Mẹ Ánh Hồng của "kình ngư" Ánh Viên: "Cứ bơi đi con nhé, nhưng rồi phải... lấy chồng!" - Tạp chí Đẹp

Mẹ Ánh Hồng của “kình ngư” Ánh Viên: “Cứ bơi đi con nhé, nhưng rồi phải… lấy chồng!”

Giải Trí

Lặn lội gần 200km về Cần Thơ, chúng tôi tìm đến nhà của “kình ngư” Ánh Viên trong một chiều cuối tháng 6 – đúng 2 ngày trước khi em lên đường sang Mỹ tiếp tục tập huấn.  Không quá khó tìm ra nhà em bởi cái tên Ánh Viên bây giờ đã trở nên quá quen thuộc với bà con nơi đây. Đó là một vùng quê hẻo lánh (thuộc Ấp Ba Cau, Xã Giai Xuân, Huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ), nơi có những con đường đất nhỏ hẹp và uốn lượn ngoằn ngoèo bên con rạch Ba Cau.

Con rạch Ba Cau trước nhà, nơi Ánh Viên tập bơi lúc nhỏ

Nhìn căn nhà tường gạch chắc chắn, có cổng sắt kiên cố, ít ai biết được chỉ mới cách đây vài năm, nơi này còn rất xập xệ và là nơi nuôi dưỡng một tài năng bơi lội của Việt Nam.


Nhà của gia đình Ánh Viên

Mẹ của “kình ngư” – người phụ nữ miền Tây chân chất

Với chất giọng đặc sệt miền Tây và kiểu chia sẻ kiệm lời nhưng chân thành, chị kể: “Nhà tui sống ở đây cũng lâu lắm rồi. Từ xưa tới giờ, hai vợ chồng vẫn làm vườn mà sống. Hồi đó, nhà tui trồng đu đủ, cực lắm! Trồng đu đủ cũng giống như làm rẫy, phải chăm sóc, tô sình, tô đất đủ thứ. Giờ chuyển qua trồng cây lâu năm như cam với sầu riêng thì mới đỡ cực hơn. Ánh Viên từ nhỏ đã biết theo tui phụ làm vườn, thiệt ra cũng phụ mấy việc nhỏ nhỏ như nhổ cỏ này kia thôi. Rồi lớn hơn chút, cỡ lớp 2, lớp 3 thì hè nào nó cũng đi làm để kiếm tiền đóng học ở trường. Nó giỏi lắm! Hồi còn nhỏ xíu, hình như thấy mẹ cực hay sao đó mà nó thủ thỉ ‘Con muốn mai mốt làm gì kiếm thiệt nhiều tiền để mẹ đỡ khổ!’. Tui nhớ hoài…!”


Ánh Viên tại SEA Games 27

Nói tới đây, ánh mắt chị nhìn xa xăm và ánh lên đầy niềm tự hào. Lặng yên một lúc, chị bật mí rằng cái tên Ánh Viên thật ra là do một sự nhầm lẫn về chính tả. Lúc mới sinh, gia đình định đặt cho em là Ánh Duyên, với chữ Duyên có nghĩa là duyên dáng. Thế nhưng, do cách đọc của người miền Tây, chữ “Duyên” thành “Diên” và “D” nghe cũng giống “V” nên “bà mụ” đã viết thành Ánh Viên. Vậy là cái tên đặc biệt ấy ra đời. Tuy không giống với mong muốn ban đầu nhưng gia đình cũng không mấy phiền lòng, ngược lại còn thấy cái tên này cũng thật đặc biệt.

“Kình ngư” không khóc – và mẹ em cũng vậy!

Trong phòng khách gia đình của “tiểu tiên cá” Ánh Viên, chúng tôi bị choáng ngợp bởi cả một bức tường treo đầy huy chương và bằng khen. Phải có đến gần 200 chiếc huy chương các loại được treo trên giá và quá bán trong số đó là huy chương vàng. Mẹ em kể, ngày xưa Viên không cho mọi người treo lên và bảo rằng: “Treo làm gì cho chật!”. Mãi đến năm ngoái, khi ba em sửa lại bức tường và làm cả một tủ treo cho ngăn nắp thì Viên mới tự tay mình sắp xếp và treo tất cả huy chương, bằng khen, cúp… lên.

Trong ngôi nhà của Ánh Viên ngập tràn huy chương, bằng khen ghi lại các thành tích mà em đã đạt được

Trên bức tường rộng ấy còn có một vài tấm ảnh của gia đình Ánh Viên. Khi chúng tôi hỏi xem hình ảnh lúc bé khác của em, chị Hồng chỉ cười và nói rằng ngày xưa khổ lắm nên cũng chẳng được chụp hình nhiều. Chị tả lại Ánh Viên của những ngày còn bé: “Hồi đó, tui sanh Viên sớm 10 ngày nhưng nó cũng nặng được 2,9kg. Lúc nhỏ nó nhìn cũng “sổ sữa” lắm, tay ngấn ngấn luôn, chỉ có lớn lên thì nó mới đen và ốm hơn. Đi đội tuyển được mấy năm về đen thui, có chỗ đeo kính bơi thì trắng, dòm kì cục, ai cũng chê. Tui nghe cũng tủi trong bụng nhưng biết sao giờ. Nó thích bơi quá thì chỉ biết ủng hộ nó vậy thôi!”.


