Ví dụ, khi đi học về bạn hỏi con “Hôm nay ở trường như thế nào hả con?”, con có thể nói rằng mọi thứ đều ổn. Nhưng đến tối, khi kể chuyện cho con nghe bạn sẽ “sắm vai” một nhân vật nào đó và hỏi lại cùng câu hỏi “Hôm nay bạn đi học có gì vui? Trong lớp bạn chơi thân với ai? Trong lớp bạn có bao nhiêu hoàng tử, ai là người can đảm nhất?…” để con có cơ hội kể lại câu chuyện với góc nhìn tự do, thoải mái hơn.

Kết

Quan tâm, nhưng không quan tâm quá mức. Làm bạn, nhưng không can thiệp quá sâu vào đời tư của con. Bảo ban, nhưng không ép con sống cuộc đời của người khác. Nghệ thuật cân bằng giữa những ranh giới này quả là khó khăn, và chỉ sự kiên nhẫn cùng với yêu thương mới giúp các bậc phụ huynh vượt qua.

Khi vòng tay ba mẹ không đủ lớn…

Gần đây, câu chuyện cậu bé 5 tuổi bị diều cuốn gây tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng. Hầu như tháng nào cũng có những trường hợp tai nạn đau lòng liên quan đến trẻ nhỏ xảy ra. Đó là những bài học cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc giữ an toàn của con trẻ. Những tai nạn nào dễ xảy ra cho các bé trong khi vui chơi, vận động? Làm thế nào giữ cho con được an toàn? Làm sao để giúp các con xử lý các tình huống nguy hiểm?

Ai cũng mong muốn có vòng tay đủ lớn để chở che con, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể ở cạnh con… Đẹp Online muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ những kinh nghiệm, cũng như những nguyên tắc giúp con trẻ có một cuộc sống an toàn hơn.

Xem thêm:

– Những tai nạn bé thường gặp và cách đối phó, phòng tránh

– 5 nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ phụ huynh cần nhớ

Khi con bị đánh, mẹ ở đâu

Bài: Q.T

Ảnh: Phạm Duy


logo

Thực hiện: depweb

25/03/2015, 14:03