Học chữ trước lớp một: Phụ huynh "rối như tơ vò" - Tạp chí Đẹp

Học chữ trước lớp một: Phụ huynh “rối như tơ vò”

Sống
“Nóng” từ trên mạng đến công sở

Còn 6 tháng nữa, năm học mới bắt đầu, nhưng nhiều phụ huynh đã đôn đáo tìm lớp cho con.

Tháng Chín tới con mới vào lớp một, nhưng ngay từ sau Tết Nguyên đán, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mến (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đứng ngồi không yên vì lo lắng cho “sự nghiệp” đi học của cô “con gái rượu.” Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là có nên hay không nên cho con đi học trước lớp một?


Vào lớp một, học sinh sẽ được cô giáo hướng dẫn cách cầm bút, viết chữ (Ảnh: TTXVN)

Tham khảo khắp các diễn đàn trên mạng internet, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Mến vẫn không tìm được cho mình câu trả lời.

“Có rất nhiều ý kiến trái chiều. Người nói không nên cho con đi học trước vì con sẽ có tâm lý chủ quan khi vào học chính thức, và đằng nào vào lớp một con cũng được cô dạy viết. Người lại cho rằng không cho con đi học trước thì khi đi học con sẽ tự ti vì thấy mình kém bạn bè. Thấy ai cũng có lý nên mình không biết phải làm thế nào? Nếu cho con đi học trước lớp một thì sẽ phải tìm lớp từ bây giờ để chậm nhất đến hè phải cho con đi học,” chị Mến chia sẻ.

Không chỉ tham khảo các thông tin trên mạng, chị cũng dò hỏi các đồng nghiệp ở cơ quan để học hỏi kinh nghiệm, từ những người “cùng cảnh ngộ” có con vào lớp một năm nay đến các “cao niên” đã có con lớn hơn. 

Tâm sự của chị Mến cũng là lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Trên các diễn đàn như lamchame, webtretho, nhiều topic về chủ đề này cũng đã được lập ra. Bên cạnh tâm trạng rối bời của các phụ huynh, không ít người cũng tranh thủ vào quảng cáo điểm dạy chữ cho học sinh mầm non.

“Càng đọc càng rối và hoang mang,” chị Mến cho biết.

Việc luyện chữ trước lớp một không chỉ nóng ở các khu vực thành thị mà ở cả các vùng nông thôn. Những lớp học này thường do chính các giáo viên tiểu học, đa số là giáo viên lớp một, trực tiếp tổ chức và đứng lớp.

Chị Phạm Thị Thanh (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, chị cũng đang cho con đi học chữ để chuẩn bị tháng Chín tới con vào lớp một. 

“Lớp do một cô giáo tiểu học mở. Trước đây cô dạy tại nhà nhưng bị bắt nên bây giờ lớp chuyển về giữa xóm cho kín đáo,” chị Thanh cho biết.

Chia sẻ về lý do cho con đi học dù bị cấm, chị Thanh bày tỏ: “Tôi cũng không muốn con đi học, vì như thế mệt cho cháu, đã học ở trường mầm non cả tuần, cuối tuần lại phải đi học chữ. Nhưng bây giờ tất cả học sinh đều học, con mình không học cũng không được, khi đi học chính thức sẽ thua bạn kém bè.”

Nhiều phụ huynh lo ngại không cho con học trước sẽ khiến con tự ti khi vào lớp một. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phụ huynh phải có “tinh thần thép”?

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy chữ cho học sinh trước lớp một nhưng tình trạng này năm nào cũng tái diễn. Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần lên tiếng việc dạy chữ cho trẻ trước lớp một là phản khoa học, nhưng tất cả những điều đó cũng không làm cho các lớp luyện chữ thôi “đỏ đèn.”

Là một phụ huynh từng kiên quyết không cho con học chữ trước khi vào lớp một, chị Nguyễn Thị Hạnh (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thực sự hối hận!”.

“Thử tưởng tượng con sẽ như thế nào nếu gần như cả lớp, các bạn của conđều đã biết đọc biết viết, chỉ mình con là không. Tự nhiên con thành học sinh cá biệt, kém nhất lớp. Cô cũng thường xuyên nhắc nhở con và bố mẹ về việc con chậm hơn các bạn. Đấy sẽ là cú sốc cho con ngay ngày đầu đi học, và điều đó không tốt chút nào về mặt tâm lý,” chị Hạnh chia sẻ.

Cũng theo chị Hạnh, để con theo kịp bạn bè, mỗi tối hai mẹ con phải “đánh vật” với viết và tô chữ đến tận 22-23 giờ đêm. “Trong khi các bạn đọc, viết ầm ầm, học tiếng Anh thì con mình còn phải tập tô chữ, tập ghép vần. Phụ huynh phải có tinh thần thép mới không sốt ruột,” chị Hạnh nói.

Là một trong số các phụ huynh “có tinh thần thép”, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (phố Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, con có cả một năm để rèn luyện việc đọc, viết nên không nhất thiết phải học trước. 

“Tất nhiên, khi con vào học sẽ không thể bằng các bạn đã học trước, nhưng quan trọng là cha mẹ luôn ở bên để động viên khuyến khích con, không so sánh và đặt mục tiêu quá cao. Như thế, cả mẹ, cả con đều thấy nhẹ nhàng,” chị Tuyền chia sẻ.

Cũng theo chị Tuyền, để con làm quen với sách, vợ chồng chị chỉ mua một số cuốn về cho con tô, vẽ. Thay vì học chữ, vợ chồng chị đang tìm lớp học múa vì con rất thích múa hát. “Con thích gì thì học đó, con vui, mẹ vui,” chị Tuyền cười nói.

Theo: Phạm Mai/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

02/04/2015, 08:26