Ns. Quốc Trung: Chẳng biết kiếm cơm cách gì khác - Tạp chí Đẹp

Ns. Quốc Trung: Chẳng biết kiếm cơm cách gì khác

Giải Trí

– Dạo này gặp anh rất khó, anh bận rộn cho dự án nào thì phải?

– Đây là chương trình rất quan trọng của tôi – Nguồn cội, dự án tiếp theo của Đường xa vạn dặm. Vẫn kết hợp chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, nhưng lần này ngoài nhóm nghệ sĩ dân tộc đã tham gia Đường xa vạn dặm, có thêm các nghệ sĩ Thanh Lam và các nghệ sĩ quốc tế: nghệ sĩ Dhafer Youssef (Tunisie), Rhani Krija (Maroc) – chơi bộ gõ của ca sĩ nổi tiếng Sting. Chúng tôi có chừng 10 ngày trước khi diễn đêm duy nhất ở Nhà hát lớn 1/9. Đây chỉ là buổi diễn đầu tiên của dự án, sau đó chúng tôi làm 2 album Nguồn cội của tôi, album còn lại của Thanh Lam. Sang năm, nhóm sẽ quay trở lại diễn để quảng bá cho album và biểu diễn ở các festival âm nhạc châu Âu.

– Hẳn anh phải dẹp bớt công việc khác?

– Đáng ra phải dẹp từ lâu rồi chứ, nhưng vì vướng nhiều chương trình khác đâm ra bây giờ tương đối vội. Tôi muốn tập trung mấy tháng trước, nhưng vừa rồi cũng phải làm xong show Cầm tay mùa hè rồi mới tính tiếp.

Tuy từng mức độ tham gia các chương trình, công việc nào cũng là của mình. Nhưng đây là dự án của cá nhân, phải lâu lâu hội tụ nhiều yếu tố mới thực hiện được. Hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài, đẳng cấp, nổi tiếng như thế thì buộc đáp ứng nhiều yếu tố thì họ mới đồng ý.

– Ca sĩ Siu Black rút khỏi Việt Nam Idol, anh vẫn ở lại ngồi ghế nóng, có vẻ anh khá vững tâm?

– Ngoài công việc ra còn là mối quan hệ với nhà sản xuất, hỗ trợ nhau về công việc. Trong kế hoạch của tôi, từ tháng 9 trở đi chỉ tập trung làm album nên tôi đủ thời gian tham gia chương trình.

– Anh không thấy làm giám khảo ở Việt Nam khá phũ phàng, bạc bẽo?

– Tôi thì tôi không có gì quá căng thẳng, phức tạp. Miễn sao mình nói những gì mình cho là đúng, có lợi cho sự nghiệp âm nhạc của cộng đồng thì thoải mái, chứ không căng thẳng hay lo sợ gì cho lắm.

 

– Anh có coi giám khảo là nghề, bởi có lần anh bảo không biết cách kiếm cơm gì khác ngoài âm nhạc?

– Tôi không biết buôn bán hay làm gì khác ngoài làm nhạc thật mà. Còn giám khảo, tôi nghĩ nó chưa bao giờ trở thành nghề chính thức. Giám khảo các cuộc thi đòi hỏi kiến thức rất quan trọng, cao siêu trong âm nhạc thì họ đều là nhà giáo, giáo sư, nghệ sĩ biểu diễn cả. Giám khảo dựa theo kiến thức cũng như kinh nghiệm, và là công việc mà những người có kiến thức, có ý thức đóng góp cho cộng đồng. Ngày này những show truyền hình ngoài đóng góp kiến thức, giám khảo cũng biết biểu diễn, gây hấp dẫn nữa.

Đối với tôi làm giám khảo nghệ thuật không có gì căng thẳng. Chẳng qua người ta lấy ông nhạc sĩ đi chấm múa, người múa đi chấm hát, thành ra hoàn toàn bằng cảm tính. Mà khi cảm tính, người ta hoàn toàn không đủ lí lẽ hay kiến thức để xử lý được lĩnh vực ngoài chuyên môn. Nhưng đó là các show truyền hình thực tế có tính giải trí nhiều hơn.

– Ngồi ghế giám khảo, anh có bao giờ nghĩ giảm lượng fan?

– Tôi rất trân trọng sự yêu quý của khán giả dành cho mình. Nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm, để ý, coi trọng chuyện giữ, “nuôi” fan. Điều mình làm là phải có dự án âm nhạc, nghệ thuật có chất lượng. Mình không phải ngôi sao, ca sĩ để phải có fanclub, họp mặt fan… Tiêu chí hoạt động và con đường làm việc của tôi không có những thứ ấy, và tôi cũng không có đủ thời gian.

 

– Anh coi trọng dự án có tính nghệ thuật cao. Chương trình Nguồn cội sắp tới hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế có khác nhiều với các dự án trong nước?

