Trần Mạnh Tuấn - Cha con và 7 nốt nhạc - Tạp chí Đẹp

Trần Mạnh Tuấn – Cha con và 7 nốt nhạc

Giải Trí

Sau chưa đầy 2 năm, An Trần đã được mời trình diễn trên nhiều sân khấu lớn, từ khách mời trong show diễn chung kết “Vietnam’s Got Talent” đến trình diễn trước 30.000 khán giả trong show tưởng niệm trịnh công sơn và chuẩn bị tham dự festival nhạc Jazz quốc tế tại chiangmai với bố. Trần Mạnh Tuấn không giấu vẻ tự hào nhìn cô con gái nhỏ 11 tuổi và kể tiếp, “An Trần mới được ông Phú Quang ‘book’ ra hà nội trình diễn solo vào cuối năm nay, lần này thậm chí bố còn không được mời!”.

1. Buổi sáng Chủ nhật, Trần Mạnh Tuấn chở hai con, cậu con trai 19 tuổi cao ngồng và cô con gái 11 tuổi đi ăn sáng. Ba cha con chơi đùa rất thoải mái, thi thoảng trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Hôm đó lại đúng là “Ngày của bố”. Khi tôi nhắc điều này, cả ba cha con đều “ồ” lên ngạc nhiên và ngay lập tức, Trần Mạnh Tuấn quay sang hai đứa con “đòi quà”. Ba cha con trông rất thân thiết và không có cảm giác “nghiêm trọng” như những ông bố khác khi dạy dỗ con cái.

– Nhìn cách anh chơi đùa với con cái, có vẻ như anh là một ông bố rất dễ tính?

– Dù cha con thân thiết và gần gũi thế thôi nhưng cũng phải vào khuôn khổ hết, đặc biệt là với âm nhạc. Buổi sáng An Trần đi học ở trường, chiều về là phải xuống tầng hầm, vào phòng thu tập đàn với bố ngay. Khi thì được bố trực tiếp chỉ dạy từng nốt nhạc, khi thì ngồi chơi quan sát bố chơi các ban nhạc, hay hòa âm, phối khí. Có lẽ nhờ cái không gian âm nhạc tràn ngập từ bé mà An Trần tiếp thu và học rất nhanh. Tôi nghĩ “con nhà nòi” là thế, gen chỉ chiếm một phần thôi, phần lớn còn lại là do bọn trẻ được tiếp xúc và sống trong môi trường nghệ thuật từ bé, nên chúng thẩm thấu rất nhanh.

– Hình như đó cũng là cách mà anh thẩm thấu từ môi trường nghệ thuật của bố mẹ anh?

– Đúng là cả gia đình tôi đều hoạt động nghệ thuật nên tôi được sống trong bầu không khí đó từ nhỏ. Bố là kép cải lương nổi tiếng, được bà bầu Kim Phụng gã cho cô cháu gái là mẹ tôi, lúc đó mới 16 tuổi để giữ kép. Sau này bố tôi là ông bầu cải lương đầu tiên của đất Bắc. Gia đình, họ hàng cũng nhiều người… lằng nhằng làm nghệ thuật. Như mẹ của ca sĩ hải ngoại Nguyên Hưng là em ruột của bố tôi; rồi bố của nghệ sĩ kịch nói Minh Hòa cũng là em trai của bố. Gia đình họ hàng hoạt động nghệ thuật hết nên bọn tôi cứ thế nối tiếp nghề bố mẹ rồi đi theo những ngã rẽ khác nhau. Bây giờ đến đời thứ 3, bọn trẻ lại tiếp nối chúng tôi. An Trần đang chơi saxophone nối nghiệp bố. Cậu cháu trai Bê Trần, con của anh trai, người tặng quả thận cứu sống tôi, giờ cũng là một anh chàng “hotboy” đình đám đóng phim và sắp làm đạo diễn. Một cô cháu gái khác là Mi Trần, cũng đi hát, đóng phim và là “hotgirl” trên mạng”.

– Từ nghệ thuật truyền thống của bố mẹ anh, điều gì dẫn dắt anh đến với Jazz?