Ảnh gia đình Ánh Viên lúc em còn nhỏ (mặc áo xanh, đứng chính giữa, đứng cạnh bà nội)

Với chị Hồng, Ánh Viên từ nhỏ là một cô bé có tính cách mạnh mẽ, giống con trai và rất ít khi khóc. Từ năm 2007, em đã xa nhà đi học. Sau này, khi được sang Mỹ tập huấn, mỗi lần đi cũng ít nhất 6 tháng mới về, khi về cũng chỉ được ở lại 1,2 ngày với gia đình. Đợt Ánh Viên tập luyện cho SEA Games, cả 3 tháng trời gia đình cũng không được liên lạc để em tập trung tập luyện. Kể đến đây, chị Hồng ngậm ngùi chép miệng: “Mấy cái Tết rồi nó có được ở nhà đâu!”

Câu nói có phần xót xa ấy khiến người ta hiểu nhiều hơn nỗi lòng của người mẹ sớm phải xa con và một năm gặp con chỉ một, hai lần. Vậy mà khi được hỏi có bao giờ chị buồn, vì nhớ con mà khóc không, chị Hồng chỉ cười nhẹ rồi lắc đầu: “Riết cũng quen!”. Chị kể thêm: “Năm đầu tiên Ánh Viên qua Mỹ tập huấn, Tết không được về nhà, nó khóc với thầy Tuấn quá chừng. Thế nhưng chỉ đúng một lần đó, sau này nó hiểu chuyện rồi, biết kiềm chế và không bao giờ khóc nữa. Vậy nên tui có buồn cũng để trong bụng thôi, để nó yên tâm mà luyện tập…”



Chị Ánh Hồng bên các thành tích của con gái

“Vì đó là đam mê của con nên mẹ sẽ luôn ủng hộ, dù có thế nào…”

Nếu nói rằng chị Ánh Hồng là bà mẹ của các “kình ngư” có lẽ cũng không sai vì em trai của Ánh Viên – Nguyễn Văn Thuấn, hiện tại cũng đang theo bước chị, tập luyện tại đội tuyển bơi lội Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9). So với Ánh Viên, Thuấn được tập bơi sớm hơn, được tham gia đội tuyển trước chị một năm và thành tích thì cũng chẳng hề thua kém. Vào đội tuyển, em phải học tập và sinh hoạt tại trường, 2 tuần mới được về nhà một lần. Vậy là căn nhà của vợ chồng chị Hồng dường như lại thênh thang hơn.  


Một trong những bức ảnh hiếm hoi của Ánh Viên cùng bố mẹ và em trai (năm 2011)

Cứ luôn miệng cười và bảo: “Riết cũng quen!” nhưng đằng sau câu nói ấy là biết bao nỗi lòng của người làm mẹ. Chỉ cần chị nhớ con, yếu lòng và trào nước mắt là chị đã có thể khiến con bận tâm và khó tập trung vào việc học tập, thi đấu.

“Bây giờ, công việc làm vườn của vợ chồng tui cũng thư thả hơn. Ổng ra vườn cả ngày, còn tui thì chiều mới ra. Ở nhà thì tui cũng đi chợ, nấu cơm, nuôi con gà, con vịt để khi Ánh Viên về, làm vịt xào gừng cho nó ăn. Ở bên Mỹ, nó thèm món này lắm mà không có chỗ bán… ” – Chị Hồng chia sẻ.

Mong ước nhỏ nhoi của chị Hồng là Ánh Viên sẽ tiếp tục tập trung tập huấn và thi đấu, đến năm 27, 28 tuổi thì lấy chồng. Còn bây giờ, chị chỉ lặng lẽ dõi theo và luôn âm thầm cổ vũ con gái trên mọi đường đua xanh. “Vì đó là đam mê của con nên mẹ sẽ luôn ủng hộ, dù có thế nào…”


Những người mẹ đặc biệt
Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt. 
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ…

Con của họ là người của công chúng, từng ở đỉnh cao hay vực sâu của danh vọng, tiền tài, sự nghiệp.
Con của họ là đứa trẻ họ không dứt ruột đẻ ra nhưng họ chăm bẵm nâng niu còn hơn cả máu thịt của mình.
Con của họ có thể không may mắn, có thể lầm đường lạc lối, thất bại, ương ngạnh, nhưng ngôi nhà của họ luôn mãi là chốn nương náu bình yên nhất đối với các con sau mỗi cơn giông bão của cuộc đời.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con”

Các bài viết trong chuyên đề “Những người mẹ đặc biệt”:

* Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con

Mẹ bé Thiện Nhân: Các con sinh ra từ trái tim của mẹ

* Mẹ Ánh Hồng của “kình ngư” Ánh Viên: Đi bơi đi con nhé, nhưng rồi phải…lấy chồng!

Bài và ảnh: Bình Minh


logo 

Thực hiện: depweb

29/06/2015, 16:51