Hãy tổ chức một lễ cưới thông minh - Tạp chí Đẹp

Hãy tổ chức một lễ cưới thông minh

Sống

Lên kế hoạch

1. Bạn có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho đám cưới?
2. Bạn có thể chi trả bao nhiêu tiền?
3. Bạn có thể nhận được những sự giúp đỡ nào?

Và nhớ là, trả lời 3 câu hỏi này cùng nhau nhé! Đây là 3 thông tin đầu tiên cho dự án 1 trang giấy của bạn. Bạn cần gì cho một đám cưới?

 

Ấn bản Mùa cưới đã có mặt trên các sạp báo với rất nhiều thông tin hữu ích cho các cặp đôi đang xây tổ. Bạn có thể đọc và trải nghiệm Mùa cưới trên chính điện thoại thông minh, tablet của mình ở bất cứ đâu, với những thao tác cực kỳ đơn giản. 

 

“Cần phải mất bao lâu để chuẩn bị cho một đám cưới?” không phải là một câu hỏi đúng. Mà phải là: “Bạn có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho đám cưới của mình?”.

Nếu bạn muốn một kế hoạch dễ hình dung, có thể tham khảo các dạng “lịch cưới” thường được đính kèm những quyển tạp chí, trong đó hướng dẫn từng bước chuẩn bị từ cả năm trước. Nhưng hãy nhớ, thời gian là yếu tố tương đối. Với cặp đôi này, 12 tháng là đủ cho một đám cưới đàng hoàng. Cặp đôi khác lại mất đến 3 năm để tích lũy tài chính. Và cũng có những đôi chỉ mất 3 tháng, hoặc thậm chí 3 ngày. Tương tự, với chuyện tài chính, cũng không có con số cố định nào cho cái gọi là “trị giá của một đám cưới”. Điều bạn cần làm để mọi thứ diễn ra đơn giản và dễ dàng nhất là: tự xác định nguồn lực của mình.

Chia kế hoạch tổ chức đám cưới ra thành những đầu việc nhỏ, theo từng thời điểm:

Trước khi cưới

+ Cầu hôn
+ Trò chuyện với gia đình hai bên
+ Thống nhất về quy mô, tài chính, nhân sự
+ Chuẩn bị cưới
+ Tiệc cưới
+ Chụp ảnh cưới
+ Trang phục cưới
+  Thiệp cưới

Ai sẽ là người tổ chức?


1. Wedding Planner

Một wedding planner tốt không chỉ giúp tổ chức đám cưới, mà còn có thể gợi ý như thế nào là đám cưới hoàn hảo dành riêng cho bạn. Anh/cô ấy sẽ khơi gợi, đưa ra lựa chọn và giải pháp, chăm sóc và chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ – để đảm bảo bạn là cô dâu/chú rể hạnh phúc và hài lòng nhất. Về phía mình, bạn có thể giúp wedding planner làm tốt công việc bằng cách đưa ra các yêu cầu cụ thể và rõ ràng ngay từ đầu, sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và mong muốn của bạn, đồng thời tin tưởng và tôn trọng kế hoạch của họ. Và đừng quên trao đổi bằng email/văn bản, ghi rõ thời gian, hạng mục công việc và mức chi phí.

2.  Tự chuẩn bị

Tự chuẩn bị cho đám cưới của mình sẽ lấy mất kha khá thời gian, bởi bạn phải giải quyết tất cả các đầu việc như: dọ giá nhà hàng, tìm nơi tổ chức, chọn mẫu hoa, thiệp và 1001 mối bận tâm khác. Mà thực ra, việc này cũng chưa hẳn giúp bạn tiết kiệm tiền hơn là nhờ đến dịch vụ cưới, đơn giản vì bạn không nắm rõ giá cả thị trường và dễ “chi lố” cho các hạng mục. Thế nhưng, tự tay chuẩn bị đám cưới sẽ đem đến những trải nghiệm cực kỳ thú vị, là dịp kết nối và nhờ cậy người thân, bạn bè, đồng thời cũng là cơ hội giúp hai bạn hiểu nhau hơn (dù có thể trong quá trình đó sẽ xảy ra tranh cãi). Và có lẽ, sau khi tự làm mọi thứ để “dìu nhau đến bến hôn nhân”, bạn sẽ nhận ra cưới hỏi mệt mỏi đủ để… không cần có lần thứ 2 trong đời. 

Bản kế hoạch của bạn đã khá hoàn chỉnh, với một “to do list” rõ ràng kèm theo thời gian, người thực hiện và mức chi phí. Giờ thì, sẵn sàng thôi!

“Giờ G”


. Kịch bản
. Người điều phối
. Trang điểm
. Chụp ảnh/quay phim
. Chăm sóc khách mời

. Kế hoạch B – xử lý những tình huống và sự cố phát sinh

. Tổng kết đám cưới

Chuyện cũng không có gì mới đúng không? Nhưng bằng cách liệt kê và sắp xếp theo một trình tự hợp lý, bạn sẽ quản lý được đám cưới của mình một cách khoa học và tiết kiệm năng lượng. Quan trọng hơn, bạn sẽ có một hình dung rõ ràng về đám cưới của mình, biết mình muốn gì, cần gì và thôi… phát khiếp về sự kiện này. Nhắc lại nếu bạn cảm thấy “dự án cưới” thật khô khan và chẳng có xíu lãng mạn nào: Cưới không phải để lo, mà để vui. Mà muốn vui thì trước hết cần tỉnh táo, khoa học.

 

Thực hiện: depweb

18/09/2015, 14:48