– Thực ra phải đặt vấn đề làm trong nước khác nhiều với làm cùng nghệ sĩ nước ngoài thế nào. Tôi cũng từ rất sớm được làm việc với nghệ sĩ quốc tế, học tập nhiều nhưng khi quay trở lại làm việc với nghệ sĩ VIệt Nam đều gặp khó khăn. Bởi vì Việt Nam mình quá thiếu cọ sát cũng như không có môi trường hoạt động: Rất ít nghệ sĩ đến Việt Nam biểu diễn, lâu lâu mới có, mà thường đi theo đường giao lưu, do nhà tài trợ mời chứ không phải do môi trường hoạt động, hay do có nền công nghiệp biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp.

– Không ít người nói ra nói vào thể loại World Music anh theo đuổi, những bước đi chắc chắn của anh phải chăng chứng minh lựa chọn của mình?

Tôi không khẳng định, chứng minh gì cả. Nghệ thuật là sự lựa chọn mỗi cá nhân. Mình làm những gì mình thích, và nghĩ là mình làm tốt. Chọn lựa không ai bắt ép, chọn lựa riêng cần được tôn trọng, nên không có lí do gì mình phải chứng minh lựa chọn của mình đúng sai. Quan trọng trên con đường ấy, khi chọn lựa rồi thì mình cảm thấy những khả năng tốt nhất mình có. Nghệ thuật mà cứ mải đi chứng minh cho mọi người thấy mình là cái gì, mình như thế nào đôi khi tạo ra những sự lệch lạc, mâu thuẫn. Nghệ thuật cần có sự tự tin đúng mực.

– Gần đây, anh có vẻ bình tĩnh khi dư luận xôn xao về thảm họa Vpop. Anh có cách nhìn riêng?

– Ở Việt Nam cũng hay làm quá đi. Đối với tôi, thảm họa đấy không phải lỗi chính do người làm ra. Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao thảm họa đó lại có cơ hội và được mọi người để ý đến thế? Bởi vì một trong những bản chất của nghệ thuật là sự tự tin của nghệ sĩ. Ai làm ca sĩ cũng nghĩ mình hát hay, ai sáng tác cũng tự tin bài hát mình hay. Chính vì thế, nghệ sĩ đôi khi mất khả năng tự kiểm sản phẩm của mình, đánh mất tỉnh táo nên việc của người làm truyền thông, nhà sản xuất âm nhạc phải biết định hướng cũng như kiểm định sản phẩm có đủ đưa ra công chúng hay không.

– Anh cũng gặt hái nhiều thành công nhờ việc nhạc phim. Giữa ca khúc và viết nhạc phim, anh thích cái nào hơn?

– Tôi viết nhạc phim khá sớm, từ năm 1992. Viết nhạc phim thuộc lĩnh vực tôi thích, nhạc không lời và mang nhiều hình ảnh. Ngoài yêu thích ra đó cũng là thế mạnh cho những người chuyên khí nhạc, nhạc không lời như tôi. Còn viết ca khúc phụ thuộc vào cảm hứng, yêu cầu công việc. Những ca khúc tôi viết thường gắn liền với yêu cầu, dự án âm nhạc ca sĩ cần có những bài hát này khác, chứ tôi không có nhiều thời gian chờ cảm hứng.

 

– Nhiều ca khúc của anh âm hưởng buồn, do anh buồn nhiêu hay vì buồn nên dễ hay?

– Cảm giác buồn nhưng trong đó không ủy mị. Thứ hai cảm giác buồn thuộc về cá tính riêng của từng người, làm đúng với bản ngã của mình. Bây giờ bảo làm nhí nhảnh, sôi nổi trong khi tôi là người trầm tính thì rất khó.

– Hình như ngoài nhạc, anh cũng khá đam mê chụp ảnh?

– Đến giờ tôi vẫn thích, nhưng nhiều khi đi xa vác cả đống máy lích kích quá. Với lại, mắt không còn tinh nữa, mỗi lần chụp xong thấy mắt kém đi nhiều (cười). Nên tôi thường dùng máy nhỏ hơn là máy to như ngày xưa.

– Anh sáng tác theo cảm hứng hay có nghiên cứu bài bản?

– Tôi chỉ thích chụp phong cảnh, nhất là hoàng hôn vì bình minh rất khó dậy sớm (cười). Đấy không gọi là sáng tác được. Chỉ là tôi thích thì chụp, và xử lý ảnh theo cách mình thích, rồi rồi mang nhiều tính kỷ niệm. Tôi cũng có đọc sách, tìm hiểu các quy tắc xử lý ánh sáng, tốc độ chụp này nọ.

– Quá bận như thế, anh có còn thời gian cho con cái?

– Nghỉ hè, tôi đưa con đi nghỉ một tuần, tất nhiên bận nhưng vẫn phải có thời gian dành cho con cái. Bây giờ tôi cũng phải chăm sóc, để ý dạy dỗ con cái về âm nhạc và nhiều thứ khác. Tôi nghĩ đấy là việc bình thường, quan trọng người ta nghĩ đấy là việc phải làm thì làm được thôi. Bận mấy thì bận phải có những buổi tối về ăn cơm với con. Ai đó nói không có thời gian cho con cái, chỉ là lí do thế thôi. Nói như thế cũng đồng nghĩa mình phải làm việc khuya nhiều hơn.

Cảm ơn anh!

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

01/08/2012, 09:32