– 5, 6 tuổi đã được chơi nhạc cụ dân tộc. 8 tuổi được bố tặng chiếc kèn saxophone đầu tiên. 9, 10 tuổi đi theo đoàn cải lương Chuông Vàng đi lưu diễn khắp nơi. Tôi gần như không có tuổi thơ như những đứa trẻ khác, không biết một trò chơi nào ngoài âm nhạc. Có chăng là học cách để tồn tại như một “street boy” (đứa trẻ đường phố) thứ thiệt.

Nền tảng âm nhạc truyền thống, cải lương, chèo, những bài hát tiền chiến được bố dạy và truyền lại là hành trang khi tôi chuyển sang chơi nhạc nhẹ. Những năm 90, tôi chơi trong ban nhạc Phương Đông cùng với Quốc Trung, Quyền Văn Minh, Văn Hà, Anh Quân cho các bar, khách sạn ở Hà Nội. Hồi đó, Trung tâm Văn hóa Pháp đưa một đoàn nghệ sĩ nhạc Jazz sang Việt Nam biểu diễn và dịp đó, họ chọn một số nghệ sĩ địa phương để đào tạo. Tôi chuyển sang chơi Jazz từ đó, rồi được học bổng đi học Học viện âm nhạc Berklee và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên của ngôi trường danh giá này. Sau đó tôi về nước, mở Sax n’ Art và chơi Jazz đến bây giờ. Nhưng có một điều chắc chắn, âm nhạc truyền thống, cải lương, chèo, những làn điệu dân gian vẫn sống trong tôi rất mạnh mẽ. Tôi đã đi trên 50 nước, trình diễn ở nhiều quốc gia khác nhau, chơi với nhiều nghệ sĩ Jazz quốc tế, nhưng tôi luôn tìm bản sắc riêng để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài. Đó cũng là cách tôi dạy cho An Trần, học standard Jazz bài bản, nhưng chơi như một nghệ sĩ Jazz Việt Nam.

2. Chỉ với cây kèn Saxophone, Trần Mạnh Tuấn đã gầy dựng nên một sự nghiệp đáng nể và được xem là một trong hai nghệ sĩ nhạc Jazz thành công nhất Việt Nam. Anh đã cho ra mắt 14 đĩa CD và hầu hết đều ăn khách, trong đó riêng album “Về quê” bán tới 180.000 bản, lập kỷ lục là đĩa CD bán chạy nhất, thậm chí vượt qua nhiều CD của các ca sĩ nhạc pop. Ngôi biệt thự ở quận 2 của gia đình anh cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sự sang trọng và tinh tế của chủ nhân. Nhưng để có được ngày hôm nay, bản thân anh cũng vượt qua nhiều giai đoạn vất vả, thăng trầm và thậm chí có lúc tưởng không vượt qua nổi.

– Điều gì giúp anh vượt qua những thử thách và những thăng trầm của cuộc sống và điều gì anh thường dạy 2 đứa con của mình, khi chúng được hưởng thụ một đời sống quá đủ đầy?

– Tôi luôn nói với bọn trẻ về sự chia sẻ trong đời sống và tình yêu với âm nhạc, vì nếu không có những điều đó, chắc chắn sẽ không có tôi của ngày hôm nay.

Năm 13 tuổi, tôi bị hỏng một bên mắt và phải chịu rất nhiều đau đớn. Âm nhạc đã đưa tôi đi qua giai đoạn khủng hoảng tuổi vị thành niên đó. Năm 27 tuổi, vợ mới sinh cậu con trai đầu lòng được 27 ngày, tôi phải lên đường sang Mỹ học. Ở nhà, căn nhà của vợ chồng tôi ở phố Tạ Hiện bị cháy, mất sạch tài sản và không được đền bù, vợ tôi giấu không cho tôi biết để tôi yên tâm học hành. Cậu con trai ốm đau quặt quẹo sống chủ yếu ở bệnh viện, vợ tôi cũng một tay chăm sóc. Mãi đến năm 6 tuổi, cu cậu mới biết nói và biết ngồi, chúng tôi mới trút được gánh nặng. Những năm tháng khó khăn đó, vợ tôi trở thành hậu phương vững chắc. Đến khi chúng tôi vào Sài Gòn, mở Sax n’ Art, cùng với lúc chúng tôi có bé An Trần, cuộc sống tưởng yên ổn thì tôi bị bệnh và được bác sĩ chẩn đoán hỏng thận trong một chuyến lưu diễn ở châu Âu. Anh trai tôi là người cho tôi một quả thận và nhiều bạn bè tài trợ để chúng tôi qua Mỹ ghép thận. Trong thời gian làm album đầu tiên, tôi cũng được sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần của anh Trịnh Công Sơn và những người bạn của anh. Đó là những món quà vô giá mà âm nhạc và tình thân đã mang đến cho tôi, giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn.

