Thư gửi bố, chiến binh của lòng con - Tạp chí Đẹp

Thư gửi bố, chiến binh của lòng con

Giải Trí

Chiến dịch “Chúng ta là chiến binh!” của Đẹp khởi xướng đã và đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đẹp rất vui mừng, vì mỗi ngày lại nhận thêm những câu chuyện sẻ chia của bạn đọc gửi về tòa soạn. Chúng tôi xin lần lượt trích đăng từng câu chuyện về những chiến binh quả cảm ấy.

Đẹp tiếp tục mời bạn đọc viết về những chiến binh bạn gặp, bạn chứng kiến và cảm phục trong cuộc sống. Hoặc, bạn chỉ cần nhấn nút chia sẻ những bài viết trong dự án này. Như vậy bạn đã nhân lên tinh thần chiến binh đẹp đẽ, từ đó góp thêm một tiếng nói ủng hộ hàng triệu người đang phải đối diện với cuộc chiến chống lại những căn bệnh hiểm nghèo.

Xin trân trọng cảm ơn bạn!
Bài và ảnh xin gửi về địa chỉ email: toasoan@dep.com.vn

Bố ơi!

Đã hơn 4 năm rồi từ ngày bố ra đi. Một ngày thật quá bất ngờ đối với mẹ, với chúng con và có lẽ là cả bố. Ngày 20/8/2010 là kết thúc một khoảng thời gian kéo dài tới 1 năm 8 tháng bố cùng cả nhà chiến đấu với căn bệnh quái ác. Con cũng chẳng muốn nhắc nhiều về nỗi đau, vì nó vẫn còn ở đó, chẳng thể xóa đi.

Bố ạ, con muốn mình nói chuyện chúng ta đã đương đầu với “nó” như thế nào trong khoảng thời gian đó.

Bố biết có một “khối trong gan” một ngày trước khi bị ngã. Bố kể, bố đã ngồi lặng lẽ trong bóng tối suốt một đêm, vì hơn chục năm trước đây, bác đã ra đi cũng vì căn bệnh này. Một đêm đó, bố đã nghĩ những gì? Một ngày sau thì bố bị ngã trong khi sửa nhà, cú ngã làm dập gan. Đó mới là sự kiện để con biết, bố có một “khối trong gan”. Những ngày trong bệnh viện, con vừa biết bố bị dập gan, con vừa biết cái “khối” đó, nó án ngữ ngay cuống gan, ngay đường của động mạch với tĩnh mạch dẫn máu ra vào. Điều đó đồng nghĩa với việc không thể phẫu thuật, không thể nút mạch, mà cũng không có cơ hội xạ trị hay truyền hóa chất. Chúng ta chẳng có cơ hội nào. Cuộc sống của bố có thể kéo dài được 3 tháng, 1 tháng hoặc 1 tuần, chẳng ai biết trước được.

Cũng như tất cả các gia đình có người nhà bị bệnh khác. Chúng ta nghi ngờ, chúng ta không tin, chúng ta hy vọng và rồi chúng ta thất vọng. Và chúng ta đã sử dụng triệt để phương châm “có bệnh thì vái tứ phương”. Chúng ta đã có mặt ở các bệnh viện ở Hà Nội, làm lại các xét nghiệm từ đầu vì không thể tin vào sự thực đó. Con đã nghĩ tới việc đưa bố đi gặp một người có khả năng chữa bệnh tận Campuchia, tìm đến xạ đen, đến các ông lang xa xôi với hàng chục ki lô gam lá và rễ cây cho một thang thuốc. Tươi có, khô cũng có, đông trùng hạ thảo, mật gấu, nấm linh chi… bất cứ thứ gì nghe nói là tốt, chúng ta đều đã thử.

Trong suốt 18 tháng đó, bố kiên trì uống tất cả mọi loại thuốc, dù đắng tới đâu, dù mùi vị lạ tới như thế nào? Những tháng đầu, bố còn có dấu hiệu khỏe mạnh. Bố tập “Dịch cân kinh”, tập “Suối nguồn tươi trẻ”, bố tự đi xe máy để “dán thuốc” cách nhà tới 15 cây số đường đất với chiếc xe cũ kỹ. Bố không kêu ca, bố không oán thán. Bây giờ thì con hiểu, chẳng ai là không bi ai trước cái chết treo ngay trước mắt. Con hiểu cảm giác muốn được đưa tay mà “cào cấu” cái khối u quái ác đó ra khỏi cơ thể đến như thế nào? Nhưng bố đều giữ nó lại cho riêng mình.

Con biết có những bệnh nhân ung thư gan khác, họ vật vã đau đớn như thế nào, có những người đã tiêm hàng trăm mũi thuốc giảm đau ra sao. Nhưng bố, đã chiến đấu với nó bằng ý chí. Cho tới tận bây giờ, con và mẹ vẫn tự hỏi với nhau rằng: bố có đau đớn nhiều không? Bởi vì số lần bố kêu đau rất ít. Đến những ngày cuối cùng của cuộc đời (mà lúc đó chúng ta đều không biết và không hề nghĩ tới), bố vẫn phục vụ bản thân, tự giặt quần áo, tự mình sắc thuốc.

Chỉ khi bố cảm nhận chân trái của mình không còn cử động được, bố mới chấp nhận “nó” tới. Trong suốt thời gian sống cùng với khối u, bố không bao giờ nhắc tới cái chết, bố cũng không khiến cho gia đình nghĩ rằng bố sắp ra đi.

Bố biết không, con đã thay đổi rất nhiều từ khi bố ra đi. Con luôn luôn “sống” và “học cách để sống”. Những ngày tháng khó khăn đó, con không được chia sẻ thông tin nhiều như bây giờ, con không biết được sự cần thiết của sẻ chia đến như thế đối với người bệnh. Con nhiều lúc thậm chí còn nhát hèn, lẩn trốn khỏi nỗi đau đớn đó bằng cách khước từ nghĩ về nó. Bố đã nhiều lúc phải một mình, hoàn toàn cô đơn trên con đường đi đến ngày cuối cùng. Con muốn mang câu chuyện của bố đến cho những người bệnh khác và câu chuyện của con, cho người nhà của họ bố ạ. Và nếu có thể, thì mọi người kể cho nhau nghe, chia sẻ cho nhau cả thông tin, cảm xúc và nỗi đau. Để không ai phải cô đơn, như chúng ta đã từng, có được không bố?.

Nhung Nguyên
(Hà Nam)

logo

Thực hiện: depweb

05/12/2014, 11:21