Sinh nghề tử nghiệp với xiếc - Tạp chí Đẹp

Sinh nghề tử nghiệp với xiếc

Review

Chùm bài: “Nghệ thuật trong sách đỏ” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả các phác thảo qua ảnh về đời sống và tình yêu của những nghệ sĩ vẫn đang bám trụ với nghề, dù phải đối diện với nhọc nhằn, đau buồn từ nhiều năm qua. Những người thực hiện rất mong được góp một tiếng nói cảm thông, một sự nhìn nhận công bằng với những cố gắng của những người tạo ra cái Đẹp.

>> Bài liên quan:

Nghệ thuật không chết như tê giác Java
Dốc gan dốc ruột với tuồng
Người sót lại của nghề truyền thần

Tổ chức: Đinh Phương Linh 

Nhà văn Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh) từng có một tản văn dí dỏm có tên “Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề” viết về nghệ thuật xiếc, trong đó chị đặt ra câu hỏi: Vì sao lòng yêu nghề của diễn viên lại bị đem ra thử thách như thế này?: “lương thì thấp, người xem thì ít. Lại biết không chỉ diễn viên người mà cả “diễn viên” thú cũng bị thử thách, khi đi ngang qua chuồng voi, thấy voi mốc meo gầy guộc, đứng trong chuồng tối tăm; chuồng chó, chuồng ngựa lạnh lẽo, và chó xiếc trông nhem nhuốc như mấy con chó… nhà tôi.”

Tản văn đăng báo năm 2003 và in thành sách từ năm 2004, tới nay đã 10 năm, nhưng hiện thực đó không thay đổi được nhiều, nếu không nói là còn buồn hơn.

 

Dù phải học 5-7 năm, các nghệ sĩ xiếc chỉ được tính lương trung cấp. Hiện giờ, trong biên chế của Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 175 nghệ sĩ, còn 100 người đang phải kí hợp đồng. Hầu như các diễn viên đều từ các tỉnh khác về Hà Nội. Với mức lương đó, họ không đủ tiền thuê nhà để mong an cư, toàn tâm toàn ý với nghề.

Chế độ cho các nghệ sĩ xiếc đang bị đánh đồng với các môn nghệ thuật khác, cho dù môn này phải khổ luyện hàng ngày và sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. Ngay từ khi mới 7, 8 tuổi, các diễn viên đã phải bẻ xương cốt. Nếu biểu diễn trụ nặng thì họ sẽ bị giãn cột sống, vỡ bắp, còn bệnh phổ biến nhất ở trong nghề này là thoái hóa, gai cột sống.

 

Nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn huấn luyện cho một “diễn viên” chó

NSƯT Tạ Duy Nhẫn năm nay 59 tuổi. Ông là con trai của NSND Tạ Duy Hiển, người sáng lập ra ngành xiếc Việt Nam. Nghệ sĩ Duy Nhẫn gắn bó với nghề xiếc từ năm lên 9 tuổi. Trước đây, ông biểu diễn tiết mục cầu bật, đế trụ, xe đạp chồng người… Tới năm 1979, khi nhà nước Mông Cổ tặng cho Việt Nam 11 con ngựa, ông chuyển sang làm xiếc thú.

Hiện tại, nghệ sĩ Duy Nhẫn phụ trách biểu diễn xiếc voi, xiếc khỉ và dàn dựng các tiết mục khác. Chỉ còn 1 năm nữa là nghỉ hưu, nghệ sĩ Duy Nhẫn tâm sự rằng thế hệ làm nghệ thuật của ông đã qua rồi. Nghề xiếc là nghề cần khổ luyện, nhưng chất kĩ xảo của nghề bây giờ không còn nữa, vì lớp nghệ sĩ mới không khổ luyện như xưa.

Theo ông Nhẫn, cũng như nhiều sân khấu khác, xiếc cũng rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Chế độ cho nghệ sĩ xiếc đòi hỏi họ phải có bằng đại học mới được lương cao hơn, nên người diễn viên sẽ đi học, ví dụ như học các ngành Quản lý văn hóa, Đạo diễn… thay vì tập trung cho các tiết mục. 

 

Hiện giờ, lương của nghệ sĩ Duy Nhẫn cũng rất thấp, vì ông chưa có bằng đại học. Cả đời, ông không làm thêm gì khác vì làm nghệ thuật mà không toàn tâm toàn ý thì không thể có thành tựu. Mỗi ngày ông Nhẫn dành 7-8 tiếng với con thú. Ông chia sẻ: “Nếu kinh tế gia đình không ổn định, tâm lý người diễn viên không vững thì con thú cũng nhận ra và không nghe lời”.

Những con thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng là những nghệ sĩ, nhưng từ nhiều năm nay, chúng chỉ được ở “khách sạn” trước khi lên sân khấu biểu diễn mà không có môi trường rộng rãi, có sinh thái để con vật được sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Những con thú hoạt động nghệ thuật trong ngành xiếc khác những con thú trong vườn thú, vì chúng cũng bị đau khi tập luyện giống như người diễn viên, nhưng chúng lại không biết nói.

 

 

Theo nghệ sĩ Duy Nhẫn, người diễn viên phải nắm bắt được tâm sinh lý của con vật và phải rất nhạy cảm. Để huấn luyện thú, người diễn viên phải kiên trì đầu tư nhiều thời gian. Tập động tác khỉ đi xe đạp mất 1 năm, sau khi con vật đã lên sân khấu, người diễn viên còn phải mất thêm 2 năm nữa để “nghệ sĩ khỉ” biểu diễn điêu luyện.

Chị Tạ Phương – con gái của nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn

Cả gia đình nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn gắn bó với ngành xiếc. Vợ của ông là nhạc công trong dàn nhạc của Liên đoàn Xiếc. Con trai ông là nghệ sĩ biểu diễn tiết mục hãm tay trên chồng ghế, nay chuyển sang dạy khỉ vì bị đau thượng vị do tập luyện. Con gái cả của nghệ sĩ Duy Nhẫn là chị Tạ Phương, là nghệ sĩ đu dây dọc nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

 

Nghề xiếc có đặc thù riêng. Ngoài chuyện phải tập luyện vất vả hàng ngày, môn nghệ thuật này có sự nghiệt ngã khủng khiếp: nếu bị tai nạn, người diễn viên có thể bị mất mạng.  Năm 2003, chị Tạ Phương con gái nghệ sĩ Duy Nhẫn bị tai nạn phải bỏ nghề.

 

Anh Trần Quang Vĩnh tập luyện với ngựa

Anh Trần Quang Vĩnh, 34 tuổi nhưng đã có gần 20 năm trong nghề. Anh tốt nghiệp ngành nhào lộn, nhưng từ năm 2001 anh chuyển sang biểu diễn với ngựa. Đây là môn dành cho những người cá tính mạnh, yêu thích sự tự do. Anh Vĩnh say mê cảm giác hưng phấn khi được cưỡi trên lưng ngựa.

 

Anh Vĩnh tâm sự: tập luyện với ngựa, chuyện gặp chấn thương là rất bình thường, chỉ là chuyện nặng hay nhẹ mà thôi.

 

Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa được huy chương Vàng ở Liên hoan Xiếc quốc tế tại Pháp. Sau nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt, các nghệ sĩ xiếc được thưởng 2 triệu đồng.

Bài: Phương Linh

Ảnh:  Anhcz95

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

22/10/2013, 16:56