Bây giờ bọn trẻ quá sướng. An Trần 11 tuổi đã có bộ sưu tập kèn saxophone vài trăm ngàn đô. Nhưng tôi luôn dạy bọn trẻ biết chia sẻ và không được ỷ lại. Hai anh em đã biết tham gia các hoạt động từ thiện, tận tay giúp đỡ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hay mua tranh của các bạn khuyết tật.

Với âm nhạc, tôi thường nói với chúng rằng, cả cuộc đời của bố đến hôm nay chỉ có 7 nốt nhạc làm nên, nên phải biết yêu, biết trân trọng từng nốt nhạc.

– Cảm giác lần đầu tiên đứng trên sân khấu trình diễn với cô con gái bé nhỏ chắc hẳn phải cực kỳ sung sướng?

– Tất nhiên, đó là một trong những khoảnh khắc sung sướng và “đã” nhất đời tôi. Ở thời điểm đó, An Trần mới học Saxophone được 2 tháng sau nhiều năm học piano, nhưng như tôi nói, phẩm chất “con nhà nòi” khiến con bé rất tự tin khi trình diễn trên sân khấu lớn trước rất nhiều khán giả.

– Anh có nghĩ là An Trần xuất hiện hơi sớm không? Và anh có muốn hướng con gái đi theo các cuộc thi tìm kiến tài năng trong các show truyền hình thực tế?

– An Trần có năng khiếu trời cho và được sống trong một môi trường âm nhạc từ bé nên rất nhạy cảm với giai điệu. Nhưng học và luyện ở nhà với bố là một chuyện, việc tham gia những show trình diễn là một cơ hội rất tốt cho con bé được nhìn nhận, được học hỏi. Không chỉ học ở bố mà còn học ở những người nghệ sĩ xung quanh, cũng như cách tương tác với họ. Chưa kể là được trang bị thêm kiến thức âm nhạc, bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm đối đáp. Với âm nhạc, nếu chỉ học lý thuyết mà không được thực hành thì sẽ dễ bị mai một.

Còn về lâu dài, tôi muốn An Trần được học bài bản theo hướng “academic”. Khoảng 5 năm nữa là phải lên đường đi du học, trang bị những kiến thức âm nhạc bài bản nhất thế giới. Hiện tôi đang chuẩn bị xây dựng một “Music Center” để đào tạo về “contemporary music” và trong tương lai gần tôi mong An Trần sẽ tiếp quản nó

Ở tuổi 11, ngoài những giờ học âm nhạc bài bản với bố, An Trần cũng như những cô bé cùng độ tuổi, thích hiphop (hiện đang học tại trường Soul Academy Music của ca sĩ Thanh Bùi), thích nghe nhạc của Sơn Tùng MTP và Tiên Tiên, thích các hoạt động thể thao đối kháng như võ thuật và chơi đùa với hai chú chó ở nhà. Hỏi điều gì khiến An Trần thích nhất khi chơi nhạc với bố, cô bé trả lời ngay không cần suy nghĩ, bố chơi jazz rất ngẫu hứng và thư giãn, nên con thấy thoải mái, không bị căng thẳng. 

Text: Hoang Long
Concept: Hiep Le Duc
Photo: Richard Vu
Producer: Dinh Nguyen
Make up: Justin Vu
Assistant: Ly Binh Son

Thực hiện: depweb

29/06/2015, 18:05